Sunday, March 23, 2014

Ăn Mày và Ăn Mày Dĩ Vãng - Jeffrey Thai



01)

Ăn mày là hành động buồn nhất trong tất cả các hành động mà con người thực hiện.  Hành động ấy buồn vì khi phải ăn mày, có nghĩa là người ta chẳng còn gì lại nữa cho mình.  Không còn tài sản vật chất đã đành, đến lòng tự trọng, đến sĩ diện tối thiểu của một con người cũng không còn nốt.  Họ không còn thực sự sống nữa, họ chỉ đơn thuần là tồn tại, là sống vướng vất qua ngày.  Hành động ấy còn buồn vì khi phải ăn mày, có nghĩa là người ta mặc nhiên đem trao giá trị (dẫu còn ít ỏi hay chẳng còn gì) của mình vào tay kẻ khác để họ mặc tình phẩm định, mà không ít người trong những kẻ khác ấy lại độc ác khôn lường, không ngại ngần gì mà không giẫm đạp lên số phận vốn đã đủ thê lương của họ. 


02)

Ăn mày, xét ra, là một hành động lương thiện và dũng cảm.  Nói thế là vì trong vô số các phương cách để tồn tại còn sót lại như lường gạt, ăn cướp, trấn lột..., vốn là những hành động làm tổn thương người khác, người ăn mày không hề làm tổn thương ai khác, ngoại trừ chính mình.  Họ làm tổn thương và hạ thấp chính mình chỉ để mưu cầu sự tồn tại.  Khát vọng sống ấy mới to lớn làm sao.  Sống như thế chẳng có gì đáng để tự hào, nhưng bản năng cố hữu của con người vốn là thế, là phải sống (dù bất kỳ giá nào), nên điều đó dẫu sao cũng cần được tôn trọng.  Ăn mày còn có nghĩa là gửi trao niềm tin vào thế giới con người.  Niềm tin ấy có thể là ít, có thể là nhiều nhưng vẫn còn đấy.  Không còn có niềm tin ấy, thử hỏi người ta đi ăn mày để làm gì và để được gì.  Xét thế, nhân gian này nợ những người ăn mày một món nợ về niềm tin.

03)

Có những nơi, có nhiều người nhìn người ăn mày thấp quá.  Với họ, đó là những kẻ không có chân dung và hình dáng, là những kẻ họ không nhìn thấy.  Họ khinh bỉ sự nghèo khó nên những khi cần mạt sát một ai đó, họ buông lời chửi rủa:  "Đồ ăn mày!", cứ như nghèo khó là một cái tội vô cùng lớn, trong khi ở xã hội mà họ đang sống, có vô số lý do để người ta trở nên nghèo khó, để người ta phải trở nên ăn mày.  Thái độ đó âu cũng bắt nguồn từ trình độ dân trí còn hạn chế.  Khi trình độ nhận thức chưa cao, định kiến của con người thường lệch lạc và đầy nhẫn tâm.  Một mặt họ xưng tụng sự giàu sang và quyền lực, mặt khác, họ coi khinh sự nghèo hèn và yếu thế.  Điều đó hình thành nên những bi kịch xã hội trường cửu trong mối quan hệ giữa con người.    

04)

Ở một nơi như nước Mỹ, cứ tưởng là sẽ chẳng thể nào có kẻ ăn mày, thế mà vẫn có.  Sống ở nước Mỹ mà để mình trở thành ăn mày, thì hẳn là quá tệ.  Không ai nghi ngờ điều ấy.  Cũng như không ai không biết rằng để lâm vào cảnh trạng ấy, họ đã làm những điều tồi tệ trong quá khứ, hay chí ít là đã phạm những lầm lỗi đáng khinh.  Thế mà, trong cuộc sống thường nhật, khó mà tìm thấy một hành động, một lời nói, hay một ánh mắt xem thường những kẻ ăn mày khốn khổ ấy.  Thường thì, họ đứng ở những ngã tư đèn đỏ với tấm bảng "Tôi cần sự giúp đỡ" hay "Tôi đang đói", và chờ đợi sự bố thí từ những cửa sổ xe được hạ xuống.  Có thể có những cánh cửa sẽ không bao giờ hạ xuống, nhưng nếu nó hạ xuống, họ có thể an tâm tiếp cận và đón nhận những đồng bạc l được trao ban đầy cung kính cùng với ánh mắt đầy cảm thông. 

05)

Cùng là ăn mày, nhưng có nơi, họ bị khinh bỉ tận cùng như là thành phần cặn bã của xã hội, có nơi họ lại được đối xử trân trọng như những kẻ sa cơ đang dễ bị tổn thương.  Sự khác biệt ấy không nói được gì nhiều về những kẻ ăn mày, nhưng lại nói lên rất nhiều về chân dung đạo đức của người đời.  Một bên, đối diện với những kẻ đang khốn khổ, họ chỉ chực soi mói về những tội lỗi trong quá khứ, để từ đó, có cớ để lạnh nhạt, rẻ khinh.  Trong khi bên kia, phút giây ấy trước mặt họ chỉ đơn thuần là một sinh linh khốn khó đang cần sự giúp đỡ.  Sinh linh ấy có thể là một con người tốt gặp nạn, cũng có thể là một kẻ chẳng ra gì.  Điều đó chẳng có gì là quan trọng.  Điều quan trọng là, họ đang được khẩn cầu, đang được trao gửi một niềm tin về tình người, và họ cảm thấy có nhiệm vụ phải hồi đáp, thế thôi. 



06)

Ăn mày dĩ vãng là dạng ăn mày mang nét đặc trưng và riêng biệt, trong các hình thức ăn mày.  Không phải ai cũng có thể ăn mày dĩ vãng được.  Muốn ăn mày dĩ vãng, trước tiên, cần phải có một dĩ vãng để ăn mày, mà dĩ vãng ấy phải nhung gấm, phải vàng son.  Không ai lại đi ăn mày một dĩ vãng tả tơi.  "Sông có khúc, người có lúc", nên sau những ngày tháng vinh quang, có khi là những ngày tháng điêu tàn.  Có khi cuộc đời con người đi xuống đến nỗi người ta trở nên một con người khác, với những suy nghĩ hoàn toàn khác và một dung mạo tâm hồn hoàn toàn khác.  Con người mới ấy tuyệt vọng, bất lực, rã rời, và chẳng còn biết làm gì khác ngoài việc buộc lòng phải ăn mày vào chính dĩ vãng của mình để tồn tại.  Không phải ai trong hoàn cảnh ấy cũng hành xử như thế, nhưng con người vốn khác nhau, và sự lựa chọn nào cũng có những lý do riêng của nó.    

07)

Ăn mày dĩ vãng cũng là ăn mày nên nếu ăn mày là một hành động lương thiện và dũng cảm, thì ăn mày dĩ vãng cũng thế.  Hơn nữa, có thể nói nó còn sang trọng hơn, và sòng phẳng hơn.  Sang trọng hơn thì hẳn đã đành và cũng dễ hiểu vì người ăn mày dĩ vãng ít nhiều đã từng có một thời vang bóng.  Còn sòng phẳng hơn là vì trong khi ăn mày là hành động ăn bám đơn phương vào người khác, thì ăn mày dĩ vãng chỉ ăn bám vào bản thân mình, hay nói rõ hơn, là vào chính dĩ vãng huy hoàng mà mình đã dày công tạo dựng.  Đó là một hành động trao đổi khá công bằng.  Trong khi người ăn mày tuy nhận chẳng bao nhiêu nhưng chẳng có gì nhiều còn lại để mất, thì người ăn mày dĩ vãng tuy nhận được nhiều hơn nhưng mất mát cũng thật lớn:  hào quang danh vọng cũ, lòng kiêu hãnh và sĩ diện của một ngôi sao lớn.    

08)

Người ăn mày luôn biết mình là một kẻ ăn mày, nhưng người ăn mày dĩ vãng, đôi khi, lại không biết.  Dẫu là những hành động trao ban đều diễn ra ở hiện tại, nhưng một đằng thì sự trao ban chỉ đơn giản phát xuất từ tình người chung chung, và vào giây phút nhận - trao, vị thế của hai bên được định vị khá rõ ràng; còn một đằng thì lại phát xuất từ sự ngưỡng mộ cụ thể có căn nguyên từ trong quá khứ, và chính sự ngưỡng mộ ấy đã khoác lên sự trao ban một chiếc áo gấm đẹp đẽ, khiến nó mang một dung mạo khác khó nhận ra.  Tuy nhiên, trong trường hợp này, sự nhận ra cũng không hẳn là cần thiết, vì nó chẳng giúp ích được gì cho ai cả.  Chỉ sợ là, vì một lý do nào đó, kẻ ăn mày dĩ vãng phải chạnh lòng về những gì mình đánh mất, thì khi đó, e rằng việc ăn mày dĩ vãng buồn hơn nhiều lắm, so với ăn mày.

09)

Dẫu là ăn mày hay là ăn mày dĩ vãng, họ đều là những kẻ sa cơ, những kẻ đã rơi xuống đến tận cùng hố thẳm (với những lý do chính đáng hay không chính đáng).  Điều đó có thể xảy ra với bất kỳ ai, vào bất kỳ lúc nào, và không ai muốn mình ở vào vị thế đó; và do đó, họ nên được miễn trừ sự phán xét của người đời.  Cứ hãy thử tưởng tượng hình ảnh một người đang lơ lửng bên mép một bờ vực sâu, một tay bám víu vào thành bờ, tay kia chìa ra cầu xin sự giúp đỡ với ánh mắt hoảng hốt, tuyệt vọng.  Trước tình cảnh ấy, con người chỉ có một sự lựa chọn chân chính:  chìa bàn tay ra kéo họ lên.  Trong cuộc sống bộn bề và tấp nập này, không phải ai cũng có thời gian và tâm trạng để dừng lại lắng nghe những tiếng kêu ấy, nên sự hờ hững, vô tình bước qua, âu cũng là điều hiểu được và chấp nhận được.  Thế nhưng, bình thản và lạnh lùng đứng đấy để lý luận một cách logic và tỉnh táo về quy luật "có làm, có chịu", thì e rằng, kẻ ấy chỉ đang bộc lộ chân dung đạo đức kém cỏi của chính bản thân mình.  

10)

Hai phạm trù "ăn mày dĩ vãng" và "vinh quang", trong một sự đối chiếu sát sao, dường như tạo dựng nên một nghịch lý đời sống.  Có phải chăng vinh quang chỉ là điều để nhìn, để ngắm, hay để cảm, chứ không ăn được, và uống được, không thể giúp được cho việc duy trì đời sống?  Để bảo vệ vinh quang, cho dẫu là vinh quang của một thời vang bóng xa xưa, có người đã chấp nhận sống trong những điều kiện tồi tệ không thể tả, và rồi chết trong nghèo khó cực cùng với nhiều buồn tủi.  Tất cả chỉ để duy trì một thứ hào quang váng vất, hiện hữu chủ yếu trong trí tưởng tượng nhiều hơn chiếu sáng trong đời thực.  Còn những ai không hành xử như thế, lựa chọn để "ăn mày" vào dĩ vãng, để sống, để tồn tại và hơn nữa, để tạo dựng nên một đời sống mới tái sinh, thì ngay lập tức, vinh quang dường như đổ sụp, tan biến.  Thế thì, vinh quang để làm gì?  Thế thì, liệu là vinh quang có chăng chỉ là điều dối trá, chẳng bao giờ có thật?   

23/03/2014
Jeffrey Thai

1 comment:

  1. BUỒN CHO HỌ PHẢI ĐI ĂN MÀY ... NHƯNG CŨNG THẬT BUỒN HƠN CHO NGƯỜI ĂN MÀY DĨ VÃNG... VÌ ĐÓ LÀ CÁI TIẾNG ĐỂ ĐỜI.... CON CHÁU CŨNG KO DÁM NHÌN NHẬN VÀ NÉ TRÁNH QUÁ KHỨ VẺ VANG ẤY ...

    ReplyDelete