Monday, March 18, 2013

Nỗi Buồn Hư Vô


Nỗi buồn phủ xuống đời tôi như một màn sương bạc.  Màn sương ấy mỏng manh nhưng chưa hề bao giờ tan biến.  Nếu ví lòng tôi như những triền núi nhấp nhô, cô miên và sừng sững giữa  đất trời, thì nỗi buồn ấy tựa như những áng mây lạnh, cứ mãi lượn lờ bám dọc theo những rãnh núi cô đơn.  Tôi vẫn còn nhớ, lần đầu tiên trong đời được tận mắt ngắm nhìn những ngọn núi thật cao, tôi tưởng chừng như đã bắt gặp chính bóng dáng của tâm hồn mình, lẩn khuất đâu đó,  trên tầm cao vời vợi ấy.  Tâm hồn ấy hoang vu và lẻ loi giữa một cõi mênh mông khôn cùng.  Tôi yêu núi từ đấy và yêu luôn cả nỗi buồn.  Dẫu bất kỳ ở một không gian nào, chỉ cần chợt thoáng nhìn thấy những đồi núi chơ vơ là lòng tôi chùng hẳn xuống, thấy bâng khuâng thật nhiều như lúc một cố nhân vừa gặp lại một cố nhân. 

Người ta có thể lý giải được nhiều điều, nhưng để lý giải được sự hiện hữu và độ dài thời gian của nỗi buồn thì có vẻ như là không thể.  Cũng cùng một hoàn cảnh sống ấy, một thân phận ấy, có người thấy là điều bình thường, có người trở nên tức giận và không ngừng than oán.  Tôi vốn không phải là người vô cảm để có thể an nhiên với mọi tác động ngoại cảnh, hay những xung đột nội tâm.  Tôi cũng hiếm khi tức giận và không có thói quen than oán những trớ trêu, không hay của đời sống.  Và vì thế, có vẻ như chỉ còn lại một thái độ sống duy nhất mà tôi có thể  lựa chọn cho mình:  Sống với nỗi buồn.  Sống với nỗi buồn là cách chấp nhận những gì chẳng thể nào đổi khác.  Sống với nỗi buồn là cách để lòng bình yên giữa dòng đời bão loạn.  Người ta nói giông tố hay bình yên là do ở tâm mình.  Khi lòng đã là một cõi hoang vu, gió giông sẽ thôi, không còn thổi nữa.  Nỗi buồn vừa là một sự lựa chọn, vừa giống như một định phận con người.  

Có những người chẳng bao giờ biết buồn.  Họ không hiểu được tại sao có những người khác luôn ôm ấp nỗi buồn như một thứ hành trang cuộc sống.  Đối với họ, cuộc sống phải luôn vui và chỉ khi vui, họ mới thấy cuộc sống có ý nghĩa.  Thực ra, buồn hay vui đều là sống, đều là những thái độ sống trong một đời sống chứa đựng muôn màu sắc.  Khó mà có thể nói được rằng cái nào tốt hơn cái nào.  Phân tích một cách sâu sắc thì vui là ngoại, còn buồn là nội.  Vì vui là ngoại nên niềm vui thường sôi nổi và trôi nhanh.  Người thích vui thường hời hợt và vô tâm.  Vì buồn là nội nên buồn thường lắng đọng và chìm sâu.  Người hay buồn sống đến hai lần cùng một đời sống.  Những con người không biết buồn luôn thấy nỗi buồn xa lạ, nên có khi họ có ý tưởng ngộ nghĩnh rằng con người ta có thể dùng nỗi buồn để trang điểm đời sống.  Nhưng thực tế thì khi con người ta buồn, con người ta đâu còn màng gì đến điểm trang. 

Nỗi buồn đã đến thật sớm và ở lại thật lâu với cuộc đời tôi.  “Sớm” và “lâu” chẳng phải đơn thuần là sự hội ngộ tình cờ của hai trạng từ miêu tả thời gian, mà ở đây, chúng có một mối tương tác nhân quả gây muộn phiền.  Những ám tượng tuổi thơ thường kéo dài vô thức, dù con người có ý định hay không có ý định, vượt thoát khỏi sự phủ chụp của những định mệnh trong đời sống mình.  Từ những ngày mà trí khôn chưa phát triển hoàn chỉnh, tôi vốn có một ước mơ kỳ lạ:  Tôi ước gì mình được là một đứa trẻ mồ côi.  Nghe như có vẻ nghịch lý, nhưng thực tế là có khi không có được một điều gì đó lại hóa hay hơn, vì khi đó, ít ra người ta còn có được cái hạnh phúc của sự tưởng tượng.  Niềm hạnh phúc có được do sự tưởng tượng có vẻ như chỉ là ảo ảnh, nhưng ở thế giới tuổi thơ, ảo ảnh cũng cần thiết như những câu chuyện cổ tích mà những đứa trẻ thừa biết rằng chẳng bao giờ có thật. 

Tôi đã muốn ra đi từ rất sớm.  Ra đi là một thôi thúc âm thầm, triền miên và dữ dội.  Ra đi như là một sự đoạn lìa quá khứ, một sự thoát ly vĩnh viễn.  Ra đi bỏ lại tất cả ở đằng sau, chỉ mang theo một điều thôi trong gói hành trang cuộc sống của mình.  Đó là nỗi buồn.  Trên những bước độc hành cô lẻ mà trong đó có những ngày tháng rất gian truân, nỗi buồn đã luôn quấn quít bên tôi, làm một người bạn, làm một người tình.  Có lúc nỗi buồn lặng lẽ bám sát theo từng bước chân tôi đi, như lúc lên tàu, lúc vượt biển, lúc qua đồi cao, lúc qua núi thẳm, lúc bon chen giữa những thành phố rộn người... Có lúc nỗi buồn chỉ nằm im thôi, nghe tôi than thở về những muộn phiền trong đời sống, như lúc không có áo mặc, lúc chẳng có cơm ăn, lúc chẳng còn tia hy vọng nào ở cuối đường hầm tăm tối, lúc tình đời đắng ngắt như vị đắng của một ly cà phê không đường...    

Trong suốt cuộc hành trình dài đã qua của đời sống mình, tôi nghiệm thấy một điều quí giá là: có thể tất cả rồi sẽ bỏ mình mà đi như những người tình bạc bẽo, nhưng có một điều sẽ luôn thủy chung ở lại.  Đó là nỗi buồn.  Nỗi buồn không biết phụ rẫy.  Nỗi buồn không tham sang, phụ khó.  Nỗi buồn chỉ cho mà không đòi hỏi nhận lại bao giờ.  Cũng đã có những ngày tôi chạy theo những niềm vui mê mải, bỏ mặc nỗi buồn bơ vơ.  Nỗi buồn cũng chưa hờn trách bao giờ.  Ngày tôi quay về tìm lại, giữa một chiều đồi núi chập chùng, nỗi buồn ôm chặt lấy tôi, mắt nhỏ những giọt lệ chứa chan.  Tôi nhìn đồi núi bao la và chợt nhận ra nỗi buồn ngày xưa của mình vẫn còn vẹn nguyên đâu đó, trên đỉnh núi cao vời vợi ngút ngàn kia, dù bao ngày đã qua, và bao tháng đã xa. 

Tôi đã sống với nỗi buồn và luôn yêu thương nó như một người bạn, như một người tình.  Không chỉ vì nỗi buồn biết thủy chung, mà còn là vì một ý nghĩ này nữa:   Nỗi buồn chính là một trạng thái thiền quán của tâm hồn.  Khi vui, tâm con người không ngừng manh động và nhảy nhót cùng với những khát vọng cuồng quay.  Chỉ khi buồn, con người mới quay trở lại với chính bản thể của mình, quán chiếu thẳm sâu vào tận trong bản ngã của mình.  Chỉ khi đó, con người mới có dịp để nghe được những tiếng nói chân thành và chân chính của trái tim.  Khi con người buồn, tâm bình và thế giới bình.  Điều đó lý giải cho việc chưa bao giờ có cuộc chiến tranh hay sự thù hận, giết chóc nào lại được bắt đầu từ một nỗi buồn.  

Hôm nay là một ngày cuối đông.  Những ngày lạnh lẽo miệt mài đã dần rời xa, nhường chỗ cho một mùa nắng ấm.  Bầu trời ngoài kia có những cơn gió nhẹ đang đùa giỡn với cây lá xôn xao.  Tôi ngồi đây viết về nỗi buồn của đời mình mà có cảm giác nỗi buồn vừa như hư, vừa như thực.  Đông đã qua rồi, xuân đang về, nỗi buồn rồi có tan theo?   Hỏi chỉ để mà hỏi thôi, vì đây đâu phải là lần đầu tiên đông tàn, cũng chẳng phải là lần đầu tiên xuân đến.  Định luật bảo toàn năng lượng có nói rằng:  Năng lượng không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi, mà nó chỉ chuyển đổi từ dạng này sang dạng khác.  Nỗi buồn cũng giống như thế.  Tôi cảm nhận rất rõ rằng, dù đông lạnh hay xuân nồng, nỗi buồn vẫn luôn hiện diện trong đời sống này, trong đời sống tôi, như một thực thể chẳng bao giờ tan biến.  Có chăng nó chỉ chuyển đổi từ dạng này sang dạng khác, khi quằng nặng, u hoài, khi da diết, thiết tha, khi bâng khuâng, man mác...  
  
Nỗi buồn giống như một cõi hư vô.  Vừa có thực như ánh sáng, vừa mơ hồ như mộng.  Tôi đặt tên cho nó là nỗi buồn hư vô.  

18/03/2013
Jeffrey Thai

3 comments:

  1. Em đã lắng chìm trong cõi vừa thực vừa mộng, vừa lạnh lùng vừa ấm áp, vừa dịu dàng vừa dữ dội ầm ào...
    Nỗi buồn của anh tuyệt đẹp, dẫu đó là nỗi buồn cô miên, nỗi buồn hư vô. Em đã bắt gặp nỗi buồn này và từng thốt lên: Nỗi buồn đẹp như một hạnh phúc!
    Hạnh phúc từ nỗi buồn hư vô ấy đã lan tỏa sang em. Như một tri âm. Nỗi buồn song hành nỗi buồn, dù cách một đại dương mênh mông. Và em cảm ơn anh, cảm ơn thật nhiều!
    Em đang buồn. Buồn nhưng không hề thở than, chỉ gắng tìm và lắng nghe âm thanh đồng vọng.
    Buồn. Nụ cười cũng buồn. Tiếng hát cũng buồn.
    Có khi nào bất chợt giữa hư vô, anh nghe thấy tiếng buồn rơi từng giọt trên cánh chim phố núi - từng giọt hắt hiu!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đọc cảm nhận này của em, anh thấy nó đẹp như... nỗi buồn. Hình như cảm nhận nào của em cũng đẹp và hay. Riêng cảm nhận này càng hay hơn, có lẽ vì nó nói về nỗi buồn.

      Nỗi buồn đẹp và hạnh phúc. Anh như nghe thấy tiếng em reo vui khi hội ngộ nỗi buồn anh vừa thả rơi xuống đời qua bài viết này. Không có nhiều người nghĩ như vậy. Và chính vì thế, anh tìm thấy trong cảm nhận này của em cả một nỗi đồng vọng - đồng vọng về nỗi buồn. Anh cám ơn em về điều đó.

      Delete


  2. Rượu mời ta rót cho ta
    Bạn gần không tới bạn xa chưa về..

    Rót nghiêng năm tháng vào ly
    Mắt nheo bóng xế tay che tuổi buồn
    Rót đầy băng giá cô đơn
    Rót thao thức nhớ, rót hờn giận quên
    Thôi, đừng. Thôi hãy nằm yên
    Ngủ ngoan đi nhé cơn điên thuở nào
    Rót ta với bóng cùng nhau
    Ngất ngư rót mãi tỉnh vào cơn say
    Bốn mươi lăm tuổi rồi đây
    Lá xanh còn được bao ngày phù du ?
    Rót đau thân thế mơ hồ
    Nửa khôn ngoan thức, nửa rồ dại mê
    Ngó đời lăn lóc vòng xe
    Rã rời xích chuyển, ê chề bánh xoay
    Ngó lui hun hút đêm dài
    Những xuân đã lánh, những đời đã xa
    Rót thêm ly nữa mời ta
    Cái say như muốn chuyển qua cái sầu
    Bốn mươi lăm tuổi rồi sao ?
    Ngó gương xưa thấy tóc râu rối bù
    Trán hằn dăm lũng ưu tư
    Cuộc chơi phù thế chừng như mỏi mòn
    Sóng nhồi thác đẩy mưa tuôn
    Đời trôi hối hả mộng tròn lần khân
    Bốn mươi tư tuổi quay nhìn
    Cái trôi cùng với cái chìm đuổi đeo
    Tiếc gì trận gió thu reo
    Tóc xanh phơ phất chạy theo mộng vàng
    Hỡi ta ngày xế năm tàn
    Rượu mời sao chẳng rót tràn xót thương
    Ngủ say, mai sớm lên đường
    Đấu trường lại múa dăm đường võ quen …
    Ta ru ta khúc ưu phiền:
    “Ngủ ngoan đi nhé cơn điên thuở nào…

    Người ta thường vui khi hạnh phúc ...nhưng có vẻ bạn lai Hạnh Phúc khi buồn.Cái Hạnh Phúc quá dặc biệt mà chỉ riêng mình bạn cảm nhận thẩm thấu được nó.Bạn thật là người biết hưởng thụ.Những bài viết của bạn đã chinh phục được rất nhiều người ( và cũng làm không ít người cũng muốn BUỒN như bạn...!)Bai thơ ở trên gởi tặng bạn...chắc chưa được là tri kỷ...chỉ mong là tri âm.

    ReplyDelete