Một năm nữa lại sắp trôi qua. Năm nay, tôi có cảm giác thời gian trôi qua
nhanh quá. Có lẽ vì công việc bận rộn hơn
nhiều. Nền kinh tế Mỹ đã hồi phục thấy rõ,
tỷ lệ thất nghiệp lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 7.7%, kể từ sau suy thoái
kinh tế toàn cầu. Ở Mỹ này, mối tương
quan giữa sức khỏe kinh tế và độ bận rộn của công việc gắn bó rất mật thiết
theo một tỷ lệ thuận rất rõ. Với sự bận
rộn này của tôi, cũng như của rất nhiều người khác, có thể xem như những ngày đen
tối nhất của nước Mỹ và phần lớn người dân Mỹ đã qua đi.
Càng lớn hình như con người càng cảm thấy thời gian trôi qua
nhanh hơn thì phải. Tôi còn nhớ những ngày
còn sống ở VN, thời gian trôi qua chậm chạp không thể tưởng tượng được. Mỗi năm dường như dài cả một thế kỷ. Cũng có thể vì nhịp sống ngày ấy chậm quá, trì
trệ và bế tắc. Con người lại không có
nhiều phương tiện để giải trí. Còn ngày
nay, nhất là ở Mỹ, có quá nhiều phương tiện để con người tận hưởng thời gian của
mình một cách thú vị nhất. Ngoài những
giờ làm việc, thời gian cứ trôi qua nhanh như bóng câu.
Năm ngoái, tôi cũng đã có ý định sẽ viết một bài tâm tình cuối
năm, nhưng rồi vì quá bận rộn với công việc chuyển nơi chỗ ở nên không thực hiện
được. Năm nay, có được nhiều ngày nghỉ hơn
sau một năm làm việc tất bật, tôi đã có đủ sự tĩnh tâm để ngồi trước bàn phím,
trong một không gian êm đềm đã được dọn dẹp khá tinh tươm, để nhìn lại những dấu
vết của một năm sống sắp ra đi, nhìn lại những nghĩ suy và trăn trở đã có lần dạo
qua vùng chất xám của bộ não mình, và nhìn lại những xúc cảm còn vương đọng đâu
đó quanh khu vực trái tim.
Tôi cho rằng những
phút giây nhìn lại như thế là một hạnh phúc.
Và cũng là một điều cần thiết.
Khi nhìn lại, con người thường thấy hạnh phúc là vì đó là bản năng của
con người. Con người vốn có bản năng
hoài niệm, và bản năng này phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn với thời gian. Càng già con người càng hoài niệm nhiều hơn,
và dù già hay trẻ, bất cứ con người nào cũng không thể sống mà không có quá
khứ, không có ký ức trong tâm thức của mình.
Nhìn lại cũng là cách để con người không phải thêm một lần nữa, trăn trở
và day dứt trong những ngày tới, về một điều gì đó mà mình đã từng một lần day
dứt và trăn trở.
Đã chẳng có gì xảy ra vào cái ngày 21/12/2012 được cho là tận thế đó. Tôi vốn đã chẳng tin như thế và đã chẳng bận
tâm dành cho nó chút suy nghĩ nào. Đa số
người Mỹ cũng chẳng ai quan tâm. Tại nơi
tôi làm việc chưa hề có ai nhắc gì đến nó cho dù chỉ là thoáng qua. Thế mà buồn cười thay có không ít người trên
thế giới này đã lo âu quá đáng khi họ tìm cách lên rừng, lên núi, mua sắm dự trữ,
hay thậm chí chế tạo các thiết bị với hy vọng sống sót qua các thảm họa tận thế.
Lo sợ, xét ra, âu cũng chỉ bản năng thường tình của con người.
Nhất là ở đây lại là lo sợ về một thảm họa
lớn đối với sự sống toàn cầu. Điểm làm tôi
cảm thấy lấn cấn ở đây chính là khát vọng tham sống quá mãnh liệt ở một số người. Cứ thử tưởng tượng có một thảm họa tận thế nào
đó xảy ra thật, chẳng hạn như siêu động đất hay một cơn đại hồng thủy nào đó,
hay một hành tinh nào đó va chạm vào trái đất, thì hẳn nhiên lượng người mà nó
hủy diệt sẽ là vô cùng to lớn. Thế thì,
vui sướng gì để sống sót một mình khi hầu hết mọi người (thân hay không thân) đã
không còn sống nữa. Sống là sống với mọi
người kia mà.
Cái khát vọng tồn tại đến mức độ cực đoan ấy làm tôi nghĩ
nhiều về khuynh hướng sống đang tiến triển một cách đáng buồn của nhân loại ngày
nay. Đó là khuynnh hướng con người ngày
càng chui mình vào vỏ ốc cá nhân vị kỷ và bỏ mặc tha nhân. Dẫu rằng càng ngày các phát minh và thiết bị
khoa học càng giúp thu gần khoảng cách địa lý giữa con người với nhau, dẫu ở đâu
và cách xa nhau đến mấy trên quả địa cầu này, con người cũng vẫn có thể nhìn thấy
nhau và nói chuyện với nhau được bất kỳ lúc nào; thế nhưng, chưa bao giờ con người
trở nên cô đơn, riêng lẻ và xa cách nhau về mặt tâm hồn như ngày hôm nay. Con người ngày càng trở nên độc ác hơn và giết
hại lẫn nhau nhiều hơn.
Chúng ta đọc được rất thường và ngày càng thường xuyên hơn các
sự kiện trong đó con người trở nên vô cảm và trơ lạnh trước các tai nạn, khốn
khổ và nghịch cảnh của đồng loại. Ở một
số quốc gia, nhất là những quốc gia kém phát triển, việc đầu độc thực phẩm, qua
đó đầu độc chính đồng bào của mình, để thu lợi nhuận kinh doanh đã trở nên không
thể kiểm soát. Chúng ta đã nghe báo động
rất nhiều lần, thậm chí từ một em bé 10 tuổi, rằng chúng ta đang tự hủy hoại môi
trường sống của mình một cách nghiêm trọng do quá tham lam và chỉ nghĩ đến lợi ích
cá nhân. Vẫn còn đây đó trên thế giới những
quốc gia, những nhóm người ấp ủ trong đầu mình những tham vọng chiến tranh với
vũ khí hạt nhân, vốn có sức phá hủy lớn...
Ngày tận thế không có hay
không chắc chắn là có, nhưng những hiểm họa tận thế thì đã rõ ràng trước mắt,
và chúng nằm ngay ở trong con người đang hiện diện trên quả địa cầu này, chứ
chẳng phải đâu xa.
Mùa Giáng Sinh Và Sự
Bất Ổn Định Của Đời Sống
Mùa Giáng Sinh là mùa hồng ân của Thiên Chúa. Ở mùa Giáng Sinh, con người thấy lòng mình bình
yên hơn và hướng về Thượng Đế để mong cầu những điều tốt đẹp cho tương
lai. Con người gửi đến nhau những lời chúc
chân thành và nồng ấm. Thế nhưng, với nước
Mỹ, mùa Giáng Sinh cũng là mùa của tội phạm.
Tội phạm thì mùa nào cũng có, nhưng với nhu cầu hưởng thụ cao hơn vào những
dịp lễ, tội phạm vào mùa Giáng Sinh luôn tăng cao rõ rệt.
Tôi đã chẳng bao giờ chú ý đến mặt trái ấy của mùa Giáng
Sinh nếu như hai mùa Giáng Sinh liên tục vừa qua, tôi không là nạn nhân của hai
cuộc "dọn nhà". Lần thứ nhất là
vào mùa Giáng Sinh 2010, ngay vào đêm trước đêm Giáng Sinh. Lần "dọn nhà" ấy đã để lại cho tôi
một tổn thất khá nặng nề vì tất cả các thiết bị điện tử đắt tiền có giá trên mười
ngàn đô (chủ yếu là desktop, laptop và TV) mà tôi chỉ mới mua sắm không lâu, đã
biến mất. Đó cũng chính là lý do cho việc
tôi chuyển chỗ ở vào mùa Giáng Sinh năm sau 2011. Điều không thể ngờ được là sau khi Giáng Sinh
chỉ mới qua đi, ngay tại nơi chỗ ở mới, tôi lại bị "dọn nhà" lần nữa. Lần này nhẹ nhàng hơn vì chúng chỉ lấy đi những
gì tôi mới mua lại, là một laptop hơn ngàn đô và một máy chụp ảnh gần ngàn đô,
cùng vài món linh tinh gọn nhẹ khác.
Năm nay, mùa Giáng Sinh lại đến mang đến theo nó cái không
khí thiêng liêng và thư giãn thường lệ cho mọi người dân Mỹ. Tôi cứ tưởng rằng ký ức về hai cuộc "dọn
nhà" cũ đã phôi phai. Nhưng không hẳn
là thế. Trong những ngày nghỉ thư giãn này,
ngay trước Giáng Sinh, tôi vô tình cuộn bức mành trên cửa sổ nhà bếp lên, để nhìn
ra ngoài sân sau. Tôi đã nhìn thấy gì? Tấm màn lưới bên ngoài đã bị tháo xuống. Lớp cửa kiếng bên ngoài có vài đường nứt lớn
vì bị cạy. Rõ ràng đã có ai đó cố gắng để
đột nhập vào bên trong như đã làm ở năm ngoái.
Nhưng tại sao chúng lại dừng lại ở đó?
Lý do dễ hiểu là chúng đã nhìn thấy miếng sticker (miếng dán
có in nhãn hiệu) tôi dán trên cửa sổ. Đó
là dấu hiệu cho biết nơi ở được bảo vệ bởi hệ thống báo động. Chỉ cần chúng bước vào trong, sau tiếng bip
bip kéo dài 45 giây, hệ thống sẽ hú còi inh ỏi và tự động báo động đến Sở Cảnh Sát,
và trong khoảng 5 phút sau, họ sẽ có mặt.
Chính miếng sticker đó đã làm bọn chúng cân nhắc. Sự mạo hiểm quá lớn so với những gì mà chúng
sắp lấy được. Nhìn miếng kính nứt nẻ, tôi
thấy mình đã không sai khi quyết định cho lắp đặt ngay hệ thống báo động (dẫu
khá đắt tiền và phải đóng lệ phí khá cao hàng tháng) sau sự kiện năm ngoái,
thay vì tìm một nơi ở khác. Tôi cũng đã
mua ngay bảo hiểm tài sản.
Tôi muốn nói gì qua
những điều tôi vừa kể nhỉ? Điều tôi muốn nói là: Bản chất của cuộc sống chúng ta là sự bất ổn
định, chứ không phải là sự ổn định (giống hệt như những gì mà một vị nghệ sĩ -
tiến sĩ đã nói trong bài giảng Như Nó Đang Là của bà). Sự ổn định mà chúng ta
tưởng về cuộc sống, chỉ là một trạng thái giả tạo hoặc tạm thời mà thôi. Chúng ta không nhận ra được bản chất bất ổn
định đó là do hoặc chúng ta kém hiểu biết, hoặc chúng ta chưa "từng
trải" đủ. Nếu nhận thức được bản
chất bất ổn định đó, chúng ta sẽ không ngủ yên trên cái vẻ ngoài êm ả và ru ngủ
của đời sống, mà tỉnh thức hơn và luôn sẵn sàng cho mọi biến động.
Thế Giới Ảo Và Những
Khát Khao Ảo Vọng
Rất nhiều người ở thời điểm hôm nay có hai đời sống cùng
song hành trong cuộc sống của mình: Đời
sống thực và đời sống ảo. Việc cân bằng
giữa hai đời sống này tưởng là dễ, nhưng lại không hề dễ một chút nào. Nguyên do cho sự thất bại trong việc cân bằng
ấy nằm ngay ở chính con người, ở bản chất cố hữu "tham, sân, si" của
con người. Nếu có nhiều người tìm thấy được
niềm vui thánh thiện và sự động viên tích cực từ những sẻ chia xuyên không
gian, thì cũng có không ít người đã bị dẫn dắt bởi những khát khao ảo vọng và
phù du, để rồi dấn quá sâu vào trong thế giới ảo, sống một đời sống u mê, và đôi
khi, đê tiện trong thế giới ấy, đến nỗi không tìm được lối ra nữa.
Tôi đã thấy gì ở thế giới ảo nhỉ? Ngoài những ân tình và sẻ chia, tôi cũng đã
thấy những điều mình không muốn thấy chút nào.
Cũng giống như ở ngoài đời thực, tôi thấy ở đây có những con người mang theo bên mình nhiều
thuộc tính (xấu) đặc trưng: một bản ngã
quá lớn, một tâm trí u mê và một lòng ham hư danh bất tận. Nếu bạn sống đủ hồn nhiên, vô tư, và sâu lắng
trong thế giới không mặt người này, tôi tin rằng, cũng như tôi, không khó khăn
gì để bạn có thể nghe được hơi thở từ sau những bàn phím. Những hơi thở đó, có khi êm đềm, có khi dồn dập,
có khi ngắt quãng sẽ nói bạn nghe chủ nhân của chúng đang nghĩ gì và muốn gì.
Con người muốn gì ở thế giới ảo này nhỉ? Nói ra nghe buồn cười, nhưng sự thật là điều
nhiều người ham muốn nhất lại chính là cái danh: Được số đông biết đến, yêu thích, ngưỡng mộ và
ca tụng. Thậm chí cá biệt, có trường hợp
điên cuồng đến mức độ muốn chỉ huy và điều khiển được mọi người như những con rối
trong tay mình. Có lẽ sự ham muốn này sẽ
bớt đi phần nào lố bịch và khôi hài nếu người ham muốn vốn khả dĩ sở hữu ít nhiều
năng khiếu văn chương. Nhưng như chúng
ta thấy đó, thực tế là, thế giới mạng vốn không phải là nơi hiện diện của nhiều
tài danh văn học.
Với khả năng viết hạn chế (có trường hợp tạm chấp nhận được),
với vốn hiểu biết và suy nghĩ hạn hẹp, với khả năng suy luận gần như bằng không,
có rất nhiều người (nhất là những thành viên nữ và trẻ ở một trang mạng xã hội
nọ), không ngừng nuôi dưỡng một ảo tưởng rằng mình là một ngòi bút thu hút và có
sức ảnh hưởng lớn. Để nuôi dưỡng ảo giác
đó, họ không ngừng miệt mài giao lưu bằng những lời khen (sáo rỗng) với kết quả
nắm chắc trong tay là nhận lại được những lời khen tương tự và số lượt view
tăng cao. Và cứ như thế, họ tiêu tốn hầu
hết thời gian có được vào cơn mê ảo.
Trong khi đó, họ không hay biết rằng tâm hồn họ ngày càng trở nên cùn mằn
và hời hợt đến tội nghiệp, vì đã bị mai một đi bởi sự sáo mòn và rỗng tuếch.
Tệ hại hơn nữa, có những người với khát khao hư danh ảo luôn
nằm trong suy nghĩ, đã không dằn được lòng đố kỵ của mình khi ghé qua những
blog đông đúc và được yêu mến. Dù có
quen hay không quen với chủ blog, đường đi nước bước của họ thường là tạo dựng
ra một cái cớ nào đấy (cho dù là vô lý nhất) để lấy đó làm bàn đạp cho công cuộc
thóa mạ của mình với đủ mọi thủ đoạn. Nếu
sau một bài viết hay nào đó được đăng tải trên blog, chúng ta có thể nghe được
những hơi thở êm đềm vì khoan khoái vọng vang từ đằng sau những bàn phím, thì đồng
thời cũng luôn có vài hơi thở dồn dập vì ghen tức, hổn hển đâu đó.
Thế giới thực mà chúng
ta đang sống vốn đã phần nào mang tính chất ảo.
Thế giới ảo mà chúng ta có được ngày nay, nhờ phát minh khoa học tiên
tiến, lại càng ảo hơn gấp biết bao lần.
Vì thế, có lẽ chẳng có gì đáng thương và đáng tội nghiệp hơn cho những
con người đã phung phí đời mình để sống với những khát khao hoàn toàn ảo vọng,
thậm chí sống một cách hoàn toàn đê tiện và đáng khinh trong cái thế giới ít
nhất hai lần ảo mộng.
Jeffrey Thai
No comments:
Post a Comment