Wednesday, June 4, 2014

Người Buôn Gió: Gió Của Sự Thật Đơn Sơ - Jeffrey Thai


'

Tôi đã thoáng nghe qua bút danh Người Buôn Gió từ lâu trên mạng, nó thường được nhắc đến trong các bài viết về xã hội. Thế nhưng, tôi chỉ biết Gió, thấy Gió và hiểu về Gió khi Gió xuất hiện trong các cuộc phỏng vấn ở hải ngoại gần đây.

Gió ngồi đấy trong bối cảnh không gian sang trọng của một phòng thu hình. Điều đó khiến cho chiếc áo cũ và gương mặt phong trần của Gió bỗng nổi bật lên trong mắt nhìn của tôi. Có thể thấy rõ Gió là người vừa đến từ VN. Ở đây, bình thường không ai mặc chiếc áo cũ như thế và cũng không ai trông khắc khổ như thế, huống hố gì là khi xuất hiện trên truyền hình.

  
Thấy Gió, phản ứng đầu tiên của tôi là ngạc nhiên: Làm thế nào mà anh ta có thể xuất hiện giữa đất Mỹ thế kia? Muốn biết thì phải tìm hiểu. Thế là, tôi đã đọc những gì được viết về Gió, và đọc những gì Gió viết. Đọc rồi, mới thấy rằng Gió chỉ là một trong những con người bình thường nhất trong xã hội VN.

Gió không học cao. Gió không có nhiều nhan sắc. Gió cũng không còn đủ trẻ. Gió chẳng giàu có gì. Gió còn là dân giang hồ thứ thiệt, đâm thuê, chém mướn. Chung qui, có thể tìm ra vô số người như Gió trong xã hội VN đầy nhiễu loạn ngày nay.

Thế nhưng, không hẳn chỉ có thế. Nếu chỉ có thế thì chẳng ai lưu ý đến Gió làm gì, chẳng ai mời Gió lên Tivi cả. Gió trở thành đặc biệt, được vinh danh, được ngưỡng mộ vì một đặc tính mà rất nhiều người Việt bây giờ không có được. Đó là: Gió yêu mến sự thật, tôn trọng sự thật, dám nói lên sự thật và dám sống cho sự thật. Có thế thôi. Những sự thật rất đơn sơ.

Đọc Gió viết, nghe Gió nói, có thể thấy ngay Gió không phải là dạng người của những lời văn hoa có cánh. Gió không biết trau chuốt, không biết vẽ vời. Gió chỉ nói đúng những gì mình thấy, mình nghĩ, và diễn đạt nó bằng cách thức tự nhiên nhất. Tự nhiên như khi Gió đang chém gió cùng mấy thằng bạn trong xóm, thỉnh thoảng lại bâng quơ chen vô mấy tiếng Đan Mạch.

Điều đó cứ tưởng là bình thường. Ừ thì bình thường thôi. Ngặt nỗi, cái xã hội mà Gió đang sống lại không bình thường. Nó khiến người ta hoặc im lặng, hoặc chỉ nói những lời dối trá (càng dối trá, càng tốt, càng an toàn). Không hẳn là người ta đã câm, hoặc hóa điên khùng. Chỉ ngặt vì cái xã hội họ đang sống có những người lãnh đạo ác quá và cũng kỳ quái lắm: Họ không thích sự thật; họ không có ý muốn để con người được sống như con người; họ sẽ ra lệnh đàn áp, bắt bớ ngay những người dám sống, dám nói vì sự thật. Với họ, chỉ có họ mới là sự thật – cái thứ sự thật được tạo nên từ hàng trăm, hàng nghìn lần dối trá được liên tục lặp đi, lặp lại.


Mà Gió cũng chướng đời: An vui không muốn, lại muốn rắc rối lôi thôi. Giang hồ thì cứ sống phận giang hồ, bày đặt viết lách làm gì. Mà có phải là dân trí thức gì cho cam. Nghịch lý là thế, nhưng nếu tìm hiểu về Gió, sẽ hiểu được lý do vì sao. Đại khái là: Cái xã hội nó như thế, bức xúc quá, các bác ạ, mình là con người, thấy mà không nói, không viết, không tày nào chịu được! Chỉ viết, chỉ nói thế thôi, chứ Gió không có tham vọng truyền đạt tư tưởng gì, Gió chỉ muốn nhân rộng suy nghĩ của mình - những suy nghĩ xuất phát từ một hiện thực trần trụi mà Gió và những người cùng khổ VN đối mặt hàng ngày.

Ơ hay, một thằng giang hồ mà cứ nhất quyết sống cho ra một con người thế kia, biết tôn trọng sự thật, biết nhân danh công lý, không đáng ngưỡng mộ là gì! Đáng trân trọng quá đi chứ! Nếu được gặp Gió, tôi xin nghiêng mình chào. Chả bù các nhà lãnh đạo cao cấp nhà ta (cũng như một số trí thức “lợi ích” luôn bám đuôi): Luôn tự hào là “đỉnh cao trí tuệ” của loài người, nhưng lại lựa chọn để sống và hành xử như những tên giang hồ, đâm thuê, chém mướn.

Họ dường như không biết quê hương, tổ quốc là gì, không biết quan tâm đến ai, ngoài quyền lợi của Đảng, tức của cá nhân mình. Những gì họ nói, họ viết chán như cơm nếp. Chưa nghe, chưa thấy, đã biết họ nói gì, viết gì. Có dịp nói, họ sẽ ngay lập tức tuôn ra tràng kinh “vì dân, vì nước” như một robot đã được lập trình, dù số người tin ngày càng giảm sút đáng kể. Đặc biệt là họ không bao giờ quên hai từ “nhân dân” như một thứ bùa hộ mạng, và cứ mỗi sau khi nói được dăm ba câu, thì y như rằng như người bị ma ám, họ ngay lập tức trích dẫn lời của một linh hồn nào đó (mà giá trị của nó không có gì để bảo chứng).


Những gì Gió viết về xã hội, về những suy nghĩ của mình về nó, thu hút một lượng lớn người quan tâm, trong nước cũng như ngoài nước. Phải chăng Gió đã viết về những gì rất cao siêu? Thực ra, những gì Gió viết rất bình dị, chúng chỉ là những sự thật diễn ra hàng ngày trong đời sống nhưng đã được tái hiện một cách rất chân thực và dung dị; đôi khi, kèm theo một chút dí dỏm, mỉa mai. Trong những gì Gió viết, người đọc bắt gặp được trăn trở của chính mình về một xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng về mọi mặt, và một khát vọng khôn nguôi về một tiền đồ tươi đẹp hơn cho đất nước.

Người ta cũng đọc được ở Gió những chia sẻ rất sát sao về tình hình thời sự nước nhà. Đọc để rồi ngạc nhiên: Vì sao chỉ là một “dân giang hồ” (như Gió tự thú), mà Gió lại có thể nhìn thấy và hiểu được khá chính xác những gì đang diễn ra trên đất nước, những hiểm họa mà dân tộc đang phải đối đầu. Trong khi đó, những người đang nắm trong tay vận mệnh của nước nhà lại tỏ ra lú lẩn, ươn hèn, hành xử kỳ lạ, khiến người ta nhìn vào không thể không nghĩ đến những gì khuất tất, mờ ám đang được che đậy ở phía đàng sau.

Không ai lại ngớ ngẩn đến mức đi buôn thứ mà không ai cần đến. Có người đi buôn gió vì xã hội đã quá ngột ngạt, tù hãm. Chỉ một người buôn thôi có lẽ chưa đủ để tạo ra bão lớn. Cần và cần thêm rất nhiều người chung tay để gió lộng căng đầy. Khi đó, phong ba sẽ nổi lên cuốn sạch mọi tù hãm, giam cầm, và người dân Việt sẽ cùng chung tay để gầy dựng lại đất nước sau những hoang tàn đổ vỡ của thời quỉ loạn.

Đó có lẽ là ước mơ của Người Buôn Gió và là ước mơ chung của rất nhiều người đang lặng câm, âm thầm mua từng ngọn gió lẻ để lây lất sống qua ngày trong một xã hội không gió.

04/06/2014
Jeffrey Thai

No comments:

Post a Comment