Vở cải lương ''Tiếng trống Mê Linh'' của nhà hát truyền hình: Những khoảng cách còn quá lớn
Chương trình “Nhà hát truyền hình - số tháng 6” của Đài Truyền hình Việt Nam vừa gởi đến khán giả VTV1 một kịch bản cải lương đã từng để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp từ nội dung kịch bản cho đến phong cách biểu diễn của các nghệ sĩ cách đây gần 30 năm - vở “Tiếng Trống Mê Linh” của tác giả Việt Dung, soạn giả Vĩnh Điền chuyển thể cải lương, NSƯT Trần Ngọc Giàu đạo diễn và lớp diễn viên trẻ của đoàn cải lương Sài Gòn I thể hiện.
So với kịch bản “Tiếng Trống Mê Linh” trên sàn diễn của đoàn cải lương “Thanh Minh Thanh Nga” trước đây, vở diễn trên màn ảnh nhỏ VTV1 vẫn giữ được toàn bộ nội dung phản ánh tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng của nữ tướng Trưng Trắc cùng các tướng lĩnh, bô lão và nhân dân đất Mê Linh trong cuộc đối đầu, chống lại gót chân xâm lược, dã man thâm độc của thái thú Tô Định và đoàn quân Nam Hán. Một cuộc chiến đòi hỏi ở nhân dân ta lòng dũng cảm và trí lược, đặt tình yêu đất nước, tình yêu dân tộc trên mối tình riêng tư, chồng vợ qua sự lãnh đạo của nữ tướng Trưng Trắc.
Mặc dầu có nhiều ý kiến đóng góp hoặc không đồng tình, nhưng đạo diễn vẫn cho giữ lại bài “Mê Linh biệt khúc”, một bài hát mang hơi hướng lai nhạc Hồ Quảng (nguyên tắc là bài dân ca Đài Loan “Cao Sơn Thanh” được soạn lại lời Việt) trong cảnh Trưng Trắc chia tay với Thi Sách ở rừng Mê Linh để chuẩn bị tiến quân đến Liên Lâu thành, vì bài hát đó đã được đông đảo khán giả biết đến, thậm chí có không ít khán giả đã thuộc làu và hát theo nghệ sĩ mỗi khi có dịp xem hoặc nghe lại vở “Tiếng Trống Mê Linh”.
Về mặt diễn viên, tuy đạo diễn, NSƯT Trần Ngọc Giàu đã có nhiều ý tưởng mới trong việc nâng cao và phát huy đội ngũ diễn viên trẻ kế thừa. Nhưng, ngoại trừ một Thanh Ngân đã có nhiều chuyển biến khả quan trong diễn xuất khi vào vai Trưng Trắc - một vai diễn để đời, khó quên của cố nghệ sĩ Thanh Nga trước đây. Thanh Ngân đã vượt qua áp lực về tâm lý để hoàn thành vai diễn một cách khá tốt. Ở Thanh Ngân, người xem đã tìm thấy từng trạng thái, diễn biến tâm lý của nhân vật Trưng Trắc - một nữ tướng có nhiều tính cách, lúc nhu, lúc cương, lúc uất hận, dồn nén... khi trực diện với quân thù, đối diện với tình cảm riêng tư, tình nhà nợ nước... Nói chung, một vai có rất nhiều đất diễn.
Qua vai Thi Sách, Kim Tiểu Long đã không diễn đạt đúng mức tính cách của nhân vật từ giọng nói cho đến tiếng cười, ánh mắt... Sự nghèo nàn về diễn xuất của Kim Tiểu Long vô hình trung đã biến một Thi Sách kiên cường, kiêu dũng trở thành một Thi Sách thiếu bản lĩnh khi trực diện với quân xâm lược. Và nếu như văn phong trong kịch bản không mạch lạc, trau chuốt thì nhân vật Thi Sách sẽ bị Kim Tiểu Long biến thành một mẫu người có bộ dạng và tính cách ra sao so với hình ảnh một Thi sách anh hùng, lẫm liệt do NSƯT. Thanh Sang thể hiện trước đây (?). Trong khi đó, tuy là vai phụ (vai Đông Bảng), nhưng nghệ sĩ Chiêu Hùng đã làm cho nhân vật này nổi bật lên từ chất giọng cho đến diễn xuất.
Điều đáng tiếc là lớp diễn viên trẻ kế thừa đã không đáp ứng được lòng mong mỏi của người xem, các diễn viên này đã thiếu sự đầu tư và sáng tạo khi vào vai diễn khiến cho những nhân vật: Trưng Nhị (Tú Sương), Nàng Tía (Trinh Trinh); Thánh Thiên (Thanh Thảo), Lê Chân (Kim Loan)... đã trở nên lạc lõng, gượng gạo, đôi lúc lúng túng trước lối diễn đầy bản lĩnh của ba nhân vật phản diện: Tô Định (Trường Sơn), Mã Tắc (Chí Bảo), Tào Nguyên (Tô Châu)... Một khoảng cách khá xa về diễn xuất đáng được lớp diễn viên trẻ kế thừa quan tâm học hỏi để làm vốn kiến thức cho mình trong tương lai.
Qua vở “Tiếng trống Mê Linh”, một lần nữa cho thấy sự non kém về trình độ diễn xuất của lớp diễn viên trẻ kế thừa, đồng thời đó cũng là lời cảnh tỉnh đối với các đạo diễn khi chọn diễn viên, đừng vì vài lý do nào đó mà làm hỏng đi tính cách của nhân vật, làm mất đi chất hoàn hảo của kịch bản, nhất là những vở lịch sử mang đậm chất anh hùng, bất khuất của dân tộc ta trước sự xâm lược của giặc ngoại xâm đã ăn sâu vào tiềm thức của người xem như vở “Tiếng Trống Mê Linh”.
(Theo Báo Cần Thơ)
No comments:
Post a Comment