Sunday, April 5, 2015

(E-Book) Bác Sĩ Zhivago - Boris Pasternak (Giải Thưởng Nobel Văn Học 1958)








GIỚI THIỆU

Bác sĩ Zhivago là cuốn sách tái hiện lại lịch sử nước Nga những năm đầu thế kỷ 20 cho đến sau đại chiến II. Trong bối cảnh chiến tranh và cách mạng, tác phẩm tập trung khắc họa số phận và lựa chọn của người trí thức trong sự xoay vần của thời cuộc. Bên cạnh những vấn đề lớn lao về lịch sử, tôn giáo, triết học… tác phẩm còn là câu chuyện tình yêu ngang trái giữa Yury Zhivago và Lara Guishar.

Được hoàn thành năm 1955 nhưng cuốn sách bị coi tác phẩm chống Xô viết nên bị cấm xuất bản tại Liên Xô cũ. Gần 30 năm sau, độc giả Nga mới được đọc tác phẩm này một cách hợp pháp.

Trên cái nền của chiến tranh và sự hỗn loạn, một câu chuyện tình yêu lãng mạn lại được tạo dựng theo con mắt hoàn toàn khác. Người ta tìm kiếm gì ở tác phẩm kinh điển Doctor Zhivago (Bác sĩ Zhivago)? Đó là sự hoàn hảo của bút pháp tạo hình điện ảnh, và tính lãng mạn của một chuyện tình đau khổ.

Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Yuri được một gia đình người Anh nuôi dưỡng, sau khi dành được bằng về ngành y, anh cưới Tonya – con gái của người đã cưu mang anh. Trong khi đó, Lara sống thời niên thiếu với mẹ – người có quan hệ với một gã quý tộc thô cằn – Komarovsky. Komarovsky đã để mắt đến Lara, và bắt cô phải “yêu” ông (một cách miễn cưỡng) ngay từ khi mới 17 tuổi.

Bốn năm sau, Yuri đã cưới Tonya và có một cậu con trai. Trong khi đó, Lara cũng lấy Pasha – một nhà cách mạng trẻ tuổi. Trong khi xảy ra chiến tranh, Yuri làm nghề bác sĩ, Lara là một y tá, và họ gặp nhau và yêu nhau tha thiết. Hết nhiệm vụ, họ chia tay và trở về với con đường riêng của mình.

Gia đình Yuri chuyển đến một vùng đất mới yên bình, trốn chiến tranh, hai người gặp lại nhau. Lúc này, cả hai gắn bó với nhau hơn, dù cho hai người đều cảm thấy tội lỗi. Rồi cuộc tình của họ cũng bị chia cắt bởi chiến tranh.

Yuri đã chết vì bị vỡ tim trong một cơn sốc. Sau nhiều năm không gặp người tình, anh bất ngờ bắt gặp bóng dáng Lara trên đường phố qua cửa kính xe buýt. Anh đuổi theo cô, không kiềm chế nổi cảm xúc, và đã gục lại trên phố… không được ôm người yêu sau bao nhiêu năm xa cách.

Mặc dù lấy bối cảnh xã hội là thời gian diễn ra chiến tranh thế giới thứ nhất, cuộc cách mạng Nga và cuộc nội chiến ở Nga, nhưng tác phẩm tập trung đề cập đến số phận con người trong chiến tranh. Vượt lên trên tất cả, Doctor Zhivago vẫn là một câu chuyện tình lãng mạn, đau buồn, bất hạnh, nhưng đẹp đẽ.

Bao phủ hầu hết toàn bộ không gian tác phẩm là cái lạnh lẽo của mùa đông và tuyết trắng. Màu trắng rợn trời đến mức ám ảnh. Màu trắng hùng vĩ lộ ra qua ô cửa con tàu, màu trắng ác nghiệt giết chết đứa trẻ vô tội, cũng là màu trắng choán ngợp cả dáng bác sĩ Zhivago mệt mỏi, lạnh lẽo bước khật khưỡng trên sông băng. Giữa tuyết trắng, con người chỉ còn là một đốm nhỏ – nhỏ nhoi, đơn độc, bất lực và tuyệt vọng.

Đối lập với cảm giác đó là không khí ấm cúng trong khoang tàu, giữa những con người khốn khổ với nhau bằng gam màu nâu đỏ. Hai bối cảnh được đặt cạnh nhau, tương phản dữ dội. Hơn bao giờ hết, cách tạo hình này nói lên số phận con người trước cái khắc nghiệt của chiến tranh – nguyên nhân của sự li biệt, loạn lạc.

Theo bước chân nhà văn, chúng ta được dõi theo số phận của cả một thế hệ đang bước vào thế kỷ XX, thời đại của nhiều biến cố lịch sử lớn lao ở nước Nga. Các nhân vật đã vượt qua tất cả những thử thách nghiệt ngã của thời đại với trái tim trong sáng và tấm lòng thành kính.


Lật dở hồ sơ vụ Bác sĩ Zhivago

09.6.2014-09:45

NVTPHCM- 55 năm trước, vào mùa thu năm 1958 đã bùng nổ một sự kiện gây chấn động quanh việc xuất bản cuốn tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago” và việc người ta trao tặng Giải thưởng Nobel Văn học cho tác giả của nó - nhà thơ, nhà văn Boris Pasternak.

Có cảm tưởng như ở bất cứ nước nào, ai được trao bất cứ Giải Nobel nào cũng đều là niềm tự hào của xứ sở đó. Điều này chỉ có một ngoại biệt - nếu việc đó xẩy ra ở Liên Bang Xô viết! Và người được trao tặng không ai khác mà chính là B. Pasternak! Những người tạo nên hiện tượng quái dị đó trong lịch sử là các Uỷ viên trong Chủ tịch đoàn BCH Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, đứng đầu bởi Khrushchev; các nhà văn Xô Viết; Chủ tịch Cơ quan phản gián Xô Viết Shelepin, Bí thư thứ nhất Đoàn Thanh niên Cộng sản Liên Xô Sevenfold; Tổng chưởng lý Rudenko; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô Shepilov; các cán bộ đảng và chính quyền Xô viết ở các địa phương; thậm chỉ cả “những người Xô viết bình thường”.



Chân dung nhà văn Boris Pasternak trên bìa tạp chí Time của Mỹ - 1958

Sự việc bắt đầu như sau…

Vào đầu mùa xuân năm 1956, được cổ súy bởi những nghị quyết của Đại hội lần thứ 20 Đảng cộng sản Liên Xô lên án tệ sùng bái cá nhân Stalin và những giải pháp đầu tiên do Khrushchev vạch ra nhằm làm giảm bớt sự cứng nhắc trong công việc kiểm duyệt văn học, B. Pasternak đã gửi bản thảo cuốn tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago” cho hai tạp chí văn học khá có uy tín lúc bấy giờ là Thế Giới Mới và Ngọn Cờ mong được công bố. Ngay ở thời điểm đó một số nhà văn bạn bè của B. Pasternak đã can gián ông không nên cho ra mắt cuốn tiểu thuyết, bởi nó phản ánh quá táo bạo và “không hợp thời” về cuộc Cách mạng tháng Mười và một số phương diện khác của nước Nga thời Xô Viết. Nhưng rồi cả tạp chí Thế Giới Mới lẫn tạp chí Ngọn Cờ cùng Nhà xuất bản Quốc gia (nơi cũng đã hứa sẽ in cuốn tiểu thuyết này) đều xếp “Bác sĩ Zhivago” vào tủ.

Cuối tháng 5 cũng năm đó, B.Pasternak nhờ Sedgio D’ Andgielo, phóng viên Đài Phát thanh Italy - cũng là một đảng viên cộng sản chuyển bản thảo “Bác sĩ Zhivago” cho Dzandzakomo Feltrinhenlli, một ông chủ xuất bản cũng là một đảng viên cộng sản. Sau 2 tuần, ông chủ xuất bản này báo cho B. Pasternak biết cuốn tiểu thuyết sẽ được ra mắt bạn đọc.

Cơ quan điệp vụ KGB Liên Xô cũng không thiếp ngủ: ngày 24 tháng 8 KGB báo cáo BCH Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tin cuốn tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago” đã lọt qua biên giới. Sau một tuần, vào ngày 31 tháng 8 Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô Dmitri Shepilov đệ trình BCH Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô bức thư với nội dung như sau: “Tôi mới được biết, nhà văn B. Pasternak phạm quy định đã gửi cuốn “Bác sĩ Zhivago” của mình cho Nhà xuất bản của ông Feltrinhenlli. Nhà văn tự ý cho phép nhà xuất bản nêu trên in cuốn tiểu thuyết của mình; đồng thời đồng ý để cuốn sách này được tái xuất bản ở Pháp và Anh. Tôi đề nghị Ban Đối ngoại trực thuộc BCH Trung ương Đảng, thông qua các bạn bè, đồng chí ở các Đảng Cộng sản anh em nên có biện pháp ngăn cản cuốn sách chống đối Xô Viết này được in ấn ở nước ngoài.”

“BÁC SĨ ZHIVAGO”- CUỐN SÁCH NHỤC MẠ THÂM ĐỘC LIÊN XÔ

Kể từ thời điểm đó, B. Pasternak chịu một áp lực rất lớn buộc ông phải đòi nhà xuất bản Italy trả lại bản thảo về Liên Xô. Vào khoảng tháng 10 năm 1956, Brezhnev và Shepilov nhận được báo cáo của Ban đối ngoại BCH Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô cho biết những người đứng đầu Đảng Cộng sản Italy loan tin: “Vấn đề liên quan đến bản thảo của B.Pasternak đã được giải quyết và thời gian gần đây bản thảo đó sẽ được trở về Liên Xô”. Nhưng ông chủ xuất bản Italy hiểu rõ rằng nếu cuốn tiểu thuyết trả về Liên Xô thì “con gà đẻ trứng vàng” này sẽ bị giết chết; vì thế ông ta chùng chình không chịu trả bản thảo. Vào tháng 8 năm 1957, tại Liên Xô người ta hứa sẽ xuất bản “Bác sĩ Zhivago” chỉ sau một tháng nữa, với điều kiện B. Pasternak phải gửi cho ông chủ xuất bản bức điện đòi trả lại bản thảo. Bức điện như thế do chính B.Pasternak viết đã được gửi sang Italy. Nhưng ông chủ xuất bản Italy không rút ra một kết luận gì, chỉ trả lời “các bạn Xô viết” “đang chờ tác giả chỉnh sửa” đồng thời cũng không tin vào lời hứa cuốn tiểu thuyết sẽ được xuất bản tại Liên Xô vào tháng 9 năm 1957. Như chúng ta đã rõ, quả là cuối cùng thì tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago” cũng được công bố tại Liên Xô nhưng phải mất gần 30 năm sau kể từ ngày những chuyện ầm ĩ quanh cuốn sách xảy ra. Ông chủ xuất bản Dzandzakomo Feltrinhelli với lương tâm trong sáng của mình đã cho cuốn tiểu thuyết ra mắt bạn đọc vào ngày 23 tháng 11 năm 1957. Và thế là “Bác sĩ Zhivago” bắt đầu cuộc viễn du của mình khắp thế giới; được dịch đi dịch lại bởi những ngôn ngữ chủ yếu nhất và được công bố ở hàng chục nước. Không hề có sự can thiệp nào của những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Italy, cũng không hề có áp lực nào đối với tác giả.

Cơn nộ khí chỉ bùng lên vào mùa thu năm 1958 khi B. Pasternak có tên trong danh sách xét duyệt để trao giải Nobel Văn chương với cuốn “Bác sỹ Zhivago”. Thông qua các kênh ngoại giao, BCH Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô dồn tất cả sức lực cản trở việc trao giải Nobel cho tác giả “Bác sĩ Zhivago” và bạt lên một tên tuổi khác là Mikhail Solokhov, nhưng không thành công. Hội đồng xét giải Nobel kiên quyết khước từ các yêu cầu của giới lãnh đạo Xô Viết. Nhưng dẫu sao, tại Liên Xô sự lãnh đạo ấy vẫn đầy quyền năng nhất: người ta quyết định phải “trừng phạt” một nhà văn bướng bỉnh; hạ thấp cả về phương tiện tinh thần lẫn vật chất B. Pasternak. Và bằng cách ấy giới lãnh đạo Xô Viết muốn dằn mặt các nhà văn - công dân khác rằng, nếu họ có ý đồ xuất bản tác phẩm của họ ở nước ngoài mà không được phép của cơ quan kiểm duyệt Xô Viết-đó là một điều cực kỳ nguy hiểm!





“TÔI KHÔNG CẦN ĐỌC PASTERNAK, NHƯNG TÔI VẪN LÊN ÁN ÔNG TA!”

Việc phê phán B. Pasternak diễn ra đủ hình đủ vẻ, nhưng nguyên cớ chủ yếu của nó chính là việc nhà văn, nhà thơ này được trao giải Nobel văn chương. Hai hôm trước sự kiện này (diễn ra vào ngày 21 tháng 10 năm 1958) cơ quan văn hóa, thông tin, tuyên truyền của BCH Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô đã khởi thảo một văn bản mang tựa đề “Về những biện pháp cần thực thi nếu việc trao giải Nobel cho B. Pasternak trở thành hiện thực”. Trong tài liệu này, lần đầu tiên đã vạch ra những quyết sách cụ thể để tác động tới dư luận xã hội và bản thân nhà văn như: cho công bố trên báo chí thư của tập thể Ban biên tập tạp chí Thế Giới Mới phê phán tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago” , công bố thư của nhiều nhóm nhà văn Xô Viết vạch ra “những sai lầm” trong cuốn tiểu thuyết này. Thậm chí người ta còn bàn tới cả biện pháp “gợi ý” B. Pasternak tự nguyện xin từ chối không nhận giải thưởng này.

Dĩ nhiên việc trao giải thưởng vẫn diễn ra. Mikhail Suslov - khi đó là Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô liền nghĩ ra một thủ đoạn khác: Ông ta đề nghị Chủ tịch đoàn BCH Trung ương kết luận “cuốn sách là hành động thù địch đối với nhân dân và đất nước Xô Viết”. Đồng thời Suslov nhờ nhà văn Konstantin Fedin giải thích cho B. Pasternak “những điều kiện xã hội khiến việc nhận giải thưởng này là bất lợi” và khuyên nhà văn nên “cự tuyệt giải thưởng này”. Ngoài việc cho đăng trên báo Văn Học và tạp chí Thế Giới Mới bức thư của ban biên tập tạp chí này phê phán cuốn tiểu thuyết, người ta còn cho in như một thứ phóng sự nhiều kỳ trên báo Sự Thật - cơ quan phát ngôn chính thức của Đảng Cộng sản Liên Xô những ý kiến cáo buộc tác giả và cuốn “Bác sĩ Zhivago”. Và cũng ngay trong thời gian đó ý kiến của Suslov đã được biến thành Nghị quyết của Chủ tịch đoàn BCH Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô “Về cuốn tiểu thuyết có tính chất vu khống của B.Pasternak”. Trên các trang báo và tạp chí ngay lập tức ngập tràn những bài báo phê phán nhà văn, lên án cuốn sách. Bí thư BCH Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Liên Xô Vladimir Xemitsastnui, trong một cuộc Hội nghị của BCH Đoàn Thanh niên tại Cung Thể thao Luzinsky đã gọi thẳng B. Pasternak là đồ con lợn, là kẻ lưu vong hiện còn ở trong nước và đề nghị đuổi nhà văn ra nước ngoài.

Nhiều năm sau này, nhiều nhà nghiên cứu văn học rất tốn công sức và thời gian để tìm hiểu xem ai là người đầu tiên phát ra câu nói nay đã trở thành nụ cười mỉm của thiên hạ: “Tôi không cần đọc Pasternak, nhưng tôi vẫn lên án ông ta!”. Một câu nói đúng từng chữ như thế quả là không có. Một số nhà nghiên cứu cho rằng chứng cứ đầu tiên người ta đã tìm thấy trong biên bản cuộc họp các nhà văn Moskva vào ngày 31 tháng 10 năm 1958, có ghi lại lời của Anatoly Sapronov - nguyên là Bí thư Hội Nhà văn Liên Xô như sau: “Hồi đó tôi chưa đọc cuốn sách đó và bây giờ tôi cũng chưa đọc”. Một số nhà nghiên cứu khác coi bác thợ lái máy xúc Fedora Vasintsov là người “mở đột phá khẩu” khi bác thợ này gửi đăng trên báo Văn Học số ra ngày 1 tháng 11 năm 1958 bài viết của mình có tựa đề “Con ếch trong đầm lầy”, trong bài viết ấy có câu: “Báo chí đang đề cập tới một tay B.Pasternak nào đó. Cứ cho là có một nhà văn tên như thế đi. Cho đến nay tôi chưa hề biết gì về tên tuổi này, cũng chưa bao giờ đọc sách của hắn… Nhưng gã ấy không phải là nhà văn mà là một thằng Bạch vệ… Tôi không đọc Pasternak!”.

Có một tài liệu khác trong đó mấy chữ “Tôi không đọc B.Pasternak” được nhắc đến qua lời phát biểu anh thợ tiện Sutsatov ở một nhà máy đồng hồ trong tài liệu “Thông tin về việc khai trừ B.Pasternak ra khỏi Hội Nhà văn Liên Xô” gửi tới BCH Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Bộ trưởng Bộ Văn hóa Liên Xô Ekaterina Furseva đề ngày 30 tháng 10 năm 1958. Anh thợ Sutsatov nói như sau: “Chúng ta chưa từng đọc sách của B.Pasternak. Nhưng các Ủy viên BCH Hội Nhà văn đã đọc cuốn tiểu thuyết này và đã xử lý xứng đáng khi khai trừ B.Pasternak ra khỏi Hội Nhà văn - khai trừ một tên phản bội quyền lợi của nhân dân. B.Pasternak không có chỗ đứng trong hàng ngũ của chúng ta!”.

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG, KGB VÀ NHỮNG KHOẢN TIỀN CỦA NHÀ VĂN.

Một trong những điều thiệt thòi không nhỏ của B. Pasternak là việc không cho phép ông nhận những khoản nhuận bút trả cho nhiều công trình dịch thuật của ông sang tiếng Nga. Ngày 11 tháng Giêng năm 1959, B.Pasternak đã gửi thư tới Hội Bảo vệ bản quyền Liên Xô kêu rằng người ta đã không trả cho ông 21 ngàn rúp nhuận bút của công trình dịch thơ các nhà thơ Grudia và của công trình dịch tuyển tập kịch của nhà viết kịch Ba Lan Yulius Slovastky sang tiếng Nga.

Riêng với tiểu thuyết “Bác sĩ Zivago”, B.Pasternak đã ủy quyền cho các bạn văn của mình ở nước ngoài như Hemingway, Remarque, Laxness, Mauriac và những nhà văn, nghệ sĩ tiếng tăm khác nhận phần nhuận bút của ông ở nước ngoài; còn ông sẽ nhận khoản nhuận bút khi “Bác sĩ Zhivago” được xuất bản tại Liên Xô (?! ).

Quyết định của ông như chọc gai vào mắt các giới đảng và chính quyền Xô Viết. Bằng quyết định ấy, nhà thơ nhà văn bị thất sủng dường như giành được quyền độc lập về tài chính, nhưng đồng thời cũng là người viết kiếm được đồng nhuận bút khó khăn, nhọc nhằn xưa nay chưa từng có.

Vậy khoản nhuận bút xuất bản cuốn “Bác sĩ Zhivago” ở nước ngoài áng chừng bao nhiêu? Đại sứ quán Liên Xô tại Thụy Điển thông qua báo “Dagens Nyhete” được biết: tính đến ngày 31 tháng 11 năm 1958, một tài khoản được mở dành gom tiền nhuận bút việc xuất bản tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago” đã thu tới 900 ngàn dollar (ở Mỹ là 364 ngàn, ở Anh là 70 ngàn, gần 440 ngàn là ở các nước khác…).

Liệu có cần nhắc bạn đọc những trang này nhớ cho rằng giá trị 1 dollar thuở đó lớn gấp 10 lần giá trị 1 dollar hiện nay.

Đại sứ quán Liên Xô tại Thụy Điển gợi ý để B.Pasternak chuyển số tiền nhuận bút đó cho Hội đồng Hòa bình Toàn thế giới. Bộ phận văn hóa của BCH Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tỏ vẻ cứng rắn hơn, khi bác bỏ ý kiến của Sứ quán Liên Xô tại Thụy điển.

Còn mọi chuyện tiếp theo được giao cho Cơ quan mật vụ Liên Xô KGB.

Bắt đầu một loạt những biện pháp trừng phạt nhà thơ và những người thân thuộc của ông. Ngày 16 tháng 2 năm 1959, một tài liệu của KGB Liên Xô, phía dưới ký tên Chủ tịch Cơ quan mật vụ này là Aleksandr Shelepin về việc “Vạch trần những mối quan hệ giữa B.Pasternak với các công dân Liên Xô và nước ngoài”. Hai ngày sau, BCH Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô có ngay một tài liệu khác - “Tài liệu của Ủy ban an ninh quốc gia trực thuộc Nhà nước Xô Viết lưu giữ những hồ sơ liên quan tới B.Pasternak”. Cả hai tài liệu này được dấu kín một thời gian dài trong ngăn đặc biệt của BCH Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô với dòng chữ “Hoàn toàn mật”. Người ta chỉ khám phá ra chúng vào những năm 1990. Trong tập tài liệu thứ hai tìm thấy bức thư của B.Pasternak gửi cho người bạn, người quen nào đó mang tên Mak Gregor, vào tháng Giêng năm 1959, ông bộc bạch: “… Sợi giây thừng vô hình ngày càng thít chặt quanh cổ tôi nhắm buộc tôi phải quỳ gối. Nhưng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Tôi bước qua ngưỡng cửa Năm Mới với nỗi tức giận và tinh thần sẵn sàng quyên sinh”.

Điều lo ngại nhất của Cơ quan mật vụ KGB là tin loan truyền Boris Pasternak có thể rời khỏi Liên Xô và khi đó sẽ trở thành con người ngoài vòng pháp luật Xô Viết. Thêm vào đó, theo ý kiến cũng của Cơ quan mật vụ KGB, sự “nổi điên” của nhà văn có thể khiến ông sử dụng tất cả những phương tiện có trong tay mình để thành lập một cái quỹ nhắm đánh phá Xô Viết. Xin nhắc lại, một triệu dollar vào những năm tháng đó là một khoản tiền rất lớn. Chưa kể rằng nhuận bút của “Bác sĩ Zhivago” vẫn liên tục được nạp vào tài khoản của nhà văn. Điều đáng nói là, đến thời điểm này những gì KGB gom tích được chưa đủ điều kiện để bắt giam nhà văn hoặc đưa ông ra trước vành móng ngựa.

Cho tới lúc này, B.Pasternak vẫn hoàn toàn tỉnh táo và thận trọng trong những lời phát biểu của mình…

TÔ HOÀNG

Chọn dịch từ tiếng Nga qua báo Sự thật Thanh niên Online, Nga

No comments:

Post a Comment