Nửa Đời Hương Phấn, kể về cuộc đời của The – một cô gái quê hiền hòa chân chất. Cô có một gia đình tuy hơi nghèo khó nhưng rất mực thanh cao. Cha tuy không phải là nho sĩ nhưng rất cương trực, quả quyết; mẹ thì thương con vô bờ bến; người em gái tên Diệu rất ngây thơ, hồn nhiên.
Rời khỏi miền quê nghèo khó, lên Sài Gòn mưu sinh…cô không may mắn vì đã gặp biết bao cạm bẫy phải rơi vào kiếp sống cặn của xã hội, vừa mang tiếng làm gái, vừa mang nợ nần chồng chất. Ngày về thăm gia đình, lòng mong được nhìn sự hạnh phúc ấm áp của người thân để tìm chút thanh thản cho tâm hồn, những mong được an ủi nhờ tình thương của cha mẹ…nhưng không ngờ, sự thật phủ phàng. Chưa khỏi bàng hoàng vì em gái sắp rơi vào bẫy tên sở khanh đã hại đời mình, thì con nợ đã tìm tận nơi nhục mạ The, nhục mạ cái tên Hương mà khách làng chơi thường gọi The trước sự chứng kiến của người cha già liêm khiết chất phác. Cô đau đớn theo từng ánh mắt nhìn đầy sóng gió bởi nhục nhã ê chề của người cha, cô nấc từng tiếng một van xin cha mình tha thứ…
The không còn đường nào khác, phải quay lại Sài Gòn…vẫn là nghề cũ. Tưởng may mắn khi gặp chàng trai giàu lòng vị tha, đầy tình cảm như Tùng sẽ là bến đỗ hạnh phúc, không ngờ vì lời nói vừa sỉ nhục vừa van xin của anh trai Tùng…cô đã bước lên một đỉnh cao hơn của hạnh phúc, đó là hy sinh tình yêu của mình để cho Tùng có nơi xứng đáng mà Tùng không hề hay biết. Sự thật chỉ mở ra khi The tìm thăm em gái vừa mới lấy chồng và người chồng của em gái chính là Tùng, The đã nghẹn ngào gọi bằng hai tiếng “Dượng Ba” và Tùng phải gọi người mình yêu là “chị Hai”…
Thương cho The vì đời cô đầy trắc trở, cảm phục cho The vì không tìm cái chết…nghị lực cô quá tuyệt vời, cô vượt qua biết bao tường thành ác nghiệt, vượt qua biết bao vũng bùn nhơ nhuốt để tồn tại, cô tồn tại để minh chứng tố cáo một xã hội u ám, đầy rẫy tội lỗi mà thiếu tình người. Cô đã sống khi được nương nhờ cửa Phật sau khi đã chôn xong mái tóc của cô HƯƠNG -NỬA ĐỜI HƯƠNG PHẤN và giữ mãi mái tóc suôn mềm của cô THE hiền thảo để chờ tặng lại người thân.
No comments:
Post a Comment