Máu đã nhuộm đỏ một bãi sân trường. Không phải đợi đến cách đây vài ngày (17/12/2012 ) khi một học sinh nam ở
trường PTTH Ứng Hòa B (Hà Nội) rượt chém một bạn nam khác ngay trên sân trường
thì máu mới đổ. Trước đó, máu đã nhiều lần
tuôn đổ trong khuôn viên học đường, nhuộm đỏ những tà áo trắng tinh khôi. Có khi máu đổ ra theo từng dòng ào ạt do những
vết chém giang hồ. Cũng có khi máu ứa ra
lênh láng từ những vết bầm do những cú đập, nện thẳng tay. Máu không chỉ thấm ướt những tà áo sơ mi, máu
lấm lem cả những tà áo dài con gái.
Ngày trước, sân trường vốn là "nơi bình yên chim hót". Nơi ấy bình yên lắm, bình yên đến nỗi chim líu
lo hót quanh những khuôn mặt ngây thơ, hồn nhiên và trong sáng. Trong khi chim mải mê hót thì những khuôn mặt
non tơ ấy mải mê cười đùa bên nhau thân thương và trìu mến. Nhưng giờ đây, sân trường ấy không còn bình yên
nữa. Chim không còn hót mà thỉnh thoảng
cứ kêu lên những tiếng kêu quang quác thất thanh khi thấy bóng dáng các cô cậu
học trò rượt đuổi nhau. Rượt đuổi nhau để
đùa giỡn chăng? Chuyện đó có lẽ ... xưa
rồi. Thực tế là, chúng rượt đuổi để đánh
đập hay chém giết lẫn nhau.
Vì đâu mà cơ sự đến nỗi này?
Vì đâu mà tình bạn học, vốn có một truyền thống đẹp đẽ như thế trong dòng
chảy lịch sử của người VN, lại trở nên cạn kiệt đến nỗi có những cô cậu học trò
ngày nay đối xử với nhau như loài thú dữ?
Có lẽ đó là một câu chuyện dài, cần nhiều thời gian để mổ xẻ và có thể,
tôi sẽ viết về nó ở một thời điểm khác. Ở
giây phút hiện tại này, khi những dòng máu đỏ tươi mới nhất trên sân trường đó chưa
kịp khô đi, tôi chỉ muốn nói về cũng màu đỏ đó ở một thời điểm quá khứ, khi tôi
còn cắp sách đến trường.
Ngày tôi còn cắp sách đến trường phổ thông không hẳn là quá
xa xôi. Nó vẫn còn nằm trong vùng ký ức
có thể nhớ được một cách rất rõ của con người.
Một, hai hay vài thập kỷ không hẳn là một khoảng thời gian quá dài. Thế mà, so với học đường hiện tại, sao nó cứ
như một câu chuyện cổ tích. Ngày ấy, sân
trường cũng rừng rực đỏ mỗi bận hè về, nhưng là màu đỏ của những cánh hoa phượng
vĩ. Chúng tôi - những người bạn học và tôi
- vẫn thường gọi đó là màu máu của con tim. Gọi
như thế vì hè về có nghĩa là chia tay, là không còn được gặp nhau nữa trong suốt
ba tháng trời dài đăng đẳng. Dẫu biết
rằng rồi sẽ gặp lại mà lòng bịn rịn lắm và cảm thấy lòng đau như con tim đang
nhỏ máu. Cuối năm học lớp 10, có bạn đã
bắt đầu lập lưu bút rồi, vì sợ rằng vì lý do gì đó, có bạn không còn tiếp tục đi
học được nữa. Cứ thế, mỗi cuối năm những
cuốn lưu bút lại được chuyền tay nhau để mọi người trút hết tâm tình của thương
và nhớ.
Nhớ lại, thấy sao cái tình bằng hữu ngày đó đậm đà, thắm thiết
thế. Nó giống như là tình anh em ruột thịt
"máu chảy ruột mềm". Ai gặp chuyện gì không may, cả lớp lòng đau như
cắt. Chỉ cần học chung với nhau một năm
thôi là xem như đã trở thành người thân và tình thân đó sẽ ở lại trong ký ức
cho đến hết một đời. Lớp học có đến vài
chục bạn, vậy mà hiếm khi có chuyện có hai bạn nào đó xích mích với nhau. Thảng hoặc, có xích mích xảy ra, thầy cô biết
được kêu lên hòa giải, thì dù lòng không muốn, các bạn cũng cố hòa giải để thầy
cô vui lòng.
Đến bây giờ mà tôi vẫn nhớ từng người bạn đã học chung với mình
những ngày còn thơ dại. Trong đầu óc của
tôi, họ không chỉ là những người bạn mà là những người thân, thân lắm. Họ là cả một quê hương, là cả một vùng trời ký
ức được gom góp lại. Bạn học phổ thông cũng
có nghĩa là cùng chung xứ sở, cùng chung một tuổi thơ, nên sau khi tốt nghiệp,
dẫu mỗi người có đi theo những ngả rẽ khác nhau nhưng những kỷ niệm vẫn nằm thật
sâu trong tiềm thức. Tốt nghiệp xong, dẫu
tôi lên đại học có thêm nhiều bạn học mới, rồi rời quê hương, rồi trở lại trường
đại học ở Mỹ và có thêm vô số bạn học nữa, nhưng thật tình mà nói, tôi chỉ nhớ đến
những bạn học ngày còn thơ.
Cách đây một vài năm, tôi có liên lạc lại được (qua điện thoại)
với một cô bạn học cũ. Bạn ấy rời VN và đến
Mỹ ngay sau khi tốt nghiệp cấp ba. Tôi lận
đận nên mãi sau này mới sang được đây. Ngày liên lạc lại được với nhau, thời gian cách
xa đã dài ngun ngút đến hơn hai thập kỷ, thế mà cứ tưởng như chưa bao giờ xa cách. Tôi vẫn nhớ giọng nói ấy, cách nói
chuyện ấy và chúng tôi đã hầu như thức trắng đêm để nhắc lại chuyện ngày xưa và
những người bạn cũ.
Vật đổi sao dời. Mới đấy
mà đã có đến hơn hai bạn không còn sống nữa.
Anh lớp trưởng ngày xưa đã chết khi chưa tròn ba mươi tuổi vì một tai nạn
gì đó. Anh chỉ lớn hơn mọi người một vài
tuổi, vậy mà hồi còn đi học, ai cũng một hai kêu anh bằng anh rất trang trọng,
xem anh như hàng trưởng thượng. Một bạn
học khác thì chết do uống nhiều rượu quá.
Một số bạn còn ở lại quê xưa. Một
số lưu lạc nơi đâu không rõ. Một số sống
nơi hải ngoại. Khi bạn ấy kể đến chuyện đã
trở về quê hương và tập hợp lại các bạn bè cũ để nối lại thân tình, tôi đã không
thể nén được sự ngạc nhiên trước sự thủy chung kỳ diệu đó.
Thật kỳ lạ làm sao! Sau
chừng ấy thời gian, khi mà giờ đây, mỗi người đã có một cảnh đời riêng biệt, vậy
mà họ vẫn tìm gặp lại nhau, đi chơi cùng nhau trên những chuyến đi dài, và nhắc
lại chuyện xưa cũ. Cô bạn ấy cũng kể mọi
người cứ nhắc tôi mãi và mong rằng tôi sẽ về để sum họp cùng bè bạn. Dựa vào cớ đó, cô cứ bao phen hối thúc tôi cố
gắng thu xếp để Tết đến, tháp tùng cùng gia đình cô về lại VN, khiến tôi cứ phải
thoái thác mãi. Thật tình, lòng tôi cũng
thấy bồi hồi và xúc động lắm, nhưng việc gặp lại, có lẽ tôi xin đành lỗi hẹn, vì
tôi chẳng bao giờ còn trở về nữa. Tuy vậy,
chắc chắn rằng tôi sẽ gặp lại các bạn tôi trong những giấc chiêm bao.
Nhớ lại cái nghĩa thầy trò ngày xưa mới thấy nó cao quí và
thiêng liêng làm sao. Ngày ấy, bọn tôi
chẳng bao giờ dám trái ý các thầy cô. Thầy
cô là quyền lực tối thượng mà chẳng ai dám có gan trái lệnh, dẫu thầy cô có đúng
hay sai. Với tôi, tôi còn nhớ chỉ cần một
cái liếc mắt không vừa ý của thầy hay cô thôi, là lòng tôi cảm thấy bứt rứt không
yên, sợ rằng thầy cô không còn thương mình nữa.
Có một qui tắc bất thành văn ngày đó là:
Làm học trò là phải được thầy cô thương.
Nếu thầy cô không thương thì dẫu có học giỏi đến đâu cũng sẽ chẳng được
bạn bè xem trọng. Tình thương của thầy cô
được xem như một giấy chứng nhận danh dự về phẩm chất của một học sinh.
Hồi năm tôi học lớp 9, thầy dạy Toán là một thầy có tính tình
vô cùng nghiêm khắc. Chẳng những nghiêm
khắc, thầy còn thẳng tay trong việc trừng phạt các học sinh học dở do không cố
gắng học. Thầy sử dụng roi mây để đánh học
sinh và thầy đánh vào mông rất đau.
Trong lớp học có một anh to con, tướng tá phong độ lắm. Anh lớn tuổi hơn các bạn trong lớp nên trở thành
người lớn sớm hơn và đã biết ăn diện. Khổ
nỗi là anh lại học dốt quá nên bị thầy đánh rất thường xuyên. Tôi vẫn còn nhớ những ngọn roi thật phũ phàng
biết bao lần được quất lên trên đôi mông tội nghiệp của anh. Chắc hẳn là phải đau lắm. Thế mà chưa bao giờ anh dám phản kháng, cũng
chưa bao giờ nghe anh than phiền thầy một lời nào về những đòn roi vừa đau, vừa
mất thể diện đó. Vì anh học dốt quá, nên
hết năm lớp 9 đó, anh nghỉ học và đi bộ đội. Một vài năm sau, anh trở về quê với một chân bỏ
lại ở chiến trường. Nghĩ lại thấy tội
cho anh quá. Hình ảnh trai trẻ phong độ
của tuổi học trò đã được thay thế bằng hình ảnh của anh thương phế binh tật
nguyền với những bước chân đi khập khiễng.
So sánh với các thầy cô giáo ngày nay, qua một vài bài báo mà
tôi mới đọc đây, vừa thấy thương, vừa thấy xót và tủi cho phận những người đưa đò
ở thời buổi nhiễu nhương này. Họ nói rằng,
tuy mang danh là nhà mô phạm, họ chẳng còn có chút quyền hành gì cả. Ngay cả đến cái quyền đương nhiên nhất, mà vốn
rất phổ biến trước đây, là quyền đuổi những học sinh quậy phá ra khỏi lớp, họ cũng
không có được. Tất cả những gì họ có thể
làm là hạ hạnh kiểm của học sinh, mà cho dù có hạ thì học sinh quậy phá cũng chẳng
gặp khó khăn gì trong việc lên lớp, vì để lên lớp chỉ cần có hạnh kiểm trung bình. Nghèo nàn và bất lực, họ phải cam chịu bám
nghề trong sự thiếu tôn trọng nghiêm trọng của chính những đứa học trò mà họ có
nhiệm vụ đào tạo để trở thành những con người có ích cho xã hội.
Cũng cùng một màu đỏ sân trường, màu đỏ ngày xưa là màu của
máu rỉ ra từ con tim của những đứa học sinh thương yêu bạn bè như máu thịt của
chính bản thân mình, tôn trọng thầy cô như chính cha mẹ của mình. Màu đỏ hôm nay lại là màu của máu tuôn ra từng
dòng xối xả sau những vết chém nhẫn tâm, màu của máu ứa ra lênh láng sau những đòn
thù bạo lực kinh hoàng từ những người bạn cùng học chung trường, chung lớp.
Tự bao giờ những đứa học trò tuổi đời còn non dại đã biết học
cách để đối xử với nhau như loài thú dữ?
Jeffrey Thai
No comments:
Post a Comment