Saturday, October 29, 2016

Hồi Ký Kỳ Nữ Kim Cương: Sống Cho Người, Sống Cho Đời




Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương Kỳ 01: 18 ngày tuổi và vai diễn đầu đời


Có những chia lìa bây giờ mới có thể nói cho tường tận, có những nỗi đau đã mấy mươi năm gói chặt chôn sâu, có những tình yêu hân hoan chen lẫn nụ cười và nước mắt... 

Kim Cương (hàng trước, bìa phải) chụp ảnh cùng bà ngoại, các dì, các cậu - Ảnh tư liệu gia đình



Sau ánh hào quang lấp lánh của một đời nghệ sĩ vang danh, không ít những nhọc nhằn, cay đắng sẽ lần đầu được NSND Kim Cương chia sẻ cùng bạn đọc.

Theo lời má tôi kể lại, năm 1937 má tôi mang thai tôi, lúc đó đoàn Đại Phước Cương đang là một “đại bang”, tiếng tăm lừng lẫy, quy tụ toàn đào kép có tên tuổi như Năm Châu, Phùng Há, Năm Phỉ, Bảy Nam, Ba Vân, Bảy Nhiêu, Tám Du...

Lúc đoàn đang diễn ở Đà Nẵng, trong một buổi tiệc, đang ăn tới món hàu, lúc trên đĩa chỉ còn một con thì mọi người đều nhường con hàu cuối cùng này cho má tôi ăn để “tẩm bổ” vì bà đang mang bầu, được ưu tiên.

Khi tách con hàu ra, bên trong có một viên ngọc tròn xoe, màu trắng, sáng lóng lánh. Ba má tôi cho đây là điềm may mắn nên bàn nhau khi nào sinh con đầu lòng, nếu gái thì đặt tên Kim Cương, nếu trai thì đặt tên là Ngọc Trai.

Do đó khi má sinh tôi ra thì cái tên Kim Cương đã chờ sẵn.

Vào ngày Huế treo đèn kết hoa

Tôi là người miền Nam nhưng lại sinh ở Cửa Thượng Tứ, thành phố Huế. Thuở đó gánh Đại Phước Cương của ba tôi đang còn lưu diễn tại Đà Lạt, má tôi phải đến Huế trước để đợi ngày sinh và chờ ba tôi đưa đoàn từ Đà Lạt ra tới. Má phải một mình xoay xở trong cơn vượt cạn.

Lúc ấy đoàn hát thất bát liên tục, má tôi chỉ dành dụm được có năm đồng bạc để lo cho việc sinh nở. Tuy số tiền ít ỏi nhưng má rất vui vì lần đầu tiên trong đời được làm mẹ.

Gia tài có năm đồng bạc nhưng má đã sắm sửa áo quần cho đứa con sắp ra đời hết ba đồng. Cà phê sữa sông Hương chỉ có năm xu một ly má cũng không dám uống, tất cả đều dồn hết cho sự ra đời của tôi.

Cho tới cái đêm phải đến nhà bảo sinh, má chỉ còn đúng một cắc để đi xe kéo. Hơn nửa ngày chờ đợi và cả khi trong cơn chuyển bụng đau điếng, má cứ đứng dựa người vào góc tường mà cười. Đó là niềm hạnh phúc thiêng liêng mà đời má chưa từng trải qua.

Chiều hôm sau, lúc 3g, tôi ra đời ngay lúc kinh đô Huế treo đèn kết hoa mừng ngày đầy năm của hoàng tử Bảo Long, má tôi thường nói đùa ngày sinh Kim Cương được cả thành phố Huế treo cờ ăn mừng. Má tôi thích chí vì tôi được ăn ké ngày sinh với hoàng tử Bảo Long.

Má không có cái âu lo của một người mẹ mới sinh con so như thiên hạ thường nói. Má cười thích thú, nhìn mãi đứa con gái yêu thương của mình: trông chẳng khác gì con trai, nước da bánh mật, đôi mắt giống cha y hệt, không có nét đặc biệt nào hứa hẹn sẽ trở thành một đào hát lý tưởng.

Dường như ngoại hình của tôi làm má yên tâm. Tôi sẽ thoát kiếp đời “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”, cái số phận mà những cô đào hương sắc thường mắc phải. Tôi sẽ sống cuộc đời bình dị, mạnh mẽ và hạnh phúc.

Sáu ngày sau, gánh hát của ba từ Đà Lạt ra Huế. Sáu ngày hồi hộp trông được thấy con, ba mừng đến không nói được thành câu. Ba bồng tôi, sung sướng như đang ôm trong tay kho báu.

Sau đó mấy hôm, đoàn hát đi xe lửa ra diễn ở Vinh. Chưa đầy mười ngày tuổi tôi đã hòa vào cuộc nổi trôi của đời nghệ sĩ. Má tôi non nớt sau kỳ vượt cạn lần đầu cũng không được tịnh dưỡng.

Mười tám ngày sau khi sinh tôi, má phải lên sân khấu vì vai diễn của má tôi không có người thay.

NSND Bảy Nam và con gái Kim Cương năm 1 tuổi - Ảnh tư liệu gia đình

18 ngày tuổi và vai diễn đầu đời

Thình lình có lịnh đoàn hát phải vào Huế, vào Duyệt Thị Đường (một nhà hát chỉ dành cho vua chúa trong cung đình có từ đời vua Minh Mạng, là nhà hát xưa nhất còn tồn tại đến ngày nay). Đêm hát đó, nhân dịp mừng thất tuần của Đức Tiên Cung Dương Thị Thục - mẹ của vua Khải Định, nội tổ vua Bảo Đại, bà đề nghị diễn tuồng Quan Âm Thị Kính.

Và tôi mười tám ngày tuổi cũng đã vào vai diễn đầu đời. Má tôi kể, khi bế tôi lên sân khấu làm con Thị Mầu đến giao cho Thị Kính, phải có chai sữa cặp bên hông làm đạo cụ đề phòng khi tôi khóc. Và những đêm diễn thử trước đó, ba tôi nhất định không cho bồng tôi ra mà bắt phải thay bằng búp bê. Ông nói: “Đêm diễn đầu đời của con tôi là phải diễn cho vua chúa coi”.

Lần lên sân khấu đầu tiên ấy dường như là định mệnh của cả cuộc đời tôi. Tôi nghĩ rằng dù má có muốn tôi ăn học, muốn cho tôi không có những dằn vặt chua cay của cuộc đời nghệ sĩ thì cái nghiệp đó dường như đã chuẩn bị sẵn cho tôi từ đêm ấy.

Nếu có ai hỏi tôi thật sự vào nghề từ lúc nào, có lẽ tôi không thể trả lời dứt khoát được. Mọi thứ thật mơ hồ, tôi nhớ không đầu không đuôi, chỉ nhớ được rằng khi biết nói thì đã biết hát rồi. Chập chững biết đi tôi đã được bồng ra sân khấu với ánh đèn, với khán giả qua những vai “con”. Rõ ràng chưa biết nói chuyện tôi đã biết diễn.

Nhưng mãi đến năm lên 7 tuổi tôi mới thật sự nhận lãnh một vai trong vở tuồng Na Tra lóc thịt mà má tôi đã đặc biệt viết riêng cho tôi. Không biết khi đó tôi hát như thế nào mà mọi người trong đoàn đều khen tôi hát hay.

Hình như tôi được rất nhiều tiền thưởng của khán giả mỗi khi tôi “vô” vọng cổ hay xàng xê. Lẽ dĩ nhiên bao nhiêu tiền thưởng ấy má tôi đều cất hết và nói đùa là tiền đó để trừ vào tiền may tã lót cho tôi hồi nhỏ.

Sau này có lúc tôi thắc mắc hỏi má: “Hồi đó sao má may tã lót cho con nhiều vậy?”.

Chưa có nỗi buồn...

Tôi lúc đó chưa hề có sự say mê nghề nghiệp. Ban ngày tôi thường lén trốn đi chơi lò cò hay chơi bán hàng với các bạn nhỏ cùng trang lứa sống quanh rạp hát.

Sau những buổi trưa mải mê với những trò con nít thì y như rằng tối đến, khi chuông mở màn bắt đầu thì cơn buồn ngủ kéo tới. Hai mí mắt tôi nặng trĩu không làm sao giương lên được, tôi thường kiếm một góc nhỏ nào đó để ngủ tạm.

Có khi đằng sau một tấm phông cũ, cũng có lúc trong góc tủ đầy quần áo mũ mão, có khi tôi tự cuộn tròn trong bức màn nhung sát trên sân khấu.

Biết tánh đứa con gái cưng, ba tôi thường chờ gần tới giờ tôi ra tuồng mới sục sạo từng kẹt tủ, giở từng tấm phông cảnh hay bới tung những chiếc áo rộng của mấy bà công chúa để lôi tôi ra, cho uống nước, ăn bánh để tôi tỉnh ngủ rồi bồng tôi lại đốt nhang bàn thờ tổ.

Thế là tôi được liệng ra sân khấu. Chỉ chờ có thế, mọi buồn ngủ, mọi vui đùa trôi đâu mất. Tôi đi, chạy, nói, cười trong vai diễn như đó chính là tôi, như tôi đang sống chớ không phải đang hát. Mỗi phút sống hồn nhiên của tôi khán giả vỗ tay rào rào.

Tôi phấn khích ca hát tưng bừng càng làm cho sân khấu rộn rã với vô vàn màu sắc âm thanh.
Tuổi thơ tôi đi qua êm đềm trong một thế giới đầy âm thanh và màu sắc như vậy. Đoàn Đại Phước Cương lưu diễn khắp nơi từ Nam chí Bắc, từ các tỉnh thành đô hội đến các làng mạc xa xôi.

Tôi đã có những ngày dài mơ mộng giữa thiên nhiên sông nước, mây núi, đồng quê. Con đường sắt xuyên Việt vào những năm 1940 đã đưa gia đình chúng tôi qua không biết bao nhiêu xứ sở, từ những đồi cát trắng bao la của miền Trung đến những vùng biển xanh dẫn ra xứ Bắc.

Chúng tôi chợt đến chợt đi, cuộc hành trình cứ như thoi đưa và càng ngày tôi càng cảm thấy mình quen với cuộc sống nay đây mai đó. Tôi không quên được cảnh chuyền đồ xuống sân ga mỗi khi tới nơi, cảnh tiễn đưa lưu luyến của bằng hữu lúc lên đường, những ánh mắt xa vời, những nụ cười hẹn ngày gặp lại, tất cả những hình ảnh đó đã trở thành cuộc sống độc đáo của những người nghệ sĩ phiêu lưu.

Tôi dễ dàng bỏ qua những nhọc nhằn do chỗ ăn chỗ ở cứ thay đổi không ngừng. Tôi quen với mọi thay đổi của thời tiết. Nắng chang chang hay mưa tầm tã đều có cái để tôi hứng thú tung tăng. Chưa có một cơn bệnh nào nhớ đời, chưa có một nỗi buồn nào đủ sức chen vào tâm trí tôi. Bất cứ nơi nào tôi cũng có điều để háo hức.

Ban ngày tôi háo hức được chơi cùng các bạn, đêm xuống tôi háo hức được diễn. Lúc đoàn vừa dừng lại tôi vui niềm vui của sự bắt đầu, lúc đoàn dời chân tôi vui niềm vui của sự kết thúc một cái cũ để bắt đầu một cái mới, gặp gỡ những người bạn mới.

Thật lòng mà nói, nếu cuộc sống cứ trôi như thế cho tới lúc tôi lớn thành một cô đào tài danh, chắc chắn một điều tôi sẽ không bao giờ biết quý trọng những gì mình đang có. Vì mọi thứ cứ như chực chờ để dâng hiến cho tôi thụ hưởng.



Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 2: Khóc cho kiếp cầm ca


Mấy chục năm lăn lộn với nghề, ba tôi vẫn hãnh diện là đã lấy ánh đèn sân khấu làm lý tưởng của mình nhưng khi nhắm mắt thì chính sân khấu lại xua đuổi ba tôi một cách phũ phàng như vậy...

Kim Cương năm 14 tuổi, năm năm sau ngày chứng kiến cái kết cuộc buồn của cha mình ở Phan Thiết - nơi mà “mỗi lần đặt chân đến đó tôi không thể nào quên hình ảnh thê thảm của cái đêm ấy, rõ như in, như vừa mới xảy ra ngày hôm qua” - Ảnh tư liệu gia đình

Chiếc xe ngựa leo dốc một cách khó nhọc. Gió từ biển thổi tạt đến ném cát bụi vào trong xe. Nắng xế làm cho mặt đất như cằn cỗi hơn, những gò đống đầy cỏ gai, xương rồng, bụi cây dại thấp lè tè như cũng phai tàn hết cái màu xanh của lá. Con ngựa gầy rướn người tới trước, đầu cúi xuống, mồ hôi chảy dài theo chiếc cổ khẳng khiu.

Trong chiếc xe có ba người, má tôi, tôi và ba tôi.

Ba người giữa hoang vu

Ba tôi nằm trên chiếc võng gai treo toòng teng trong xe. Xe qua một đoạn đường mấp mô nên xóc dữ dội, chiếc võng gai cứ đong đưa làm ba tôi chóng mặt khó thở và thỉnh thoảng nôn mửa. Ông nằm lả đi, mắt nhắm nghiền và lõm sâu xuống khiến cho hai gò má nhô lên cao hơn thường ngày.

Sóng biển không lớn lắm nhưng gió từ ngoài khơi thổi vào khá mạnh đem theo cả tiếng hú bí ẩn xa lạ. Năm ấy tôi lên chín tuổi, và đó là lần đầu tiên tôi nghe một tiếng hú như thế. Ba có nghe tiếng gió hú không? Chắc là không.

Ba đang vật lộn với những cơn co giật xen lẫn những cơn ói khan quặn ruột. Má tôi có nghe gì không? Tôi không chắc. Má tôi đang bận nhìn từng hơi thở của ba tôi, che chắn cho ba tôi trước cơn gió vô tâm của biển.

Xe lắc lư xuống dốc. Thành phố Phan Thiết đã hiện ra trước mặt, thấy cả cái tháp nước công viên và hai cây cầu bắc ngang dòng sông đục ngầu. Rạp Thất Ngàn ở đối diện xéo góc chợ, đôi cánh cửa đóng im lìm trơ lạnh vì không có đoàn nào diễn. Nửa tháng trước đây, đoàn của ba tôi hát rầm rộ ở rạp này, rất đông khán giả.

Lúc đoàn dời đi, ngồi trên xe tôi có ngoái nhìn lại, thấy nó nằm buồn bã ở góc phố, leo lét một ngọn đèn vàng. Thường là vậy. Nơi nào chúng tôi đến cũng là náo nhiệt, tưng bừng rồi khi đi chúng tôi dường như đem cái náo nhiệt ấy theo cùng. Tôi đã quen rồi chuyện sau lưng mình là hoang vắng.

Chiếc xe ngựa đậu lại trước cửa rạp. Má tôi nhảy xuống xe xăm xăm đi thẳng vô rạp, còn tôi thì ngồi lại ôm lấy ba vì ông đang lên cơn, vừa run lập cập vừa co giật.

Lát sau má trở ra cùng với người gác rạp và bảo tôi:
- Xuống đi con.
Tôi nhảy xuống xe. Chân tê buốt. Người gác rạp và má tôi dìu ba vào trong rạp. Ông ta nói:
- Ở đây không có giường chiếu mùng mền gì hết, nước nôi cũng thiếu.

- Thôi kệ - má tôi năn nỉ - bác thông cảm, chúng tôi không có ai quen biết ở đây. Tiền cũng không có.
Người gác rạp đỡ ba tôi nằm xuống, chiếc chiếu trải ở một góc sân khấu. Rạp tối mù, âm u và câm lặng một cách đáng sợ. Ông ta vấn một điếu thuốc châm lửa hút, thở dài và nói:

- Tui thì không sao. Tui cũng thương ông bầu lắm nhưng để ông nằm đây thiệt bất tiện. Ông chủ mà biết được ổng la chết.
- Không sao đâu - má tôi nói - Hôm trước đoàn tụi tui diễn ở đây ổng cũng vui vẻ lắm mà.

Ba tôi sau cơn vật vã đã ngất đi, nằm mê man. Ba chúng tôi ngồi ở góc chiếu, quanh người bệnh.
Má tôi mệt mỏi quá đã thiếp đi bên cạnh ba. Dường như ông già gác cửa cũng đã ngủ. Nhưng con bé Kim Cương lên 9 tuổi là tôi vẫn ngồi bó gối ở một góc sân khấu tối om nhìn xuống những dãy ghế.

Ven đường hay xó chợ?!

Tôi quay nhìn má tôi đang nằm im bên cạnh và không biết cái vẻ gì đó trên mặt ba đã làm tôi hoảng hốt. Tôi nhẹ đến bên ông và thấy ông đang mở mắt nhưng đôi mắt ấy không bình thường. Hơi thở ông hổn hển, ngực phập phồng khó nhọc.

“Ba ơi, ba!”. Tôi lay ba tôi dậy nhưng vô ích. Má tôi thức giấc, hoảng hốt. Lão gác rạp cũng có mặt rất nhanh. Người ba tôi lạnh toát. Tôi áp bàn tay ba tôi lên má mình và run lên vì sợ.

Chưa bao giờ trong đời tôi sợ đến như vậy. Bàn tay ba không thể nắm được tay tôi, không còn chút sự sống nào. Tôi hỏi: “Sao vậy má?”.

Không ai trả lời câu hỏi đó. Má tôi xoa dầu và chà xát lòng bàn tay, lòng bàn chân cho ba, chẳng ngờ ba tôi lại run lên dữ dội. Tôi bật khóc. Ngoài đường phố đã có tiếng xe chạy, tiếng bánh xe đẩy hàng lăn trên mặt đường, tiếng bước chân và cả tiếng ho khan của một người nào đó. Mọi người đang bắt đầu họp chợ.

Điều đáng buồn là những phũ phàng mà ba tôi gánh lấy không phải do ba tôi đã sống sai lầm mà chỉ vì quan điểm sai lầm của xã hội phong kiến lúc ấy là biết hút á phiện mới thật là người của giới thượng lưu và nó được bắt đầu từ những yêu thương rất kỳ dị của bà nội tôi.

Bà nội tôi là một đào hát nổi tiếng của sân khấu hát tuồng lúc bấy giờ, bà vừa là chủ rạp Palikao ở Chợ Lớn vừa là bầu gánh. Tôi nghe kể lại chính bà nội đã nhốt ba tôi ở nhà, buộc ông phải hút thuốc phiện.

Bà đâu có ngờ quan niệm sống “thời thượng” quái gở của xã hội lúc bấy giờ đã đẩy ba tôi vào một kết cuộc bi thảm sau này.

Cơn động kinh của ba tôi kéo dài cho đến khi trời sáng rõ mà vẫn chưa có dấu hiệu gì là thuyên giảm. Má tôi cũng khóc, người gác già thì đứng xuôi tay bất lực.

Ngay lúc có nhiều tiếng lao xao nơi khu chợ trước rạp thì một người đàn ông cao lớn từ ngoài cửa rạp bước vào.

Cái bóng của ông che lấp cả khoảng sáng nhỏ nhoi của cửa rạp. Cái bóng ấy tiến đến một cách chậm chạp, nặng nề. Người gác già bối rối trong từng tiếng nói:

- Ông chủ đến.

Mọi ngày ông là bạn của ba tôi, tôi cũng đã từng nhìn thấy gương mặt hớn hở vui cười của ông mỗi khi nhận tiền thuê rạp khá nhiều nhưng bây giờ sao gương mặt đó lạnh như tiền. Cái mặt ấy làm cho cả tôi lẫn má tôi đều im bặt.

- Tại sao lại thế này?

- Anh ơi - má tôi kêu lên - ông nhà tôi đang bịnh nặng lắm mà chúng tôi thì không có người nào quen ở đây.

Ông chủ chép miệng, lắc đầu:

- Chị làm tôi khó xử quá. Ông bầu Cương với tôi cũng có tình thân nhưng rạp hát là chỗ làm ăn của tôi, làm sao mà nằm ở đây được.
Má tôi chắp tay lại trước ngực, van vỉ:

- Mong ông thông cảm. Chúng tôi tứ cố vô thân...

Ông chủ quay mặt đi:

- Muốn thông cảm cũng không được. Đây là chỗ kiếm cơm của gia đình tôi mà. Rủi ổng chết ở đây thì sao. Ai mà còn dám vô coi hát ở rạp này?

Má tôi lại nói:

- Xin ông nghĩ lại những lúc chúng tôi còn diễn ở đây, khán giả chen chân không lọt, tiền vô như nước, lúc ấy ông và đoàn chúng tôi ai cũng vui vẻ với nhau. Xin ông hãy thương lấy cuộc đời bạc bẽo của nghệ sĩ mà cho anh Tư tôi được chết trên sân khấu.

Ông chủ rạp đi quanh chỗ ba tôi đang nằm. Mắt ông nhìn chằm chằm vào ba. Ba vẫn thở dốc như có thể trút hơi thở cuối cùng bất cứ lúc nào. Chủ rạp tay để sau lưng, gương mặt lạnh tanh nhìn về phía má.

- Không được. Chị phải đưa anh ấy đi ngay bây giờ. Tôi nói dứt khoát là phải đưa đi ngay bây giờ.
Từng tiếng nói buông ra chắc nịch. Má tôi quỳ sụp xuống.

- Xin anh hãy thương gia đình tôi...

- Tôi thương chị thì ai thương gia đình tôi? Bộ chị muốn biến cái rạp hát này thành cái nhà xác à? Chị cũng phải biết nghĩ đến sự sống của tôi chớ.

Má tôi lặng đi. Không ai nói được thêm một tiếng nào nữa.

Ông chủ vẫy tay gọi lão gác rạp đến dặn dò rồi lạnh lùng bỏ đi. Má tôi thẫn thờ xuôi tay như cái xác không hồn. Chúng tôi về đâu, ba tôi sẽ nằm đâu? Ven đường hay xó chợ? Dường như không có nơi nào sẵn sàng chứa chấp một người đang hấp hối.


Kỳ nữ Kim Cương -Ảnh tư liệu

Khóc cho một kiếp cầm ca

Ngay giữa lúc bế tắc ấy, bỗng một người đàn ông xuất hiện trên lối đi giữa rạp. Ông bước vội tới chỗ má tôi đang quỳ. Tiếng của ông hốt hoảng:

- Anh sao rồi? Tôi đi tìm anh chị khắp nơi.

Tôi chưa biết người đàn ông này là ai nhưng má tôi thì vui mừng lắm, má nắm lấy tay ông kể lể sự tình. Ông nói:

- Một người như ông Phước Cương không thể chết trong một góc rạp bẩn thỉu như thế này được. Tôi là hội trưởng Hội Phật học tại đây, xin cô Bảy đưa ông bầu vào chùa nằm, có mệnh hệ nào hội sẽ lo hết.

Thì ra đó là bác Nguyễn Ngọc Hơn, người Cao Lãnh, bạn thân thiết của ba tôi. Má tôi khóc ngất, tôi cũng khóc. Hai má con ngồi dưới chân bác không nói thêm được một lời nào.

Ngày 13 tháng chạp năm Ất Dậu (1945), ba tôi trút hơi thở cuối cùng tại chùa Phật Học Phan Thiết. Năm đó, tôi lên chín, còn Kim Quang em tôi mới lên ba, Ngọc Thố vừa biết đi chập chững. Ba tôi đã vĩnh viễn ra đi sau hơn một tuần vật vã với bệnh tật.

Không ngờ những ngày cuối đời mình ba tôi lại phải chịu nhiều chua chát như thế. Mấy chục năm lăn lộn với nghề, ba tôi vẫn hãnh diện là đã lấy ánh đèn sân khấu làm lý tưởng của mình nhưng khi nhắm mắt thì chính sân khấu lại xua đuổi ba tôi một cách phũ phàng như vậy.

Cái bất hạnh ba tôi mang theo khi nhắm mắt đã trở thành niềm chua xót của tôi trong mấy chục năm qua. Lúc đó tuy hãy còn quá nhỏ nhưng tôi cũng biết suy nghĩ về kiếp người và tôi biết cái đêm trong rạp hát tối om kia sẽ ám ảnh tôi suốt đời. Ngay cả thành phố Phan Thiết cũng trở thành một ám ảnh.

Những phũ phàng mà ba tôi gánh lấy, mỗi khi hồi tưởng tôi vẫn không cầm được nước mắt. Tôi khóc cho ba tôi, khóc cho kiếp cầm ca và khóc cho chính mình.

Nỗi vinh nhục của kiếp phù du

Má tôi quỳ đó, người bất động, dòng nước mắt cũng chảy lặng lẽ. Tôi chín tuổi nhìn thấy hình ảnh má lúc đó đã hiểu thế nào là nỗi vinh nhục của kiếp phù du, đã hiểu thế nào là ê chề của một kiếp đời lang bạt.

Có lẽ đó là lúc má tôi nhìn thấy tận cùng nỗi khắc nghiệt của đời nghệ sĩ. Không phải cả đời sống cho sân khấu là có thể chết trên sân khấu. Nơi đó chỉ cho phép những gương mặt đầy son phấn diễn tuồng, cho phép một cái chết với tiếng khóc nghẹn ngào giả tạo dành cho khán giả chớ không thể dung chứa một nỗi đau riêng tư đích thực.

Có lẽ từ lúc đó, má tôi càng kiên quyết đưa tôi ra khỏi nghiệp xướng ca.


Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 3: Ba tôi - Người hậu tổ


Ba tôi là ông Nguyễn Ngọc Cương, trong giới sân khấu thường gọi bằng cái tên thân thương ông bầu Cương hay là anh Tư Cương.

Từ trái qua: NSND Bảy Nam (vai Lý Nhu), Kim Cương (vai Điêu Thuyền) và Bích Thuận (vai Lữ Bố) trong vở Phụng Nghi Đình (1956) - Ảnh tư liệu

Theo chú Năm Châu, chú Ba Dân, má Phùng Há thì ba tôi là người có công đóng góp nhiều cho sân khấu cải lương trong những ngày phôi thai.

Ba tôi là người đầu tiên có công đem văn hóa châu Âu áp dụng cho sân khấu cải lương và biết bao công trình khác nữa mà ba đã hi sinh đóng góp cho sân khấu. Nên lúc đó trong nghề thường gọi ba tôi là hậu tổ.

Bệ đỡ của nhiều sao sáng

Bà nội tôi là bà Lưu Thị Ngoạn, một “siêu sao” của ngành hát bội Sài Gòn, vừa là “bà bầu” của mấy đoàn hát bội như Phước Sương, Phước Tường, Phước Thắng. Ngoài ra bà còn là người cất rạp hát Palikao nổi tiếng (nay còn di tích ở chợ Bình Tây). Không chỉ giỏi văn nghệ, bà nội còn là một phụ nữ vừa đẹp vừa tiên tiến.

Tôi nghe kể lại, khi cả nước Việt Nam chỉ có 99 người đàn ông được cấp bằng lái xe thì bằng lái xe của bà nội tôi là bằng thứ 100. Bà giao thiệp rất rộng, từ những quan lại trong triều đến những thương nhân, các nhà tư bản đến cả toàn quyền Đông Dương hồi ấy là ông Georges Catroux, rồi ông kế vị là Jean Decoux đều hết lòng quý trọng bà. Gia đình kể lại, ngày khai trương rạp Palikao, đích thân ông toàn quyền Decoux 
cắt băng khánh thành.

Ba tôi được sinh ra trong một hoàn cảnh đặc biệt như thế. Ba thừa hưởng tất cả tinh hoa của một tâm hồn nghệ sĩ cùng những thành tựu giáo dục hiện đại của phương Tây lúc bấy giờ. Bà nội cho ba sang Pháp học ngành y, hi vọng ba sau này sẽ thành một vị “docteur” danh giá.

Nhưng những buổi học khô khan của y học không làm ba thấy hứng thú bằng những giờ được “bay bổng” trong các tác phẩm văn học nghệ thuật Tây phương. Thế là ba quyết định bỏ ngành y sang học ngành sân khấu tại Paris.

Lúc ấy phong trào đờn ca tài tử vừa nở rộ, các đoàn hát như Trần Đắc, Năm Tú, Nam Đồng Bang, Tái Đồng Bang... liên tục ra đời. Tất cả đều lấy tích tuồng từ những truyện Tàu như Phụng Nghi Đình, Xử án Bàng Quý Phi, Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê hay từ những tác phẩm văn học nước nhà nhưLục Vân Tiên, Kim Vân Kiều... với những y trang áo dài khăn đống như đời thường. Cách hát theo lối ra bộ, quy ước từng động tác cho từng loại nhân cách cố định. Cả cách hát lẫn cách diễn xuất đều khá nặng nề và khuôn khổ.

Khi về nước, ba đem một luồng gió mới cho sân khấu nước nhà khi mang về một loạt tác phẩm văn học của các tác giả kinh điển như Victor Hugo, Molière, Shakespeare... Ba tôi và chú Năm Châu chuyển thể thành những vở cải lương với nội dung cách tân, trang phục phong phú theo đúng phong cách Tây phương.

Cách diễn cũng không còn đóng khung trong mấy loại hình tính cách kiểu trung - nịnh - gian - hiểm mà lối hát ra bộ quy định. Mỗi nhân vật được tự do diễn đúng tính cách của vai tuồng. Từng câu ca cũng tùy theo tính cách, tâm trạng, tình huống nhân vật mà biến tấu.

Người diễn truyền cảm qua giọng hát. Tính ước lệ trong biểu diễn cũng giảm xuống. Vai diễn trở nên gần với công chúng.

Đờn ca tài tử vốn phát triển trong giai đoạn này, nhưng được sự chăm chút cách tân từ những bậc tiền bối như ba đã tạo ra loại hình nghệ thuật mới là cải lương đa âm đa sắc, đa phong cách và đi vào đời sống dễ dàng.

Cải lương dần dần đi vào máu thịt của công chúng, trở thành một món ăn vừa sảng khoái vừa nhân hậu trong đời sống tinh thần của xã hội miền Nam đầu thế kỷ 20. Những ngôi sao cải lương được săn đón ca ngợi. Ánh hào quang của sân khấu có sức thu hút vô cùng mạnh mẽ.

Từ chỗ đó, lượng người theo đoàn hát cũng tăng và có nhiều nghệ sĩ tên tuổi định hình và tồn tại với thời gian bằng một dấu ấn riêng biệt.

Chính vì là người sáng lập một trào lưu mới nên Đoàn cải lương Đại Phước Cương của ba tôi dễ dàng là đoàn hát hàng đầu. Ba tôi vì muốn xây dựng một đội ngũ nghệ sĩ chuyên nghiệp từ ca đến diễn nên đã dày công đào tạo để đưa lên sân khấu rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi lúc bấy giờ như cô Thanh Tùng, cô Ngọc Sương, cô Kim Thoa, cô Bảy Ngọc, cô Năm Cần Thơ... và các chú Năm Nghĩa, Năm Phồi, chú Tám Danh, Ba Du, Từ Anh.

Trong số đó có cả cô Ái Liên - thân mẫu của nghệ sĩ Ái Xuân, Ái Vân - lúc đầu là nghệ sĩ đàn mandolin với những bản nhạc Pháp lời Việt. Ba tôi tập từng bước để bà đứng được trên sân khấu và trở thành nghệ sĩ vang danh một thời.

Ly kỳ tình ái

Ba là người dám yêu và dám sống chết với tình yêu của mình. Má kể mối tình đầu của ba là một cô nữ sinh trẻ đẹp con một gia đình danh giá ở Sóc Trăng. Nhưng trong thời gian ba đi học ở Sài Gòn, cô ấy lại bị ép gả cho ông Chủ Chợ - một người Pháp lai rất có thế lực và tiền bạc.

Hay tin, ba tôi tức tốc bỏ học chạy về Sóc Trăng đúng ngày đám cưới diễn ra. Họ hàng hai bên đang tưng bừng làm lễ rước dâu nhưng tới khi ra mắt hai họ thì cô dâu biến mất.

Thì ra ba tôi đã trèo cửa sổ tầng 2 vào buồng tân hôn “rước” cô dâu đi trước rồi. Hậu quả của cuộc “rước dâu” đặc biệt đó, bà nội tôi phải bôn ba nhờ ông toàn quyền Decoux can thiệp, điều đình suốt mấy năm trời ông Chủ Chợ mới chịu bỏ qua cho.

Và thêm một chuyện tình cảm nữa của ba tôi đã làm chấn động cả xã hội phong kiến lúc bấy giờ. Lúc ấy ba tôi đang yêu cô Năm Nhỏ - một ngôi sao lớn của sân khấu hát bội. Đạo diễn Đinh Bằng Phi - người chuyên nghiên cứu về hát bội - đã viết:

“Cô xuất sắc trong các vai kép đủ loại, lão, tướng, hề, mỗi vai đều biểu diễn rất tài tình, người trông điệu nghệ, ai ai cũng phải cúi đầu khâm phục...”.

Hai vai tuồng bất hủ mà cô đảm nhiệm tạo thành kiệt tác mà từ thuở đó đến mai sau, khó có ai sánh được là vai Trương Phi trong vở Triệt Giang Thủ Cổ Thành và Cao Lan Anh trong Ngũ Biến Báo Phu Cừu.

Ở vai Trương Phi, khán giả không ngờ đó là do một người phụ nữ diễn. Cô đổi ra giọng đàn ông, từ tiếng nói đến gầm thét vang to sang sảng, bộ múa gọn gàng chững chạc thể hiện đúng mức tính cách của một vị tướng uy nghi và nóng nảy.

Còn ở vai Đào Lan Anh, cô phải năm lần cải trang, một mình diễn năm nhân vật khác nhau, mỗi người một tính cách như gã ăn xin phong cùi, cô gái điên qua ải, ông già quá tuổi, thầy tu say rượu và cuối cùng là tên sơn đông mãi võ. Người ta còn nhắc nhớ cô là người phụ nữ đầu tiên múa lân trên sân khấu hát bội.

Lúc đó ba tôi là một công tử con bà bầu gánh lại đẹp trai, phong độ nên tình yêu đã nảy nở giữa hai người. Nhưng oái oăm thay, bác Hai tôi - anh ruột của ba - cũng say mê cô Năm. Và để chia rẽ hai người, bác Hai mới bàn với bà nội là gửi ba sang Pháp học để lo tương lai cho ba.

Không dám cãi lời mẹ, ba tôi đành chia tay người yêu và hẹn sẽ sớm quay về. Nhưng sáu tháng sau, ba tôi hay tin bác Hai đã cưới cô Năm Nhỏ bằng một đám cưới linh đình.

Mấy năm sau ba tôi về nước. Cô Năm và bác Hai đang chuẩn bị chờ đón đứa con đầu lòng. Nhưng một chuyện không may xảy ra, trong một tai nạn, bác Hai bị thương nặng. Biết mình không qua khỏi, bên giường bệnh, bác Hai cầm tay ba tôi khóc và xin lỗi, đồng thời gửi gắm vợ con lại nhờ ba săn 
sóc. Trước tình cảnh thương tâm, để yên lòng người ra đi nên ba tôi hứa chu toàn lời trăn trối đó.

Hai năm sau mãn tang bác Hai, ba tôi chính thức làm đám cưới với chị dâu mình và nuôi con của anh như con ruột. Sau này anh cũng trở thành một nghệ sĩ sân khấu với nghệ danh Ngọc Trai.


Giữa thời phong kiến khắt khe, hành động cưới chị dâu của ba tôi có thể bị coi là loạn luân, đáng lên án. Nhưng nhờ hấp thu văn hóa phương Tây, coi tình cảm con người là trên hết và là một nghệ sĩ có tâm hồn phóng khoáng, cởi mở nên những rào cản luân lý đó không đủ sức ngăn cản ba tôi.

Sau tình chị là duyên em

Trong suốt thời gian đào tạo cho sân khấu những ngôi sao sáng, ba tôi cũng gặp nhiều mối tình sôi nổi nhưng kết cục vẫn không chống lại được quy luật lợi danh của nghiệp cầm ca.

Ba tạo ra rồi bị mất đi, rồi lại tạo ra. Mỗi người ba đào tạo thành danh đều lần lượt rời bỏ ba để đi theo danh vọng cao sang hơn.

Ngay cả đối với má tôi cũng là một mối tình đặc biệt. Lúc đó má Năm Phỉ là vợ của ba - một đệ nhất đào thương của sân khấu miền Nam. Năm 1935, ba đưa má Năm sang đấu xảo ở Paris và giành được giải nhất.

Má Năm tài hoa lộng lẫy và tánh tình cũng cởi mở không thua ba. Khi trở về, phần đã có vinh quang trong tay, phần cũng chán ngán cuộc sống bôn ba cùng đoàn hát, nên má nghĩ cách để dứt áo ra đi. Nhưng sợ ba buồn khổ và để lòng mình ra đi cũng nhẹ nhàng hơn, má Năm gầy duyên cho ba với má tôi.

May mắn là má rất yêu thương ba và ba cũng dễ dàng đón nhận tình yêu mới khi tình yêu cũ đã không còn có thể nắm níu. Lần này, với quyết tâm tìm một người mẹ cho con và một người vợ cho mình, chứ không phải một ngôi sao cho sân khấu nữa, nên ba khá an tâm với cuộc sống hiện tại.

Tình yêu “thay thế” đó đem lại hạnh phúc cho hai cuộc đời bất hạnh trong hôn nhân. Tiếc là cuộc vui ngắn ngủi vì ba qua đời sớm. Nhưng chị em tôi được sinh ra giữa tình yêu thương ấm áp của ba má.
Bao nhiêu vết thương đã trải qua với má, bao nhiêu thất bại đã tràn qua hôn nhân của ba đều không nghĩa lý gì với hạnh phúc của ba má, trong đó có chúng tôi.

Tôi và em tôi luôn tự hào mình được chào đời trong hạnh phúc đó dù nó ngắn ngủi muộn màng.

Má Năm Phỉ - Ảnh tư liệu gia đình

Với dì Năm Phỉ, chị gái của má, tôi gọi bằng má Năm, không chỉ vì lệ thường của các gia đình Nam bộ mà còn bởi má Năm là người đã cứu vớt, cưu mang mấy mẹ con tôi khi lâm vào cảnh ngặt nghèo, khốn khó trong hành trình chạy loạn những năm 1950.

Cùng với má Bảy Nam, má Năm Phỉ là người sắp đặt cuộc đời tôi bằng cách đưa tôi vào học ở trường dòng của các sơ, với mong muốn tôi phải là đứa con gái đằm thắm, nết na, theo nề nếp, khiêm cung của một gia đình gia giáo, thay vì phiêu bạt giang hồ, sống phóng khoáng, tự do của cuộc đời nghệ sĩ.
Nhưng cũng thật trớ trêu thay, cũng chính hai má lại đưa đẩy tôi đến với sân khấu và ghi đậm những dấu ấn mạnh mẽ trên con đường nghệ thuật của tôi sau này.


Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 4: Vào nghiệp cầm ca

Mọi chuyện lại thay đổi đột ngột vào mùa hè năm tôi 19 tuổi. Năm đó tôi thi rớt tú tài 2 - một kỳ thi trọng đại của đời học trò.


Kim Cương (bìa phải) cùng xơ Bernadate nhà dòng cha Tam - Ảnh tư liệu gia đình

Điều đáng ngại với những học trò thi rớt là không hoàn toàn chắc năm sau mình có thể đậu. Tôi hụt hẫng và hoang mang.

Trong tâm trạng đó, tôi gói ghém đồ đạc đi thăm má mà không cần ai cho phép. Lúc đó má đang hát ở Châu Đốc...

Đêm định mệnh với Nụ cười sơn cước

Về thăm má là tôi được trở về đoàn hát, trở lại không khí sôi động một thời tôi từng quằn quại nhớ thương. Má tôi vui lắm. Má hát hay hơn, diễn nồng nhiệt hơn. Giống như cái thời má mang thai tôi. Nhưng cảm giác tôi lại khác xa.

Quen với cuộc sống chỉn chu, nề nếp ở nhà dòng, tôi đôi khi thấy khó chịu với những bát nháo ở đoàn hát. Những nhốn nháo tôi từng nhớ thương giờ trở nên quá lạ lùng.

Sau một tuần đoàn diễn ở Châu Đốc thì bỗng một hôm tôi thấy không khí có vẻ căng thẳng, nhốn nháo hơn mọi ngày. Tôi không hiểu lúc ấy tình hình chiến sự như thế nào, nhưng giữa suất hát bỗng nghe xa xa có tiếng súng nổ.

Ban đầu còn rời rạc nhưng càng lúc càng dữ dội. Một lát sau, đoàn hát được lịnh phải đóng cửa rạp lại để giữ khán giả khỏi ra ngoài, tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

Để mọi người không hoảng loạn, đêm diễn vẫn cứ tiếp tục. Tiếng súng từ xa vẫn ầm ĩ nổ, mỗi lúc một gần hơn, các diễn viên trong đoàn cũng cố hát to hơn, hay hơn để khán giả không để ý đến tình hình đang diễn ra bên ngoài.

Cuối cùng vở hát vẫn phải đến hồi chấm dứt nhưng súng thì vẫn còn tiếp tục nổ rền ngoài xa. Khán giả không thể ngồi mãi trong rạp được. Sự hỗn loạn chắc chắn sẽ xảy ra và kéo theo những đáng tiếc không thể lường trước.

Má tôi suy nghĩ một lúc rồi quyết định cho diễn viên lần lượt ra sân khấu, người hát vọng cổ, người ca tân nhạc, người diễn tấu hài để kéo sự chú ý của khán giả chờ cho tiếng súng kết thúc.

Các cô chú trong đoàn lần lượt ra sân khấu cho tới khi không còn ai có thể hát được nữa. Trong khi đó tình hình vẫn chưa được ổn định. Má nhìn tôi lo lắng.

Rồi má hỏi: “Con biết hát bài nào không?”. “Dạ con biết hát bài Nụ cười sơn cước.” Má ngập ngừng vài giây rồi cuối cùng quyết định: “Kim Cương ra đi con!”.

Sau hơn 10 năm xa sân khấu với nỗi nhớ dai dẳng ám ảnh suốt thời đi học, tôi đã trở lại sân khấu trong cái nhốn nháo của chiến tranh như thế đó. Lúc đó tôi nào hiểu mình đang vô tình bước chân vào một con đường mà nhiều năm nay má và má Năm đã cố tình đẩy tôi ra.

Tôi chỉ biết khán giả cần được thu hút, tiếng hát cần được cất lên. Phải là những lời ca hấp dẫn lôi cuốn. Vậy là tôi hát say sưa.

Có lẽ mọi người bị thu hút vì tự nhiên giữa những nghệ sĩ chuyên nghiệp son phấn lượt là lại xuất hiện một con nhỏ mặc cái đầm xanh đồng phục trường dòng.

Hình ảnh rất mới mẻ nên tạo một không khí bất ngờ đầy thú vị. Mọi người muốn tôi hát nhiều hơn, ở lại sân khấu lâu hơn. Tiếng yêu cầu cứ vang lên làm tôi phải hát liên tục ba bài.

Kỷ niệm đó diễn ra trong rạp Lạc Thanh ở Châu Đốc. Châu Đốc - một thị trấn biên giới nhỏ nhắn - đã gắn với hành trình tôi như vậy. Nơi bắt đầu nghiệp cầm ca một cách bất đắc dĩ, nơi đưa tôi về cái nôi mà cũng là về với bản chất của chính mình. Tôi sau này được ngang dọc thế nào, được thỏa thuê tung hoành ý tưởng ra sao đều nhờ cái đêm định mệnh đó.

Nếu không có đêm hát đó, có lẽ má sẽ không tạo điều kiện cho tôi trở lại với sân khấu và cũng không nhìn thấy được cái duyên sân khấu của tôi để rồi dắt tôi theo. Nếu không làm một nghệ sĩ, không băng mình qua những kịch bản, lăn lộn với những vai diễn, cái tâm tình nhạy cảm và nhiều mâu thuẫn của tôi chắc khó bề có chỗ dung chứa. Châu Đốc khơi trong tôi mối duyên truyền kiếp với sân khấu.

Ba mươi năm sau, chính Châu Đốc là nơi kết thúc chuyện tình cuối cùng của tôi, chuyện tình yêu tươi đẹp làm tôi hạnh phúc nhất, hi vọng nhất và đau đớn nhất.

Trừ Phan Thiết, nơi ba tôi trút hơi thở cuối cùng, chưa có nơi nào để lại dấu ấn với tôi nhiều bằng Châu Đốc. Cái xứ sở đó với tôi mang một duyên phận lạ kỳ. Và tôi đã nhập cuộc một cách dễ dàng như là sinh ra đã thế.

Kim Cương năm 19 tuổi - Ảnh tư liệu gia đình

Bước qua lời nguyền

Tôi tiếp tục ở lại đoàn hát với má cho đến hết mùa hè như bao nhiêu kỳ nghỉ hè của những đứa học trò khác. Đúng lúc đó, đoàn của má cũng tới chu kỳ trở về thành phố biểu diễn.

Theo lệ của những đoàn hát, khi có vở hay thường diễn ở thành phố trước. Diễn hết các rạp ở Sài Gòn rồi sẽ đem vở đi lưu diễn khắp các tỉnh. Khi diễn xong ở các tỉnh, đoàn hát phải về thành phố dựng vở mới. Khán giả Sài Gòn rất sành điệu và khó tính.

Mỗi lần về phải có vở tuồng độc đáo, phải có khám phá đặc sắc mới mẻ nào đó ra mắt thì đoàn hát mới giữ được tên tuổi của mình. Tất cả các đoàn hát đều phải như thế và cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Má tôi đang muốn tìm một nhân tố mới cho những vai tuồng lạ. Đào hát thì nhiều nhưng tìm một người nổi bật để tạo đột phá thì không bao giờ dễ kiếm. Lần này, nhìn thấy tôi trên sân khấu với một sức sống tươi tắn, hồn nhiên, được khán giả chào đón nồng nhiệt, má dường như quên bẵng đi những phũ phàng mà nghề hát đem đến, không còn quan tâm những hoạch định tương lai như một lời nguyền tôi phải thoát nghề hát.

Má nghĩ nên khai thác gì đó ở cái nét hồn nhiên non trẻ của tôi. Vậy là má bàn với soạn giả Duy Lân viết riêng cho tôi một vở. Không lâu sau, soạn giả Duy Lân cho ra đời vở Giai nhân và ác quỷ, được đo ni đóng giày riêng cho tôi.

Tuồng hát phù hợp với lứa tuổi và tâm hồn của một cô gái mới lớn. Cô thương cha và muốn cứu cha. Nhân vật cô gái nhỏ bé nhưng tấm lòng lại thật lớn lao. Cô đã hi sinh tất cả mơ ước hạnh phúc tương lai để cứu cha, kế đó là để cứu một người có hình hài ác quỷ.

Tôi thích những người tốt được phước báo, thích những người lương thiện được cuộc sống an lành. Chính vì vậy tôi thích câu chuyện trong Giai nhân và ác quỷ.

Tôi đã hát bằng tâm trạng của một cô gái ngây thơ trong trắng, giàu yêu thương. Sự đồng cảm với tâm hồn nhân vật cô gái cùng năng khiếu con nhà nòi, cộng với tính ham học ham diễn đã chắp cánh cho tôi bay bổng trong vai tuồng của mình.

Tôi diễn trong trạng thái thăng hoa hồn nhiên mà không hề nghĩ vở diễn sẽ đưa tôi lên vị trí ngôi sao.
Ngay lập tức vai diễn của tôi nổi đình nổi đám trong giới cải lương. Tôi mang đến cho cải lương một không khí mới vô cùng sinh động. Không phải bằng những vai trẻ con nhí nhảnh thời Na Tra lóc thịt mà lúc này tôi chính thức trở thành đào thương son phấn lượt là, chính thức bước vào nghiệp cầm ca bằng hình ảnh một giai nhân.

Báo chí hoan nghênh tôi hết lời, khen ngợi tôi như một hiện tượng. Họ nhìn thấy tôi có một tương lai sáng rực trong sự nghiệp cải lương, có mấy ai được như tôi thành danh ở tuổi 19 với một bản lĩnh diễn xuất vững vàng.

Trên tờ báo Tiếng Dội, ký giả Nguyễn Ang Ca ưu ái đặt cho tôi biệt danh “kỳ nữ”, ý muốn ám chỉ là một thiếu nữ có tài năng kỳ lạ. Cái tên tôi dường như không thể thiếu trong đoàn hát của má. Vậy là tôi ở lại với đoàn hát, từ giã các xơ thân yêu, bỏ lại ngày khai giảng tôi hằng dự định suốt những ngày hè.

Đi một quãng đời thật xa, ngồi nhìn lại tôi chợt thấy cuộc đời tôi sao luôn có những khúc ngoặt định mệnh quá ngỡ ngàng. Trừ thoại kịch, môn nghệ thuật tôi phải vượt đủ thứ để theo thì mọi thứ đến với tôi ngoài tầm kiểm soát.

Lúc nhỏ đang tung tăng với đoàn hát tưởng đâu mãi mãi mình lang thang như gió như mây, thì đùng một cái bị đưa vào nhà dòng, vào với những khuôn khổ nghiêm ngặt tưởng như ngột ngạt, sắp chết cứng tới nơi.

Rồi khi đã quen môi trường nhà dòng với quá nhiều giáo lý đạo nghĩa cuộc đời, quá nhiều những chân lý sâu xa của nhân loại, quen với tiếng chuông ngân mỗi sáng, với một cuộc sống êm đềm, tôi lại nhảy phóc một cái trở về sân khấu đầy sóng gió với những cuộc cạnh tranh.


No comments:

Post a Comment