Saturday, January 17, 2015

(Video) Bên Cầu Dệt Lụa - Đoàn Cải Lương Thanh Minh [1976, HD]









Cốt Tuồng:

Chuyện kể rằng, ở một làng nọ có tiểu thơ Quỳnh Nga con quan huyện, đem lòng yêu thương Trần Minh, một chàng trai nghèo nhưng tài giỏi, hiếu thảo. Dù hai gia đình trước đây đã từng chỉ bút giao hôn cho Trần Minh - Quỳnh Nga, nhưng nay vì gia đình Trần Minh suy sụp, nghèo túng, quan huyện hủy bỏ lời giao hôn ngày nào. Khuyên không được cha, Quỳnh Nga nhứt định vượt khuê môn ra ngoài dựng quán, chăn tằm dệt lụa, tự lo việc mưu sinh và giúp đỡ Trần Minh ăn học. Trời không phụ người hiền, sau mấy năm trời sôi kinh nấu sử, Trần Minh đã đỗ trạng nguyên, vinh quy bái tổ, sống hạnh phúc bên Quỳnh Nga, không còn bị ai ngăn cản.

Sự thành công của một vở tuồng phụ thuộc vào nhiều yếu tố: nội dung cốt truyện, kịch bản của soạn giả, dàn dựng của đạo diễn, và quan trọng hơn cả là tài nghệ diễn xuất của các diễn viên. Sự thành công của Bên Cầu Dệt Lụa một phần lớn là nhờ tài năng, tiếng tăm và uy tín của cô Thanh Nga và đoàn Thanh Minh. Thanh Nga được trời phú cho cái duyên sân khấu, nói theo người trong nghề là được "tổ đãi", vừa bước vào nghề đã thành đạt. Thanh Nga đặc biệt thành công trong những vai nữ có nhiều cá tính sắc cạnh, cứng rắn. Có lẽ chỉ có Thanh Nga mới dám đóng những vai anh hùng liệt nữ, và đóng một cách thành công, được khán giả chấp nhận. Chính những vai này vô hình chung đã làm cho công chúng, yêu thích cô hơn, bạn đồng nghiệp kính nể cô hơn. Thanh Sang rất hợp với Thanh Nga, hơi lép so với Thanh Nga, nhưng chính vì vậy lại càng làm cho Thanh Nga thêm rực rỡ.

Những màn diễu hài vui nhộn của Bảo Quốc (vai Tất Đạo), Hùng Minh (vai Hiếu Danh), Chí Hiếu (vai quan huyện) góp phần không nhỏ trong sự thành công của BCDL. Kim Hương (vai Tiểu Loan) rất có triển vọng, chỉ đóng những vai phụ bên cạnh Thanh Nga, nhưng ca diễn rất có nét.

Bên Cầu Dệt Lụa dài hơn 150 phút, là một tuồng hay. Hay không vì tuồng tích nổi tiếng, tình tiết éo le, mà là do dàn dựng và diễn xuất thật xuất sắc của đoàn Thanh Minh Thanh Nga. Bên Cầu Dệt Lụa, Tiếng Trống Mê Linh, Thái Hậu Dương Vân Nga, đã vĩnh viễn đưa Thanh Nga vào huyền thoại sân khấu cải lương Việt Nam.

Thanh Nga và chồng bị ám sát hai năm sau đó, 1978, trong một vụ án còn nhiều nghi vấn. Sự ra đi của Thanh Nga trong khi tài năng của cô đang trong thời kỳ rực rỡ, là một mất mát to lớn không thể bù đắp đối với sân khấu cải lương Việt Nam. Đoàn Thanh Minh tan rã sau đó không lâu. Gần một phần tư thế kỷ đã trôi qua tài năng và vị trí của Thanh Nga đối với sân khấu cải lương vẫn chưa có ai thay thế được.

Phần còn lại lượt thuật lại các màn và cảnh trong tuồng Bên Cầu Dệt Lụa.

Màn 1 : tại nhà Nhuận Điền

Cảnh 1 : (Trần Minh & Trần mẫu)

Trần Mẫu bị bệnh, Trần Minh quấn quít bên mẹ chăm lo. Hai người than vãn, ôn lại chuyện ban sáng đến nhà quan huyện nhờ giúp đỡ, nhưng bị quan huyện cho gia nhân đuổi xua, đánh đập. Trần Mẫu hỏi Trần Minh sao không ra ruộng giúp Nhuận Điền, Trần Minh mới đáp rằng vì mẹ bệnh nên không ra được. Trần mẫu khoát tay đánh Trần Minh, trách rằng thân ăn nhờ ở đậu nhà người ta mà không giúp đỡ. Trần Mẫu con hỏi bộ bị đánh oan lắm sao mà lại khóc. Trần Minh thưa rằng vì mẹ đánh không đau nên nhận ra mẹ đã quá già yếu. Trần Mẫu căn dặn Trần Minh phải sống cho xứng đáng, quyết không để vì nghèo khó mà phải luồn cúi, đánh mất nhân phẩm.

Cảnh 2 : (Trần Minh, Nhuận Điền, Hiếu Danh, Tất Đạo)

Hai công tử bột Hiếu Danh và Tất Đạo dẫn bọn du côn đến lớn tiếng ồn ào, kiếm chuyện đánh Trần Minh vì buổi sáng không tới trường làm bài giúp, làm cho hai tên bị thầy đánh mười roi và phạt quỳ gối suốt buổi trưa. Trần Minh xin lỗi hai tên, bảo rằng vì mẹ đau nên không thể tới trường. Hai tên này không tha, định đánh Trần Minh cho hả giận. Kịp may Nhuận Điền về đúng lúc đánh đuổi bọn tiểu nhân chạy mất.

Cảnh 3 : (Trần Minh, Nhuận Điền, Quỳnh Nga, Tiểu Loan)

Tiểu thơ Quỳnh Nga và người hầu là Tiểu Loan giả dạng gia nhân ở huyện đường đến gặp Trần Minh, nhắn lời của tiểu thơ thăm hỏi bệnh tình của Trần mẫu; phân trần, khuyên lơn, xin bỏ qua chuyện ban sáng và tặng áo ngự hàn cho Trần mẫu. Trần Minh còn dùng dằn chưa nhận thì hay đâu Nhuận Điền về nhận ra Quỳnh Nga. Quỳnh Nga lo sợ bị tai tiếng vì đêm tối đến nhà người trai. Nhuận Điền trấn an Quỳnh Nga, bảo rằng hai người lấy nghĩa đãi nhau, trong sáng, thì không sợ dư luận. Trần Minh vô cùng cảm kích trước chân tình của Quỳnh Nga.

Cảnh 4 : (Trần Minh, Nhuận Điền, Quỳnh Nga, Tiểu Loan, Trần Mẫu, Quan huyện) 


Quan huyện đến tìm bắt con về. Chê bai Trần Minh nghèo hèn và trách con gái sao không biết chọn người giàu sang mà trao thân gởi phận. Nhuận Điền cười chê quan huyện tham sang phụ khó. Nhắc đến khi xưa khi cha mẹ Trần Minh, còn giàu sang, quan huyện đã quỳ lụy xin giao hôn Quỳnh Nga với Trần Minh; nay gia đình Trần Minh suy sụp thì quan huyện nuốt lời. Chợt thấy áo ngự hàn của con gái lại đắp trên người của Trần mẫu, quan huyện chửi mắng và buộc tội Trần Minh ăn cắp. Trần Mẫu chợt tỉnh dậy hay chuyện nên uất ức qua đời.

Màn 2 : cũng tại nhà Nhuận Điền nhưng sáng sủa hơn 


Cảnh 1 : (Trần Minh & Nhuận Điền)

Nhuận Điền nhắn nhủ, tiễn Trần Minh lên đường lên kinh đô để ứng thí. Trần Minh hỏi Nhuận Điền sao không chuẩn bị lên đường. Nhuận Điền bảo rằng bấy lâu nay ôn luyện là để học nhân nghĩa chớ không vì lợi danh. Trần Minh tỏ ý khâm phục Nhuận Điền, bảo rằng thật hổ thẹn vì đã lỡ vương vào vòng danh lợi công hầu. Nhuận Điền gạt ngang, bảo rằng mỗi người có một hoàn cảnh, không ai giống ai. Đôi bạn nhâm nhi chun rượu, Nhuận Điền chúc Trần Minh lên đường lập được công danh.


Cảnh 2 : (Trần Minh & Quỳnh Nga)

Quỳnh Nga trao tặng Trần Minh tấm áo lụa do nàng tự tay dệt và may lấy. Quỳnh Nga ân cần nhắn nhủ và xin Trần Minh sau này nếu có đỗ đạt thì xin nhẹ tay với cha nàng. Trần Minh nói rằng sự bội ước của quan huyện không sao sánh được với sự hy sinh, chung thủy của nàng. Hai người quyến luyến chia tay nhau.

Màn 3 : tại triều đình


Cảnh 1 : (Hiếu Danh, Tất Đạo, Giả Lộ Tướng Quân, công chúa Bích Vân)

Công chúa Bích Vân nhờ Giả Lộ Tướng Quân hỏi người cùng làng với quan tân trạng Trần Minh, Hiếu Danh và Tất Đạo, về thân thế của chàng. Lúc đầu hai tên không tiếc lời chê bai Trần Minh, kể chuyện mẹ con Trần Minh đến nhà quan huyện nhờ giúp đở, bị đánh đuổi đến Trần mẫu uất ức mà chết. Sau hai tên biết được Trần Minh được chọn làm phò mã, bèn xoay qua ca ngợi Trần Minh. Công chúa Bích Vân truyền giam hai tên vào ngục tối.

Cảnh 2 : (Trần Minh, Vua, công chúa Bích Vân)

Vua cho công chúa biết là định gả nàng cho quan tân trạng, hỏi con gái có bằng lòng. Bích Vân bằng lòng nhưng lại tỏ ý khinh thường quan tân trạng vì biết chàng trước đây nghèo khó. Vua cho dời Trần Minh đến cho biết đã chọn chàng làm phò mã, nhưng Trần Minh từ chối, nói rằng đã có vợ hứa hôn ở quê nhà. Vua bị bất ngờ, tức giận răn đe, hăm dọa Trần Minh nhưng chàng vẫn một mực từ chối, quyết lòng chung thủy với Quỳnh Nga. Công chúa mới hỏi Trần Minh sao quan huyện đã bội hôn và gián tiếp gây ra cái chết của Trần mẫu mà chàng lại cứ yêu con của kẻ thù. Trần Minh đáp rằng tuy quan huyện đã bội ước vong hôn nhưng Quỳnh Nga vẫn một lòng chung thủy với chàng. Rằng nàng đã dám vượt ra khỏi vòng lễ giáo thị phi, không sợ miệng đời dị nghị, rời gia đình để đến bên cầu dựng quán chăn tằm, dệt lụa, giúp và khuyến khích chàng ăn học thành tài, thật xứng đáng là một liệt phụ. Vua giận dữ định trừng phạt Trần Minh, nhưng có công chúa hết lời can ngăn, xin cha tha tội cho chàng và xin được đích thân tìm gặp Quỳnh Nga để xem nàng ra sao mà Trần Minh một lòng chung thủy. Vua nghe lời con gái và tha cho Trần Minh.

Màn phụ:

Trần Minh vẫn ăn mặc rách rưới như ngày nào tìm gặp Nhuận Điền. Nhuận Điền tưởng Trần Minh đã hỏng thi, có ý hờn trách bạn đã phụ lòng mong mỏi và công lao của Quỳnh Nga. Trần Minh cho bạn hay là mình đã đỗ trạng nguyên, nhưng xin vua được xếp cờ, im trống khi về làng, ý chỉ muốn vui với Quỳnh Nga và Nhuận Điền.

Màn 4 : tại quán lụa của Quỳnh Nga

Cảnh 1 : (Quan huyện, Quỳnh Nga, Tiểu Loan)

Quan huyện đến quán lụa của Quỳnh Nga khuyên răn con gái phải bỏ quán lụa, về nhà chuẩn bị gặp con trai của quan tuần phủ để tính chuyện cưới hỏi. Quỳnh Nga kể cho cha nghe việc chăn tằm dệt lụa, bảo rằng cuộc sống tự lập tuy cực nhưng vui, nàng rất thích.
quan huyện chê bai Trần Minh và bảo Quỳnh Nga đừng trông mong vào việc Trần Minh đỗ trạng. Quỳnh Nga từ chối, viện cớ rằng trước đây hai gia đình đã chỉ bút giao hôn, rằng nàng đã yêu Trần Minh và quyết lòng chờ đợi, chung thủy với chàng, dù chàng có đỗ trạng hay không ... Quan huyện giận dữ quát mắng Quỳnh Nga và Tiểu Loan, hăm dọa sẽ đốt quán lụa nếu không chịu về. Quỳnh Nga và Tiểu Loan đành vào trong thu xếp đồ đạc về huyện đường.

Cảnh 2 : (Quan huyện, công chúa Bích Vân, Giả Lộ Tướng Quân)

Công chúa Bích Vân và Giả Lộ Tướng Quân ghé qua quán gấm, gặp quan huyện. Quan huyện không biết là công chúa nên lớn giọng bắt nạt, tra hỏi. Chừng Giả Lộ Tướng Quân đưa gươm lệnh của vua ra thì quan huyện quỳ mọp van xin lạy lụt xin tha tội. Công chúa tra hỏi mới biết quan huyện là cha của Quỳnh Nga, người mà nàng đang muốn gặp. Công chúa cho quan huyện biết là Trần Minh đã đỗ trạng nguyên và đuổi lão về.

Cảnh 3 : (Quỳnh Nga, Công chúa Bích Vân)

Quỳnh Nga khăn gói bước ra định về huyện đường thì gặp công chúa chận lại. Công chúa dụ dỗ và hăm dọa Quỳnh Nga phải rời bỏ Trần Minh và ngược lại sẽ ban bạc vàng châu báu và thăng quan tiến chức cho cha nàng. Nhưng Quỳnh Nga một mực không chịu. Công chúa lại hăm dọa sẽ giết nàng nếu nàng không tuân lịnh. Quỳnh Nga vẫn nhứt định không nghe, thà chết chớ không bỏ Trần Minh. Dùng hết lời khuyên răng, hăm dọa Quỳnh Nga nhưng vẫn không lay chuyển được nàng, công chúa đành nhượng bộ, thất vọng ra về.

Cảnh 4 : (Quỳnh Nga & Trần Minh)

Trần Minh gặp lại Quỳnh Nga, hai người mừng mừng tủi tủi, thủ thỉ kể chuyện vừa qua cho nhau nghe. Quỳnh Nga hỏi Trần Minh sao chàng đỗ trạng, vinh quy về làng mà quan huyện cha nàng và mọi người không hay biết. Trần Minh đáp rằng muốn gặp lại người vợ sắp cưới và người bạn hiền Nhuận Điền trong áo lụa ân tình ngày nào, không ồn ào hào nhoáng và giành cho hai người một ngạc nhiên. Tiểu Loan bước ra chúc mừng quan tân trạng, chỉ cho hai người thấy bình minh đang lên, báo hiệu một ngày mới, một tương lai hạnh phúc của đôi trai anh tài - gái đảm đang Trần Minh và Quỳnh Nga.


Dấu ấn “Trần Minh khố chuối”




Năm 1964, Thanh Sang đã đoạt giải Thanh Tâm trong vai Tạ Tốn (vở Cô gái đồ long), và sau đó nhiều năm đã về đoàn Thanh Minh đóng cặp với Thanh Nga. Thanh Minh được liệt vào hàng “đại bang”, nên đôi bạn diễn này có không biết bao nhiêu người hâm mộ. Đến ngày đất nước thống nhất, sân khấu Thanh Minh lại làm nên những “kỳ tích” mới, để lại nhiều nhân vật bất hủ cho cải lương.

Từ Trưng Trắc, Dương Vân Nga của Thanh Nga, tới Thi Sách, Trần Minh của Thanh Sang, hoặc Chương Hầu, Y xì ke của Bảo Quốc, Tô Định của Văn Ngà, Mã Tắc của Hùng Minh, Nhuận Điền của Thanh Tú... Sơ lược bối cảnh như thế để thấy nhân vật Trần Minh “khố chuối” nằm trong giai đoạn cực thịnh của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga và giai đoạn cực thịnh của cải lương miền Nam.

Vở Bên cầu dệt lụa ra mắt năm 1976, đến 1977 là Bóng tối và ánh sáng, Tiếng trống Mê Linh, 1978 là Dương Vân Nga. Rồi Thanh Nga tử nạn, coi như kết thúc thời hoàng kim của đoàn. Dĩ nhiên còn một số vở khác, nhưng chỉ cần nhắc 4 vở này thôi đã quá đủ cho cảm tình của khán giả. Mà một vở hay thường diễn suốt năm, nên mỗi năm đâu cần dựng nhiều. Bên cầu dệt lụa hồi ấy diễn khắp các tỉnh miền Tây, ra tới miền Trung, và mấy chục năm nay vẫn được dựng lại với nhiều thế hệ nghệ sĩ khác nhau. Nhưng có lẽ không ai đóng vai Trần Minh đường hoàng, đĩnh đạc bằng Thanh Sang, thế mới gọi là vai diễn để đời. 

Đầu tiên phải kể tới ngoại hình của Thanh Sang. Đậm chất nam tính, đúng nghĩa là “kép” trên sân khấu. Mà Trần Minh này không như một số kép khác đã đóng, dù mặc áo vá nhưng sao cứ bóng bẩy thế nào! Trần Minh - Thanh Sang luôn toát lên vẻ mộc mạc, giản dị của con nhà nghèo, tuy vậy vẫn không lộ nét bần hàn, mà lại tiềm ẩn sự uy nghi đĩnh đạc của quan trạng tương lai. Hình tướng cực kỳ quan trọng, chớ nên xem thường. Đôi khi các nghệ sĩ quá chú ý đến việc hóa trang cho đẹp, nhưng cái đẹp ấy không phải là cái đẹp của nhân vật. Chính vì thế người đi một đằng, nhân vật đi một nẻo! Làm sao thuyết phục được khán giả? 

Trần Minh là một con người đầy đủ nhân nghĩa lễ trí tín, nên ngay cả giọng nói, phong thái cũng phải đường hoàng, minh bạch, âm điệu rõ ràng, ngay thẳng của người quân tử. Thanh Sang khi lên vọng cổ rất chú ý không khoe hơi, khoe giọng, uốn éo kỹ thuật, mà chuyên tâm vào cách phát âm chuẩn mực, nhấn nhá dứt khoát. Lớp diễn trạng nguyên chấp nhận án tử của vua ban vì không muốn phản bội lời hẹn ước cùng người vợ quê nhà, Thanh Sang đã làm bật lên vẻ đẹp của cương thường đạo lý, làm người xem thấy ở Nho giáo một cái gì đó bền vững tới thời hiện đại chứ không hề lạc hậu. 

Mỗi lời mỗi chữ trong câu vọng cổ là mỗi triết lý sâu sắc, cảm động, và có cả dũng khí. Diễn làm sao cho thấy cái dũng ấy, mà không lên gân, cho thấy cái tình ấy, mà không sướt mướt, cho thấy cái lý ấy, mà không sáo rỗng. Tưởng dễ nhưng không dễ! Chỉ cần một chút “diễn” là coi như hết... diễn. Sự chân thực, chừng mực, và cả tri thức của Thanh Sang khiến anh vượt qua nhẹ như không. Có lẽ Thanh Sang là một kép hát có tầm hiểu biết khá rộng, từ lịch sử cho tới văn chương, triết học. Anh đọc rất nhiều thơ cổ kim lẫn tiểu thuyết thế giới, và trí nhớ thì tuyệt vời, có thể ngồi nói vanh vách chuyện đông chuyện tây một cách hào hứng. Thành ra, khi vào vai Trần Minh trạng nguyên thông tuệ như thế, anh đâu cần cố gắng bao nhiêu, nội lực tâm hồn đã phát ra đầy đủ. 

Lớp diễn với Quỳnh Nga khi chia tay, và với Nhuận Điền khi bái tổ vinh quy cũng là hai lớp rất hay. Thanh Sang nói: “Các vở khác thông thường chỉ cần một lớp hay thôi đã đủ cho khán giả nhớ, còn Bên cầu dệt lụa có tới ba, bốn lớp hay. Phải nói là cảm ơn tổ nghiệp, cảm ơn soạn giả Thế Châu. Ông viết kịch bản hoàn chỉnh tới mức hầu như nghệ sĩ chúng tôi khi lên sàn tập không phải sửa chữa gì cả. Đâu dễ có một soạn giả như thế. Và lời lẽ thì đầy chất văn học, sang trọng, chân thành. Một vai diễn thành công của tôi có công lao của nhiều người nữa chứ”. Có lẽ vì lời ca sâu sắc văn chương mà Bên cầu dệt lụa chinh phục giới trí thức nhiều hơn cả. Nhiều người còn yêu cầu nhà xuất bản in kịch bản ra cho họ mua về tập hát.

Hoàng Kim


No comments:

Post a Comment