Tác phẩm: Sống Đẹp
Nguyên tác: The Importance of Living
Tác giả: Lâm Ngữ Đường
Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê
TỰA
CỦA DỊCH GIẢ
Tôi đã đọc nhiều cuốn viết về Nghệ Thuật Sống nhưng không cuốn
nào có một tầm quan trọng và làm cho tôi suy nghĩ nhiều bằng cuốn này.
Những cuốn khác do người Âu hay Mỹ viết đều chú trọng đến sự
thành công, đưa ra những qui tắt thực tế về cách luyện trí, luyện tinh thần, xử
thế và làm việc, cho nên tuy hữu ích thật nhưng không để lại nhiều dư âm trong
hồn ta. Chúng ta có cảm tưởng tác giả là những kĩ thuật gia – ngay cả André Maurois
trong cuốn “Un Art de Vivre” cũng vậy – và kĩ thuật của họ rất hợp lí, rất có hiệu
quả, ta tin họ như ta tin một kiến trúc sư trong việc xây nhà, tin một kĩ sư trong
việc luyện thép, và ta tự hứa sẽ rán theo họ, thế thôi. Họ không gợi cho ta một
thắc mắc, một suy tư nào cả, mà giá trị của một tác phẩm là ở chỗ phải gợi cho
ta được những thắc mắc và suy tư.
Cuốn này khác hẳn. Tác giả, Lâm Ngữ Đường, vượt lên trên tất
cả kĩ thuật đó mà cơ hồ ông cho chỉ là những chi tiết; ông muốn nhìn bao quát cả
vấn đề SỐNG, đặt một cơ sở cho vấn đề đó, mà hễ cơ sở đã vững rồi thì chi tiết
chẳng cần vạch rõ cũng thấy. Vì chỉ có Sống mới là quan trọng, mà nhiều người
ngày nay quên hẳn điều đó đi, quên rằng dù mình làm việc hay tiêu khiển, dù mình
trau dồi tâm trí, dựng nên những học thuyết triết lí, xã hội, kinh tế hay chính
trị... cũng chỉ để phục vụ sự Sống, để duy trì đời Sống, cải thiện nó, làm cho
nó phong phú lên, dễ chịu hơn, cao đẹp hơn; tóm lại là chúng ta tìm cái Chân, cái
Thiện, cái Mĩ không phải vì cái Chân, cái Thiện, cái Mĩ mà vì sự SỐNG. Do đó nhan
đề cuốn này trong nguyên văn là The Importance of Living: Sự quan trọng của
sinh hoạt.
Mỗi loại sinh vật có một cách sinh hoạt: thảo mộc có cách sinh
hoạt của thảo mộc, cầm thú có cách sinh hoạt của cầm thú, loài người cũng vậy. Cách
sinh hoạt phải hợp với bản chất của mỗi loại. Mà bản chất của con người không
phải là cầm thú, cũng không phải là thánh thần. Đành rằng trong lịch trình tiến
hóa thời nào loài người cũng muốn vươn lên cao hơn, muốn chế ngự được lòng mình,
chế ngự được thiên nhiên, muốn mọc cánh bay lên mà kết bạn với thiên thần, như Tôn
Ngộ Không trong truyện Tây Du kí; nhưng còn một thể xác sớm muộn gì cũng bị hủy
diệt, còn những nhu cầu vật chất như ăn uống, tình dục... thì con người không
thể nào là Thánh được và nhất định phải có ích nhiều khuyết điểm, nhu nhược, mâu
thuẫn… Nhận chân được điều đó – người không phải là cầm thú cũng không phải là thần
thánh – thì mới có thể tìm một lối sống, dựng nên những học thuyết thích hợp với
con người được; như vậy mới là hợp tình hợp lí, nghĩa là hợp với tâm tình con
người và hợp với luật lệ thiên nhiên, chứ không phải hợp với những phép diễn dịch,
qui nạp… của các luận lí gia. Vì “lòng người vẫn có những lí lẽ mà lí trí không
sao hiểu nổi”. Bốn chữ “hợp tình, hợp lí” tóm tắc được tất cả triết lí của họ Lâm.
Bất kì cái gì, dù cao đẹp tới mấy, dù đúng phép luận lí tới mấy mà không hợp tình
hợp lí cũng là xấu.
Làm việc vốn là một hành động tôn nghiêm, nhưng nếu cặm cụi
làm việc mà quên ăn, quên ngủ, hóa quạu quọ, khắc nghiệt với người khác thì là quên
mình, quên người, là không hợp tình, hợp lí, là xấu.
Đề cao một lí tưởng để kiến thiết quốc gia, mưu hạnh phúc
cho đồng bào là một hành động rất cao đẹp, nhưng nếu vì mục đích đó mà gây ra
những cuộc tàn sát như Hitler đối với dân tộc Do Thái thì lại là không hợp tình
hợp lí, là xấu.
Lâm Ngữ Đường bảo triết lí đó không phải là của ông mà của dân
tộc Trung Hoa vì nó tổng hợp, dung hòa được hai triết thuyết quan trọng nhất, có
ảnh hưởng lớn nhất của Trung Hoa, tức Khổng giáo và Lão giáo. Nó bàn bạc trong
thơ văn Trung Hoa, thấm nhuần đời sống Trung Hoa và ông dẫn ra rất nhiều cố sự cùng
danh ngôn để làm chứng cứ. Do đó, ngoài giá trị về phương diện mà người Pháp gọi
là Culture humaine (ta thường dịch ra là Học làm người), tác phẩm còn có một giá
trị lớn hơn nhiều về phương diện nghệ thuật, văn hóa. Đọc nó ta nhìn được tổng
quát cả nhân sinh quan của người Trung Hoa – và của người Việt ta nữa – và những
bạn trẻ thiếu căn bản về cổ học có thể có một nhận thức đại cương đúng và gần đủ
về triết học, nghệ thuật phương Đông. Cho nên theo tôi, những cuốn khác chỉ bàn
về Kĩ thuật Sống, riêng cuốn này mới xét về Nghệ thuật Sống.
Về nguyên tắc “hợp tình hợp lí” thì tôi hoàn toàn đồng ý với
tác giả[1], nhưng về chi tiết thì tôi thấy có nhiều chỗ tác giả đi quá xa và tôi
đoán rằng nhiều độc giả cũng như tôi, mười điều trong sách chỉ tin được bốn năm
điều.
Nhưng chính nhờ chỗ đó mà tác phẩm mới có nhiều thú vị. Tác
giả đã có lần hô hào phục hưng thuyết Tính linh (expressionnisme)[2] trong văn
học, chủ trương rằng “viết chỉ là để phát huy tính tình hoặc biểu diễn tâm linh”
của mình, cho nên phải cực kì thành thực, tự nhiên, rất ghét sự giả dối, tô điểm,
phải nghĩ sao viết vậy, không được giấu giếm, không sợ người cười chê, không sợ
trái với lời thánh hiền thời xưa. Vì vậy, ông coi ta như bạn thân, đôi khi cười
cợt, đùa bỡn ta nữa. Ta cần nhận ra được những chỗ đó, để nở một nụ cười đáp lại.
Ngay cả những khi ông nghiêm trang, hăng hái đả đảo một quan
niệm mà từ xưa ta vẫn tin là đúng, thì ta cũng nên tìm hiểu ông. Vì chúng ta không
nên hẹp hòi mà nghĩ rằng chỉ có ta mới hoàn toàn nắm được chân lí. Vả lại xét
cho cùng, đọc một tác giả đồng thanh đồng khí với mình, thú tuy thú đấy nhưng
không lợi ích gì mấy; chính những tác giả chủ trương ngược với ta mới bắt ta phải
suy nghĩ, đặt lại vấn đề, mới mở mang kiến thức của ta. Suy nghĩ kĩ rồi mà thấy
chủ trương của ta vẫn đúng thì ta càng vững tin ở mình hơn; ngược lại nếu thấy
chủ trương của ta cần phải bổ khuyết thì cái lợi càng lớn hơn nữa.
Nếu trong số độc giả có vị nào theo học thuyết Mặc Tử, nguyện
“mòn trán long gót” vì nhân loại, thì tất nhiên là tôi rất kính phục và tôi càng
mong rằng những vị đó có dịp đọc qua một vài chương trong cuốn này, chẳng hạn
chương VI hay X.
Tôi nhớ có một lần sau hai năm chuyên tâm vào một công việc
rất mệt trí đến nỗi bệnh cũ của tôi trở nên nặng, tôi đành bỏ dỡ công việc, đem
theo bản tiếng Pháp (L’importance de vivre) của cuốn này về Long Xuyên dưỡng bệnh.
Trong cảnh nghỉ ngơi nhàn nhã như vậy tôi mới thưởng thức hết cái hóm hỉnh, sâu
sắc của Lâm và một chương tả nền trời xanh cùng tiếng chim hót đã làm cho tôi
thấy vũ trụ đẹp thêm lên bội phần: một dây mướp rũ từ cành xoài xuống đã gần tàn
chỉ còn mỗi một bông vàng rực đong đưa dưới gió, cảnh thực là bình thường, quê mùa
mà sao hôm đó tôi thấy vui lạ, rực rỡ lạ. Nhờ nó một phần mà trí óc tôi dịu xuống
và khi trở về Sài Gòn, tôi làm việc lại được.
Vậy, dù bạn không ưa triết lí hợp tình hợp lí của Lâm thì bạn
cũng nên cất cuốn này vào tủ, lúc nào có ra Vũng Tàu hay lên Đà Lạt nghỉ mát ít
hôm thì mang nó theo, biết đâu nó chẳng làm cho bạn thấy vũ trụ đẹp hơn mà cuộc
du lịch của bạn sẽ có hứng thú hơn, vì sách giúp ta hiểu đời mà đời cũng giúp
ta hiểu sách.
Tinh thần phân tích, phê bình tuy là cần thiết trong việc đọc
sách nhưng thiếu sự cảm thông thì khó nhận được cái hay, cái đẹp mà tâm hồn ta
chỉ khô khan lần đi thôi. Ai cũng có thể viết một cuốn sách một trăm trang để phê
bình một cuốn ba trăm trang được; nhưng suy tư để nhận thấy dụng ý, nhân sinh
quan của tác giả là việc ít thấy, không phải vì nó khó mà ít ai chịu làm, ít ai
chịu quên cái “ bản ngã” của mình để tìm hiểu cái “bản ngã” của người. Đa số đau
khổ của nhân loại do đó mà ra cả. Lâm không ưa đạo Phật vì ông cho là nó “ bi
thảm” quá, nhưng về chủ trương “vô ngã” của đạo Phật thì chắc Lâm không phản đối.
Đọc chương XIV, tôi có cảm tưởng như vậy. Mà ông đã đem tinh thần “vô ngã” ra nói
chuyện với ta thì ta cũng nên đem tinh thần “vô ngã” ra nghe ông.
Tôi không cần giới thiệu nhiều về tác giả vì danh tiếng ông,
người đọc sách nào mà không biết.
Lâm Ngữ Đường (Lin Yutang), tên là Ngọc Đường, sanh năm 1895
ở Phước Kiến, xuất thân trường đại học Thánh Ước Hàn rồi du học Âu Mĩ tại các
trường đại học Harvard, Iéna, Leipzig, chuyên về ngôn ngữ học, về nước làm giáo
sư đại học Bắc Kinh và làm chủ nhiệm, hoặc chủ biên ba tạp chí văn học, nổi
danh nhất là tạp chí Luận ngữ.
Ông có hồi làm ngoại giao bí thư, sau thế chiến vừa rồi làm
Trưởng ban Văn Nghệ của Cơ quan Văn Hóa Liên Hiệp Quốc. Tư tưởng của ông nhiều khi
sâu sắc và văn lại rất dí dỏm (người Trung Hoa gọi ông là U mặc đại vương: ông
vua hài hước) cho nên rất nhiều người ưa đọc.
Ông ưa viết bằng tiếng Anh để giới thiệu văn hóa Trung Hoa với
thế giới, đã soạn trên mười lăm cuốn hoặc thuộc loại tiểu thuyết như bộ Moment
in Peking, A leaf in the storm, hoặc thuộc loại biên khảo như Lady Wu (về đời Vũ
Tắc Thiên), The Gay Genius (về đời Tô Đông Pha), hoặc thuộc loại nghị luận như My
Country and my People (bản dịch ra tiếng Hán nhan đề là Ngô thổ dữ ngô dân), The
importance of living… Vài tác phẩm của ông đã được dịch ra mười bốn thứ tiếng,
và cuốn The importance of living, đã đứng đầu trong số những sách bán chạy nhất
ở Mỹ luôn mười một tháng.
Chúng tôi tiết rằng không kiếm được nguyên văn bằng tiếng
Anh của cuốn The importance of living, đành phải dùng bản tiếng Pháp L’importance
de vivre của nhà Correa (1948) và bản tiếng Trung Hoa Sinh hoạt đích nghệ thuật
do Việt Duệ dịch, của nhà Thế giới Văn Hóa (1940). Bản tiếng
Hoa đầy đủ, chép hết những cổ văn, cổ thi Trung Hoa mà Lâm Ngữ Đường dẫn trong
tác phẩm và nhiều khi lại chép thêm bản dịch những bài đó của Lâm nữa. Bản tiếng
Pháp có cắt bớt nhiều đoạn và bỏ hẳn vài tiết.
Chúng tôi châm chước cả hai bản, cũng cắt bớt hoặc tóm tắt vì
những lẽ dưới đây: tác phẩm viết vào khoảng 1937, nên có đoạn nay không còn hợp
thời; tác giả chú ý viết cho người phương Tây đọc, nên đối với chúng ta, người
phương Đông, nhiều đoạn không cần thiết; sau cùng, như chúng tôi đã nói, tác giả
theo thuyết Tính Linh, cứ thuận tay mà viết, cốt tự nhiên, thân mật như trong
cuộc nhàn đàm giữa bạn bè, nên nhiều chỗ chúng tôi cho là rườm.
Vì vậy, bản này chỉ là một bản lược dịch. Nếu dịch trọn thì phải
thêm khoảng trăm trang nữa.
Mới đầu chúng tôi đã có ý chép thêm vào cuối sách những văn
thơ chữ Hán để một số độc giả có thể thưởng thức nguyên văn của cổ nhân; nhưng
sau tính lại nếu chép hết rồi phiên âm nữa thì sách này sẽ dày thêm ít nhất là trăm
rưỡi trang, giá sách sẽ khó mà phổ thông được. Cho nên chúng tôi chỉ lập một bảng
ghi bằng chữ Hán những tên người và tên tác phẩm Trung Hoa đã dẫn trong sách. Địa
danh, xét ra không quan trọng lắm, nên chúng tôi bỏ. Những chú thích ở cuối
trang đều là của chúng tôi.
Sài gòn, ngày 30-12-64
NGUYỄN HIẾN LÊ
Chú thích:
[1] Trong tiết “Nhân sinh quan của tôi”, cụ Nguyễn Hiến Lê viết:
“Đạo nào cũng phải hợp tình hợp lí (bất viễn nhân) thì mới gọi là đạo được. Tôi
không tin rằng hết thảy loài người chỉ thấy đời toàn là khổ thôi; cũng không
tin rằng hết thảy loài người thích sống tập thể, không có của riêng”. (Hồi kí,
trang 552).
[2] Bản tiếng Anh chép là: Self-Expression, bản tiếng Hán chép
là: 性灵. (Goldfish)
No comments:
Post a Comment