Friday, November 2, 2012

Tôi Làm Thầy Giáo - Hồi Ức (Phần V)


Ba ngày đêm trên biển: 

Chuyến đi định mệnh ấy là chuyến đi kéo dài ba ngày và ba đêm, tính từ chiều đêm khởi hành cho đến lúc bão biển nổi dậy đánh đắm tàu và mọi người may mắn được cứu vớt lên trên một giàn khoan dầu giữa biển khơi.  Đêm trên giàn khoan ấy là đêm thứ tư.  Ngày hôm sau, mọi người được chuyển đến một hòn đảo dành cho người di tản, có thể chứa đến hơn chục ngàn người.  Ra đi với tâm thế của một người đang ở tận cùng của niềm tuyệt vọng, một người chẳng có gì để mất nữa, nên tôi thấy lòng mình thật thản nhiên trước mọi hiểm nguy rập rình, kể cả lúc tàu gặp bão và sắp chìm.  Suốt cả cuộc hành trình, lòng tôi phẳng lặng như mặt biển những lúc trời quang, gió lặng, và có cảm giác như tôi đang đi trên một chuyến viễn du nào đó.

Chỉ có khoảng thời gian chật chội, tù túng đến ngạt thở dưới khoang tàu là kinh nghiệm duy nhất làm tôi cảm thấy kinh khủng.  Vì lý do đó, ngay khi tàu thoát ra được hải phận quốc tế và mọi người được phép lên phía trên mạn tàu vào sáng hôm sau, tôi quyết định không bao giờ còn trở xuống đó nữa.  Tôi chọn để ngồi tại một góc bên ngoài cabin của tàu, kể từ lúc đó cho đến hết chuyến đi.  Vị trí ngồi lộ thiên đó tuy được sống thoải mái với trời cao, biển rộng, nhưng vô cùng nguy hiểm, vì dù thức hay ngủ, một tay phải luôn quàng qua thanh cột của cabin, để giữ cho mình khỏi phải rơi tuột xuống biển sâu.  Và tôi đã ngồi như thế ở vị trí đó, phơi mình cho nắng gió và mưa bão, suốt ba ngày và ba đêm.  Không có gì để ăn.  Cũng chẳng có gì để uống.  Một mình và chỉ một mình thôi.  Chung quanh không có ai.  Chỉ có trời và biển. 

Chưa bao giờ tôi có dịp để sống với biển một cách gần gũi, gắn bó và trọn vẹn đến thế.  Ba ngày đêm trên biển là ba ngày đêm tôi sống và thì thầm cùng biển từng phút, từng giây, kể cả trong những giấc ngủ chập chờn.  Ba ngày đêm tôi chỉ ngủ từng cơn thật ngắn, mỗi cơn kéo dài khoảng vài phút thôi, vì nếu ngủ quên, lỡ buông tay thì sẽ rơi vào lòng biển lạnh.  Ngày trên biển, với nắng và gió, với những đường chân trời xa tăm tắp, tưởng như chẳng thể nào đi tới được, lần đầu tiên, tôi cảm nhận được sự bát ngát và bao la của đất trời, của cuộc sống.  Tôi cũng cảm nhận được trong không khí biển cả mà mình đang hít thở có một hương vị gì đó rất lạ, lạ lắm mà từ trước đến nay, mình chưa bao giờ có dịp được hít thở.  Hương vị đó gợi lên cảm giác tự do - thứ cảm giác mênh mông, không có giới hạn.

Ngày trên biển là thời khắc của sáng tươi và hy vọng.  Tôi say sưa nghe gió reo vui, say sưa ngắm trời và biển, ngắm những con sóng lăn tăn làm dáng, ngắm nước biển đổi màu khi đi qua những hải phận khác nhau, ngắm những nàng cá hì hục đuổi theo hai bên mạn tàu.  Khi chiều buông và đêm về là thời khắc của mông quạnh và âm u.  Đêm trên biển mới trải dài mênh mông, vắng lạnh và cô quạnh làm sao.  Chung quanh tôi là một bóng đêm, đen thăm thẳm và mịt mùng đến làm rợn cả người.  Biển về đêm không một tiếng động.  Xa tít trên trời cao ở phía trước mặt tôi, vầng trăng khuyết lạnh lùng hắt ra những tia sáng ma quái chập chờn làm lấp lánh một vùng biển lặng.  Đêm trên biển tôi không dám ngủ vì sợ rơi vào lòng biển lạnh, tôi đã thức cùng biển.  Có thức cùng biển suốt cả những đêm dài mới biết về đêm, biển u hoài và cô đơn biết bao nhiêu. 




Triết lý Phạm Công Thiện: 

Chuyến đi định mệnh bất ngờ đã giúp tôi khép lại đoạn đời làm thầy đúng lúc, và đồng thời mở ra một bước ngoặt mới trong cuộc đời của tôi.  Nói như thế không có nghĩa là tôi đã kỳ vọng rằng nó sẽ ngay lập tức giúp tôi có được một cuộc sống mà mình hằng mong muốn.  Không!  Tôi không ảo tưởng như thế.  Dẫu khi ấy, tôi là người sống lãng mạn, nhiều mộng mơ và phi hiện thực, nhưng tôi ý thức rất rõ rằng đó là một chuyến đi muộn màng.  Cánh cửa đón nhận người di tản đã khép lại vào tháng ba năm ấy, mà thời điểm tôi ra đi là vào tháng mười, tức là muộn đến nửa năm trời.

Ra đi muộn màng như thế, tôi hiểu là tôi chỉ đang bò trườn từ một bế tắc này sang một bế tắc khác, có thể là không kém phần nghiệt ngã.  Nhưng tôi đã chấp nhận nó một cách rất mặc nhiên.  Nghiền ngẫm thật nhiều triết lý sống của triết gia Phạm Công Thiện vào những ngày sống tuyệt vọng, tôi đã học thuộc nhuần nhuyễn từ ông một điều rất đỗi quí giá này:  Khi bạn thấy mình đang ở trong một bế tắc nào đó, hãy cứ sống cùng nó, "bơi lội" trong nó, và "làm tình" với nó.  Tôi đã tập làm quen và sống cùng với nỗi bế tắc tuyệt vọng của mình.  Và do đó, thật lòng mà nói, tôi chẳng mong đợi gì nhiều ở chuyến đi vượt thoát này. 

Tôi chỉ xem chuyến đi này của mình như một hình thức "bơi lội" trong sự bế tắc và niềm tuyệt vọng.  Điều tôi mong mỏi duy nhất từ nó chỉ là một sự thay đổi.  Vâng!  Chỉ là một sự thay đổi mà thôi.   Tốt hơn hay xấu hơn đều được cả.  Miễn là thay đổi.  Thậm chí, cho dẫu nó có dẫn dắt tôi đến việc đưa mình vào trong một trạm giam nội địa nào đó, cũng được.  Tôi sẵn sàng chấp nhận điều đó mà không hề hối tiếc.  Ít nhất trong trường hợp ấy, tôi cũng thỏa nguyện được một điều rất đỗi ý nghĩa:   Đặt xong một dấu chấm hết thật tròn cho đoạn đời làm thầy giáo của mình.    



"Thái độ thiền quán": 

Lúc Sisyphe quay trở lại xuống núi để bắt đầu lăn một tảng đá khác lên trên đỉnh, ý thức được những gì mình vừa hoàn thành, ý thức được tính phi lý trong đời sống của mình; chàng đã cho thấy mình lớn lao hơn định mệnh và cứng rắn hơn cả hòn đá tảng mà mình đang lăn.  Sự vượt qua định mệnh đó là hạnh phúc, và cũng chính là giá trị đích thực của con người.  Bằng cách dấn thân vào chuyến đi vượt thoát này, ý thức được tất cả những phiêu lưu, rủi ro và bế tắc đang chực chờ mình ở phía trước, tôi cho rằng mình, cũng như Sisyphe, đã vượt qua được định phận để cố tìm thấy hạnh phúc trong cái vô nghĩa và phi lý của đời sống.  

Thái độ an nhiên, tự tại khác thường trong chuyến hành trình vượt biển của mình, trong khi ai ai cũng lo âu và sợ hãi, đã làm cho chính bản thân tôi, khi nhớ lại cũng lấy làm ngạc nhiên lắm.  Còn nhớ ở ngày thứ ba, khi cơn bão kéo đến làm con tàu rạn nứt và nước ngập đầy, trong khi mọi người la hét hoảng sợ, cố hết sức để tát nước ra ngoài, thì tôi vẫn ngồi im bất động, an nhiên như thể chẳng có điều gì xảy ra.  Rồi khi con tàu tan nát được kéo đến giàn khoan gần đấy, mọi người lại một lần nữa chen chúc cố để thoát ra sớm nhất, thì tôi lại thủng thỉnh chờ đợi để làm người cuối cùng.  Khi tôi vừa bước ra khỏi con tàu để lên giàn khoan, cũng là lúc nó chìm đắm hoàn toàn vào lòng biển. 

Tôi đặt tên cho thái độ ứng xử trong suốt cuộc hành trình định mệnh ấy của mình là "thái độ thiền quán" - một thái độ ứng xử mang màu sắc của thiền.  Bản chất sâu xa của thiền là "buông":  buông tất cả, chỉ còn lại hư không, chỉ còn lại hơi thở, và tập trung vào hơi thở ấy.  Cái tâm thế thiền ấy, xét ra, giống lắm với tâm thế của một người tuyệt vọng cực cùng (một cách tỉnh thức):  tâm chấp nhận, không vọng động, không mong cầu, không tin vào gì cả, chỉ còn tin vào một điều thôi, đó là niềm tuyệt vọng.  Tôi tự hỏi có phải chăng chính cái tâm thế thiền ấy là những bông hoa đẹp đẽ mà nhạc sĩ họ Trịnh đã tìm thấy ở tận cùng của nỗi tuyệt vọng.  Và tôi cũng tự hỏi có phải chăng cái tâm thế thiền ấy chính là cái tâm thế của triết gia họ Phạm khi ông "bơi lội" và "làm tình" cùng bế tắc. 



Bục giảng bỏ lại: 

Trong suốt cuộc hành trình vượt biển, vì nhiều lý do, tôi chẳng có lần nào nghĩ về bục giảng, hay về cái quê hương mà mình vừa bỏ lại ở phía đàng sau.  Chỉ khi đến nơi an toàn và khoảng cách giữa đôi bên đã là một đại dương mênh mông, nỗi nhớ mới chực ùa về và òa vỡ.  Ngày ấy, tôi nhớ có đọc được câu nói của một danh nhân nào đó:  "Sự thay đổi nào cũng buồn, cho dù là sự thay đổi mà mình mong muốn nhất."  Giờ thì tôi đã đạt được sự thay đổi mà mình hằng mong muốn, thế mà dư âm ngày cũ vẫn vọng về như xát muối lên trên những lát cắt ở trong hồn. 

Việc thư từ qua lại ngày ấy không dễ dàng gì, chi phí gửi mỗi lá thư khá nặng cho người gửi ở VN và thư đi khá chậm, khoảng vài tuần mới đến nơi.  Qua một vài lá thư mà tôi nhận được từ các em học sinh ở lớp chủ nhiệm mới, tôi biết được rằng việc ra đi của tôi đã làm cả lớp bàng hoàng vì bất ngờ, và phải tốn một khoảng thời gian khá lâu các em mới thích ứng được.  Nhớ lại nỗi vui mừng của các em khi được xếp vào lớp tôi chủ nhiệm mà tôi cảm thấy mình như có lỗi.  Dẫu có cố ý hay không thì tôi cũng đã phụ rẫy lòng kỳ vọng ở các em rồi.  Cảm giác ấy đã làm tôi day dứt khá nhiều vào những ngày đầu tiên bắt đầu một cuộc sống mới nơi hòn đảo hoang giữa lòng biển cả, cách thủ đô của Malaysia một khoảng cách không quá xa. 

Sau khi tôi ra đi, vì không giữ liên lạc với bất cứ đồng nghiệp nào, nên tôi không biết được Ban Giám Hiệu, cũng như các giáo viên khác, đã phản ứng ra sao trước việc ra đi của mình.  Trong lòng tôi, tôi vẫn cứ đinh ninh rằng, mọi người, nhất là thầy hiệu trưởng,  chắc hẳn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và thoải mái hơn, vì không còn "cái gai" trước mắt mình nữa.  Tôi đinh ninh như thế là vì việc giảng dạy nghiêm túc và được lòng học sinh của tôi, đã gián tiếp làm cho hình ảnh của một số giáo viên khác trở nên xấu đi, những lời nói thẳng và thật của tôi cũng thường xuyên làm cho thầy hiệu trưởng khó xử.  Mãi cho đến sau này, tôi mới biết rằng mình đã lầm.  Trong một dịp trở về phố biển nhiều năm sau đó, gặp và nói chuyện với một đồng nghiệp cũ, tôi mới bồi hồi mà nhận ra rằng việc ra đi của mình cũng đã để lại một nỗi hụt hẫng nhất định nào đó trong lòng mỗi người.



Những điều chưa nói: 

Những phần hồi ức này về khoảng đời đi dạy ngắn ngủi của tôi được viết trong vùng ký ức có phần nào mù mờ của một đoạn đời đã xa, nên những gì được ghi lại là những gì vô tình còn hiện rõ sau lớp bụi phủ dày của thời gian.  Có nhiều điều đã bị vô tình lãng quên.  Cũng có những điều không còn nhớ rõ.  Tuy nhiên, có hai nhân vật trong đoạn đời đó mà tôi không thể nào quên, và sẽ là thiếu sót, sẽ là một sự vong ơn, nếu tôi không đề cập đến họ.  Do đó, tôi xin được dành phần "Những điều chưa nói" này để nói về hai người mà tôi đã chẳng bao giờ còn có dịp gặp lại hay liên lạc, kể từ ngày ra đi ấy. 

Người đầu tiên là em - một người con gái.  Em vốn chẳng phải là học sinh của tôi.  Ngày tôi ra trường và đi dạy, em đã học xong lớp 12.  Em gái của em mới là học sinh của tôi.  Ở phố biển ấy, làm thầy của một đứa học sinh, cũng có nghĩa là làm thầy của cả một gia đình.  Tuy không dạy em nhưng em đã đối xử với tôi với cung cách của một đứa học sinh luôn ngoan ngoãn và tận tụy.  Tôi không bao giờ quên được những gì mà em đã làm cho tôi.  Mà có lẽ em cũng không biết là chúng có ý nghĩa lớn lao với tôi như thế nào.   Cũng như tôi, em vốn mê đọc sách, và với số tiền mình kiếm được, em hầu như tiêu tốn hết vào việc mua sách.  Mỗi lần mua xong một quyển sách mới nào đó là ngay sau khi đọc xong, em lại hí hửng mang đến cho tôi đọc và muốn tôi giữ hộ giùm em.  Tôi không tài nào nhớ nổi hết lượng sách mà em đã mang đến cho tôi đọc trong những tháng ngày đi dạy buồn bã ấy.  Mỗi lần gặp gỡ giữa em và tôi cũng đồng nghĩa với một quyển sách mới. 

Những lần đi gác và chấm thi xa, cũng chính em là người đã đến nơi để lo chỗ ở riêng biệt cho tôi, vì em biết là tôi không thích ở chung tập thể với người khác, nhằm tránh mọi liên quan phiền toái.  Tôi vẫn còn nhớ căn phòng yên tĩnh ở trong một Ban Văn Hóa mà có lần em đã liên hệ được cho tôi.  Tôi thậm chí còn nhớ trên chiếc bàn kê cạnh đầu giường, em còn chu đáo để đó cho tôi năm quyển sách thật hay, lượng sách đủ để tôi đọc trong suốt những ngày chấm và gác thi đó.  Đến bây giờ mà tôi vẫn còn nhớ được tựa đề của hai trong năm quyển sách ấy.  Chúng là quyển Ngàn Cánh Hạc của Nhật Bản và một quyển tiểu thuyết dịch khác có tựa đề Người Đàn Bà Mà Tôi Ruồng Bỏ.   Có lẽ em là người duy nhất trong cuộc đời này cho tôi niềm tin rằng con người có thể đối đãi với nhau với tất cả sự trân trọng và thương yêu mà không ẩn chứa bất kỳ một mục đích gì cả.  Ngày ra đi, tôi đã chẳng có dịp để từ giã em, cũng chẳng có dịp để trao trả lại em toàn bộ số sách của em mà tôi đã giữ.

Người thứ hai là anh - một đồng nghiệp dạy Văn lớn hơn tôi khoảng chừng dăm bảy tuổi.  Anh vốn là người miền Bắc, đồng thời là một bộ đội phục viên, mới về trường dạy sau này.  Anh và tôi không hẳn là thân thiết với nhau lắm và dĩ nhiên là khác biệt nhau rất nhiều.  Tuy vậy, tôi cảm nhận được là qua những lần giao tiếp không thường xuyên, anh dành cho tôi một sự quí mến nhất định nào đó.  Ngày ấy, bằng tốt nghiệp đại học chỉ được phát ra cho sinh viên sau khi sinh viên đã hoàn thành công tác được vài năm.  Hè năm ấy, tôi đã nộp xong đơn xin rút bằng, nhưng phải đợi đến vài tháng sau thì mới có thể lãnh được.  Điều bất ngờ là tôi lại ra đi trước lúc bằng được phát.  Những tưởng là tôi sẽ chẳng bao giờ còn có dịp thấy được nó.  Thế mà, không hiểu bằng cách nào anh lại rút được nó và sau đó, tìm cách gửi qua cho tôi.  Việc làm của anh tuy không có gì là lớn lao, nhưng hàm chứa cả một ý tình của người ở lại đối với người ra đi, và khiến tôi thật lòng muốn được gửi đến anh một lời cảm ơn chân thành.  Ước muốn đơn giản thế thôi nhưng có lẽ chẳng bao giờ thực hiện được vì anh rời trường xưa đã từ lâu và tất cả những gì mà tôi còn nhớ về anh chỉ còn duy nhất là một cái tên (không nhớ họ) không hơn, không kém.   



Một thời để nhớ:

Thế là qua năm phần hồi ức, tôi vừa sống lại một lần nữa đoạn đời làm thầy đáng nhớ của mình.  Trong những năm tháng phiêu bạt bôn ba, cũng như trong những năm tháng quay cuồng với nhịp sống hối hả nơi đất Mỹ, tôi cứ tưởng là những ký ức ấy đã ngủ vùi, chẳng bao giờ còn sống dậy nữa.  Sống lại với chúng vừa là một hạnh phúc, vừa nghĩa là phải nói lời chia xa lần nữa, lần chia biệt nào cũng buồn.   

Đoạn đời tôi làm thầy giáo ấy tuy ngắn ngủi, nhưng dư âm của nó lại kéo dài thật dài và thật lâu.  Nói chung, tôi cho là mình đã nhận được quá nhiều so với độ dài thời gian mà mình đứng trên bục giảng.  Có lẽ hiếm có ai làm thầy mà lại may mắn như thế.  Trong quá trình đi dạy của mình, tôi chưa hề gặp khó khăn hay phiền toái với bất kỳ học sinh nào.  Tất cả những gì tôi nhận được là một lòng thương yêu vô lượng.

Thậm chí, có những học sinh mà tôi chỉ có dịp đứng dạy trong một khoảng thời gian ngắn thì các em đã ra đi, thế mà, dù ở nơi nào trên thế giới, các em đã luôn dõi theo tôi, với một sự quan tâm miệt mài, từ những ngày tôi còn ở lại cho đến tận những ngày tôi đã sang đất Mỹ và có được một cuộc sống mới.  Ân tình ấy tôi không thể diễn tả bằng lời, cũng chẳng thể dùng hai từ cảm ơn khách sáo.  Còn nhiều lắm những ân tình khác khi tôi gặp lại các em trên bước đường di tản của mình nơi đất người xứ lạ.  Không có chúng, không biết chắc là tôi có vượt qua khỏi những năm tháng thử thách khắc nghiệt và tàn bạo, dài đăng đẳng của định phận, trong hoàn cảnh cô thế, chẳng có lấy đến một người thân.

Với độ tuổi còn quá trẻ, còn ít nhiều bồng bột và nông nổi, không hẳn là tôi đã không hề làm bất kỳ điều gì làm mình không khỏi hối tiếc.  Điều đó là không tránh khỏi.  Cũng như không thể không có những điều mà tôi ước gì mình đã làm chúng với một cách thức khác hay hơn, tinh tế hơn.  Tuy vậy, bất chấp tất cả, tôi biết chắc rằng tôi đã sống đoạn đời vàng son ấy của mình với tất cả tâm hồn và trái tim, theo một cách thức, mà tôi đã từng nói ở phần hồi ức đầu tiên:  Mỗi một con người chỉ có thể sống như thế một lần thôi trong cuộc hành trình dài trăm năm đi qua kiếp phận con người. 

Cũng có những bí ẩn mà một người thầy trẻ muốn mãi mãi vùi lấp vào trong những góc khuất của tâm hồn mình.  Như cái bí ẩn mà anh ta chưa một lần thố lộ cùng ai trong bất kỳ hoàn cảnh nào:  Ở những tháng ngày đầu tiên làm thầy giáo đó, có một nhân ảnh mà anh ta đã mang theo vào trong hành trang đời sống của mình suốt cả cuộc đời.  Chưa có ai mà anh ta thương yêu đến thế.  Chưa có ai mà anh ta nhớ nhung đến thế.  Chưa có ai mà anh ta vẫn mải miết thầm thì, qua bao năm tháng, với chính mình rằng:   Nếu biết được rằng em đang làm gì và ở nơi đâu, tôi sẵn sàng làm bất kỳ điều gì cho em để chỉ được nhìn thấy em hạnh phúc.

04/11/2012
Jeffrey Thai 

1 comment:



  1. Hạnh phúc là một chiếc lá
    Âm thầm nảy lộc đêm đông
    Buồn đau là một chiếc lá
    Rụng trong nhựa ứa mai hồng
    Nhớ mong là một chiếc lá
    Run vô cớ giữa lặng không
    Hờn ghen là một chiếc lá
    Vờ đã tắt gió trong lòng
    Cô đơn là một chiếc lá
    Lay lắt mãi giữa cành đông
    Tình yêu chỉ năm chiếc lá
    Mà làm thành một cơn giông.

    Có phải vậy không tác giả...?Tình cảm mãi là những điều bí ẩn mà không ai có thể giải thích một cách trọn vẹn...người ta chỉ nên cảm nhận và...chấp nhận.Tôi tin những gì bạn viết '' sẳn sàng làm bất cứ điều gì cho em để chỉ được nhìn thấy em hạnh phúc.'' một ngày nào đó sẻ thành hiện thực...Miễn là bạn còn giữ nó đến lúc đó.

    ReplyDelete