Tình cờ tôi gặp lại vầng trăng. Nhưng đó không phải chỉ là một nửa vầng trăng như trong bài thơ Hai Nửa Vầng Trăng của Hoàng Hữu:
Tình cờ anh gặp lại vầng trăng,
Một nửa vầng trăng thôi, một nửa.
Trăng vẫn đấy mà sao em xa quá,
Nơi cuối trời em có ngóng trăng lên.
(Hai Nửa Vầng Trăng – Hoàng Hữu)
Mà là cả một vầng trăng tròn vành vạnh, dịu dàng tỏa ánh sáng huyễn mộng lên trên không gian bao la của một xa lộ liên bang rộng và dài thênh thang.
Đêm nay là đêm Lễ Tạ Ơn; xa lộ vắng thưa hơn thường lệ nhiều lắm vì ai cũng ở nhà để đoàn tụ người thân. Tôi không có người thân để đoàn tụ nên vượt đường xa để gặp lại một cố nhân đã mười năm rồi không gặp. Nhắc đến hai từ cố nhân bao giờ cũng nghe như có chút thoáng buồn. Cũng phải. Vì cố nhân là quá khứ, đôi khi còn là kỷ niệm. Mà quá khứ và kỷ niệm bao giờ cũng thoáng chút ngậm ngùi, dù vui, dù buồn. Cố nhân không hẳn bao giờ cũng là người mình đã từng yêu; với tôi, chỉ cần có chút duyên cùng chia sẻ một mảnh đời quá khứ đã đủ để mình gọi cố nhân.
Mười năm rồi không gặp, ai cũng già hơn xưa. Tôi thoáng bùi ngùi nhìn thấy bước chân thời gian để lại dấu vết khá rõ trên mái tóc, trên gương mặt của những cố nhân tôi gặp lại. Ôi! Những dấu vết của cuộc sống, của những hỷ nộ ái ố đời người. Tôi cũng nghĩ mình đã già theo qui luật của thời gian nên có chút ngạc nhiên khi ai cũng bảo tôi trông vẫn như ngày nào, chẳng thay đổi gì nhiều. Tưởng chỉ là những lời nói chơi thôi, ngờ đâu hóa ra là những lời nói thật lòng. Mà điều đó, xét ra, có gì là quá quan trọng nữa đâu, với một người đã đi qua quá nửa cuộc đời.
Mười năm rồi không gặp. Khoảng cách thời gian xa là thế, mà nhiều thứ vẫn còn ở lại với tôi. Tôi vẫn lái chiếc xe của hơn mười năm về trước giờ đã trở nên cũ rồi, tôi vẫn mặc những bộ y phục của hơn mười năm về trước (vì không thường mặc nên vẫn còn mới nguyên), tôi vẫn thường hay nói về những giấc mộng viễn du mà ở đó tôi lái xe miệt mài qua những vùng tiểu bang xa lạ… Xét ra, tôi tự nhận mình là một con người chung thủy, chung thủy với cả những vật vô tri, với cả những giấc mộng đời phù phiếm. Nếu có khác biệt chăng là ở chỗ, bây giờ tôi hay dùng cụm từ “mười năm”, “hai mươi năm về trước”…
Mười năm trôi qua đi, tôi mới có dịp này để trở lại thăm thành phố Birmingham của tiểu bang Alabama. Lần tôi ghé trước là vào một buổi chiều thật đẹp mà hình ảnh ánh mặt trời chiều đỏ ối lặn dần ở cuối chân trời vẫn còn đọng lại trong trí nhớ. Thấy gần vậy đó, chỉ cách nơi tôi sống hai tiếng lái xe, mà mười năm rồi, tôi mới trở lại được. Birmingham đêm nay vắng lặng không cùng. Thành phố trở nên cô liêu và hoang tịch một cách lạ lùng; thỉnh thoảng mới có một vài chiếc xe lang thang trên đường phố, và hầu như không có nhà hàng nào mở cửa. Lần đầu tiên sau chừng ấy năm sống ở Mỹ, tôi mới lái xe vòng quanh thành phố vào đêm này, để rồi nhận ra rằng, không có đêm nào thành phố hoang tịch hơn như trong đêm Lễ Tạ Ơn.
Tình cờ tôi gặp lại vầng trăng. Đó là một vầng trăng thật tròn và đầy đặn, treo lơ lửng thật gần trên bầu trời trước mặt, trên xa lộ tôi lái xe về, khi đêm đang đi dần vào khuya. Phút giây ấy lạ lùng và thiêng liêng quá; tôi có cảm giác mình bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp liêu trai của nó, và tôi cũng có cảm giác mình đang trôi nổi bềnh bồng giữa vùng ái ân hoan lạc của quá khứ và hiện tại. Tôi không còn nhớ được đã bao nhiêu năm rồi mình không còn có dịp để nhìn thấy trăng nữa, nhất là trăng tròn vằng vặc và sáng rực thế kia. Một thoáng ngạc nhiên, tôi vớ vẩn tự hỏi mình, sao trăng lại có mặt nơi đây; chẳng phải trăng là của quá khứ và chỉ có ở quê nhà hay sao.
Tình cờ tôi gặp lại vầng trăng. Trăng đêm nay tròn đến nỗi tôi không thể không nghĩ về sự viên mãn. Phải, có lẽ không có sự viên mãn nào tròn đầy hơn trăng mùng mười sáu. Thế nhưng, trong một góc khuất tâm hồn tôi, có một vầng trăng khác lại thấp thoáng hiện về, vừa quá gần gũi, thân thương, lại vừa xa lạ, bùi ngùi. Đó là vầng trăng một nửa. Phải, chỉ một nửa vầng trăng thôi, một nửa thôi. Phải, đó cũng chính là vầng trăng trong bài thơ Hai Nửa Vầng Trăng của Hoàng Hữu.
Tôi biết bài thơ ấy lâu lắm rồi, thật lâu và rất lâu; từ năm học đại học thứ ba ở VN thì phải. Có một người con gái mang tên một vầng trăng đã chép gửi tôi bài thơ ấy ngày chúng tôi mới quen biết. Từ ấy, bài thơ ấy đã theo tôi qua nhiều năm tháng lưu lạc nơi xứ người. Cứ mỗi lần tôi nhìn lên bầu trời và trông thấy một vầng trăng khuyết nào đấy, những vần thơ xưa lại hiện lên trong tâm trí tôi thật nồng nàn:
Trăng vẫn đấy mà sao em xa quá,
Nơi cuối trời em có ngắm trăng lên.
Đêm nay, tôi gặp lại vầng trăng - một vầng trăng tròn vành vạnh. Trăng tròn đẹp lắm và quyến rũ nồng nàn lắm. Trăng tròn gợi nhớ trong tôi cả một ký ức tuổi thơ thân yêu và một quê hương yêu dấu. Thế nhưng, sự viên mãn của vầng trăng tròn đầy ấy cũng gợi trong tôi một ít băn khoăn. Không. Sự viên mãn của vầng trăng là điều có thực, và khi ấy, vẻ đẹp của trăng cũng không vì thế mà kém đi phần quyến rũ. Thế nhưng, liệu là có một đời sống nào của kiếp phận con người có thể được xem là một đời sống viên mãn. Và khi ấy, liệu là đời sống ấy có còn giữ được ý nghĩa và vẻ ban đầu tinh khôi. Không phải là không có lý do mà nhà thơ Hồ Dzếnh cho rằng tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở, và đời sẽ mất vui khi đã vẹn câu thề.
Đời sống tôi chưa bao giờ là một đời sống viên mãn. Nhưng thật lòng mà nói, tôi chưa bao giờ nghĩ về và ước ao về sự viên mãn ấy. Cũng có thể là tôi đang nhân việc nói về vầng trăng tròn này đây để ngụy biện cho chính mình.
06/12/2015
Jeffrey Thai
No comments:
Post a Comment