Saturday, March 29, 2014

“Thần Tượng Sụp Đổ” - Tiếng La Gào Nông Nổi (Jeffrey Thai)



“Thần tượng sụp đổ” là cụm từ cứ thỉnh thoảng người ta lại được nghe cất lên từ đám đông với nhiều âm ba đồng vọng. Đi kèm với các động tác dễ dàng hình dung ra như đầu lúc lắc tỏ vẻ ngao ngán, mắt buông tia nhìn hụt hẫng, môi bĩu ra khinh miệt; người ta còn được nghe cả những lời rủa xả hay chửi bới đầy cay nghiệt được tuôn ra ồn ã không thương tiếc. Tất cả những điều tồi tệ ấy đều dành cho… thần tượng - cái thần tượng mà, theo đám đông, nay đã… sụp đổ.

Vì sao thần tượng lại sụp đổ? Lỗi do ai? Truy lại căn nguyên, ai là người đã đưa thần tượng lên ngôi huy hoàng, để rồi nay lại “hạ bệ” và giẫm đạp phũ phàng? Hãy xét đến các điều ấy trong bối cảnh hình ảnh thần tượng Nguyễn Thành Luân (cùng người diễn viên thể hiện Nguyễn Chánh Tín) đang được người đời xôn xao “phanh thây tứ mã” trong những ngày qua.




Trước hết, điều cần xác định là nhu cầu thần tượng là một nhu cầu nhân bản và chính đáng. Ở con người vốn luôn hiện hữu bản năng vươn tới cái đẹp và sự hoàn mỹ (về cả thể xác, tâm hồn và trí tuệ). Từ lý do đó, thần tượng được con người đưa lên ngôi với sự ngưỡng mộ để đóng vai trò một hình mẫu cho con người noi theo, một kim chỉ nang để dẫn đường trên hành trình cuộc sống. Với ý nghĩa đó, thần tượng là một khái niệm thiêng liêng, và vì thế, việc đưa thần tượng lên ngôi đòi hỏi một sự suy xét kỹ càng, một sự hiểu biết thấu đáo về đối tượng (về cách sống, lẽ sống, lý tưởng sống), và cả trách nhiệm đối với bản thân về sự lựa chọn ấy của mình.

Nếu ai cũng nhận thức được như thế thì có lẽ đã không có quá nhiều những tiếng la gào nông nổi: “Thần tượng sụp đổ”. Thật kỳ lạ, đáng ngạc nhiên và cũng buồn cười làm sao khi người ta có thể dễ dàng đưa một thần tượng lên ngôi mà không hề biết gì nhiều về đối tượng ấy cả, không biết đối tượng ấy sống ra sao, đối xử với người khác thế nào, quan niệm về đời sống như thế nào… Có khi chỉ cần một bài viết hay, một vóc dáng ấn tượng, một bài nhạc gây đình đám, một vai diễn thành công hay một giải thưởng, danh hiệu nào đó là đã đủ để họ ngưỡng mộ, tôn sùng, đưa lên ngôi thần tượng với biết bao lời tâng bốc lên tận mây xanh. Để rồi không lâu sao đó, cũng chính họ là người đạp đổ thần tượng xuống mặt đất và giẫm đạp lên, với những lời chửi rủa không chính đáng và không mang nhiều ý nghĩa.

Ở điều vừa trình bày, có thể thấy đã có một sự nhầm lẫn (mang tính hoang tưởng) rất to lớn và phổ biến ở người đời. Họ đã nhầm lẫn giữa việc ngưỡng mộ một điều cụ thể, một sự việc cụ thể ( mang qui mô nhỏ) với việc thần tượng một con người (mang qui mô to lớn hơn nhiều). Sự nhầm lẫn ấy đã khiến họ hoang tưởng rằng con người được họ ngưỡng mộ (vì một lẽ gì đó) và đưa lên ngôi thần tượng sở hữu mọi đặc tính hoàn hảo mà họ mong đợi - điều mà “thần tượng” có thể có nhiều, có ít hoặc chẳng hề có. Khi kết quả không như họ tưởng tượng cũng chính là lúc họ đương nhiên trút mọi tội lỗi lên “thần tượng”, bộc lộ rõ một bộ mặt vô cùng khiếm nhã và rất thiếu trách nhiệm cá nhân. Bi kịch sụp đổ của thần tượng Nguyễn Thành Luân - Nguyễn Chánh Tín, qua vụ việc vỡ nợ đang diễn ra, có lẽ nằm ở trong trường hợp này. 






Có lẽ không ai không biết rằng diễn viên Nguyễn Chánh Tín (NCT) đã ghi được một dấu ấn rất to lớn trong sự nghiệp diễn xuất của mình qua vai diễn đại tá Nguyễn Thành Luân (NTL) trong bộ phim tình báo trắng đen dài tám tập Ván Bài Lật Ngửa, ra đời vào những năm đầu của thập niên 80 của thế kỷ trước. Trước vai diễn đó, NCT ít nhiều đã tạo được vị trí và tên tuổi của mình trong làng điện ảnh với hình ảnh của một tài tử điển trai, hào hoa và lãng tử; nhưng chỉ đến vai diễn NTL thì ông mới thực sự trở thành một tên tuổi điện ảnh lớn, thu hút nhiều sự chú ý và ngưỡng mộ sâu sắc của khán giả. Vinh quang ấy không chỉ đến từ khả năng diễn xuất ngoại hạng của ông thông qua nhân vật này, mà còn được phủ bóng hào quang bằng tính cách thông minh tài trí và bản lĩnh vô song của nhân vật mà ông thủ diễn - một đại tá tình báo. Vinh quang ấy rực rỡ đến nỗi nó đã khiến ông dường như trở thành biểu tượng của cả một thế hệ thời ấy, và sự yêu thương ông của một bộ phận lớn khán giả cũng bắt nguồn từ đấy. Nhưng cũng chính vinh quang ấy đã vô tình phủ chụp lên cuộc đời ông một bi kịch tiềm ẩn: Người ta (một cách vô thức) đồng nhất con người diễn viên của ông và con người nhân vật.

Gọi đó là một bi kịch tiềm ẩn vì có thể nó sẽ chẳng là bi kịch nếu cuộc đời không có khúc quanh nghiệt ngã vào lúc cuối đời đưa ông vào đáy sâu tăm tối, qua việc vỡ nợ một số bạc lớn không còn khả năng chi trả. Những ngày qua, có khá nhiều người với hội chứng “thần tượng sụp đổ”, đã viện dẫn hình tượng NTL để tuôn ra nhiều lời lẽ cay độc và tàn ác nhắm vào ông. Với sự nhầm lẫn hoang tưởng đã được trình bày ở phần đầu, họ cứ săm soi vào từng lời ăn tiếng nói của ông trong hoàn cảnh tuyệt vọng để giám định phẩm chất và tư cách đạo đức con người. Thực ra, trong suốt toàn bộ quá trình, với mọi thông tin được đưa ra, nếu không nhìn ông qua lăng kính NTL và đặt mình vào trong hoàn cảnh của người trong cuộc, cộng với một đầu óc khách quan không bị làm mù mờ vì sự ngưỡng mộ, thì những hành xử và lời nói của ông, dù chẳng hay ho gì lắm, nhưng hoàn toàn có thể hiểu được và thông cảm được. 


Nói chung, kể từ lúc tuyên bố vỡ nợ đến nay, những gì ông làm và nói, nếu xét ở một mặt nào đó, chẳng có gì đáng để tự hào (nếu không muốn nói là đã làm mờ đi khá nhiều hình ảnh vinh quang cũ), thì khi xét ở một mặt khác, chúng cũng chẳng có gì đáng phải lên án (nếu không muốn nói là đã cho khán giả có cơ hội để biết thêm về một con người diễn viên NCT bằng xương, bằng thịt mà họ hằng ngưỡng mộ). 



Khán giả có thể thấy được những gì ở ông? Hãy bình tâm. Đừng kỳ vọng. Đừng hoang tưởng. Đừng mong chờ một anh hùng tài trí, ngang tàng, khí phách. Khi ấy, người ta sẽ thấy rất rõ một NCT với những đặc tính của người được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất miền Tây Nam Bộ: có sao nói vậy, không trau chuốt, màu mè, không kiểu cách. Đó là một con người rất đỗi thật thà, không mưu toan, xảo trá. Sự thật thà này, đối với những ai đã được sinh ra và lớn lên ở cùng miền Tây Nam Bộ như ông, thì có thể cảm nhận rõ hơn nhiều lắm. Ông thật thà đến nỗi những lời ông nói ra quá đỗi hớ hênh, ngay trong chính những giờ phút nhạy cảm nhất, đã mang đến cho ông nhiều rắc rối, và là cớ cho những lời mỉa mai cay nghiệt. Nếu bình tâm và đặt mình vào vị thế của ông, và hơn nữa, của một kẻ đang tuyệt vọng, hoảng hốt, nhưng vẫn cố bám víu không muốn rời xa ngôi nhà gắn bó bằng mọi cách, thì những phát biểu hớ hênh của ông cũng chẳng có gì là to tát lắm.

Qua những thông tin được đưa ra, người ta không biết được rằng, ở trên đỉnh cao danh vọng, thực sự, ông đã đối xử với những người chung quanh ra sao, có đàng hoàng hay không, hay là kiểu cách, chảnh chọe; nhưng người ta có thể tin rằng ông không có ý lường gạt ai cả, kể cả người anh em kết nghĩa đã cho ông mượn nhà để vay nợ. Có thể hình dung ra ông là người rất đam mê nghệ thuật, và cũng vô cùng liều lĩnh trong kinh doanh nghệ thuật. Sự liều lĩnh ấy đã dẫn đến một kết thúc thảm bại thật bất ngờ khiến ông lâm vào tình cảnh làm hại luôn cả người anh em ngoài ý muốn và sau đó, không còn cách nào để có thể hành xử “vẹn tình, vẹn nghĩa” được, cho dù có muốn bao nhiêu. Những lời tố cáo về hành động trốn tránh của ông, dĩ nhiên là có thể tin được, nhưng qua clip audio thu lén được tung ra, người ta cũng thấy ông đã cố hết sức làm những gì mình có thể làm, và tình cảnh của ông là thực sự bế tắc.

Ông đã thực sự bế tắc với món nợ khổng lồ hơn 10 tỷ bạc. Còn nguyên do vì đâu? Có thực sự là từ việc làm phim Dòng Máu Anh Hùng hay không? Đã có những chứng minh khá thuyết phục cho thấy là không hoàn toàn là như vậy. Nhưng cho dù đúng hay không, điều đó có thực sự quan trọng không? Hãy cứ đặt mình vào vị thế ấy - vị thế của một người nổi tiếng - để thấy rằng không phải lúc nào con người cũng có thể trung thực được, dù rằng bản thân mình vẫn luôn rất đỗi thật thà. Sự bế tắc không bao giờ đứng yên, nó cứ lôi tuột nạn nhân hết từ tình thế nan giải này sang tình thế nan giải khác, mà mỗi lời nói ra ngày càng trở nên khó khăn hơn để bám sát vào sự thật, dù lòng không muốn gian dối.






Nguyễn Chánh Tín và Bích Trâm

Mấu chốt của những công kích vào ông, có lẽ nằm ở quan điểm “có làm, có chịu” (dù xét kỹ ra, ông chưa hề chính thức mở miệng xin xỏ gì ai). Quan điểm này vốn là quan điểm truyền thống và phổ biến ở các quốc gia Châu Á. Nó đặt nặng vấn đề sĩ diện và lòng tự trọng. Không thể nói quan điểm này là sai được khi rõ ràng, nó giúp con người ta ý thức hơn về trách nhiệm cho mọi hành động của mình, và từ đó, giữ gìn được nhân phẩm. Tuy vậy, khi được áp dụng đến mức cực đoan, dường như nó đang chống lại con người ở khía cạnh lòng khoan dung và độ lượng. Nó giam hãm con người trong những bế tắc mịt mùng mà lối ra đã hoàn toàn bị chắn nẻo. Nó biến những con người bất hạnh trở thành một ốc đảo biệt lập với những đớn đau chôn tận đáy lòng. Những tiếng thét gào kêu cứu âu cũng là những tiếng kêu rất đỗi con người, và hoàn toàn không vi phạm pháp luật. Nhờ đó, con người có dịp để tìm đến nhau, san sẻ cho nhau, để tình người sống lại và đời thêm nhiều ý nghĩa sống.

Tóm lại, việc sa cơ thất thế của một con người, hay của một nghệ sĩ, chẳng phải là điều gì quá lạ. Việc câm nín chịu đựng riêng mình hay lên tiếng cầu cứu là những lựa chọn hoàn toàn mang tính cá nhân và tùy ý, với những được mất tương xứng. Việc công bố vỡ nợ và việc nhận được sự trợ giúp của diễn viên NCT có lẽ đã chẳng có gì ầm ỹ, nếu không có những tiếng la gào nông nổi về một thứ thần tượng sụp đổ nào đó, đi kèm cùng những lời lẽ cay nghiệt. Xét về mặt tích cực, qua đó, người ta còn có dịp để nhìn thấy vẫn còn có đó bao người với tấm lòng bác ái, bao dung giữa dòng đời ngày càng cạn kiệt sự sẻ chia này. Và có lẽ cũng đã đến lúc những khán giả nông nổi nên học cách phân biệt giữa sự ngưỡng mộ một nhân vật điện ảnh và việc thần tượng một con người; cũng như học cách chấm dứt ban phát cho mình cái quyền tùy tiện định liệu giá trị đạo đức của những đối tượng xấu số, vô tình được mình lựa chọn để đưa lên ngai vàng thần tượng.



29/03/2014
Jeffrey Thai




2 comments:

  1. Em cảm ơn anh, cảm ơn thật nhiều! Em chưa bao giờ tôn ai lên ngôi thần tượng, bởi đã là con người thì chẳng ai có thể hoàn thiện cả, không có tật xấu này thì sẽ mang tính xấu khác. Những ngày qua, theo dõi vụ "scandal" NCT, em thấy buồn buồn. "Giậu đổ bìm leo", nhiều người quá cay nghiệt.
    Em muốn được share entry này trên FB nhưng không biết phải xin phép anh thế nào đây!?
    Em mến chúc anh vui và hạnh phúc nhé!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn sự đồng cảm và chia sẻ của em. Em cứ tự nhiên share nó đến ai hay đến nơi nào mà em muốn. Anh nghĩ là cũng có không ít người muốn được nghe những nhận định tỉnh táo hơn để xoa dịu những thương tổn mà họ nhận từ những lời lẽ cay nghiệt của người đời.

      Delete