Rời khoảng thời gian thực tập, nửa năm sau, tôi được phân công
về giảng dạy ở một ngôi trường cấp ba rất trẻ, có một đội ngũ giáo viên cũng còn
rất trẻ. Nói ngôi trường trẻ vì nó vừa được
thành lập cách đấy không lâu: Số lớp học
có thể đếm được trên đầu ngón tay, còn số giáo viên cũng chỉ nhỉnh hơn một chút
và hầu như chỉ toàn là giáo viên nam. Ngoài
thầy hiệu trưởng và một vài giáo viên dạy môn Văn đến từ miền Bắc, còn lại đều
là người miền Nam. Ngày về trường, cho đến khi rời xa vài năm
sau đó, tôi vẫn là một trong vài giáo viên trẻ nhất trường. Các giáo viên còn lại cũng không lớn tuổi hơn
nhiều lắm. Người lớn nhất có lẽ là thầy
hiệu trưởng với lứa tuổi xấp xỉ bốn mươi.
Đó là một người đàn ông hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ, phải sống xa gia đình
nên có vẻ rất cô đơn.
Nhớ lại cái tập thể nhỏ bé chỉ khoảng hơn chục con người ấy,
tôi cũng thấy có chút bồi hồi. Dẫu không
quá thân thiết, nhưng chúng tôi đã chia sẻ cùng nhau những kỷ niệm dấu yêu ở buổi
đầu còn sơ khai của ngôi trường ấy. Có
trải qua những phũ phàng và nhẫn tâm của nhân thế ở những đoạn đời về sau, khi
nhìn lại, tôi mới nhận ra một điều là: Chúng
tôi chưa bao giờ đối xử với nhau quá tệ, ngay cả trong lúc có những đối kháng nảy
sinh, tưởng chừng như rất dữ dội. Ngoài
mặt, đôi khi làm ra vẻ lạnh lùng, hờ hững với nhau thế thôi, chứ thực ra trong
lòng, chẳng ai ghét bỏ gì nhau.
Đa số các thầy giáo đều hiền. Vả lại, còn trẻ mà, tuổi tác lại không cách biệt
nhau lắm, nên sự cảm thông cứ đến rất đỗi tự nhiên. Đôi lúc không thân nhau chỉ vì khác biệt nhau
về cách sống và về suy nghĩ, thế thôi.
Những lúc có gì mâu thuẫn với nhau, thì chỉ một vài lời nói không hay ở
phía sau lưng đã là quá lắm, chẳng ai đi xa hơn giới hạn đó. Có thêm một lý do này nữa cho sự cảm thông: Trong mười mấy số phận con người cùng làm cái
nghề giáo ấy, nhìn kỹ lại, ai cũng nhận ra ẩn khuất sâu kín trong lòng mỗi người
là một nỗi buồn tái tê hay một nỗi lo đau đáu nào đó.
Người quê tận miền Bắc phải sống cảnh tha phương, mỗi năm chỉ về quê được
một bận. Người có gia đình, nhọc nhằn lo
nỗi lo cơm áo. Còn các thầy giáo trẻ mới
ra trường như tôi, lòng cưu mang những nỗi buồn vời vợi, có tên và không tên, của
tuổi trẻ vốn lãng mạn và nhiều suy tư.
Thầy hiệu trưởng cô đơn:
Nhớ về các đồng nghiệp cũ, người mà tôi nghĩ đến nhiều nhất
là thầy hiệu trưởng. Giữa thầy và tôi chưa
bao giờ gắn bó hay thân thiện với nhau. Có
nhiều lý do cho điều đó. Một trong những
lý do đó có lẽ là vì chúng tôi khác biệt nhau quá: Trong khi tôi kiêu hãnh và mạnh mẽ, thì thầy
lại phần nào quá hiền lành và nhu nhược.
Dẫu không hẳn là yêu nghề giáo, nhưng tôi thực sự quan tâm đến học sinh
cũng như chất lượng học tập của chúng. Trong khi đó, với thầy, chỉ cần quan hệ
gần gũi và thân cận với thầy thì muốn dạy dỗ ra sao cũng được. Điều đó đã đưa đến việc có giáo viên chỉ đi dạy
cho có mà thôi, và có lớp học bị bỏ bê đến nỗi nhìn đám học sinh bơ vơ mà thấy
tội nghiệp. Có lẽ thái độ quan tâm không
đúng mức đối với tình hình giảng dạy cũng như học tập trong nhà trường của thầy
là ngăn cách lớn nhất giữa thầy và tôi:
Nó khiến tôi cảm thấy bất mãn thầy.
Tuy vậy, khi nghĩ lại, tôi vẫn thấy có chút áy náy là: Dẫu có như thế nào, tôi cũng nên thông cảm với
thầy hơn và hiểu rằng thầy rất cô đơn.
Có sự việc này xảy ra, có liên quan trực tiếp đến thầy và tôi. Đúng hơn, phải gọi sự việc đó là một biến cố,
mà câu chuyện về nó sẽ được tôi đề cập đến rõ hơn ở những phần sau. Sau biến cố ấy, tôi nhận được tờ giấy đình chỉ
việc giảng dạy của tôi từ phía nhà trường, tức là từ phía thầy. Theo lẽ thường,
giáo viên bị đình chỉ sẽ hoặc thỏa hiệp với ban giám hiệu, hoặc phản kháng với
quyết định ấy. Riêng tôi, tôi chẳng làm
gì, cũng chẳng nói gì cả. Tôi kiêu hãnh từ
chối luôn cả việc nói chuyện, khi ban giám hiệu tìm đến. Cái kết cục cho sự việc ấy đã làm tôi, khi
nghĩ lại, cảm thấy khá buồn cười: Thật "ngộ
nghĩnh" làm sao khi người bị đình chỉ chẳng lo lắng gì, mà người lo lắng lại
chính là người ra quyết định đó, tức là thầy. Sau một tuần lễ, không thấy tôi nói
gì hết, có lẽ thầy sợ rằng tôi bỏ dạy luôn, nên đã tìm cách triệu tập tôi trở lại
giảng dạy tiếp. Dẫu rằng, tôi đã quay lại
để giảng dạy tiếp lần đó, nhưng đúng như thầy dự cảm, chỉ một thời gian sau, tôi
đã chẳng bao giờ còn quay trở lại nữa.
Trong mối quan hệ với thầy ngày ấy, tôi cứ luôn nghĩ rằng thầy
không thích tôi, nhưng có lẽ thực tế không hẳn là như vậy. Tôi đã nghĩ vậy là vì tôi chưa bao giờ tỏ ra
quan tâm đến thầy. Hơn nữa, với bản tính
bất cần và khí khái của tuổi trẻ, tôi còn nhiều phen làm thầy phải nhức đầu lắm. Lúc ấy tôi còn quá trẻ để hiểu được thầy, nên
có lẽ thầy đã hiểu tôi nhiều hơn. Nhớ có
lần trong một bữa tiệc rượu thân mật chỉ gồm các thành viên của nhà trường, thầy
đã nhìn vào tôi rồi nói với chung quanh, với một giọng vừa trìu mến, vừa ngậm
ngùi rằng: "Tội nghiệp thằng N.! Người như nó mà phải chôn chân ở cái xứ này." Tôi không còn nhớ rõ mình phản ứng ra sao khi
nghe thầy nói thế, nhưng giờ nghĩ lại thấy thương thầy quá. Thầy đã hiểu tôi lắm. Thầy đã nhìn thấy được trong những tháng ngày
ấy, tôi sống như một người hấp hối, lạc lõng và cô đơn giữa một thế giới không
phải thuộc về mình.
Phố biển điu hiu:
Gọi phố thị nơi có ngôi trường tôi đi dạy tọa lạc là phố biển
vì nó cách biển không xa lắm, chỉ vài cây số lẻ. Và vì gần như thế nên gió biển cứ như luồn
lách vào từng khe ngõ của vùng phố thị nhỏ, quanh năm im lìm với một nhịp sống
chậm rãi và buồn tẻ. Chỉ những ai đã từng
gắn bó thật thiết tha với biển, đã từng uống những ngụm nước mặn đắng của biển,
đã từng nghe được tiếng gió biển thổi vi vút tận trong sâu thẳm tâm hồn mình, mới
có thể cảm nhận được rằng: Gió biển kỳ lạ
và huyền nhiệm quá! Gió đong đầy một thứ
hương vị tươi mát làm hồi sinh lòng người, làm con người chợt nghĩ về một bầu
trời cao rộng với những cánh diều bay nhởn nhơ giữa những chiều trời lộng gió.
Thế nhưng, tiếng gió thổi mới hiu hắt làm sao. Nó lượn lờ, vi vút ở giữa một khoảng không
gian cao rộng với những giai điệu u trầm, tưởng như xa thẳm, nhưng lại cứ xoáy
mạnh vào hồn. Nó ru buồn cả một vùng phố
thị đìu hiu, lặng lẽ, vốn là nơi sống của những người dân mộc mạc và giản đơn, suốt
tháng quanh năm chỉ quẩn quanh chuyện "cơm, áo, gạo, tiền". Tuy vậy, khi mùa đã sang, gió chướng đã về, gió
bỗng giật từng cơn liên hồi. Đi kèm với
những cơn co giật của gió là những thanh âm gào rú rất lạ và cái tiết trời lành
lạnh, không lạnh đến nỗi làm buốt giá, mà chỉ đủ lạnh để gợi khơi những thèm khát
ấm nồng thật da diết, nơi những con người còn cô lẻ. Người vui khi nghe gió co giật, gào rú như thế,
thì bảo rằng gió đang cười ngả ngớn với nhân gian, khi một năm mới nữa lại sắp
bắt đầu. Người buồn cảm thấy như gió đang
nói hộ lòng mình về những u hoài bão loạn, đã chất chứa từ lâu, tận trong sâu
thẳm tâm hồn.
Tôi đã sống giữa phố biển đìu hiu với thứ tâm tư u hoài bão
loạn đó. Sống như một người khách lạ: Mọi người chỉ nhìn thấy thôi, chẳng quen biết
bao giờ. Tôi chỉ giao tiếp và đi cùng với
học sinh, hay thảng hoặc hơn là với các đồng nghiệp. Tôi hiếm khi tiếp xúc với ai ngoài xã hội. Không hẳn là vì không muốn, mà chỉ là vì tôi cảm
thấy mình không nói cùng một thứ ngôn ngữ với họ, và nếu phải nói, tôi e rằng mình
chẳng biết nói gì nhiều. Đã có nhiều lần
tôi lang thang giữa phố thị ấy giữa những cơn mưa tầm tã. Cũng chẳng biết mình đi về đâu và tìm kiếm gì,
nhưng vẫn cứ đi, theo sự thôi thúc của nỗi buồn. Những người dân ngày ấy thấy được, có lẽ đã lấy
làm ngạc nhiên lắm, và không khỏi lấy làm băn khoăn về con người mà họ luôn cảm
thấy thật xa vời ấy.
Trên bục giảng buồn:
Chiều lại chiều qua, trên bục giảng cao cao và giữa làn bụi
phấn sương mờ, tôi đứng hóng những cơn gió biển luồn qua những khung cửa sổ, và
thổi vào hồn mình lồng lộng. Có đôi khi,
tôi dừng lại giữa những tiết giảng và lắng nghe tiếng gió thổi thật sâu ở tận
trong những góc khuất của tâm hồn. Lớp học
im ắng quá. Thường thì lớp học nào tôi dạy,
học sinh cũng luôn im lặng và lắng nghe.
Trong cái im ắng ấy, tôi nghe rõ tiếng rơi của giọt máu, rỉ ra từ nỗi
buồn hoang dại trong trái tim mình. Trong
suốt đoạn đời tôi làm thầy giáo ấy, tôi ý thức được rằng, trong lòng mình luôn hiện hữu một nỗi buồn thật
sâu thẳm và mênh mông. Với tôi, bục giảng sao buồn quá!
Tôi tự nói với mình rằng, rồi mình sẽ đứng đây, ngày này
sang ngày khác, rao giảng lại những lời kinh quen thuộc, mà tôi vốn đã thuộc lòng
từ những ngày còn học phổ thông. Và tôi
sẽ đứng rao giảng miệt mài như thế, cho đến khi trở thành một... thầy giáo già. Có lẽ hình ảnh "thầy giáo già" là một
ám tượng mà tôi luôn muốn lảng tránh. Không
phải vì nó có gì không đẹp hay không hay.
Trái lại, nó còn là hình ảnh thiêng liêng đáng được tôn thờ. Nhưng có một sự thật hiển nhiên là: Cái hình ảnh ấy thường đi đôi với sự nghèo
khó, bệnh tật và... sự thương hại. Nghèo
khó chẳng có gì đáng để xấu hổ. Bệnh tật
âu cũng là lẽ thường. Nhưng tôi vốn là
người quá kiêu hãnh để có thể chấp nhận bất kỳ sự thương hại nào, nhất là khi nó
lại xuất phát từ chính những đứa học trò thân yêu, vốn đã từng xem mình như một
mẫu hình thần tượng.
Nói đến điều này, tôi lại nhớ đến hình ảnh của thầy dạy Văn,
hồi tôi học năm lớp 9. Ngày ấy, thầy chưa
già, thầy luôn đạo mạo và chỉn chu trong y phục mỗi khi đến lớp. Khi tôi trở thành thầy giáo, cũng chính là lúc
tôi bắt gặp lại thầy ngồi ủ rũ, lặng câm bên bàn vé số trong những quán cà phê
đông người, hỗn tạp. Trên người thầy,
chiếc áo ngày xưa thầy mặc trên bục giảng, giờ đã bạc phếch, sờn vai. Tôi cảm thấy rất bất ngờ và hụt hẫng, chẳng
biết phải ứng xử ra sao. Làm ngơ thì không
đành, vì thấy mình lỗi đạo. Còn muốn chào
hỏi thầy, thì lại sợ làm thầy tủi hổ thêm, khi gương mặt thầy đã trở nên lạnh băng
sau lớp kính cận dày, và ánh mắt thầy đã u buồn lảng tránh.
Tiếng chim hót trong bụi mận gai:
Càng buồn bao nhiêu, tôi lại thấy mình giảng dạy càng tận tình
và hăng say bấy nhiêu. Thái độ giảng dạy
ấy càng làm học sinh tin yêu và ngưỡng mộ tôi hết lòng. Chúng nhìn vào tôi để có động lực học tập. Chúng tìm đến tôi để được chia sẻ và bảo
ban. Ngay từ khi còn ở cuối cấp hai, chúng
đã nô nức kháo nhau mong đợi đến ngày được lên cấp ba, với hy vọng được làm học
sinh lớp tôi chủ nhiệm. Tôi biết được điều
đó qua những tâm tình mà các em thố lộ. Nhưng
không ai biết được rằng, đằng sau thái độ tận tình và hăng say ấy, ngoài trách
nhiệm nghề nghiệp, còn có một lý do sâu xa khác: Tôi muốn dìm chết nỗi buồn - cái nỗi buồn huyền
bí và ma mị:
Buồn như ly rượu cạn,
không còn rượu để say."
Như một nỗ lực để chiến đấu chống lại nỗi buồn mênh mông ấy
trong lòng mình, trên bục giảng cao, tôi dồn hết mọi sức lực mình còn có được vào
trong lời giảng. Tiếng tôi giảng bài
vang lên lồng lộng, như muốn thẩm thấu thật sâu và ở lại mãi mãi trong óc,
trong tim của những đứa học trò ngồi bên dưới. Lời giảng ấy khuấy động những buổi sáng tinh sương,
những buổi trưa oi nồng và những buổi chiều êm ả. Tôi miệt mài cất cao giọng mình như thế cho từng
bài giảng trên bục cao, như thể mỗi bài giảng là một bài hát cuối đời, mà có giống
chim thường líu lo hát trong bụi mận gai, líu lo hát với máu nhỏ từng giọt xuống
bờ ngực hấp hối. Với động thái ấy, tôi tự
đánh lừa mình, với huyễn tưởng rằng khi sức mình đã được vắt cạn kiệt, nỗi buồn
chắc hẳn cũng co quắp và tàn rũ theo.
Lá thư chiều mưa và tình yêu huyền thoại:
Tôi đi học sớm một năm nên ngày tôi ra trường và đi dạy, so
với các học sinh, khoảng cách tuổi tác thật ngắn. Có thể chính khoảng cách ngắn ngủi ấy đã đôi
khi làm nhạt nhòa cái lằn ranh biên giới giữa người dạy và người học. Ngoài việc giảng dạy trong trường, tôi còn nhận
lời đến dạy kèm cho nhiều nhóm học sinh tại nhà. Tôi nhận lời dạy và dạy nhiều, không hẳn vì
tiền, mà chỉ vì tôi muốn giết thời gian - cái thứ thời gian mà tôi luôn cảm thấy
nó trôi qua một cách hết sức chậm chạp.
Những đồng tiền kiếm được ấy đã được tôi dùng chủ yếu để đốt cháy cuộc đời
mình, qua những điếu thuốc thơm liên tục cháy vàng tay, đi kèm theo những ly cà
phê đá đắng nghét và đậm đặc, làm đắng thêm cuộc đời làm thầy vốn đã đắng lắm của
mình, khi chưa một lần hình dung ra được tương lai mai này mình sẽ ra sao.
Vào một buổi chiều mưa rơi tầm tã, có một em học sinh nam băng
mình trong mưa đến tìm tôi để trao cho tôi một lá thư và muốn tôi xem nó
ngay. Em học sinh nam ấy là học sinh lớp
tôi chủ nhiệm. Còn lá thư là của chị của
em ấy - một học sinh mà tôi chỉ dạy kèm để luyện thi đại học thôi, chứ không đứng
lớp dạy trong trường, ngoại trừ một số buổi dạy thế cho giáo viên bộ môn bận việc. Với một thái độ ngạc nhiên, tôi vội mở lá thư
ra xem và ngay dòng đầu tiên đã làm tôi cảm thấy khá "sốc": "Thầy
kính mến! Lần đầu tiên xin cho em được
gọi thầy bằng anh..." Tôi đọc
xuyên suốt lá thư và có cảm giác như mình đang nằm mộng giữa ban ngày.
Trong thư em thổ lộ tình cảm của mình và cho biết, hiện giờ,
em đang bệnh rất nặng, em tha thiết muốn được gặp tôi. Dù trời còn đang mưa to, tôi cũng cố gắng đến
để gặp em như điều em muốn. Khi đến, hình
ảnh tôi bắt gặp là hình ảnh em đang nằm trên giường bệnh với ánh mắt đầy tuyệt
vọng.... Đó cũng là lần sau cuối em và tôi gặp mặt nhau. Tôi không nhớ rõ việc không còn gặp gỡ ấy chỉ
là một sự vô tình của cuộc sống, hay em đã cố tình tránh mặt tôi, sau phút giây
nông nổi vừa qua. .
Đó là lần đầu tiên tôi phải đối mặt trực diện với lời tỏ tình
từ một học sinh nữ, nhưng đó không phải là lần duy nhất. Lời tỏ tình thứ hai tôi nhận được diễn ra rất
lâu sau đó, khi tôi không còn là một thầy giáo nữa và đã lìa quê hương lâu rồi,
nay mới trở lại. Lời tỏ tình lần này, thậm chí, còn mang nhiều dáng vẻ
huyền thoại hơn. Sau nhiều nỗ lực liên lạc
của em, cuối cùng, em và tôi đã hội ngộ nhau trong một quán cà phê vắng vẻ ngay
trên phố biển năm nào. Trong làn gió biển
quen thuộc và gợi nhớ da diết những năm tháng xưa cũ, em đã thầm thì với tôi về
mối tình lặng câm mà em đã ôm ấp trong suốt mười năm qua. Em tha thiết muốn gặp tôi lần này chỉ để bày
tỏ điều đó mà thôi. Một lần rồi thôi, vì
em giờ đã không còn là người của thế gian trần tục này...
(Còn tiếp)
07/10/2012
Jeffrey Thai
No comments:
Post a Comment