Hình ảnh người thầy:
Trong suốt đoạn đời làm thầy giáo của mình, thường thì người thầy nào cũng nhận được khá
nhiều sự ngưỡng mộ từ các em học
sinh, nhất là các em học sinh nữ. Tuy
nhiên, có điều cần được làm rõ ở đây là:
Thứ tình cảm ấy không hẳn là tình yêu trai gái. Chỉ cần có một chút tỉnh táo và lương tâm chức
nghiệp, những người đứng trên bục giảng có thể nhận ra được rằng đó chỉ là những
rung động non trẻ đầu đời trước cái đẹp của hình ảnh người thầy. Hình ảnh người thầy đẹp vì nó vừa mang phong
thái uy nghi của một người nhận lãnh sứ mệnh trao truyền tri thức, vừa thấp thoáng
dáng nét lãng mạn của một vị "bạch mã hoàng tử" trong mộng. Chính vì thế, nó có sức quyến rũ mạnh mẽ đối
với những tâm hồn mới lớn. Những xúc cảm
đầu đời ấy vốn tinh khôi, trong lành và mong manh như những giọt sương trên lá
cành buổi sớm, nên sự vượt quá giới hạn có thể ví như những ngọn gió ban mai lay
động, có thể vô tình làm vỡ tan đi tất cả.
Làm một người thầy, tôi luôn nhắc nhở mình đừng bao giờ lãng quên
trách nhiệm giữ gìn hình ảnh bản thân. Tôi
ý thức được rằng sự giữ gìn ấy không chỉ là vấn đề cá nhân, mà còn là trách nhiệm
và bổn phận. Trong khi việc bỏ tiết dạy
là điều xảy ra khá thường xuyên đối với một số giáo viên, tôi chưa bao giờ bỏ dạy
một tiết học nào, thậm chí còn dạy thêm giờ phụ đạo. Chỉ có một lần duy nhất thôi (vào những ngày
tháng sau cuối), tôi đến lớp trễ mười phút.
Trong mười phút đợi chờ ấy, có lẽ học sinh đã ngạc nhiên lắm vì đó là
chuyện lạ, chưa bao giờ xảy ra. Mà đúng
là chuyện lạ thật, khi tôi không thể dậy nổi đúng giờ để đến lớp. Đành rằng đêm qua, cơn say có mê mải và niềm
tuyệt vọng có ngập đầy, nhưng ngay cả ở những lần như thế, tôi cũng chưa bao giờ
dậy muộn. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn
nhớ như in cái vẻ thảng thốt và hốt hoảng của mình lúc đó, trên đường rảo bước
nhanh đến trường trong lần trễ giờ dạy đầu tiên. Đầu tiên và cũng là cuối cùng, vì không lâu lắm sau đó, tôi chẳng bao giờ còn có dịp nào khác.
Nhớ lại, tôi thấy mình chắt chiu giữ gìn hình ảnh người thầy
trên bục giảng theo cái cách có phần nào cực đoan giống như một nghệ sĩ trình
diễn. Trong bối cảnh cuộc sống còn nhiều
khốn khó, đa số các giáo viên ngày ấy khó lòng mà giữ được cho mình một hình ảnh
tươm tất khi đứng lớp. Mối lo cơm áo, thậm
chí, làm một số người trở nên luộm thuộm. Thế mà, như một mặc định không thể đổi
dời, tôi luôn xuất hiện trên bục giảng với những gì tinh tươm nhất mà một người
thầy có thể có được: những bộ quần áo lịch
sự, trang nhã, được là ủi thẳng tắp, áo luôn được bỏ trong quần nghiêm chỉnh... Cái hình ảnh được chăm
chút ấy có lẽ ít nhiều đã để lại một ấn tượng tốt đẹp và lâu dài trong lòng các
em học sinh, và cũng có thể đã vô tình gợi khơi những mộng mơ ở tuổi mới lớn.
James Dean, Albert Camus và triết lý hiện sinh:
Để lý giải cho hình ảnh người thầy chỉn chu của mình mà tôi
vừa đề cập đến ở trên, cũng như thái độ sống có nhiều nét cá biệt được phác họa
xuyên suốt qua những phần hồi ức này, tôi không thể không viện dẫn đến chủ nghĩa
thần tượng và triết lý hiện sinh - những khái niệm mà tôi tự nhận là đã có một ảnh
hưởng rất lớn lên toàn bộ tư tưởng và ý thức hệ của mình.
James Dean và chủ nghĩa thần
tượng:
Ngày ấy, vốn là đồ đệ trung thành của
chủ nghĩa thần tượng, tôi có thói quen xây dựng nên trong thế giới tâm tưởng của
mình những mẫu hình tượng siêu thực có sức hấp dẫn lớn. Tôi cho là điều đó khiến cuộc sống trở nên lý
thú và hấp dẫn hơn. Điều mà tôi sợ nhất là
một cuộc sống không hương vị, không màu sắc, đều đều và tẻ nhạt. Đi đôi với một cuộc sống như thế thường là cái
nếp nghĩ mòn mỏi và cũ kỹ của những con người đã quen ngủ trên những giường chiếu
quá hẹp. Suy nghĩ ấy của tôi đã được nhà
thơ tình Xuân Diệu diễn tả hộ qua hai câu thơ mà có lẽ ai cũng biết:
Thà
một phút huy hoàng rồi chợt tắt,
Còn
hơn buồn le lói suốt trăm năm.
Vâng! Tôi tha thiết muốn sống một lần - dẫu chỉ một
lần thôi - thật rực rỡ, với tất cả những hào quang mà cuộc đời mình có thể phát
sáng, rồi sau đó có tắt ngấm đi, như chưa bao giờ được sinh ra trên cõi đời này,
cũng được.
Một trong những tác nhân có sức tác
động mạnh mẽ đến tôi trong thời kỳ ấy chính là biểu tượng "sống nhanh và
chết sớm" của nền điện ảnh Hollywood - tài tử James Dean. Cuộc đời ngắn ngủi của James có lẽ là một
minh họa tiêu biểu nhất cho hai câu thơ trên của Xuân Diệu. James đã vụt lóe lên thành một tài tử hàng đầu
của nền điện ảnh Mỹ, sau khi thủ vai chính trong ba bộ phim. Nhưng sau đó, trong một tai nạn mô tô ở tốc độ
cao ở lứa tuổi 24, chàng đã ra đi vĩnh viễn để lại một nỗi tiếc nhớ khôn nguôi
cho dân chúng yêu điện ảnh ở Mỹ, cũng như toàn thế giới. Và cũng từ đấy, hình ảnh chàng cao bồi nổi loạn
điển trai ấy đã trở thành một huyền thoại vĩnh hằng.
Huyền thoại Sisyphe:
Hình ảnh James Dean có lẽ là một sự
tương phản hoàn hảo nhất đối với hình ảnh "huyền thoại Sisyphe", được
xây dựng nên bởi nhà triết học hiện sinh Albert Camus của thế kỷ XX, trong tác
phẩm mang tựa đề cùng tên. Sisyphe là
một nhân vật huyền thoại Hy Lạp, bị các vị thần thánh đày xuống địa ngục. Chàng bị bắt phải làm một việc cực kỳ phi lý
là: Triền miên lăn một hòn đá lớn từ
chân núi lên trên đỉnh núi. Nhìn nó rơi
xuống. Rồi lại từ từ xuống núi, và cố
gắng lăn nó trở lên đỉnh... Qua cực hình
ấy, Sisyphe được xem là biểu tượng của người phi lý: Suốt ngày làm một công việc, suốt đời làm một
công việc - tẻ nhạt và buồn chán.
Với những bài giảng giống nhau được
lặp đi, lặp lại một cách đều đặn, gần như theo một chu kỳ nhất định, của nghề
giáo, được lồng trong một bối cảnh xã hội đơn tư tưởng, có phần nào giáo điều và
áp đặt; tôi cảm nhận thật rõ "huyền thoại Sisyphe" ngay trong thân phận
con người mình. Trong thân phận ấy, có sự
hội tụ hai yếu tố phi lý cơ bản: Sự vắng
mặt của khái niệm tự do đúng nghĩa trong đời sống và sự nghèo khó vô vọng của một
thứ nghề được cho là cao quí. Chính sự hội
tụ đó đã lý giải cho thái độ sống phần nào bất cần và "nổi loạn" mà tuổi
trẻ của tôi sở hữu, trong những tháng ngày làm thầy giáo. Không khó để nhận ra một logic được hình thành
ở đây: Khởi đi từ phi lý, thái độ nổi loạn
đã phát sinh và sau đó, một hệ quả tất yếu
có thể đoán định đã ra đời, đó chính là khát vọng tự do vô bờ.
Câu hỏi cơ bản của triết học:
Chính khát vọng tự do, cùng với sự
tiếp tay của định mệnh, đã đặt dấu chấm hết cho cuộc đời làm thầy giáo ngắn ngủi
của tôi. Tuy nhiên, trước khi đi đến cái
chung cuộc ấy, tôi đã trải qua một khoảng thời gian day dứt, nghiền ngẫm về vấn
đề mà Camus cho là "một vấn đề triết lý thực sự nghiêm chỉnh": Đó chính là việc "kết thúc đời sống".
Đời sống phi lý mà tôi đã đang sống
cùng, có phải là một đời sống đáng sống không?
Theo Camus, trả lời được câu hỏi đó cũng chính là đã trả lời được câu hỏi
cơ bản của triết học. Với những gì mà tôi
đã ứng xử với cuộc sống mình ở thời điểm ấy, sẽ dường như phần nào mâu thuẫn nếu
như tôi nói rằng tôi chọn câu trả lời xác định: Đời sống đáng sống. Tuy nhiên, một cách thành thật mà nói, tôi chưa
bao giờ cảm thấy chán sống cả, và nói đến điều này, tôi thấy mình có cùng lối
"ngụy biện" như nhân vật Loan trong tác phẩm Đoạn Tuyệt của Nhất Linh.
Khi người bạn của mình là cô giáo Thảo đến thăm, sau khi con vừa bị mất,
và hỏi mình rằng sao lại chán sống thế, nhân vật này đã giãi bày (trong một phiên
bản chuyển thể cùng tên của tác phẩm) như sau:
"Không. Em không chán sống đâu. Người ta chán sống là khi người ta không còn
muốn sống nữa. Còn em, em muốn sống lắm,
Thảo ơi! Nhưng... sống như thế này thì..."
Nhớ lại những ngày học đại học, có một câu hát trong bài hát
"Đời gọi em biết bao lần" của
nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã vọng vang trong tâm trí tôi suốt chặng đường dài đăng
đẳng:
Đi về đâu hỡi em?
Khi trong lòng không
chút nắng,
Giấc mơ đời xa vắng,
Bước chân không chờ ai
đón.
Những chiều tan trường, lang thang trên vỉa hè thành phố
trong bóng chiều dần buông chập choạng, tôi vẫn thường hay tự hỏi mình: Đi về đâu?
Đó là một câu hỏi... buồn, đã được lặp đi lặp lại biết bao lần. Hỏi thế vì trong lòng bản thân người hỏi, thật
xa vắng làm sao những giấc mơ đời và lòng không hề có một chút nắng của tương
lai.
Ngày về nơi phố biển dạy học, tôi lại thấy mình tiếp tục hỏi
mình câu hỏi đó. Mà có lẽ không chỉ mình
tôi. Có thể có nhiều người lắm, chỉ có điều
tôi không được nghe họ nói mà thôi.
Trong khi tôi chẳng biết mình phải về đâu, thì người dân nơi
phố biển ấy lại biết rất rõ họ phải về đâu: Họ làm những "chuyến hải hành".
Có điều nhớ lại mà thấy khá ngạc nhiên: Những "chuyến hải hành" như thế nơi phố thị ấy là việc quá đỗi bình thường
như "chuyện thường ngày ở huyện", không lúc nào mà không có, dẫu rất âm
thầm và lặng lẽ. Nó bình thường đến nỗi
mà, nếu không thấy một ai đó thân quen trong một khoảng thời gian, ngắn hay không
ngắn, thì hãy ngầm hiểu rằng người ấy đã... ra khơi và sẽ chẳng bao
giờ còn quay lại nữa. Điều "không bình
thường" của việc ấy nằm ở khoản chi phí khá lớn, có thể xem như là cả một
gia tài cho những ai không giàu có cho lắm, nhất là đối với những người làm nghề
giáo như tôi.
Cũng chính những "chuyến hải hành" như thế đã làm
trống dần những chỗ ngồi nơi các hàng ghế học sinh, để lại những khoảng trống mông
lung. Từ trên bục giảng cao nhìn xuống,
nếu hơn hai lần tôi không nhìn thấy một gương mặt thân quen nào đó, thì điều đó
có nghĩa là tôi sẽ chẳng bao giờ còn nhìn thấy nữa. Những khoảng trống chỗ các em ngồi đó đã để lại
trong lòng tôi một nỗi buồn mênh mông và xa vắng khác, mà tôi đặt tên cho nó là
"nỗi buồn ở lại". Nỗi buồn ấy ăn
sâu da diết, bất lực và thê thiết, nhất là vào những giây phút tôi ngồi đối diện
với biển. Nỗi buồn ấy bất lực vì với đôi
bàn tay trắng của một kiếp làm giáo nghèo, tôi chẳng dám mơ đến một chuyến đi. Nuối tiếc nghĩ về những con tàu đã rời xa bến
bãi, tôi chỉ còn biết thở dài ngậm ngùi cho thân phận mình - thân phận của một
kẻ ở lại... không may.
Chuyến đi vào lòng biển lạnh:
Tôi không đủ khả năng để có được một chuyến đi cho đời mình (chuyến
đi vượt sóng vốn luôn thấp thoáng trong những giấc ngủ muộn phiền), nên trong cực
cùng của một đời sống phi lý, ở vào phút giây tuyệt vọng nhất, tôi đã chọn cho
mình một chuyến đi khác, ít đòi hỏi hơn.
Nói đúng hơn, nó chỉ đòi hỏi những gì mà tôi có: tuổi trẻ hồn nhiên và sự dũng cảm dấn thân. Hồn nhiên và dũng cảm có lẽ là hai trong những
thứ mà tôi có thừa thãi ở thời điểm ấy. Đủ
hồn nhiên và dũng cảm để chuyến đi ấy, thay vì là cuộc hành trình của sự chấm dứt,
lại mang dáng vẻ huyền bí của một chuyến đi khai phá - khai phá xem những gì thực
sự ẩn giấu trong tận cùng đáy sâu của sự bế tắc và niềm tuyệt vọng. Nói một cách trực diện và không che giấu, đó
là chuyến đi vào lòng biển lạnh, theo đúng nghĩa đen của từng từ.
Ngày ấy đi dạy, tôi vẫn thường hay kể cho các em học sinh
nghe câu chuyện về nàng tiên cá - câu chuyện thần thoại mà tôi yêu thích nhất. Nàng tiên ấy có một đuôi cá đẹp lắm. Nàng sống ở tận đáy biển sâu đã hàng nghìn năm
và suốt tháng quanh năm chỉ làm bạn cùng biển cả. Cứ mỗi chiều, nàng lại trồi lên mặt biển để hát
cho những con sóng nghe những tình khúc du dương, mà con người nếu nghe được sẽ
không khỏi đem lòng mê đắm. Mặc dù không
phải không biết rằng, làm gì có sự hiện hữu của một thực thể như thế trong thực
tại tự nhiên, nhưng trong thế giới tâm tưởng của tôi, tôi vẫn tha thiết tin rằng
điều đó là hoàn toàn có thực. Với niềm
tin đó, trong cơn say mèm chếnh choáng, lúc nắng chiều trên biển đã nhạt màu ở
phía trời xa, tôi đã thực hiện chuyến đi vào lòng biển lạnh với niềm ước mong sẽ
tìm gặp được nàng. Tôi đã bước từng bước
chập choạng, tiến sâu hơn về phía biển.
Sâu. Sâu hơn nữa. Không còn trời. Không còn gió. Chỉ còn sóng thôi. Sóng vỗ mạnh dập dồn. Và nước.
Nước bao quanh tứ phía. Cuốn. Xoáy....
Tôi chưa bao giờ tin vào định mệnh trong đời mình trước đó,
nhưng vào giây phút ngỡ ngàng tỉnh dậy trên bãi biển vắng và lạnh chiều hôm ấy,
tôi lờ mờ nhận chân ra rằng định mệnh là điều có thực. Có nghĩa là việc sống hay chết của con người
không hẳn là do con người hoàn toàn quyết định.
Thật kỳ lạ làm sao cho một con người đã say mèm và không hề biết lội lại
sống sót giữa lòng biển lạnh với những con sóng đang cuốn xoáy thét gào! Và thứ định mệnh đó không phải là lần duy nhất. Một lần nữa đã diễn ra sau này: Khi ấy, tôi đang ở giữa biển khơi muôn trùng
và ở ngay giữa lòng của một cơn bão biển đang gào rú điên cuồng. Có ở trong cảnh ấy mới biết khi trở mình giận
dữ, biển đáng sợ đến như thế nào. Chiếc
thuyền nhỏ bé đã rách nát, nước đã ngập gần đầy và tôi, lại một lần nữa, đã chuẩn
bị dọn mình để về với... lòng biển lạnh.
Thế mà, có kỳ lạ không, khi tôi vẫn sống đến giờ này, và đang ngồi đây, viết lại
những dòng hồi ức này.
Bụi phấn:
Kinh nghiệm sinh tử, mà phải thật khó khăn tôi mới diễn đạt
xong ở phần trên, diễn ra vào một lần tôi đưa các em học sinh ra biển cắm trại,
khi mùa gió chướng lại về và những ngày cuối năm, chẳng bao lâu nữa, lại sắp ập
đến. (Đấy là lớp học mà tôi đã chủ nhiệm
từ năm lớp 10 và năm nay là năm cuối cấp.
Đây là lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng, lớp tổ chức cắm trại ngoài
biển tại nơi địa điểm quen thuộc). Kinh
nghiệm này, sau khi xảy ra, đã trở thành một bí mật cuộc đời mà tôi chưa hề
chia sẻ bao giờ trước đây. Nói thế có
nghĩa là ngay cả các em học sinh đi cắm trại ngày hôm ấy cũng chẳng hề hay biết. Điều ảnh hưởng duy nhất của nó là cả lớp đã
trở về muộn hơn dự định khá nhiều, khi bóng đêm đã phủ trùm cả một khoảng không
gian mông quạnh.
Việc trở về muộn ấy đã dẫn đến việc ban giám hiệu ra quyết định
đình chỉ việc giảng dạy của tôi vào ngày hôm sau. Lý do đưa ra mang một hơi hướm "chính trị"
mà cả ban giám hiệu và tôi đều biết quá rõ là chẳng có gì là sự thật. Có một điều khá thú vị mà giờ ngẫm lại, tôi mới
nhận ra và cảm thấy thương cái tập thể ngày ấy thật nhiều. Đó là trong khoảng thời gian làm việc với
nhau, mặc dù có sự đối lập nhau trong suy nghĩ và cách sống, chúng tôi luôn nói
với nhau bằng thứ ngôn ngữ rất trung thực và chẳng hề giấu giếm nhau điều gì,
ngay cả những điều mà bây giờ được đặt cho cái tên là "nhạy cảm". Chưa bao giờ, ngay cả trong các cuộc họp, thầy
hiệu trưởng lại sử dụng thứ ngôn ngữ "chính trị" và tôi cũng chưa bao
giờ ngần ngại để nói lên những điều mình nghĩ.
Do đó, lý do đưa ra này vừa có vẻ buồn cười, vừa có vẻ như
"răn đe" nhiều hơn là một động thái thực sự. Điều đó càng lộ rõ hơn, khi thêm một ngày trôi
qua tôi im lặng không nói gì, thì nỗi bồn chồn của thầy hiệu trưởng càng lớn. Có lẽ thầy đã nhận ra là tự thầy đã đưa mình
vào một tình thế "tiến thoái lưỡng nan": Tôi có tha thiết gì với đồng lương của nghề giáo
này đâu mà cần phải đình chỉ. Có khi không
cần thầy đình chỉ, tôi tự đình chỉ mình cũng nên. Dẫu sao, thầy cũng đã lỡ ra quyết định rồi, muốn
rút lại có vẻ như cũng rất "khó ăn, khó nói". Cuối cùng, tôi không còn nhớ rõ là mình đã được
thuyết phục để trở lại đi dạy bằng cách nào, chỉ còn nhớ là qua biến cố này, tôi
được nhiều hơn là mất.
Trở lại cuộc sống mà mình không thể chối từ, tôi đón nhận
quyết định đình chỉ với một tâm trạng khá bình thản, nếu không muốn nói là lạnh
lùng. Đó cũng không hẳn là lạnh lùng, mà
đúng hơn là trống rỗng. Tôi cảm thấy trống
rỗng và cần có một thời gian để thích nghi trở lại với đời sống, để xét xem mình
phải sống tiếp thế nào đây. Nhìn vào vẻ
trống rỗng đó, các em học sinh lớp tôi chủ nhiệm có lẽ đã tưởng lầm rằng đó là
biểu hiện của nỗi buồn do việc đình chỉ, nên đã thay phiên nhau túc trực quanh
tôi để bầu bạn, suốt cả tuần lễ. Chưa
bao giờ tôi cảm nhận được tình thương mà các em dành cho tôi như trong những ngày
đó - một thứ tình thương thật sâu đậm của người thân dành cho người thân. Có khi các em ngồi im lặng hàng giờ bên tôi. Khi nói chuyện, các em nói nhỏ nhẹ chỉ vừa đủ
nghe thôi như sợ khuấy động một điều gì đó.
Suốt cả tuần tôi không đi dạy, có nhiều em không chịu đến lớp. Đó có lẽ là điều đã làm ban giám hiệu lo sợ vì
năm nay là năm thi tốt nghiệp của các em.
Và đó có lẽ cũng là lý do chính đã làm đảo ngược hoàn toàn tình
thế.
Những hình ảnh trong ngày tôi trở lại bục giảng là những
hình ảnh đẹp nhất và cảm động nhất mà tôi nghĩ một người thầy có thể có được trong suốt
cuộc đời giảng dạy của mình. Các em đã tìm
đến bao quanh tôi, hộ tống tôi suốt quãng đường đến trường theo một cung cách khiến tôi có cảm giác như mình là một vì vua, đang vi hành trong sự đón chào của các thần dân thân
yêu, giữa vương quốc bé nhỏ của mình. Khi tất cả đã vào lớp học và tôi vừa đặt chân
lên bục giảng, thật bất ngờ thay, các em đồng loạt ca bài Bụi Phấn, dành tặng
cho riêng tôi:
Khi thầy viết bảng,
Bụi phấn rơi rơi,
Có hạt bụi nào,
Rơi trên bục giảng,
Có hạt bụi nào,
Vương trên tóc thầy...
Đã nhiều lần các em ca bài hát này, nhưng hôm ấy, tiếng
ca và ánh mắt các em mới gây xúc động làm sao.
Từng lời, từng ánh mắt như xoáy mạnh vào hồn tôi, để lại những vệt
thương yêu, kéo dài thăm thẳm suốt khoảng thời gian ký ức của một đời người.
(Còn tiếp)
Jeffrey Thai
Em chắc không đến trường mùa thu năm ấy nữa
ReplyDeleteVà cũng không đến trường cả mùa thu năm sau
Chiếc lá rụng xuống hoàng hôn xẹt lửa
Theo mùa thu tiếc nuối chảy qua cầu
Tháng năm buồn ghềnh thác vực sâu
Câu thơ chở chòng chành tiếng khóc
Ai uống cạn dòng sông trong vốc tay ký ức
Nghe mùa thu xa lắc ngấm vô lòng
Biết em còn đến lớp ngày xưa không
Lo phấp phổng tháng ngày trôi vội vã
Nắng ký thác đời mình trên sắc lá
Mới hiểu mùa thu đánh tráo tuổi xanh rồi
Tôi không còn làm Thầy từ đấy em ơi
Nhớ về trường lặng thầm trong nước mắt
Chưa kịp nhặt mùa thu vừa chạm đất
Tiếng con tôi tan lớp giục tôi về...
Đầu tuần bao giờ cũng rất bận. Ngày mai sẽ đi cong tác ở Cần Thơ vài ngày. Tác giả có muốn thay mặt ghé thăm trường Đại Học cũ khong?Nếu trời bên ấy đã bắt đầu lạnh thì nhớ giử ấm người.Mùa nầy thời tiết bên đó rất đỏng đảnh ,mà tác giả lai khong thích chìu chuộng ai bao giờ..Có những lúc cơn đau thể xác sẽ quật ngã tinh thần đấy.
Chúc những ngày còn lai của tuần như ý- See you soon.
T.H
Đọc những lời chia sẻ này của bạn, có cảm giác rất lạ. Sao chúng cứ như lời của một người thân gửi cho một người thân. Hình như đã lâu rồi tôi không còn có cảm giác ấy. Cuộc sống nơi đây trôi qua vội vã và chẳng để lại gì. Người sống với người như những cỗ mấy vô tri. Mà chắc có lẽ nơi nào cũng thế, chỉ riêng gì nơi đây.
DeleteBài thơ bạn viết ở trên làm tôi chợt nhớ những vần thơ đọc được lúc mới ra trường của những thầy cô giáo trẻ. Có lẽ bạn cũng đã từng là một trong những người ấy. Nợ áo cơm, nợ gia đình vẫn không lấy đi được của bạn cảm xúc của một thời xưa cũ. Tôi nghĩ bạn ít nhiều có tâm hồn đa cảm.
Từ ngày ra trường đến giờ, tôi chưa một lần về lại ngôi trường đại học cũ. Từ ngày sang Mỹ đến giờ, tôi chưa một lần về lại Cần Thơ. Nếu khi đến nơi ấy, bạn có bất chợt nghĩ về tôi, thì xem như đã viếng thăm giùm tôi vậy.
Cảm ơn bạn về những lời chia sẻ thật nồng nàn.