Friday, April 25, 2014

30 - 04: Chuyện “Đế Quốc Mỹ Xâm Lược Việt Nam” - Jeffrey Thai


Một ngày 30-04 nữa lại sắp đến. Có lẽ tôi sẽ không nhớ đến ngày này, nếu không vô tình nhìn vào lịch để hoạch định công việc cho những ngày sắp tới. Đã 25 năm trôi qua, kể từ ngày tôi bước chân lên chiếc thuyền nhỏ bé lìa khỏi Việt Nam – một khoảng thời gian đủ dài để làm phôi phai nhiều thứ, kể cả cái đất nước mà tôi đã bỏ lại ở phía đàng sau. Có lẽ ngày này cũng sẽ giống như bất kỳ ngày nào khác (trong chuỗi ngày sống viễn xứ luôn bộn bề công việc), nếu tôi không vô tình đọc đôi ba bài viết về nó trên báo mạng. Có bài viết này chợt khơi gợi trong tôi cảm giác thật mông lung về một chuyện – đó là chuyện “đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam”.

Bài viết đề cập rằng, cách đây hai năm, có em sinh viên tên Lê Vũ Cát Đằng đã dám viết một bài viết phản biện về chuyện “đế quốc Mỹ xâm lược VN” cho đề bài “phát biểu cảm nghĩ nhân ngày đại thắng” và nộp trình lên cho cô giáo. Cô giáo giật mình, khuyên em hãy thận trọng, hãy đọc thêm tài liệu để viết cho hay và cho đúng. Lời khuyên của cô giáo xem ra thừa thãi, vì dĩ nhiên, em đã rất thận trọng khi dám viết về một đề tài nhạy cảm như vậy. Em đã lên mạng để tìm đọc vô số tài liệu, và đã cân nhắc kỹ lưỡng khi đưa ra những dữ liệu cụ thể để chứng minh cho lập luận của mình. Trong bài viết này, chủ đích của tôi không nhằm nhắc lại hay xoáy sâu vào những lập luận có kèm chứng minh đó. Tôi chỉ muốn nói về cái cảm giác mông lung đã được khơi gợi trong tôi về chuyện “đế quốc Mỹ xâm lược VN”.

Tôi gọi cảm giác đó là mông lung vì cụm từ ấy đối với tôi sao quen thuộc quá, hình như nó đã được ai đó lặp đi lặp lại hàng nghìn, hàng vạn lần rồi thì phải; nhưng dẫu thế, sao nó vẫn luôn như xa xôi, như chẳng dính líu gì đến tôi, đến suy nghĩ của tôi. Gần mà xa, quen mà lạ, thực mà ảo: mông lung là vì thế. Tôi có hơi chút giật mình khi chợt nhận ra: Hóa ra, đã 39 năm trôi qua, kể từ ngày còn là một đứa trẻ ngồi trên ghế nhà trường XHCN, cho đến hôm nay, sau 16 năm sống trên đất Mỹ, tôi chưa hề một lần nào, một phút nào nghĩ như thế. Vâng! Rất thực lòng để nói như vậy. Chính xác là như vậy: chưa một lần, chưa một phút. Và điều đó làm chính bản thân tôi cũng có chút ngạc nhiên: Làm sao lại có thể như thế được? Làm sao lại có thể không một lần, không một phút nghĩ rằng “đế quốc Mỹ xâm lược VN” khi cụm từ đó đã trở thành phổ biến hơn cả Kinh Thánh của Đấng Cứu Rỗi trong xã hội tôi đã từng sống?

Chính sự ngạc nhiên đó là căn nguyên hình thành nên bài viết này đây. Tôi muốn trong khi viết, tôi sẽ có dịp để nhìn lại và lý giải cho điều có vẻ như thực sự huyền hoặc đó.


Xét ra, tôi ngạc nhiên cũng phải, khi nhìn lại bối cảnh sống cô lập của mình và xã hội lúc bấy giờ cách đây ba, bốn thập kỷ. Ngày ấy, sách vở còn không có đọc, nói gì đến thông tin tràn ngập như trên Internet hiện giờ (muốn tìm hiểu điều gì cứ vào Google, gõ vào Search là tìm ra ngay, tha hồ đọc và suy ngẫm). Ngày ấy - ngày còn rất nhỏ, tôi có may mắn được đọc rất nhiều sách cũ còn rơi rớt lại, nhưng tất cả đều là hoặc sách tiểu thuyết, giáo khoa hay sách triết học, tuyệt đối không có sách chính trị. Không ai có đủ gan để cất giấu một quyển sách chính trị nào cả. Vì thế, tôi không hề có khái niệm gì việc “thằng Mỹ” là “thằng” như thế nào. Tất cả những gì tôi biết về “đế quốc Mỹ” đều thông qua việc được giảng dạy ở bậc phổ thông và đại học, và tôi được dạy trong suốt hơn một thập kỷ rằng: “đế quốc Mỹ xâm lược VN”. Tôi đã học thuộc lòng, và độ chừng rằng, tôi đã viết đến hàng trăm lần dòng chữ ấy trong các bài kiểm tra và bài thi của mình.

Thế nhưng, có một điều kỳ lạ diễn ra với khái niệm ấy, nói riêng, và với nhiều điều khác nữa, nói chung, trong cuộc sống của tôi: Dường như chúng chỉ hiện diện trên sách vở, trong nhà trường, hoặc trên các biểu ngữ mà thôi. Chưa một lần trong đời thực, có thầy cô nào lại nói với tôi như thế, có bạn bè nào của tôi lại trao đổi với nhau như thế. Chúng tôi luôn hiểu ngầm với nhau rằng, đó là những gì chúng ta phải học, phải dạy, và là một sự bắt buộc, không thể khác được. Có lẽ vì là sự bắt buộc thật, nên trong đời sống thực, những khi không bị bắt buộc, chẳng ai buồn nói đến làm gì. Có ai vô tình nói ra, chắc hẳn nghe kỳ lạ và buồn cười lắm.

Đó là nói đến lúc tôi còn đi học, còn khi tôi ra trường đi dạy, sự việc cũng chẳng có gì khác biệt.

Khoảng thời gian tôi đi dạy, dù không dài lắm, nhưng tôi gắn bó và thân thiết với nhiều em học sinh cấp 3, vốn là lứa tuổi đã có ít nhiều nhận thức và hiểu biết. Tôi nhớ lại rằng, chưa một lần nào có em học sinh nào nói với tôi, hay chúng tôi nói với nhau về điều gì đại khái như “đế quốc Mỹ xâm lược VN”. Nói đến “đế quốc Mỹ” lúc ấy, câu chuyện thường xoay quanh việc gia đình các em có ai qua được Mỹ không, có gửi hàng gì về không, và thậm chí, cả bí mật, có ai dự tính ra đi để đến được xứ sở của “kẻ xâm lược” không. Các đồng nghiệp miền Nam của tôi cũng đều hiểu ngầm với nhau rằng đó là chuyện trên sách vở, không nhất thiết là mọi người phải nghĩ như vậy, miễn đừng nói ra là ổn. Riêng một vài giáo viên miền Bắc và ông hiệu trưởng sống lẻ loi trong cái tập thể ấy và địa phương ấy, cũng chưa bao giờ “có gan” để đề cập đến chuyện ấy một cách riêng tư. Nghĩ lại, tôi đoán chừng rằng, họ sợ bị ghét và cô lập.



Như vậy, dựa trên bối cảnh xưa cũ ấy, có thể suy ra rằng, tôi đã không tin rằng “đế quốc Mỹ xâm lược VN” chỉ bởi vì đã có sự hiện diện của một sự tương phản rất sâu sắc. Đó là sự tương phản giữa nhà trường (những gì được ghi trên sách vở) và xã hội (những gì mà mọi người chung quanh tôi nghĩ). Đó là sự tương phản giữa lời nói (những gì được rao giảng) và thực tế (sự thí mạng của hàng triệu người để tìm đến bến bờ của “kẻ xâm lược’’).

Ngày xưa ấy, dẫu đã bước qua lứa tuổi hai mươi, tôi thấy mình thật ngu ngơ và khù khờ về chính trị, cũng giống như hàng chục triệu người khác sống trong xã hội lúc ấy - vốn là xã hội không khuyến khích và chấp nhận suy nghĩ khác biệt. Cảm nhận của tôi lúc ấy về vấn đề đang bàn luận chỉ là cảm nhận mang tính thụ động, do sự tác động của không gian sống, chứ bản thân tôi không chủ động tìm hiểu và làm chủ nhận thức của mình; và cũng chính vì thế, vì là thụ động, nên nó hàm chứa càng nhiều ý nghĩa khách quan hơn.

Bây giờ, thì tôi không còn ngu ngơ và khù khờ nữa, về chính trị, và nhất là về “đế quốc Mỹ”. Tôi đã sống nơi đây, trên đất Mỹ, trong không gian hoàn toàn Mỹ, 16 năm. Tôi đã học đầy đủ về lịch sử Mỹ trong 6 năm học ở hai trường đại học và đạt được thành tích tốt. Chưa một thoáng nào trong đầu óc tôi lại chợt nảy ra ý tưởng nước Mỹ lại có thể đi xâm lược một đất nước nào khác trên trái đất này. Nước Mỹ chỉ đơn giản không bao giờ làm thế. Cấu trúc về thể chế chính trị và xã hội của nước Mỹ không cho phép điều đó xảy ra. Nước Mỹ và chính quyền Mỹ (cũng như nước VN và chính quyền VN) là hai khái niệm hoàn toàn độc lập và khác biệt. Nước Mỹ bao gồm toàn bộ những người công dân Mỹ - những người dân có trình độ nhận thức khá cao so với mặt bằng dân trí thế giới, nhất là về mặt tự do và dân chủ. Chính quyền Mỹ chỉ là một tập thể của những người nằm trong hệ thống công quyền và pháp luật. Nước Mỹ đã cho thấy nó có đủ khả năng để buộc chính quyền Mỹ phải đi theo hướng tuân thủ những lý tưởng tự do và dân chủ mà họ luôn gìn giữ, cùng với việc duy trì lợi ích cho phần đông người dân Mỹ.

Trở lại với bối cảnh cuộc chiến VN kể từ năm 1954 đến năm 1975, hãy xét đến thể chế, ý thức hệ, và lý tưởng chính trị của cả hai miền lúc ấy, thì sẽ suy ra lý do cho sự tham dự của nước Mỹ vào cuộc chiến này. Điều đó đơn giản và không khó để nhận ra nếu chúng ta nhìn vào sự việc với một cái nhìn khách quan và trong sáng, không bị mụ mị bởi bất kỳ một định kiến nào. Đó không phải là lần duy nhất chính quyền Mỹ can thiệp quân sự vào nội bộ của các nước khác. Qua các thời chính quyền Mỹ khác nhau, điều đó đã diễn ra, đang diễn ra và sẽ diễn ra. Người ta có thể đồng ý hay không đồng ý với lý do mà chính quyền Mỹ đưa ra cho các cuộc can thiệp đó. Người ta cũng có thể cho rằng sự can thiệp đó là cần thiết hay không cần thiết, là đúng hay sai. Nhưng nếu cho rằng, sự can thiệp đó là một sự xâm lược, thì có lẽ đó là một sự giả dối lớn.

Hãy cứ thử tưởng tượng một sự giả dối lớn được ghi thành lịch sử để truyền lại cho hậu sinh, điều đó có khác gì xây dựng một đất nước, một dân tộc dựa trên nền tảng của sự giả trá. Hậu quả không hề nhỏ chút nào. Một sự giả trá lớn luôn kéo theo và sản sinh ra nhiều hệ lụy giả trá cháu con, và điều có thể nhìn thấy trước mắt là một sản phẩm xã hội mà ở đó sự giả trá đã lên ngôi hoàng đế.


25/04/2014
Jeffrey Thai

2 comments:

  1. "Thằng Cường ở Huế - NGHÈO ĐÓI I" là bài viết của bác sĩ Nguyễn Vinh Dũng, người đã từng khoác áo lính Bắc Việt tiến vào Sài Gòn năm 1975. Còn "Gửi anh Trần Đức Thái" là bài viết của blogger Sáu Miệt Vườn.

    Khi nghe bài "Quê hương Việt Nam và nỗi buồn vong quốc" của anh, tôi muốn khóc. Tôi biết sự thật rằng những người dân Việt Nam không có thời gian và sức lực để căm thù "giặc Pháp" hay "giặc Mỹ". Chỉ những người "ăn mày dĩ vãng" muốn kể về "chiến thắng" nào đó. Khi con người hoang mang không biết được bờ bến đời mình là đâu, họ cần đến sự giả dối để đan dệt chiếc kén bảo vệ mình, bảo vệ mình khỏi cái gì thì có những người không rõ, có những người biết rõ. Sự giả dối có khi là phản xạ, có khi là sự toan tính kỹ lưỡng.

    Tôi không phải là nhân chứng của thời kỳ ấy, tôi cũng không có lý do để vui mừng vào ngày 30-4.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chào bạn Ái Nữ,

      Cám ơn bạn đã để lại vài lời cảm nhận thật chân thành. Thường thì với đề tài như thế này, ít ai muốn nói. Có khi họ không muốn nói, có khi không dám nói, có khi chẳng buồn đọc vì không vui khi thấy người viết bộc lộ ý tưởng đối nghịch. Tôi hiểu bạn là người có đầu óc khá cởi mở với những suy nghĩ cùng hay trái chiều, và tôi ít nhiều trân trọng bạn ở điểm đó.

      Thỉnh thoảng, tôi lại đọc và nghe lại Quê Hương Việt Nam Và Nỗi Buồn Vong Quốc do chính mình viết và được ai đó chuyển thành dạng audio. Cũng như bạn, cứ mỗi lần như thế, tôi lại thấy mình xúc động. Tôi biết không phải bài nào mình viết cũng hay, nhưng bài đó, tôi đã viết với tất cả trái tim.

      Tôi đọc và suy ngẫm về những gì bạn nói về sự dối trá. Tôi nghĩ bạn nói đúng và rất thật lòng. Tuy vậy, sự dối trá được đề cập đến trong bài viết còn có một biên độ mênh mông và rộng lớn hơn nhiều, mà có lẽ chúng ta cần nhiều thời giờ và chữ nghĩa hơn để diễn giải.

      Trân trọng

      Delete