Monday, October 29, 2012

Tôi Làm Thầy Giáo - Hồi Ức (Phần IV)



Những tháng ngày sau cuối: 

Những tháng ngày sau cuối trong cuộc đời đi dạy của tôi được tôi tính từ lúc sau biến cố "đình chỉ" cho đến ngày tôi không còn đứng trên bục giảng nữa.  Đó là một khoảng thời gian không dài, chỉ khoảng hơn một năm, nhưng lại mang nhiều tính chất kịch tính.  Trở lại bục giảng, tất cả vẫn như cũ, nhưng tôi thấy mình không còn nguyên vẹn như xưa nữa.  Vẫn còn đấy tấm lòng của một người thầy luôn hết lòng vì những đứa học sinh, nhưng trong tôi có phần nào sự gắng gượng (gắng gượng cho đến ngày các em thi tốt nghiệp xong và ra trường).  Tôi dự cảm rằng mối ràng buộc giữa tôi với cái nghề giáo này đang tiến dần đến giai đoạn cuối cùng của nó.

Sự phát sinh của mối dự cảm đó được góp phần bởi hiện thực đang diễn ra trong nhà trường và trong việc giảng dạy.  Cứ mỗi một năm trôi qua, chất lượng học sinh đầu vào ngày càng giảm sút thấy rõ, đạo đức học sinh cũng giảm theo và tinh thần học tập trong toàn trường càng trở nên tệ hại.  Không hẳn là không còn có những học sinh vẫn tha thiết học trong mỗi lớp, nhưng con số đó trở nên ít dần đi.  Trên bục giảng, tôi thấy mình bơ vơ, không còn tìm được nơi trú ẩn cho linh hồn như những ngày đầu nữa; tôi mang tâm trạng của một nghệ sĩ biểu diễn mà ở phía dưới kia, khán giả chẳng còn tha thiết để ngước mắt nhìn lên sân khấu.  Sau khi lớp tôi chủ nhiệm đầu tiên ra trường, mang theo tất cả những thân yêu, mối dự cảm ấy trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.  Tôi có cảm giác như mình vừa lăn xong tảng đá Siphyle từ chân núi lên trên đỉnh cao, và đang nhìn nó rơi xuống.  Và tôi đang lại phải quay trở lại xuống phía dưới, để lặp lại cái điệp khúc tuần hoàn ấy.  Trong khi các em học sinh mới hăm hở vui mừng vì được xếp vào lớp tôi chủ nhiệm, thì tôi lại thấy lòng mình hờ hững đi nhiều lắm. 

Tôi bắt đầu có ý định thôi dạy, đặt một dấu chấm hết cho đoạn đời đi dạy huy hoàng và đầy kiêu hãnh của mình.  Dẫu đó là sự thay đổi mà tôi thật lòng mong muốn, nhưng tôi không tránh khỏi sự day dứt mỗi khi nghĩ đến.  Làm sao dễ dàng được khi phải từ bỏ cả một vùng trời vàng son mà mình vừa sống cùng.  Trong sự day dứt đó, có lần tôi đã bày tỏ ý định thôi dạy ấy cùng một đồng nghiệp, tại một lần cùng nhau uống cà phê trong một quán vắng.  Đấy là lần uống cà phê chung hiếm hoi giữa anh bạn đồng nghiệp này và tôi.  Chúng tôi vốn không thân thiện với nhau lắm, do khác biệt nhau quá.  Anh, ngoài việc giảng dạy, còn phụ trách mọi sinh hoạt đoàn đảng trong nhà trường.  Đặc điểm để nhận dạng anh là sự nguyên tắc, khô khan và cứng nhắc.  Điểm duy nhất giống nhau giữa anh và tôi là sự nhiệt tình trong giảng dạy.   

Tuy cùng nhiệt tình, nhưng trong khi việc dạy dỗ của tôi được học sinh đón nhận một cách ngưỡng mộ và tin yêu, thì anh lại không được lòng học sinh lắm; thậm chí, anh là người duy nhất trong nhà trường gặp phải sự cố bị học sinh đón đường hành hung.  Sau biến cố của tôi, không hiểu sao giữa anh và tôi bỗng gần gũi nhau hơn.  Có lẽ anh đã mơ hồ nhìn ra nỗi tuyệt vọng của tôi trong từng ngày sống - nỗi tuyệt vọng mà phần nào cũng là của cả chính anh nữa, nhưng anh đã không bao giờ có đủ dũng cảm để đối mặt với nó.  Ngay sau khi tôi nói với anh rằng, có lẽ rồi tôi sẽ bỏ dạy, tôi không muốn tiếp tục dạy nữa, anh  nhìn tôi với một cái nhìn thông cảm, rồi hỏi tôi bằng một giọng nói đượm buồn:  "Nghỉ dạy à!  Rồi N. sẽ về đâu và làm gì?"  Về đâu và làm gì?   Nghe câu hỏi anh đặt ra cho tôi mà có cảm giác như anh cũng đang tự hỏi chính mình.  Cả anh và tôi, dù còn muốn gắn bó với nghề giáo hay không, đều không luôn tự hỏi mình:   Rồi sẽ về đâu và làm gì?  Một câu hỏi không có câu trả lời, khi được đặt vào trong bối cảnh xã hội Việt Nam của những năm đầu thập niên cuối, của thế kỷ trước. 




Rượu, cà phê và thuốc lá: 

Xã hội Việt Nam, ngày ấy và có lẽ cả bây giờ, là xã hội của rượu, cà phê và thuốc lá.  (Nhắc đến chúng, tôi phải tập trung để nhớ lại, vì chúng đã trở nên xa xôi như những cố nhân lâu lắm rồi không gặp lại).  Trong xã hội ấy, người ta uống và hút như những nhu cầu căn bản, không có không được; dù rằng, chúng chẳng hề mang đến bất kỳ một giá trị dinh dưỡng nào.  Xét ra, sự hiện diện của chúng trong đoạn đời đi dạy của tôi cũng chẳng có gì là lạ lẫm, nếu không muốn nói là tất nhiên.  Chúng hiện diện vừa như những chứng nhân lịch sử, vừa như những người bạn đồng hành gắn bó, vừa như những kẻ hủy diệt bạo tàn. 

Thực lòng, tôi chưa bao giờ cảm thấy thích thú với chất nước nồng cay có mùi vị, mà với tôi, có phần nào tanh tưởi đó.  Tôi cũng không hẳn đam mê làn khói thuốc thơm mang đến nhiều khoái cảm.  Tôi cũng không thực sự cảm thấy có nhu cầu phải uống thứ thức uống có vị đắng thật đặc trưng và gây kích thích.  Do đó, có thể hiểu rằng, việc tôi sử dụng chúng chỉ là do cái điều mà tôi gọi là "sự thôi thúc của tình thế" (trong tiếng Anh được diễn đạt bằng thuật ngữ "on the spur of the moment").  "Sự thôi thúc" này có thể là do quan hệ giao tế, cũng có thể là do ảnh hưởng xã hội, nhưng ẩn sâu đằng sau, có một tác nhân chính khác, không phải lúc nào cũng lộ diện để mọi người nhìn thấy.  Đó là nỗi buồn - nỗi buồn huyền bí và ma mị - mà tôi đã có nhắc đến trong phần hồi ức trước: 

"Buồn như ly rượu đầy, không có ai cùng cạn,
Buồn như ly rượu cạn, không còn rượu để say."

Càng đi sâu hơn vào nghiệp giáo, rượu, cà phê, thuốc lá, và nhất là nỗi tuyệt vọng càng tàn phá sức khỏe tôi nhiều hơn.  Tôi hầu như suốt ngày chỉ uống cà phê và hút thuốc thôi.  Tôi không thiết ăn và ăn ngày càng ít hơn.  Tôi cũng tham dự nhiều tiệc rượu hơn, với nhiều đối tượng hơn, dù trước đây, tôi rất chọn lựa khi tham gia.  Tôi trở nên gầy ốm và xanh xao - trắng và xanh theo đúng mẫu hình mà người ta thường hay phác họa về thầy giáo.  Trên bục giảng, khi giảng lớn tiếng và dạy nhiều tiết liên tục, tôi cảm thấy mình mệt hơn nhiều lắm.  Tôi nhận ra được là mình đang chết dần mòn, cả về thể xác lẫn tinh thần.  Có một học sinh nữ từ lớp học tôi thực tập, tìm đến ghé thăm tôi trong giai đoạn này.  Em là đứa học sinh thực tập duy nhất tôi còn gặp lại.  Giây phút gặp lại nhau, sau vài năm kể từ ngày chia tay, chưa kịp biểu lộ niềm vui, em đã thảng thốt kêu lên:  "Thầy ơi, sao thầy ốm quá vậy thầy?".



Đèn không hắt bóng:   

Người gầy ốm có bóng không nhỉ?  Ai mà lại chẳng có bóng, cho dù là có gầy ốm hay không.  Thế mà, tôi đã thấy mình không có bóng.  Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ được chi tiết này:  Sau tiết dạy đi trễ mà tôi đã có đề cập, tôi lại tìm về với cà phê và thuốc lá như một thói quen cố hữu.  Trong vị đắng tái tê và làn hương sầu chơi vơi quen thuộc, tôi đã nghĩ thật nhiều về cơn say mê mải và niềm tuyệt vọng ngập đầy của tối đêm qua cùng nhiều đêm khác nữa, và tôi thấy tâm trí mình bị chiếm ngập bởi niềm suy tư:  Mình đang sống như một ngọn đèn không hắt bóng.  Phải, một người không có bóng!


Trong làn sương mù của khói thuốc, trước mặt tôi như hiện rõ ngọn đèn ấy - ngọn đèn ở trên cao, được treo giữa phòng mổ.  Dưới ánh sáng của ngọn đèn ấy, con người không hắt bóng, không ai có bóng cả.  Sống giữa cuộc đời, không có bóng là một niềm đau (mà cũng có thể, vì niềm đau chất ngất quá nên bóng đã biến tan).  Và vì quá đau, nỗi đau thẳm sâu nhất mà giới hạn con người có thể chịu đựng được, nên nhân vật ấy - bác sĩ Naoe - trong tác phẩm Đèn Không Hắt Bóng của nhà văn Nhật Watanabe Junichi đã phải cậy trông vào rượu, vào ma túy...  như một cứu cánh.  Chỉ ở những giây phút giao thoa giữa thực và ảo ấy, con người ấy mới thực sự cảm thấy mình hiện hữu, còn những lúc khác, mình chỉ là hư không. 

Tôi cảm thấy thấm thía vì sao nhân vật ấy sống như thế:  Vì chúng tôi cùng là những con người không có bóng.  Những con người không có bóng không có nhiều ràng buộc lắm với trần gian.  Hồ sâu băng giá hay biển thẳm lạnh lùng là những lựa chọn tưởng như vô tình nhưng, thực ra, chứa hàm một ý nghĩa thâm sâu:  Biến nỗi đau thành huyền thoại.  Huyền thoại ấy sẽ thay thế người đã ra đi để tiếp tục sứ mệnh nói với đời sống này về những tiếng lòng "suốt cuộc đời không thể nào bày tỏ, có khi bày tỏ được thì cũng là những tiếng nói dở dang" (TCS). 



Sự quyến rũ của niềm tuyệt vọng: 

Nói về niềm tuyệt vọng, nhạc sĩ họ Trịnh bảo rằng cứ hãy đi đến tận cùng, rồi sẽ thấy nó cũng đẹp đẽ như một bông hoa.  Tôi đồng ý với điều đó.  Tôi chưa bao giờ cảm thấy niềm tuyệt vọng là xấu xí, ngay cả vào những lúc nó cuốn tôi vào những khoảng lặng cuộc đời tồi tệ nhất.  Tuy tôi không chắc chắn là dung nhan của nó có thực sự đẹp đẽ như một bông hoa hay không, nhưng ở đáy sâu tận cùng của nó, tôi đã nhận ra được một điều rất lạ:  Niềm tuyệt vọng có sức quyến rũ vô cùng!

Ở đáy sâu tận cùng ấy, tôi đã bơi lội vẫy vùng giữa một biển tuyệt vọng mênh mông.  Tuy nhiên, động thái vẫy vùng ấy không ai nhìn thấy được.  Mọi người chỉ nhìn thấy hình ảnh một con người lạc lõng và bơ vơ đến tội nghiệp, khao khát sống, khao khát niềm vui đến xao lòng, vừa có vẻ lạnh lùng như băng giá miền Alaska, lại vừa thiết tha như thể đang sống những phút cuối còn lại trong đời...  Hình ảnh ấy, hiện thân của niềm tuyệt vọng ấy, lạ kỳ thay đã tự thân nó tỏa ra một sức lôi cuốn bí ẩn nào đó.  Sự lôi cuốn ấy có vẻ như là một sự quyến rũ.  Sự quyến rũ nào cũng đẹp, nhưng sự quyến rũ của niềm tuyệt vọng, đôi khi, ẩn sâu trong nó là mầm mống của một sự tàn phá.     

Những "niềm vui", những "ngày vui" đã đến trong đời sống của tôi ở những ngày tháng này, một mặt giúp khỏa lấp phần nào nỗi trống vắng của một linh hồn tuyệt vọng, nhưng một mặt khác, lại chất chứa trong nó nỗi bất ổn của một sự vượt quá không hay và gây phần nào hối tiếc.  Trong giai đoạn này, tôi uống cà phê và hút thuốc nhiều hơn và càng ít ăn hơn.  Uống và hút nhiều hơn vì được mời nhiều hơn và khi không được mời, thì thường cũng không phải trả tiền:  "người ta" không lấy tiền thầy giáo trẻ vốn có vẻ xa cách, nay đã trở nên thân quen hơn.  Tôi cũng nhận lời đi chơi đêm với nhóm các học sinh vốn không phải ở những lớp tôi đứng dạy.  Từ việc gật đầu đồng ý đi chung, đến việc đồng ý đi riêng không phải là một bước quá xa...



Những cuộc say mê mải: 

Trước đây, tôi vốn ít khi nhận lời tham gia các tiệc rượu bên ngoài, và thảng hoặc nếu có, thái độ cũng thường xa cách lắm.  Ở tháng hai cuối cùng, tôi thấy mình bỗng nảy sinh ý nghĩ muốn thử biết xem là mọi việc sẽ ra sao nếu mình nhận lời, và đồng thời tỏ thái độ hưởng ứng.  Tôi không thể ngờ rằng có nhiều người (vốn chẳng quen biết) lại muốn mình tham dự cùng họ đến như vậy.  Những lời mời liên tục đã lôi kéo tôi vào những cuộc say mê mải suốt cả tháng hai vốn chỉ có hai mươi tám ngày thôi ấy.  Tôi đã tự hỏi mình rằng điều gì đã khiến người ta muốn mình cùng tham dự với họ đến thế, khi mà họ là người đương nhiên gánh phần chi phí.


Chẳng có gì có thể lý giải được điều đó ngoài việc họ ngưỡng mộ hình ảnh người thầy mà họ đã nhìn thấy nơi tôi.  Việc nhận ra đó, cùng với việc không hoàn toàn làm chủ được mình ở hôm tiệc sau cuối, đã khiến tôi đặt một dấu chấm hết cho cuộc thử nghiệm đáng nhớ ấy của mình.  Để lý giải cho cuộc thử nghiệm ấy, nói theo cung cách Trịnh Công Sơn, tôi thấy mình vừa muốn làm một kẻ chiến thắng, vừa đồng thời muốn làm một kẻ chiến bại, tôi sống như một kẻ đạo hạnh chỉ biết dựng xây, nhưng thỉnh thoảng lại muốn nổi loạn, tự tay đập phá những gì mình đã xây dựng.  Dẫu sao, đó cũng là một kinh nghiệm quí báu vì qua đó, tôi biết chắc được rằng tôi chẳng thể bao giờ là người của những cuộc vui và của những cuộc say.

Có một trải nghiệm khiến tôi nhớ nhất trong những cuộc vui ấy.  Đó là lần tôi nhận lời tham dự cùng một vài giáo viên cấp hai, đã ra trường trước tôi nhiều năm. Tuy dạy cùng nơi, nhưng đó là lần duy nhất tôi có dịp giao lưu với họ.  Lúc họ tỏ ra vui mừng thật chân tình vì sự góp mặt của tôi, tôi mới nhận ra là hóa ra họ đã đặt mình ở một vị trí khá cao mà mình chẳng hề hay biết.  Trước biểu lộ ấy, tôi vừa thấy thương, vừa thấy có chút chua xót cho họ.  Cùng là đồng nghiệp với nhau, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc phân chia cao thấp, tôi ít giao tiếp và thường có vẻ xa cách là do bản tính chứ chẳng phải cố tình.  Việc yêu mến, xem trọng một cách chất phác và khiêm cung như thế này của họ khiến tôi cảm thấy xúc động.  Còn việc tôi cảm thấy chua xót cho họ là vì, ít nhất một người trong nhóm họ, do sự khốn khó tuyệt vọng của nghề giáo, đã trượt khá sâu trong men rượu và trong việc đánh mất hình ảnh của mình. 



Chuyến đi định mệnh:    

Kể từ sau thất bại trong chuyến đi vào lòng biển lạnh, tôi đã mơ hồ nhận ra có một cơ năng huyền bí nào đó chi phối số phận của con người, và được người đời đặt cho cái tên là định mệnh.  Mỗi người có một định nghĩa khác nhau về khái niệm này.  Với tôi, tôi thấy định mệnh không nhất quán đối với mọi người.  Có khi đối với người này, định mệnh giống như một thứ trái chín trên cành, chỉ cần với tay và hái lấy mà ăn.  Nhưng có khi đối với người khác, định mệnh giống như một cơn bão dữ mà càng trốn chạy nó, nó càng trở nên hung hãn và tàn ác.  Tuy khác nhau đối với mỗi phận người, nhưng nói chung, tôi cho là định mệnh công bằng đối với con người ở chỗ:  Khi mọi cánh cửa cuộc đời đã khép chặt hoàn toàn trước mặt bạn, thì bằng cách này hay cách khác, nó sẽ mở cho bạn một lối thoát. 

Ở những ngày tháng sau cùng, tôi cảm nhận được rằng những ngày tháng vàng son của đoạn đời đi dạy của mình vừa đã qua đi, và đây là lúc mình nên dừng lại để giữ lại  những hình ảnh tốt đẹp nhất mà mình có được.  Tôi cũng ý thức được rằng trong tận cùng của nỗi tuyệt vọng, mình đang mấp mé đứng trên bến bờ của những vết trượt trong đời sống.  Nhưng dừng lại thế nào đây?  Đi về đâu?  Vẫn là câu hỏi ấy, câu hỏi bế tắc và đầy chán chường của một xã hội không lối thoát cách đây trên dưới hai thập kỷ.  Chính ngay trong thời khắc bế tắc ấy, một điều huyền nhiệm đã xảy ra mà tôi xem như là một phép lạ

Như tôi đã trình bày trong phần "Đi về đâu hỡi em",  việc ra đi ở nơi phố biển ấy tuy diễn ra âm thầm và liên tục, nhưng chi phí khá lớn cho chuyến đi, cũng như cho những hệ lụy không may phát sinh, có thể làm tiêu tan cả một gia sản lớn và do đó, khiến nó chỉ thích hợp cho không nhiều người - những người thực sự quyết tâm và có khả năng tài chính.  Thế mà, khi định mệnh lên tiếng, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy rằng, rốt cuộc, mình đã đặt chân được lên con tàu mà mình hằng mơ ước trong tâm tưởng.  Tất cả như một giấc mơ. 

Tôi chẳng bao giờ có thể hình dung ra là mọi việc lại diễn ra nhanh chóng và suôn sẻ như vậy.  Có một học sinh lớp tôi chủ nhiệm, sau khi ra trường, được gia đình lo cho chuyến đi xuyên đại dương ấy.  Qua trung gian của em, tôi không thể tin nổi rằng người ta lại chấp nhận cho việc ra đi của tôi mà không đòi hỏi gì cả.  Việc chi trả cũng khá nhẹ nhàng và chỉ phải thực hiện sau khi chuyến đi đã đến nơi an toàn.  Và thật đơn giản làm sao, chỉ một lần đi thôi, tôi đã nhìn thấy con tàu.  Lần đầu được nhìn thấy nó, cũng là lúc tôi thực sự xa lìa tất cả, bỏ lại đằng sau một bục giảng buồn với những ánh mắt chắc hẳn ngơ ngác lắm. 

Tôi vẫn còn nhớ như in buổi dạy học cuối cùng.  Dĩ nhiên, ngay tại thời điểm ấy, tôi chẳng biết đó lần cuối cùng tôi còn đứng trên bục giảng.  Điều làm tôi nhớ về buổi học ấy là, lần đầu tiên, tôi giảng thiếu một ý chính quan trọng trong bài giảng -  điều rất hiếm khi xảy ra - và việc ra đi quá bất ngờ này khiến tôi chẳng còn cơ hội nào để sửa chữa nữa.  Tôi ra đi bất ngờ, mang theo một gói hành trang đơn sơ nhất trong tất cả các gói hành trang của con người:  một túi xách cực nhỏ chứa duy nhất một bộ quần áo và bộ tiểu thuyết hai tập "Khải hoàn môn" của tác giả Erich Maria Remarque.   

Đêm ấy, ngay khi tôi vừa đặt chân lên con tàu đậu ngoài khơi xa, dưới ánh trăng chênh chếch chiếu ra một thứ ánh sáng mờ ảo, có một bóng người thanh niên nào đó trên chiếc ghe đang quay trở lại vào bờ gọi lớn tên tôi nghe như một lời giã biệt:  "Thầy N.".  Đó là tiếng gọi cuối cùng bí ẩn mà cho đến bây giờ tôi vẫn không tài nào khám phá ra được nó xuất phát từ ai.

(Còn tiếp phần cuối)
29/10/2012
Jeffrey Thai

No comments:

Post a Comment