Nhân loại đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt tình người. Sự khô cạn ấy có thể thấy rõ và đong đếm được. Nó tỷ lệ thuận với sự khô cạn của những tài nguyên thiên nhiên không ngừng được khai phá trên khắp toàn cầu. Hệ quả đã đến là, cứ mỗi một thập kỷ trôi qua, trong khi mà, cuộc sống ngày càng trở nên văn minh hơn, tiện nghi hơn và thừa mứa hơn, thì mối quan hệ và khoảng cách giữa con người với nhau lại ngày càng trở nên lạnh lùng hơn và xa xăm, diệu vợi hơn bao giờ. Tài nguyên thiên nhiên khô cạn là một điều đáng sợ. Thế nhưng, có một thứ khô cạn khác đáng sợ hơn gấp nhiều lần. Đó là sự khô cạn của những dòng nước mắt: Nhân loại ngày nay không buồn khóc nữa. Họ nhìn những thảm cảnh, tai ương, tội ác… diễn ra với đồng loại chung quanh với đôi mắt ráo hoảnh và tâm hồn hoang lạnh. Những khái niệm truyền thống như tình cha mẹ, nghĩa anh em, tình bạn hữu… không còn có nhiều chỗ đứng trong trái tim họ.
Điện ảnh Hàn, nói chung, và những melodrama của Hàn, nói riêng, đều ngập tràn nước mắt. Nước mắt tuôn ra ở những trung cảnh, khi nhân vật đứng chết lặng từ xa hay đang thét gào vật vã. Nước mắt chảy đầm đìa ở những cận cảnh, từ những khóe mắt đang ngập đầy giông bão của cảm xúc - thứ khóe mắt ấy rất đặc trưng, nó chỉ có được ở con người, chứ không hề có ở bất kỳ động vật nào khác. Nước mắt không chỉ rơi khi tình yêu tan vỡ hay đời đang khổ đau, rối rắm (vốn là những điều quá đỗi thường tình); nước mắt cũng rơi cho những giằng xé và trăn trở của nội tâm hướng thiện, cho những lo lắng, thương yêu về những mối quan hệ không hẳn là gần; nước mắt thậm chí cũng rơi cho sự bất trắc xảy đến với bất kỳ tha nhân nào hiện diện trên cõi đời này.
Khá nhiều người khi xem phim Hàn thường hay than vãn: khóc nhiều quá, ủy mị quá. Ai chưa xem và hiểu phim Hàn dễ nghĩ rằng: Chắc hẳn họ có cái lý của họ khi nói thế, hẳn là phim Hàn đã lạm dụng tính bi thương. Nhưng nếu đã xem và đã hiểu thì lại thấy khác: Trong bấy nhiêu giọt nước mắt đã rơi trong phim, không giọt nước mắt nào là vô nghĩa, những diễn biến và cao trào xúc cảm đã được xếp đặt khá kỹ lưỡng và công phu. Diễn viên Hàn nào hầu như cũng đều phải khóc trong phim, nhưng người xem có thể cảm được rằng mỗi một giọt nước mắt tuôn ra đều tuôn ra từ chính trái tim của họ - trái tim đang đồng cảm hoàn toàn với nhân vật mà họ thủ diễn.
Khi mỗi một giọt nước mắt tuôn rơi, không gian trong phim ngưng đọng lại, rồi âm nhạc nhè nhẹ cất lên theo tiếng thổn thức (nức nở hay âm thầm). Người xem nếu thực sự biết thưởng thức (và nếu cõi lòng không quá cạn khô hay khuyết tật), sẽ có cảm giác như tâm hồn vốn đang trơ cứng (vì sự miệt mài với việc kiếm sống) của mình đang được làm mềm rũ trở lại, và tưới mát bằng một cơn mưa tẩy trần được đan kết nên bằng những giọt nước mắt người. Có thể nói, điện ảnh Hàn, hơn hẳn bất kỳ một nền điện ảnh nào khác, đã làm rất tốt chức năng làm phong phú và thăng hoa tính người trong tâm hồn người xem.
Trong phim Hàn, người xem bắt gặp một nguyên tắc sống được lặp lại, lặp lại (hết từ bộ phim này đến bộ phim khác, đến nỗi nó giống như một nét văn hóa đặc thù): Bảo vệ người mình yêu thương. Người mình yêu thương ở đây không hẳn chỉ là người tình, mà là một tập hợp quan hệ con người khá rộng: người cha, người mẹ, người anh, người chị, người em, người con, người cháu… Thậm chí, đó có thể chỉ là một đứa em nuôi hay một người bạn thân. Cứ thỉnh thoảng, người xem lại được nghe một nhân vật nào đó trong phim đang tự dằn vặt mình ghê gớm, chỉ vì nghĩ rằng mình đã bất lực trong việc giúp cho người thân mình an toàn và hạnh phúc.
Những cảnh phim ấy đôi khi chỉ là những là những lời độc thoại nội tâm, hay những lời thầm thì ray rứt, tức là những cảnh phim rất tĩnh, không ồn ào; thế mà, người xem cứ thấy như muốn bật khóc nức nở tự mình. Cái bật khóc ấy có thể xuất phát từ sự xúc động trước một nghĩa tình cao đẹp trong phim; nhưng cũng có thể là người xem bật khóc vì liên tưởng đến thực tế phũ phàng đang bao quanh đời sống hiện thực của mình. Ở đời sống hiện thực đó, ngày càng có nhiều hơn những mối quan hệ cha mẹ, anh em, con cái đối xử với nhau còn thua cả người dưng; có những người tình có thể giết chết và hủy diệt nhau một cách hết sức dễ dàng; có những người bạn luôn sẵn sàng phản phúc và hãm hại bạn thân…
Có điểm nghịch lý ở phim Hàn là: Trong khi, một mặt, nó tái hiện một cách khá chính xác và đa dạng hiện thực xã hội của đất nước Hàn Quốc với những vấn đề riêng của nó, thông qua những sinh hoạt hàng ngày của con người, cũng như cốt truyện, thì mặt khác, mối quan hệ và cách những nhân vật chính diện sống và ứng xử với nhau mang dáng nét của một cõi mộng nhiều hơn là có thực ngoài đời. Không ai ngớ ngẩn đến mức tin rằng, hiện nay, toàn bộ hay đa số người dân Hàn Quốc đều sống và cư xử với nhau thắm thiết và nghĩa tình đến mức làm rung động lòng người như thế.
Thế nhưng, có một câu hỏi được đặt ra ở đây là: Thế giới sống ấy trong phim Hàn chỉ là một thế giới ảo (được tạo dựng nên bởi đầu óc tưởng tượng của những nhà biên kịch tài ba), và khác xa rất nhiều với hiện thực đời sống hiện nay, mà sao nó lại có sức thuyết phục mãnh liệt đến như thế, và làm rung động lòng người đến tận mức thẳm sâu? Câu trả lời là: Thế giới tình người ấy không còn tồn tại nữa ở thời điểm hiện nay, nhưng nó đã từng là một thế giới có thực, hoàn toàn thực, ở một thời điểm rất xa xưa trong quá khứ, thuở mà cuộc sống con người còn sơ khai, nghèo khó, chưa có tiện nghi và lòng con người còn hồn nhiên như thảo mộc, chưa biết tham muốn, tranh giành. Theo đà phát triển của nhân loại, thế giới tình người ấy đã mất đi, mỗi ngày một ít, và ở thời điểm hiện tại, có vẻ như nó đang gần ở cuối đường sinh diệt. Có vẻ như điện ảnh Hàn là nền điện ảnh duy nhất hiện nay trên thế giới đang miệt mài tái tạo lại thế giới đã mất ấy, và người xem, với ít nhiều những giọt nước mắt vắn dài trên đôi gò má, không thể không thừa nhận rằng: Nó đã tái tạo một cách thành công và khá hoàn hảo thế giới sống đã mất đi ấy.
Cứ mỗi lần bắt đầu dấn thân vào một bộ phim Hàn, cho dù là ngắn tập hay nhiều tập, người xem có cảm giác như mình lại vừa bước vào một cơn mộng. Cơn mộng ấy luôn lấp lánh với những ảnh hình con nguời và cuộc sống đẹp nhất, được đan kết với những tiếng cười giòn giã, và đặc biệt là, không bao giờ có thể thiếu vắng những giọt nước mắt, khi âm thầm, khi nức nở, bi ai. Trên nền những tiếng cười thỉnh thoảng phát ra như những cơn gió trong lành, những giọt nước mắt luôn đóng vai trò chủ đạo, phủ trùm không gian sống; và trong ánh chiếu lung linh, chúng phản chiếu vào trong mắt người xem một thế giới sống huyền thoại, mà ở đó, con người thương yêu và bảo vệ nhau theo cái cách chân thành và nồng nhiệt của một tình nhân đối với một tình nhân.
Khi một bộ phim Hàn kết thúc, cũng là lúc mộng tan, con người lại bước ra, trở về đối diện với đời thực không vui. Không thể không có chút hụt hẫng. Không thể không có chút luyến tiếc. Nhìn lại, cuộc đời thực trước và sau cơn mộng ấy vẫn thế, chẳng hề có chút mảy may thay đổi. Thế nhưng, trong lòng người xem lại đã có ít nhiều sự thay đổi, cho dù họ có nhận ra hay không nhận ra. Dường như lòng người trở nên mềm mại hơn thì phải. Dường như nó trở nên phần nào đó ấm áp hơn như vừa được xoa dịu vỗ về bởi một đôi bàn tay thiện nghệ. Và trên hết, một niềm tin mơ hồ chợt thoáng hiện đâu đó rằng: Rồi một ngày nào đó, dẫu có thể là còn xa lắm, thế giới sống huyền ảo trong phim mà họ vừa bỏ lại sau lưng sẽ từ trong cõi mộng mà bước ra đời sống thực này.
09/02/2014
Jeffrey Thai
No comments:
Post a Comment