Sunday, December 15, 2013

(E-Book): Hai Tác Phẩm Nổi Tiếng Của Chu Tử: Sống & Yêu


SỐNG - CHU TỬ


Lời Nhà Xuất Bản

“SỐNG” là tác phẩm thứ hai của Chu Tử do Đường Sáng xuất-bản sau “YÊU”… Thực ra “SỐNG” là tác-phẩm “đầu tay” của Chu Tử, và nhiều văn hữu vẫn theo dõi tác giả, tỏ ý ngạc nhiên không hiểu sao tác giả và nhà xuất bản lại cho phát hành “YÊU” trước “SỐNG”; vì theo ý các bạn đó, “SỐNG” mới là tác phẩm “ruột” của Chu Tử. Sở dĩ “YÊU” được phát hành trước “SỐNG” không phải vì giá trị của “YÊU” hơn “SỐNG”, nhưng chính vì tác giả cũng như người xuất-bản nhận thấy cái nhan đề “YÊU” dễ hấp dẫn hơn “SỐNG”. Lý do kể trên là lý do duy nhất khiến “YÊU” được phát hành trước “SỐNG”…

Thực hiện đúng đường lối của một nhà xuất-bản cầu tiến, là hợp tác chặt chẽ với tác giả, chúng tôi luôn luôn bàn luận, hội ý với tác giã từ những nguyên tắc lớn, đến những chi tiết nhỏ như cách trình bày ấn loát v.v… Chúng tôi vẫn nghĩ rằng một nhà xuất-bản có thể góp một phần không nhỏ vào sự thành công của một tác giả bằng cách góp ý, góp sáng kiến, góp những kinh nghiệm, nhận xét về chiều hướng thưởng thức, thị hiếu của độc giả mà người xuất-bản đã lượm lặt, nghe ngóng, tìm hiểu, trong khi giao dịch, tiếp xúc với các nhà phát hành, với các giới; do đó, giúp cho sự sáng tác của tác giả có căn bản thực tế vững vàng hơn. Bằng cớ là tác phẩm “YÊU” in lần thứ hai, về nội dung cũng như hình thức, tiến bộ rõ rệt hơn các tác phẩm “YÊU” phát hành lần thứ nhất. Ngay cả cách trình bày bìa sách, chúng otoi đã thảo luận cặn kẽ với tác giả, dung hòa quan điểm nghệ thuật với quan điểm thương mại, để hình thức tương xứng với nội dung, vừa thỏa mãn được những đòi hỏi thương mại rất tế nhị…

Nhân đây, chúng tôi xin chuyến lời bạn đọc đôi lời gửi gấm của tác giả:

“SỐNG” là một chuyện ghi đậm sắc thái, tâm tính của thời đại. Nhưng “SỐNG” không thuộc loại “tiểu thuyết có chìa khóa” (roman à clef). Vì vậy, các bạn đừng mất công tìm tòi, khám phá xem những nhân danh trong truyện là những nhân vật “bằng xương và thịt” nào trong thực tại xã hội. Bất cứ tác phẩm nào bắt nguồn từ một không gian, thời gian nhất định, tất nhiên phản ảnh nếp sống và suy tư của thời đại, nhưng một sáng tác nghệ thuật đúng với danh nghĩa đó, phải vượt lên trên không gian và thời gian để tái tạo sự sống, tái tạo thời đại, tái tạo con người… Vì vậy, nếu một vài sự kiện, nhân vật trong “SỐNG” có hao hao giống những sự kiện và nhân vật có thực ở xã hội, thì điều đó không có nghĩa là các nhân vật có thực bị ám chỉ: một nhân danh trong “SỐNG” có thể làsự tổng hợp của năm, mười nhân vật có thực mà tác giả có dịp gặp và quan sát trong đời sống, thiên hình vain trạng.

“SỐNG” vì là tác phẩm “đầu tay”, nên có những ưu, khuyết điểm, cai hùng khí, hứng khởi cũng như cái vụng về, sơ hở của một tác phẩm “đầu tay”. Tác giả ước mong bạn đọc sẽ đón đọc “SỐNG” với những cảm nghĩ mà bạn đọc dành cho một tác phẩm “đầu tay”.

Chúng tôi cũng cần giải thích thêm: sở dĩ “SỐNG” không lấy nhan đề là “LOẠN” vì dưới chế độ kiểm duyệt cũ, tác giả đã bắt buộc không được chọn “LOẠN” làm nhan đề.

ĐƯỜNG SÁNG
11-1963

L. M. CAO VĂN LUẬN 

(Viện trưởng Viện Đại Học Huế Phê bình “SỐNG”)

“SỐNG” quả là một tác phẩm “sống” rất linh động, sâu sắc, mà gần mười năm nay, mới thấy xuất hiện trên mảnh đất văn-nghệ hời hợt, giả tạo của chúng ta.

Tôi thường tự hỏi, thời đại chúng ta đầy những quằn quại, bi thương hoặc hùng tráng, mà tại sao chưa có một “chứng nhân” nào ghi chép, diễn tả một cách trung thực những băn khoăn của lớp người đang sống. Chu Tử chính là “chứng nhân” mà ta đang tìm kiếm. Không biết Chu Tử là một “chứng nhân” trung thực đến mực nào, nhưng ít nhất Chu Tử là một “chứng nhân” có tâm hồn! Một tâm hồn ngang trái như thời đại ngang trái! Một tâm hồn quằn quại, đầy mâu thuẫn, tàn bạo mà tha thiết, ngổ ngáo mà thâm trầm, cay độc mà vẫn xót thương đời, trào lộng mà cười ra nước mắt… Và nhất là đau khổ!  Vì, cũng như văn hào Keats có thể sờ mó thấy sự đau khổ của nhân loại, Chu Tử là nhà văn của Đau Khổ.  Tất cả những nhân vật trong “SỐNG”: từ Huyền, Tuyết, Phi-Yến v.v… đến nhà trí thức chống Cộng Pháp, thích đàn bà và tiền, giáo sư lưng khừng Văn, thanh niên theo Việt-Cộng Thịnh v.v…  Tất cả đều là những kẻ đau khổ, đáng thương, nạn nhân của hoàn cảnh, hay của chính họ… Dưới ngòi bút của Chu Tử, cả tội lỗi cũng đáng thương… Tuy nhiên, Chu Tử cho ta niềm an ủi là, với Chu Tử, sự đau khổ không phải sự tuyệt vọng, và cái bi quan của Chu Tử bắt nguồn từ lòng tha thiết yêu đời, chứ không phải cái bi quan tuyệt vọng của kẻ không tìm thấy sự cứu rỗi, ở bất cứ đâu…

Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn đã so sánh Chu Tử với J. P. Sartre và Dostoievsky, nhưng theo nhận định của tôi, những nhân vật của Chu Tử không phải là những kẻ tuyệt đối phủ nhận luân lý theo thái độ “buồn nôn” của J. P. Sartre, hoặc hư vô “nihiliste” như các nhân vật của Dostoievskỵ Những nhân vật của Chu Tử không thừa nhận nền luân lý hiện tại, nhưng vẫn tin là có thể có một nền luân lý—“une morale est possible”—như lời Camus. Những nhân vật của Chu Tử chưa tìm thấy sự cứu rỗi, nhưng vẫn tin là có sự “cứu rỗi”… Cũng như “SỐNG” không đề ra một triết lý nhân sinh, nhưng buộc người đọc phải tự tìm cho mình một nhân sinh quan.

Do đó, tôi nghĩ Chu Tử là một nhà Văn đáng cho ta cảm mến, gửi nhiều tin tưởng nơi ông.


L.M. CAO VĂN LUẬN
Viện trưởng viện Đại Học Huế


YÊU - CHU TỬ




Nhân vật ‘Yêu’ của Chu Tử trên sân khấu


Nhân vật của Chu Tử thì đa số là “loạn.” Người đẹp Bình Dương đã trang phục và “loạn” thể hiện đúng nhân vật vũ nữ Diễm của họ Chu trong vở kịch dài “Yêu” được trình diễn tại rạp Quốc Thanh vào năm 1966, thu hút đông đảo khán giả của thủ đô.


Thẩm Thúy Hằng đóng vai Diễm trong tiểu thuyết “Yêu” của nhà văn Chu Tử. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)


Thẩm Thúy Hằng, sau thời gian đi Ðài Loan đóng phim “Từ Sài Gòn đến Ðiện Biên Phủ,” đã trở lại với khán giả Việt Nam hằng mến mộ cô. Là cô gái Long Xuyên, Thẩm Thúy Hằng bao nhiêu ngày tháng xa lìa nghệ thuật, cô hơi chán nên đã trở lại với nghệ thuật với cả sự cuồng nhiệt.


Chu Tử 


Chu Tử là bút hiệu của Chu Văn Bình (1917-1975), một nhà văn, nhà báo người Việt. Ông được biết đến là chủ nhiệm nhật báo Sống và là tác giả những cuốn tiểu thuyết như Yêu và Ghen.

Hoạt động

Ông một thời dạy học ở Trường tư thục Phùng Hưng ở Hải Phòng sau làm hiệu trưởng Trường trung tiểu học Lê Văn Trung ở Tây Ninh.

Sang thập niên 1960 ông mở nhật báo Sống ở Sài Gòn. Mục "Ao thả vịt", "Thơ đen", và trang Nhạc trẻ rất được độc giả hâm mộ. Những cây viết cộng tác có Tú Kếu, Nguyễn Mạnh Côn, Bùi Giáng. Nhật báo Sống do Chu Tử chủ trương là cơ sở đầu tiên đăng tác phẩm Loan mắt nhung của Duyên Anh và đỡ đầu cho văn nghiệp của Duyên Anh.

Vì chính kiến, tòa báo bị Lực lượng Tranh thủ Cách mạng của phe Phật giáo cực đoan tấn công năm 1966. Cũng vào thời điểm đó ông bị mưu sát gần nhà, bị trúng đạn nhưng thoát chết. Cuộc biệt kích này do... (kiểm duyệt). Cuối thập niên 1960 báo Sống bị thu hồi giấy phép vì chỉ trích việc chính phủ cho Quân đội Hoa Kỳ toàn quyền sử dụng căn cứ Cam Ranh. Vào thập niên 1970 ông đứng chủ biên báo Sóng Thần nhưng sau rút lui.[6]

Vào ngày 30 Tháng Tư, 1975 trên đường thoát khỏi Việt Nam trên con tàu Việt Nam Thương tín, tàu trúng pháo B-40 khi qua cửa Cần Giờ và ông tử thương, được thủy táng ngay cửa biển.

Tác phẩm tiểu thuyết

* Yêu, tác phẩm này năm 1973 được dựng thành phim với diễn viên Thanh Lan và Nguyễn Đình Toàn; Đỗ Tiến Đức đạo diễn[9]
* Ghen
* Loạn
* Sống
* Tiền


Chu Tử, CHẾT và SỐNG




Nhiều xe hai bánh của ký Giả nhật báo SỐNG bị những người biểu tình đốt trước toà soạn, đường Gia Long, Sài Gòn những năm 1965, 1966. Không nhớ tòa báo bị khủng bố vì nguyên do gì, chỉ nhớ đó là những năm ông Phan Khắc Sửu làm Quốc Trưởng, các ông Nguyễn Khánh, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát thay thế nhau làm Thủ Tướng, biểu tình xẩy ra liên miên ở Sài Gòn.
- – - – - – - – - – - – - – - – - – -
Năm năm cứ đến Ngày Oan Trái
Ta thắp hương lòng để nhớ thương...

Tháng 12 năm 1994 bánh xe lãng tử — đúng ra là Bánh Xe Tị Nạn, Bánh Xe Lưu Vong, Bánh Xe Thất Quốc, Bánh Xe Tủi Nhục — khấp khểnh và muộn màng, đưa tôi tới Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Đất Trích. Từ ấy đến nay tôi đã viết khoảng 10 bài về Ngày 30 Tháng Tư 1975. Tháng Tư năm nay, năm 2009, tôi đã định không viết về Ngày 30 Tháng Tư 1975 nữa. Tôi đã viết về Nó nhiều rồi. Mỗi Tháng Tư trở về, những đêm nằm nghe tiếng thời gian chậm bước đi, những buổi sáng cô đơn buồn trông phong cảnh quê người, tưởng nhớ Ngày 30 Tháng Tư năm 1975, trái tim tôi vẫn đau nhói, vẫn tuởng như Ngày Ấy là Ngày Hôm Qua. Nhưng viết về Ngày Ấy tôi đã định không viết nữa.

Nhưng “Năm năm cứ đến Ngày Oan Trái”, dù không muốn tôi vẫn không thể không viết về Ngày Oan Trái. Năm nay, năm 2009, Ngày 30 Tháng Tư 1975 trở lại với tôi qua hình ảnh của anh Chu Tử, Ông Văn Sĩ-Chủ Báo đàn anh của tôi, Người Ký Giả Thứ Nhất của Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa chết vì đạn thù của bọn Bắc Công kể từ Ngày 30 Tháng Tư 1975.
Buổi sáng ở Rừng Phong, tôi đọc bài viết về anh Chu Tử của người bạn trẻ Đào Vũ Anh Hùng. Bài viết như sau:

Đào Vũ Anh Hùng:

Sáng Ngày 2 Tháng 5 của hơn ba chục năm về trước tại Subic Baỵ Tôi đứng dưới con đường dốc lối đi bệnh xá nhìn lên đám người đi ngược về khu tạm trú, chưa kịp vỡ cơn mừng đã vội tắt nụ cười, sững câm bởi vừa nhìn thấy Sơn với đôi nạng gỗ, có Vân dìu đỡ, khấp khểnh lê từng bước. Bà người làm tay bồng tay dắt hai đứa con gái của đôi vợ chồng người con trai lớn của Nhà văn Chu Tử. Bà Hai và Vân cũng vừa nhận ra tôi, hai người mừng tủi khóc òa lên.

Tôi đón nhận tin ông Chu Tử chết trong buổi sáng hoang mang xao xác đó. Buổi sáng ngơ ngẩn như hồn đi lạc, xác thân cũng lạc, đường đột bước đi đến nơi bờ bến lạ, không ý thức được rằng mình đi như thế là đi xa đất nước, là rời bỏ quê hương. Tôi nghe choáng váng và lòng tầm tã một cơn mưa buồn thảm… Trọn cái tiểu gia đình đứng trước mặt tôi đều mang thương tích từ mảnh vụn B-40 quân Cộng bắn vào chiếc tầu Việt Nam Thương Tín. 

Quả đạn đã giết được người và chỉ giết một người trong cái đám đông hốt hoảng chạy tìm đời sống và đất sống. Con người xấu số đó là Nhà văn Chu Tử.

Định mệnh nào tai ác đã thù hằn theo đuổi để hại cho bằng được con người khốn khổ tài hoa ấy, trong quãng giờ khắc điêu linh bất hạnh ấy của quê hương, và bằng cung cách gớm ghê thảm khốc dành cho một hình hài yếu đuối như hình hài Chu Tử, trưa Ngày 30 Tháng Tư, 1975 — khi ông buồn bã đứng dựa thành tàu, nhìn Sài Gòn lần cuối, nhìn quê hương lần cuốỉ…

Chu Tử bị bắn một lần trong Tháng Tư, 1966 ngay trước nhà ông trong con hẻm trường Hoài An, Phú Nhuận — vỡ một mảnh hàm — nhưng ông sống sót và hồi phục chóng vánh kỳ diệu trong thương yêu phẫn nộ của công luận. Viên đạn oan khiên nghiệp chướng Ngày 30 Tháng Tư 1975 cũng thổi bay hàm dưới và là viên đạn chí tử, dứt điểm mà định mệnh đã dành cho đời Chu Tử.

Tôi như nhìn thấy ông nằm ngay trước mặt, đau đớn, quằn quại trên vũng máu và kêu rên, và gọi tên thống thiết đứa con gái thương yêu Chu Vị Thủy đã cùng mẹ, cùng em và chồng con ở lại Sài Gòn… Tôi như nghe được cả tiếng ông giục Sơn dốc trọn ống thuốc ngủ cho ông nuốt chửng để khỏi kéo dài cơn đau thảm thiết. Chu Tử đã chào thua định mệnh, ông đã chết dữ dằn và phải chết trầm hà. Số mệnh tham lam đã bắt ông phải trả cả vốn lẫn lời quá nặng.

Tôi đã vô cùng gần gụi và có quá nhiều kỷ niệm với Nhà văn Chu Tử. Đầu năm 1964, tờ nhật báo Ngày Nay của ông Hiếu Chân bị đóng cửa, tôi đã rời Ngày Nay, tôi theo ông Chu Tử trong cái ê-kíp đầu tiên viết mướn cho những vị chủ báo, có vị không bao giờ viết báo. Từ tờ Tương Lai, Tiền Tiến của “Vua Thầu Khoán” Đỗ Cường Duy. Rồi tờ Thân Dân của cụ Nguyễn Thế Truyền, Tranh Đấu của ông “Vua Đái Đường” Ngô Đức Mão, Bến Nghé của “Vua Bóng Bàn” Đinh Văn Ngọc… cho đến khi Chu Tử xin được măng-sét ra riêng tờ Sống, đứng tên Chủ nhiệm, tất cả anh em kéo nhau về tòa soạn- nhà in cũ trên đường Hồ Xuân Hương.

Cái “ê-kíp Sống Chu Tử” đầu tiên ấy vỏn vẹn có vài người. Ngồi thường trực trong tòa soạn có Hoàng Anh Tuấn, Trọng Tấu, Đằng Giao và tôi. Vợ chồng Trần Dạ Từ — Nhã Ca và Tú Kếu mỗi đêm đến làm tin, dịch tin. Duyên Anh phụ trách trang thiếu nhi. Vũ Dzũng, Đỗ Quý Toàn trang Thanh niên, Sinh viên. Nguyễn Ang Ca ký giả thể thao, kịch trường. Võ Hà Anh phóng viên chạy ngoài. “Cô” Kim Chi Hoàng Anh Tuấn lo giải đáp tâm tình và tử vi đẩu số! Anh Hợp, Nguyễn Thụy Long, Tuấn Huy, Nguyễn Đức Nam, Lương Quân, Tiền Phong Từ Khánh Phụng viết tiểu thuyết trang trong, lâu lâu mới ghé một lần đưa bài và lấy tiền nhuận bút. Nhân vật “ngoại hạng” phải kể là “chí sĩ” Minh Vồ đặc trách việc lo bông giấy in báo và ngoại giao với phòng Kiểm duyệt Bộ Thông Tin, xin lại giấy phép mỗi khi bị chính quyền đóng cửa…

Tôi đã gần gụi ông Chu Tử trong cả trong đời sống bên ngoài tòa báo, can dự vào nhiều biến cố của gia đình ông như một thành phần ruột thịt. Ông cũng coi tôi như ruột thịt của gia đình và dành cho tôi một tin cậy, mến thương sâu đậm. Tôi đã chứng kiến ông hoan lạc, bi thương, vui, buồn, hờn giận… Chứng kiến một Chu Tử hồn nhiên đúng như Nguyễn Mạnh Côn nhận xét: “Một tâm hồn đứa trẻ trong thể xác ông già”. Nhưng có lẽ tôi thấy đời ông thống khổ nhiều hơn hạnh phúc. Thể xác ông phải chịu những đớn đau nhiều và quá độ đối với hình hài yếu mảnh nhưng mạnh mẽ tinh thần phấn đấu. Như chứng kiến lần Minh Vồ chở ông sau chiếc Lmbretta, ông bị taxi đụng gẫy cổ chân phải, từ đó Chu Tử phải chống nạng và có bút hiệu Kha Trấn Ác trong mục “Ao Thả Vịt”. Lần ông bị bắn bốn viên đạn, phải đóng đinh trong hàm để giữ bộ răng giả, tay run lật bật khó khăn cầm bút và mất ngủ đến rên la kêu trời réo đất hàng đêm…

Nhưng tất cả những đau đớn thể xác ấy gom lại cũng không bằng cái đau thương thống khổ của ông ngày Chu Trọng Ly, đứa con trai út ông đặt lòng thương quý đã tự hủy mình bằng viên đạn carbine nổ vào đầu năm 14 tuổi. Nhà thơ Hà Thượng Nhân, dịch giả Phan Huy Chiêm và tôi đã ở bên ông, trong căn phòng cho mượn của ông Thẩm phán Phạm Hải Hồ đằng sau khu chợ Bà Chiểu, mủi lòng, bối rối, cảm thương, cực cùng xúc động trước cơn vật vã và tiếng khóc thê lương của người cha cô khổ.

Hơn ba mươi năm đã trôi qua. Hơn ba mươi Ngày 30 Tháng Tư đánh dấu Việt Nam quốc hận. Hơn ba mươi năm ngậm ngùi tưởng niệm Chu Tử chết cùng vận nước. Tôi day dứt nhớ và tiếc nhiều điều chưa trọn vẹn cùng ông. Chu Tử sống mang biết bao nhiêu ngộ nhận và ân oán. Một người có văn tài và khí phách, sống giữa đám đông mà lúc nào cũng cô đơn thê thảm, cũng muốn bung phá và nổi loạn vì cái đớn hèn khiếp nhược ở chung quanh… Tôi nghĩ, thôi thà Chu Tử chết trầm hà như thế là yên phận.

Người như ông, đem thân lưu lạc mà nhìn thấy đám nhân loại nhơ bẩn quá nhiều, lừa dối, gian manh, đê tiện quá nhiều, sẽ héo hon, cô đơn thê thảm gấp trăm lần cái cô đơn thê thảm ngày xưa trên đất nước…

Đào Vũ Anh Hùng.
Tôi, Công Tử Hà Đông, đã nhiều lần viết về Nhà Văn — Nhà Báo Chu Tử Chu Văn Bình. Bài này, tôi viết Tháng Tư 2009, có thể là bài cuối cùng tôi viết về Chu Tử.
Tôi không là nhân viên Tòa soạn Nhật Báo Sống, tôi viết tiểu thuyết phơi-ơ-tông Người Yêu, Người Giết cho Nhật báo Sống trong thời gian Nhật báo Sống có nhiều người đọc nhất, khoảng những năm 1967, 1970. Năm 1965, 1966 quân Mỹ ồ ạt kéo vào Việt Nam. Cùng trong một ngày 3 vụ ám sát chính trị xẩy ra trong thủ đô Sài Gòn:
1 — Lúc 8 giờ sáng, Chủ Báo Sống Chu Tử, từ nhà riêng trong Cư Xá Trương Tấn Bửu, Phú Nhuận, ra xe để đến toà báo đường Gia Long. Bọn ám sát chờ sẵn trước cửa nhà, bắn ông nhiều phát đạn qua cửa kính sau xe ô tô của ông. Ông Chủ Báo Sống bị trúng đạn vào ót, đạn xuyên qua miệng ông. Nhưng ông không chết.
2 — Lúc 1 giờ trưa cùng ngày, Ký giả Từ Chung Vũ Nhất Huy, Tổng Thư Ký Tòa Soạn Nhật Báo Chính Luận, từ toà báo đuờng Võ Tánh về nhà riêng trong Cư Xá Nguyễn Tri Phương. Bọn ám sát bắn ông khi ông xuống xe. Ông chết ngay tại chỗ.
3 — Cùng ngày, Thượng Toạ Thích Thiện Minh, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên Phật Giáo, bị đặt mìn dưới xe ô tô. Mìn nổ, Thượng Tọa chỉ bị thương nhẹ.

Sau khi ông Chủ Báo bị bắn, bị thương nặng, nhưng không chết, nhật báo Sống có nhiều người đọc, người mua, trở thành một trong mấy tờ nhật báo nhiều người đọc, có thế lực nhất làng báo Việt Nam thời ấy. Trong một bài Ao Thả Vịt, ông Chu Tử, với bút hiệu Kha Trấn Ác, viết về vụ ông bị bắn và vị Thượng Tọa bị đánh mìn:
“Có người bạn vừa gửi cho ATV câu đối:
Chu Tử sứt miệng bình,
Thượng Toạ mẻ bàn toạ.
Cái miệng của ATV được ví với bàn toạ của Thượng Toạ là một vinh hạnh cho ATV.”
Từ khi ngồi sau xe Lambretta của Minh Vồ, bị xe taxi đụng gẫy cổ chân phải, đi khập khiễng, ông Chu Tử lấy bút hiệu Kha Trấn Ác ký mục Ao Thả Vịt trên nhật báo Sống. Nhưng ông vẫn tự xưng là ATV trong bài viết.

Năm 1967 tôi viết truyện Người Yêu, Người Giết trên nhật báo Sống, phóng tác truyện La Seconde Souffle của José Giovanni, tiểu thuyết gia người Ý. Tháng thứ nhất tôi đến toà soạn lấy tiền nhuận bút. Sau khi bị bắn, tay anh Chu Tử run, chữ anh viết thật lớn, anh viết bằng bút Bic trên trang sau của tờ tin Việt Tấn Xã, chỉ ba, bốn hàng chữ, mỗi hàng ba, bốn chữ là kín một trang. Tôi đến trước bàn anh:
- Anh cho tôi tiền tiểu thuyết.
Ngưng viết, anh hỏi tôi:
- Anh muốn lấy bao nhiêu?
Câu hỏi của anh làm tôi sững lại. Viết phơi-ơ-tông từ năm 1956, tới lúc đó là 10 năm, chưa ông bà chủ báo nào hỏi tôi một câu như thế. “Muốn lấy bao nhiêu tiền?” Tôi ngần ngừ. Nói ra con số sợ quá nhiều, không được chi thì ngượng, mà nói ít thì tiếc. Thấy tôi ngần ngừ, anh Chu Tử nói:
- Anh muốn lấy bao nhiêu anh cứ nói. Báo tôi giờ khá rồi.
Tôi nói:
- Nếu anh nói thế, anh cho tôi mỗi tháng 20 ngàn.
Anh viết ngay xuống trang giấy VTX:
“Đưa anh HH Thủy mỗi tháng 20 ngàn.”
Quản lý báo Sống là ông Cao Đắc Tín, các ký giả báo Sống gọi ông là ông Cao Hắc Ín vì nước da của ông, người giữ két báo Sống là Đông, vì trẻ tuổi và nhỏ con nên được anh em thân mật gọi là Đông Con. Trong 2 năm cuối của báo Sống, ông Cao Đắc Tìn nghỉ hưu, người quản lý mới, và cuối cùng của báo Sống là Vũ Đạo Doanh.

Đưa tờ giấy VTX có chữ viết của ông Chủ Báo Sống Chu Tử cho Đông Con là tôi có ngay 20 ngàn đồng. Tôi đưa nguyên 20.000 đồng bạc VNCH tiền nhuận bút Người Yêu, Người Giết tháng thứ nhất ấy cho Alice. Nàng đi mua cái máy may Sinco mới tinh ở nhà đại lý Sinco đường Trần Hưng Đạo. Đặt mua máy may Sinco giá năm ấy là 17.000 đồng, 3 tháng sau có máy; muốn lấy máy ngay thì sang cửa hàng bên cạnh, có máy sẵn, giá 19.000 đồng. Alice chi ngay 19.000 đồng, đưa máy lên xích-lô về nhà. Sinco mua năm 1967, được dùng cẩn thận, giữ kỹ nên đến năm 1975 còn gần như mới nguyên.

Sau 5 năm đồng bạc Quốc Gia bị lạm phát với tốc độ không phải là “phi mã” mà là “phi long,” năm 1972 giá một máy may Sinco là 100.000 đồng, tiền nhuận bút phơi-ơ-tông của tôi mỗi tháng cao nhất vẫn là 20.000 đồng, có báo chỉ trả 10.000 đồng một tháng.
Năm 1966, 1967 — trước Tết Mậu Thân — là những năm nhật báo Sống bán chạy nhất. Báo Sống năm 1967 có Kha Trấn Ác — bút hiệu của anh Chu Tử — viết Ao Thả Vịt, anh Nguyễn Mạnh Côn viết “Tuyên Ngôn của Tình Yêu và Ánh Sáng,” Tú Kếu giữ mục Thơ Đen, anh Anh Hợp viết tiểu thuyết “Cõi Chết,” Nguyễn Thụy Long viết “Loan Mắt Nhung, Kinh Nước Đen”, anh Hoàng Ly viết “Giặc Cái,” anh Bùi Giáng viết một tiểu thuyết võ hiệp tôi không nhớ tên, và tôi viết truyện “Người Yêu, Người Giết.” Phóng viên Nhật Báo Sống có Trần Tử, Anh Quân.
Tác giả Bùi Giáng viết phơi-ơ-tông mà người đọc không ai hiểu anh viết gì cả, anh cho nhân vật, nhất là nhân vật nữ, trong truyện của anh, luôn miệng nói hai chữ “liên tồn, tồn liên.” Như:
“Nàng thu bảo kiếm, chắp tay, hé miệng anh đào, nói:
– Đa tạ đại hiệp đã có dạ liên tồn.”
Hoặc:
“– Ơn tồn liên ấy thiếp không bao giờ quên..”
Hay
“Chàng nhớ mãi nụ cười liên tồn của nàng.”
Chủ nhiệm Nhật báo Sống tất nhiên cũng rất muốn báo mình có trang Rao Vặt như báo Chính Luận, nhưng anh không sao có được, Rao Vặt của Sống chỉ èo uột không đầy nửa trang báo, mà đa phần lại không đúng là Rao Vặt. Cho đến một ngày chúng tôi thấy xuất hiện trong mục Rao Vặt của Sống một mẩu nhắn tin khá đặc biệt mà chúng tôi gọi là tin “Tý Con Em.”

“Nửa tháng không thấy nhau, ra vào thấy gối giường, quần áo, rơi lệ, TRẤU CẮN, BUỒN chịu vậy, biết nói cùng ai. TƠ DUYÊN sao đứt. Em đừng tin lời NGƯỜI TA. HAI hay BA cũng xấu. Rắn HỔ MANG. Miệng lằn, lưỡi mối. Em hết giận hờn không lâu. HIỂU LẦM. THƯƠNG QUÍ nhau hơn. Chồng Em mong Em về. Thương Em.”

Anh chồng Tý Con cứ đăng nhắn tin lẩm cẩm như thế trong mục Rao Vặt báo Sống, ba bốn ngày thay một bản tin, dài dài đến bốn, năm tháng. Mỗi lần đến tòa soạn Sống đưa bài, lấy tờ báo qua ngồi đọc ở xe cà phe bên kia đường, tôi thường hỏi các bạn:
– Tý Con Em có gì mới không?
Có hôm tôi nghe nói anh Chu Tử vừa bị An Ninh Quân Đội hỏi thăm về chuyện Tý Con. Số là báo Sống đăng bản nhắn tin:

TÝ CON EM
Cần gặp em thanh toán mấy việc. Công nợ phải trả. Đừng để MANG TIẾNG. Hãy xứng đáng con nhà GIA GIÁO, LƯƠNG THIỆN. TRỐN TRÁNH không đi đến đâu. Hẹn gặp Thứ Bẩy ở nhà bác Tư Cao, ấp Trung Mỹ Tây. Đừng sai hẹn. Nhớ đem Sổ Gia Đình trả cho người ta. Chồng Em.

Năm ấy là năm trước Tết Mậu Thân, VC hay đánh mìn những bin-đinh Mỹ. Vài ngày sau ngày báo Sống đăng tin anh chồng Tý Con hẹn gặp Tý Con ở ấp Trung Mỹ Tây, một bin-đinh Mỹ ở Sài Gòn bị đánh bom, An Ninh Quân Đội nghi bản nhắn tin “Tý Con Em” trên báo Sống có thể là tin của đặc công VC nhắn nhau đi đánh bom bin-đinh Mỹ nên hỏi Chủ nhiệm Sống.

Ngày tháng qua đi, một sáng ở xe cà phê trước tòa soạn Sống, trên báo Sống tôi đọc thấy:
Trả lời: Đừng đăng báo vô ích. Tôi không bao giờ trở về. Tôi trả hết nợ rồi. Sổ gia đình để ở nhà bác Cả Bi. Định mệnh đã an bài. Vĩnh biệt. TÝ CON
Tôi kêu lên với Nguyễn Thụy Long:
– Ê.. Tý Con trả lời này.. Nhất định không về… Cắt đứt luôn.. Định mệnh đã an bài. Vĩnh biệt!
Và thế là hết. Thư trả lời ngắn gọn của Tý Con chấm dứt cuộc tình “Rao Vặt Tý Con Em” trên báo Sống. Từ đó anh chồng Tý Con ngưng không nhắn tin cà kê dê ngỗng nữa. Anh im luôn. Đúng là vĩnh viễn. Tôi nhớ mãi chuyện Tý Con, tôi cảm khái vì “Cuộc Tình Tý Con Em.” Tôi dùng câu “Định mệnh đã an bài” làm tên một truyện phóng tác của tôi.
Các anh tôi vừa kể trên đây: Chu Tử, Nguyễn Mạnh Côn, Cao Đắc Tín, Vũ Đạo Doanh, Bùi Giáng, Hoàng Ly, Anh Hợp, Duyên Anh, Minh Vồ, Anh Quân, Tú Kếu, Nguyễn Thụy Long, Đông Con, Trần Tử, Anh Quân nay đều không còn ở cõi đời này.

Năm 1969, hay năm 1970, tôi không nhớ đúng, chỉ nhớ là sau Tết Mậu Thân, báo Sống đang sống mạnh, sống vui thì bị đóng cưả. Nguyên nhân: báo Sống làm môït phóng sự về Căn Cứ Quân Sự Mỹ ở Cam Ranh. Bán đảo Cam Ranh, giải đất nhô ra biển, được VNCH nhượng cho người Mỹ làm căn cứ. Mỹ xây lên trên giải đất này một bến tầu biển, một phi trường phi cơ phản lực xuống được. Tầu biển Mỹ, phi cơ Mỹ đến đi, xuống lên căn cứ này không phải xin phép cũng không phải báo cho chính quyền Việt Nam biết, giải đất bán đảo này thời gian ấy gần như một phần lãnh thổ Hoa Kỳ. Ban đêm căn cứ đèn điện sáng choang, phi cơ phản lực quân sự Mỹ trắng như bằng bạc, sáng đèn cả trăm cửa sổ, lên xuống như cảnh phi trường bên Mỹ. Thường dân Việt, kể cả viên chức chính quyền Việt, không được vào căn cứ. Có chuyện rắc rối tơ không ai ngờ là Căn Cứù US Cam Ranh không “cắm dzùi” trọn bán đảo, còn một khoảnh đất ở đầu bán đảo phiá ngoài biển ở ngoài hàng rào căn cứ. Một số dân nghèo Viêt dựng lều trên khoảnh đất ấy, họ sống với việc bán “Sì ke” cho lính Mỹ. Quân Cảnh Mỹ trong căn cứ đến đuổi và phá mấy túp lều của dân Việt. Nhật báo Sống làm lớn vụ này, cáo buộc đây là “hành động quân Mỹ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.”

Phóng sự của báo Sống bị kết tội “gây chia rẽ giữa Việt Nam và quân đội Đồng Minh.” Nhật báo Sống bị thu hồi giấy phép. Nguyên nhân chìm của vụ này là Chủ nhiệm báo Sống Chu Tử bị nhiều người trong phe Phó Tổng Thống Trần Văn Hương ghét, họ chờ dịp đập cho báo Sống chết luôn, cho Nhà Văn Chu Tử hết còn được làm chủ báo. Ông Trần Văn Hương còn là Phó Tổng Thống VNCH, ông Chu Tử còn không được làm chủ báo.

Nhật báo Sống một chết là chết luôn. Năm 1972 tôi đọc trên Tạp Chí Playboy bài phỏng vấn một Đại Tá Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Đại Tá này phản đối một số việc làm ông cho là phạm pháp của chính phủ Mỹ trongt chiến tranh Việt Nam, trong số có việc nặng nhất là cho CIA tổ chức những vụ ám sát nhân sĩ Việt Quốc Gia và đổ cho là doViệt Cộng giết. Đại Tá giải ngũ, về Mỹ, nạp đơn kiện chính phủ Mỹ. ông nói trong cuộc phỏng vấn của Playboy:
- Tôi không bày đặt kiện cáo để lấy tiếng. Là quân nhân, tôi bắn đối thủ trên chiến trường nhưng tôi không thể làm việc ám sát. Bọn CIA không có chức vụ gì chính thức, với những cái tên dzởm Bob, Ted có quyền chỉ huy sĩ quan chúng tôi. Tôi phản đối chúng thực hiện những vụ ám sát các nhân sĩ, tu sĩ Việt Nam, giết giữa đường rồi bỏ bản án Tử Hình của Việt Cộng lại bên xác chết, đổ lỗi cho Việt Cộng, để dân Việt căm thù Việt Cộng.
Ông nói về Ngoại Trưởng Henry Kissinger:
- Anh chàng đó là thứ người gì mà có nhiều quyền và được tâng bốc đến như thế? Tôi chắc hồi di học, có ai lấy cái xe máy của hắn, hắn cũng đứng im, không dám nói gì cả.
Tôi kể với anh Chu Tử về những lời ông Đại Tá Mỹ nói trong Tạp Chí Playboy, có thể anh cũng nghĩ như tôi là vụ bắn anh, bắn Từ Chung, gài mìn xe của Thuợng Toạ Thích Thiện Minh, là do CIA gây ra, để dư luận dân Việt Nam quên đi việc lính Mỹ đang ào ạt kéo vào Việt Nam lúc ấy. Tôi hỏi anh:
- Cho đến bây giờ anh có biết ai bắn anh không?
Anh trả lời:
- Cho đến bây giơ tôi vẫn không biết ai bắn tôi.
Trên “Ao Thả Vịt” nhật báo Sống 40 năm trước, Chủ nhiệm Chu Tử loan báo báo Sống sẽ trao giải 100.000 đồng cho ai đối được câu đối:
“Bố cạn tiền rồi, anh cán bộ.”
Cho đến nay chưa có ai đối được câu đối này.


30/11/2009
Hoàng Hải Thủy






No comments:

Post a Comment