Friday, March 31, 2017

Đôi Khi, Tôi Vu Vơ Tự Hỏi: Tôi Là Ai? – Jeffrey Thai


Nói ra nghe có vẻ lạ:  Tôi không phải người Việt.  Không phải từ cái họ đến nhân dáng.  Điều đó cũng hợp lý thôi vì tôi vốn không có giọt máu Việt nào trong người.  Tôi chỉ là một người vô tình được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Việt, và do một định mệnh kỳ bí nào đấy, cảm thấy gắn bó và yêu thương mảnh đất ấy một cách thật lòng. 


Nói là định mệnh là vì có đôi điều lạ lắm.  Theo truyền thống gia đình, ai trong con cái học hết bậc Tiểu học trường Việt đều phải chuyển sang trường Tàu tư nhân để được tiếp tục giáo dục theo truyền thống tổ tiên.  Chỉ riêng mình tôi thôi.  Không ai nỡ bắt tôi rời trường Việt để sang trường Tàu, vì ở đấy tôi thuộc loại “văn hay, chữ tốt” và những người giảng dạy ở đấy nói rằng, nếu theo đuổi nền giáo dục Việt, tôi sẽ có một tương lai rất xán lạn đón chờ.    

Cái tương lai xán lạn ấy đã chẳng bao giờ đến.  Không nói là vì sao, thì chắc mọi người cũng có thể đoán được.  Sau những năm tháng tuy không dài nhưng đầy chán ngán và mệt mỏi trên bục giảng Việt xác xơ và nghèo đói, tôi trở thành kẻ lưu vong lênh đênh trên biển và rồi lưu lạc đến đây, đến đất nước Mỹ này - một quốc gia hợp chủng của hầu hết mọi chủng tộc trên thế giới. 

Hơn hơn thập kỷ sống lưu vong, không ít lần tôi vu vơ tự hỏi:  Tôi là ai?
 
Tôi sống ở nơi này, bao quanh luôn là nhiều màu da sắc tộc.  Tôi không gặp người Việt thường xuyên lắm (phải nói là rất họa hoằn, hiếm khi).  Mà nếu có gặp, và nếu tôi không nhìn vào mắt họ, thì cũng chẳng ai nghĩ tôi là người Việt bao giờ.  Mà nếu có nhận ra nhau đi rồi thì dường như một khoảng cách vô hình nào đó luôn hiện hữu giữa họ và tôi.  Một ít có lẽ do ở ngoại hình. Phần nhiều có lẽ do ở suy nghĩ:  Tôi không suy nghĩ và hành xử theo lề thói của đa số người Việt nơi này. 

Mấy tháng qua, tôi có ghé thường xuyên một quán Buffet của người Tàu ở gần khu vực tham quan núi đá vào mỗi dịp cuối tuần.  Sau những lần tôi “tip” tiền hào phóng, cô phục vụ bàn người Tàu còn rất trẻ và khá xinh đẹp đến gợi chuyện với tôi, có lẽ như là một cách cảm ơn tinh tế.  Cô bắt đầu bằng câu hỏi quen thuộc giữa những người (nghĩ rằng họ) khác chủng trên đất nước này:  “Where are you from” (Ông từ đâu đến đấy?).

Dường như tôi chưa bao giờ ngại ngần để nói ngay rằng tôi đến từ Việt Nam, dù tôi biết rằng trong mắt người đối diện có thể hai từ ấy chẳng có gì đáng để tự hào.  Đôi khi, trong đôi ba trường hợp gần gũi (như trong trường hợp này đây), tôi có giải thích thêm rằng tuy tôi sinh ra và lớn lên ở VN, nhưng tôi không hẳn hoàn toàn là người Việt.  Cô ta tỏ vẻ rất ngạc nhiên và bảo rằng cô ta cứ tưởng tôi là người Hàn. 

Người Hàn!  Lại là người Hàn!  Không hiểu sao người Á Châu cứ luôn nghĩ tôi là người Hàn (kể cả người Việt), dù rằng tôi không hề sở hữu đôi mắt một mí đặc trưng của họ.   Tôi còn nhớ cách đây cũng đã nhiều năm, cái ngày đầu tiên tôi xuất hiện ở một hãng xưởng có khá nhiều người Á Châu và người Việt, tôi hơi bất ngờ khi nghe tiếng những người Việt xầm xì với nhau rằng, dường như có một ông người Hàn nào đó mới vào trong hãng. 

Người Hàn!  Lại là người Hàn!  Kỳ lạ nhỉ!  Tại sao lại là người Hàn?  Đó là một dân tộc và một nền văn hóa mà tôi cảm thấy khá nhiều xa lạ, dù rằng tôi đã xem không ít những phim bộ cổ trang đầy hứng thú của họ. 

Sau những năm tháng dài lưu vong, tôi cũng nhận ra một điều rất rõ là việc xa cách gia đình và dòng họ quá lâu đã khiến cho ấn tích của một gốc gác Trung Hoa nào đó vốn khắc sâu trong tôi thuở còn bé, giờ đã phai mờ dần theo thời gian.  Đó có lẽ là một lý do nữa trong nhiều những lý do đã khiến cho tôi sống ở đất nước này – vốn luôn bao quanh bởi nhiều màu da sắc tộc – đôi khi cứ vu vơ tự hỏi: Tôi là ai?

Có lẽ tôi sẽ thỉnh thoảng tự hỏi mình hoài câu hỏi đó, nếu không có một ngày kia, thông qua tin tức báo chí trên mạng, tôi bỗng cảm nhận một điều rất đỗi kinh hoàng rằng, cái mảnh đất hình chữ S mà tôi luôn cảm thấy gắn bó và yêu thương một cách thật lòng ấy đang từng ngày bị nuốt gọn bởi “anh bạn láng giềng” phương Bắc, và hơn 90 triệu đồng bào đang hiện diện trên mảnh đất ấy có thể rồi sẽ phải sống hàng ngàn năm trong cảnh  tối tăm. Mối nguy cơ ấy đã xuất hiện từ lâu và ngày càng rõ nét hơn bao giờ hết.  Thậm chí, đến giờ đã không thể gọi nó là nguy cơ nữa, mà nó đã trở thành một thực tế tang thương. 

Cũng từ đấy, tôi đã cảm nhận được trong lòng mình một nỗi đau dài lâu và âm ĩ; nỗi đau ấy cứ lớn dần theo mỗi ngày qua, trên sự vô cảm và thờ ơ của những con người trong cuộc.  Nhưng có lẽ chính nhờ nỗi đau ấy, mà từ nay về sau, tôi sẽ không còn đôi khi vu vơ tự hỏi mình nữa:  Tôi là ai?

31/03/2017
Jeffrey Thai



No comments:

Post a Comment