Friday, May 2, 2014

Khách Lạ Ven Hồ: Góc Khuất Buồn Chán Trần Trụi Của Đời Sống - Jeffrey Thai



Khách Lạ Ven Hồ (nguyên bản gốc là L’ inconnu Du Lac) là tác phẩm điện ảnh của nhà đạo diễn Pháp Alain Guiraudie, được hoàn thành vào cuối năm 2013 và ra mắt tại các rạp chiếu ở một số nước trên thế giới vào đầu năm 2014, vào cuối tháng Giêng. Đây là một tác phẩm thu hút khá nhiều sự chú ý của dư luận báo chí và người xem. Có thể dễ dàng tìm thấy nhiều sự giới thiệu và bình luận về bộ phim này trên các báo mạng viết bằng tiếng Anh và trên hệ thống YouTube. Điều gì ở bộ phim đã gây ra không khí sôi nổi đó?



Trước tiên, điều cần lưu ý người xem là: Đây không phải là bộ phim dành cho tất cả mọi người. Có rất nhiều hình ảnh nam giới trần trụi và các cảnh làm tình đồng giới trong bộ phim. Do đó, những ai nhạy cảm với các điều này có lẽ không nên xem. Có ý kiến cho rằng đây chỉ đơn thuần là một bộ phim khiêu dâm (porn), nhưng thực ra, đó là một cái nhìn hời hợt, phiến diện và đầy võ đoán. Xét kỹ hơn, các yếu tố dục tính trong bộ phim được sử dụng không nhằm vào mục đích khiêu dâm, mà tập trung vào việc chuyển tải thông điệp mà đạo diễn muốn gửi gắm. Thông điệp đó là gì? Mỗi người có thể có những suy nghĩ, khám phá khác nhau. Riêng đối với người viết, thông điệp đó được gửi gắm trong tựa đề bài viết, và tiếp tục được mổ xẻ sâu hơn dưới đây.

Khách Lạ Ven Hồ (KLVH) mang đặc nét chung của một số phim tâm lý của Pháp: nó chuyên chở nhiều ý tưởng sâu xa, thâm trầm được diễn tả một cách chậm rãi, kín đáo (thông qua những hình ảnh trần trụi), đòi hỏi người xem phải có ít nhiều sự tập trung và suy tư. Cũng như một số bộ phim Pháp khác, người xem cần chuẩn bị để không quá sốc khi trên màn hình xuất hiện một cách tự nhiên những bộ phận nhạy cảm nhất của con người, thậm chí ở vào những thời điểm cũng nhạy cảm. Chúng xuất hiện ở bộ dạng của một đời sống trần trụi trong đời thực, và vì thế, ý nghĩa chân thực của bộ phim được nâng lên khá nhiều. 



Người khách lạ đó có thể là bất cứ ai đặt chân đến nơi này. 

KLVH không hẳn là một bộ phim tâm lý, mà nó mang nhiều yếu tố có vẻ hình sự hơn như cái chết bí ẩn, nhân vật chính mang dáng nét của kẻ giết người hàng loạt…  Do đó, nó khiến người xem có cảm giác phim có gì đó kỳ lạ, kích thích sự tò mò. Những yếu tố bí ẩn đó được lồng vào trong sự đam mê đắm say và có phần mê muội của nhân vật chính (Franck), khiến người xem cảm thấy câu chuyện càng thêm phần huyền hoặc. Câu chuyện được kể một cách chậm rãi, từ từ, với rất nhiều khoảng lặng, và không nhiều lời đối thoại, cứ như thể nó đang diễn ra ở trong đời thực. Người xem càng có cảm giác đó hơn khi trong phim không có nhạc và không sử dụng bất kỳ kỹ xảo nào; chỉ có tiếng gió, và những âm thanh thực của đời sống.

Như trong tựa đề của bộ phim đã có đề cập, bộ phim nói về những người khách lạ lai vãng ở khu vực cạnh bên một cái hồ rộng và đẹp. Người khách lạ đó có thể là bất cứ ai đặt chân đến nơi này. Ở đây, sự tập trung được xoáy sâu vào hai nhân vật chính (Franck và Michel), và nhân vật thứ chính (Henri, gã đàn ông bụng phệ). Những suy nghĩ và cuộc sống của ba nhân vật này, cùng với sinh hoạt của họ xoay quanh cái hồ, đã khắc họa nên chân dung góc khuất trần trụi của đời sống mà ở đó, sự buồn chán bao trùm tất cả và là nguyên nhân chính đưa đến các hệ lụy. Bộ phim dùng những nhân vật đồng tính làm chủ thể của câu chuyện, dùng sinh hoạt nơi tập trung mồi chài của những người như họ làm bối cảnh xảy ra câu chuyện; nhưng thực ra, thông điệp về góc khuất đời sống trần trụi và buồn chán đó, không nhất thiết chỉ nhắm vào thế giới đồng tính, mà có thể mở rộng ra để khái quát hóa cho toàn thể đời sống con người, nói chung. 



Michel là một gã đàn ông đồng tính có vẻ ngoài quyến rũ.

Trước tiên, hãy phân tích cuộc sống buồn chán của nhân vật chính Michel (do Christophe Paou đóng). Michel là một gã đàn ông đồng tính có vẻ ngoài quyến rũ. Với vẻ ngoài đó, hắn ta không khó để tìm kiếm bạn tình ở khu vực quanh hồ. Có thể thấy, khi đến đấy, hắn ta luôn bận rộn với một gã trai nào đó bám quanh mình. Nhưng hắn ta có hạnh phúc với “đặc ân” đó không? Không. Hắn không hề cảm thấy hạnh phúc, thậm chí, hắn cảm thấy phiền toái và chán chường với sự đeo bám dai dẳng của các gã trai. Bộ phim không hề đề cập đến nguyên nhân nào đã khiến hắn ta dìm chết gã bạn trai xấu số, nhưng người xem có thể đoán rằng, sự đeo bám của gã ấy đã khiến hắn không chịu nổi, và hắn muốn tống khứ nỗi chán chường đó. Tống khứ xong, hắn có thể tiếp cận một đối tượng mới để tiếp tục lấp đầy đời sống buồn chán của mình.


Hãy nghe phát biểu này của hắn: “Làm tình thì tuyệt vời thật đấy, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta nhất thiết phải ăn tối và ngủ cùng nhau”.


Qua mối quan hệ có vẻ rất đắm say và mê mải của hắn với Franck, ta cứ tưởng rằng hắn chắc hẳn phải yêu gã trai đó. Nhưng không! Hắn không hề biết yêu là gì. Hắn từ chối việc mở rộng không gian trong mối quan hệ với Franck và với hắn, đấy là chỉ một mối quan hệ thuần thể xác. Hãy nghe phát biểu này của hắn: “Làm tình thì tuyệt vời thật đấy, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta nhất thiết phải ăn tối và ngủ cùng nhau”. Tâm hồn hắn thật sự trơ lạnh, không cảm xúc. Với tâm hồn đó, hắn có thể ra tay giết người một cách thật đơn giản và dễ dàng, chẳng hề có chút do dự hay day dứt. Người xem có thể suy ra rằng, hắn chắc hẳn phải có một đời sống buồn chán vô cùng tận để sống theo cách ấy, và nỗi buồn chán ấy chẳng gì có thể lấp đầy. Ở kết thúc bộ phim, sau khi đã giết thêm hai mạng người nữa (Henri và viên cảnh sát) để che giấu tội ác, người ta không biết rồi hắn sẽ bị bắt hay không, nhưng người ta có thể chắc rằng đời sống của hắn sẽ tiếp tục buồn chán và trống rỗng.

Đời sống buồn chán được đề cập tiếp theo và khắc họa khá sâu, sâu hơn cả Michel, chính là nhân vật Franck (do Pierre Deladonchamps đóng). Đây được xem là một nhân vật đồng tính có vẻ ngoài dễ thương, và có lòng tốt bụng. Thoạt nhìn, ta có thể nghĩ nhân vật như thế chắc hẳn phải có một đời sống bình thường và vui vẻ. Nhưng những gì sẽ diễn ra không phải là như vậy, và chúng nói lên, khuất lấp sau cái vẻ ngoài bình thường ấy là một đời sống tẻ nhạt. Nếu đời sống anh ta không thực sự buồn chán, anh ta chẳng đời nào dính líu vào mối quan hệ với Michel. Nên lưu ý rằng, trước khi dấn sâu hơn vào mối tình say đắm với Michel, Franck đã tận mắt chứng kiến cảnh Michel dìm chết bạn tình của mình là Pascal, hắn ta đã lộ rõ là một con người nguy hiểm không thể lường được. Bất chấp điều đó, Franck vẫn tiếp tục tiếp cận và gắn bó với Michel như thể đã chẳng trông thấy điều gì, bắt đầu một quan hệ nhục dục nồng nàn và say đắm. Người xem có cảm giác anh ta cần có một thứ cảm giác mạnh nào đó để khỏa lấp đi đời sống còn thiếu vắng nhiều thứ của mình.





Franck thừa biết gã giết người đó làm gì có nhân cách nào để anh ta yêu.


Thực sự mối quan hệ đó, với Franck, có phải là tình yêu? Người ta có thể nghĩ, một phần nào đó, có vẻ là như vậy. Có vẻ như Franck có phần say đắm và yêu chân thành gã Michel quyến rũ. Nhưng yêu về điều gì? Nhân cách ư? Franck thừa biết gã giết người đó làm gì có nhân cách nào để anh ta yêu. Vẻ ngoài quyến rũ ư? Có thể lắm. Có thể thấy là ngay từ lần đầu chạm mặt, anh ta đã bị hớp hồn bởi vẻ ngoài của Michel, và cứ thế lao vào hắn ta như một con thiêu thân, bất chấp nguy hiểm. Sự đắm say mê muội ấy khó lòng có thể được gọi là tình yêu. Chính xác hơn, nó là sự chiến thắng của dục vọng trong cuộc chiến giữa thể xác và tinh thần. Franck cứ thế ngày càng chìm đắm vào mối quan hệ không tương lai, và người ta không biết nó sẽ dẫn đến đâu, nếu anh ta không vô tình chứng kiến thêm hai cảnh giết người nữa của Michel. Ở tiếng gọi “Michel” của anh ta ở cuối phim, người ta cũng không biết là anh ta gọi chỉ để xem hiện thân của sự nguy hiểm còn hiện diện ở đó không, hay đó là tiếng gọi của một tình nhân mê muội. 

Có thể thấy ở nhân vật Franck một trường hợp điển hình của việc dục vọng đã chiến thắng sự sợ hãi cái chết. Dục vọng đó làm mưa, làm gió vì nó xuất phát từ một đời sống trống rỗng và tẻ nhạt. Anh ta tìm đến đấy, lao vào gã trai quyến rũ đầy nguy hiểm, và vào bất cứ đối tượng nào vừa mắt, để lấp đầy sự trống rỗng của tâm hồn mình, mà người xem không biết là anh ta có nhận ra hay không. Sự trống rỗng buồn chán đó còn được thể hiện trong mối giao du của anh ta với nhân vật Henri – gã đàn ông bụng phệ. Dĩ nhiên, anh ta đã chẳng cảm thấy lực hút thể xác nào với nhân vật kém sắc này, thế nhưng, dường như anh ta cũng có một mối quyến luyến nhất định nào đấy với gã. Đó là mối quyến luyến tự nhiên của một con người cô đơn và cô độc với một cá thể con người khác. Họ tìm đến nhau (không bằng thể xác) để lấp đầy nỗi trống rỗng miên man trong đời mỗi con người.



Ở nhân vật Henri (trái), có lẽ sư buồn chán, tẻ nhạt và đơn điệu được thể hiện ra bên ngoài nhiều hơn cả.


Cuối cùng, ở nhân vật Henri (do Patrick d'Assumçao đóng), có lẽ sư buồn chán, tẻ nhạt và đơn điệu được thể hiện ra bên ngoài nhiều hơn cả. Suốt từ đầu đến cuối phim, anh ta chỉ ngồi đấy trên những phiến đá ven hồ (đôi khi cởi áo ra nhưng chẳng bao giờ xuống tắm, cũng chẳng bao giờ mồi chài ai) để hóng gió, hóng nắng, ngắm nhìn mặt hồ và nghe tiếng gió thổi. Dường như anh ta chẳng còn điều gì khác để làm, để nghĩ. Nhờ thông qua quá khứ của nhân vật này do chính gã ta kể ra mà người xem mới biết được gã không hẳn là một người đồng tính. Gã đã từng có bạn gái và từng cùng cô ấy đến đây (ở phía bên kia hồ, nơi đông vui hơn), nhưng rồi họ đã chia tay vào mùa xuân. Giờ thì gã đến đây một mình, ngồi phía bên này của hồ, để tận hưởng sự yên tĩnh, đồng điệu với cuộc sống buồn chán, tẻ nhạt, chẳng biết làm gì của gã. 

Điều làm người xem có chút băn khoăn ở nhân vật Henri này là ở điểm: Mặc dù là một gã dị tính, nhưng dường như trong gã đã nảy sinh tình cảm nhất định nào đó dành cho Franck. Tình cảm ấy không hẳn là tình yêu, nhưng có vẻ như nó vượt qua hơn tình cảm bạn bè thông thường chút nào đó. Gã đã cảm thấy bắt đầu có chút nhớ nhung khi không được gặp Franck, bắt đầu quan ngại đến sự an toàn của Franck khi anh ta tiếp tục dấn sâu vào mối quan hệ nguy hiểm với tên giết người Michel.

Điểm đặc biệt ở Henri là gã không quan tâm đến tình dục. Hãy nghe gã tự nhủ: Có nhất thiết phải làm tình với ai đó mới được nằm ngủ cùng với người đó không. Từ điểm đó, có thể đoán rằng, thứ tình cảm nảy sinh nơi Henir với Franck chỉ đơn thuần là phản ứng phát sinh từ nỗi cô đơn, trống vắng và buồn chán trong cuộc sống. Xét ở góc cạnh đó, ở Franck cũng phát sinh cùng thứ phản ứng tương tự, dầu có phần kém sâu đậm hơn. Họ có khuynh hướng tìm đến nhau để tìm chút an ủi, vỗ về nhằm lấp đầy khoảng trống vắng mênh mông trong đời sống. Với Henri, gã ta chẳng còn ai để gắn bó. Với Franck, dẫu vô cùng khao khát, nhưng chẳng thể tìm được điều đó nơi Michel.

Tóm lại, trong Khách Lạ Ven Hồ, ẩn trong cái không gian mồi chài của những gã đồng tính khát khao nhục dục, ẩn trong không khí bí ẩn của một cái chết mờ ám, ẩn trong mối quan hệ thể xác say đắm của hai gã đồng tính Michel và Franck, chân dung của một góc khuất đời sống đầy trống vắng và buồn chán được khắc họa một cách thật tự nhiên như nó vốn là. Cái buồn chán ấy lẫn khuất trong nhịp điệu có phần chậm rãi và buồn tẻ của bộ phim, lẫn trong tiếng gió rì rào lúc lớn, lúc nhỏ của không gian, lẫn trong những phần đối thoại rời rạc của các nhân vật. Điểm thành công của bộ phim nằm ở chỗ: Người xem bị thu hút vào cuộc khám phá sự buồn chán ấy với ít nhiều sự hăm hở và kiên nhẫn.


02/05/2014

Jeffrey Thai


Click vào ảnh để xem phim
(Terri, Michel, Franck, và đạo diễn Alain Guiraudie)



No comments:

Post a Comment