Khi con người thực tập thiền quán, không gian không còn tồn tại, thời gian không còn tồn tại. Bản ngã con người lần đầu tiên không còn hiện hữu. Bản thân bản ngã không hẳn là hoàn toàn xấu, nhưng cái "tôi" tham lam và điên cuồng lại chính là đầu mối của mọi vấn đề. Chấp nhận đi vào thiền quán nghĩa là chấp nhận đặt vòng cương tỏa lên trên cái "tôi" khó kiểm soát ấy. Chỉ khi cái "tôi" được kiềm chế, tâm mới không còn vọng động và con người mới có thể tập trung vào chánh niệm.
Khi con người rơi vào niềm tuyệt vọng, không gian trở nên kém sắc, thời gian trở nên vô nghĩa. Ở trạng thái ấy, con người vô tình quên đi bản ngã của mình, và vì thế, cái "tôi" chợt ngủ yên. Cũng có đôi khi, cái "tôi" ấy đã bị tổn thương sâu sắc, và vì thế, không còn đủ sức mạnh để tự tung, tự tác. Không còn cái "tôi", con người dễ dàng chấp nhận mọi điều hơn: không còn đòi hỏi, không còn làm cao. Lần đầu tiên, con người biết học cách để thỏa hiệp. Con người đi đứng chậm rãi hơn, ngẫm nghĩ thấu đáo và bình tĩnh hơn. Bằng cách đó, con người tìm ra chân lý sống.
Thiền quán không có nghĩa là cắt đứt mọi mối tương tác với đời sống. Thiền quán là đưa mình vào trạng thái "vô ưu", giúp bản thân hồi phục lại sinh lực đã mất, để trở lại với đời sống mạnh mẽ hơn. Ở trạng thái "vô ưu" ấy, cái tâm vốn luôn vọng động của con người được kiểm soát chặt chẽ. Suy nghĩ và hành động của con người vốn phát xuất từ tâm. Khi tâm được kiểm soát, suy nghĩ trở nên thấu đáo hơn, và từ đó, hành động trở nên hợp lẽ hơn. Sau thiền quán, con người sống thanh thản và nhẹ nhàng hơn.
Niềm tuyệt vọng không phải là sự chết. Người ta thường chết ở đáy sâu của niềm tuyệt vọng, bởi vì người ta lầm tưởng rằng niềm tuyệt vọng là sự chết. Rất nhiều điều trong đời sống tuân theo quy luật biểu đồ hình sin (nghĩa là các động thái "lên" và "xuống" là những động thái tiếp diễn nhau liên tục), trong đó có niềm tuyệt vọng. Niềm tuyệt vọng là điều tất nhiên của đời sống. Sau những phút thăng hoa là đến phần của tuyệt vọng. Con người cần và phải sống trong niềm tuyệt vọng để hiểu rõ về đời sống hơn, và để chuẩn bị cho một đời sống tái sinh. Điều đó cũng giống như việc con người cần trải qua sự thất bại để học hỏi và chuẩn bị cho những thành công mai hậu.
Buông bỏ! Đó là mệnh lệnh tối thượng và vĩnh hằng của các Đấng Tối Cao. Mọi tôn giáo rao giảng biết bao nhiêu điều, chỉ để dạy chúng sinh duy nhất một điều: buông bỏ. Buông bỏ quá khứ, dù nó tối đen hay huy hoàng. Buông bỏ ngày mai, dù nó đầy hứa hẹn hay bất trắc. Chỉ còn lại hiện tại, và hôm nay - giây phút đang sống, đang thở. Buông bỏ tha nhân, dù hữu tình hay bạc bẽo. Buông bỏ mọi triết lý, mọi lý tưởng sống, dù chúng có thánh thiện và cao siêu bao nhiêu. Chỉ còn lại bản thân chính mình, mà bản thân chính mình là hơi thở. Hơi thở là hư không.
Khi buông bỏ, không thành có, có thành không. Phức tạp thành đơn giản. Rối rắm thành hanh thông. Bóng tối trở thành ánh sáng. Cái chết trở thành sự sống. Tuy vậy, sự buông bỏ tưởng đơn giản thế, nhưng không bao giờ là thế, có khi phải học suốt cả một đời. Có người sắp chết cũng chẳng thể nào buông bỏ được. Để học về sự buông bỏ, người ta cần nhiều thứ, ví dụ như cần thiền quán, và cần luôn cả... niềm tuyệt vọng. Nói chung, người ta cần quên đi... chính mình.
04/03/2014
Jeffrey Thai
No comments:
Post a Comment