Thursday, May 25, 2017

Sau 7.000 Dặm Đường Xa - Jeffrey Thai




Phần I:  Đi Như Một Sự Thôi Thúc Dài Lâu

Tôi vừa trở về từ sau một chuyến đi dài, rất dài.  Đó là chuyến đi của 16 ngày và 15 đêm rong ruỗi miệt mài không ngưng nghỉ trên những chặng đường gió bụi.  Đó là chuyến đi độc hành trên 7.000 dặm đường xa, mà mỗi dặm đường gói ghém trong nó những cung bậc cảm xúc khác nhau của người lữ khách đường trường.  Tôi vẫn cho rằng đó là chuyến đi mà mỗi con người chỉ có thể thực hiện được một lần duy nhất thôi trong cuộc đời mình.  Không phải chỉ vì nó quá dài, quá xa, mà còn vì nó rất đỗi... cô đơn, và kể cả nguy hiểm nữa.  Nếu không thực lòng đam mê, không ai tự nguyện thực hiện một cuộc phiêu lưu kỳ bí (mà có đôi khi mình không trở về nữa) như thế trong cuộc đời mình.


Từ bấy lâu nay, chuyến đi này hiện hữu trong tâm trí tôi như là một món nợ mà mình phải trả cho cuộc đời này.  Tôi phải trả món nợ ấy là vì đó là cách duy nhất mà tôi có thể tìm thấy được chút ý nghĩa đích thực khả dĩ nào đó cho đời sống mình. Tôi phải trả món nợ ấy là vì chủ nợ tuy không lên tiếng gắt gao để đòi, vẫn âm thầm thúc giục một sự hoàn trả sòng phẳng trước khi tôi nhắm mắt lìa đời.  Trong tôi, đi như là một sự thôi thúc dài lâu - sự thôi thúc của những đam mê mãnh liệt chìm sâu.  Trong tôi, đi như là một sự khai phóng - khai phóng khỏi những cũ kỹ, nhàm chán và tù đày.  Trong tôi, đi như là một cách để tìm lại chính mình, tìm lại cái bản ngã chân chính mà mình đã để lạc mất đâu đó giữa dòng đời xuôi ngược.

Còn nhớ vào những năm cuối cấp phổ thông, mỗi buổi chiều tôi thường đạp xe trên những con đường đê về hướng phố huyện, hay có đôi khi đạp về hướng những làng xóm vùng sâu thật đìu hiu, hoang vắng. Thường thì, tôi bắt đầu quay về khi mặt trời sắp lặn ở đằng xa, và bóng đêm sắp buông xuống bao trùm không gian. Bao giờ cũng vậy, ở những phút giây phải quay về ấy, trong tôi luôn trào dâng một nỗi luyến tiếc khôn nguôi. Tôi thật lòng muốn đi tiếp nữa về hướng phố huyện kia, nơi có những ánh đèn thật sáng rất quyến rũ và gợi mời làm sao; đêm nơi ấy chắc hẳn thật đông và thật vui. Tôi thật lòng muốn đi tiếp nữa về hướng không gian thật vắng lặng và hoang vu trước mặt; đêm nơi ấy chắc hẳn hoang tịch lắm và vì thế, chắc hẳn con người rất cần nhau, tình người chắc hẳn rất ấm áp vô cùng.

Có một đoạn trích này từ trong một quyển tiểu thuyết xuất bản trước năm 1975 mà tôi đã có dịp chép để lưu lại ở một ngày rất xưa.  Tôi còn nhớ tôi đặt tên cho đoạn trích ấy là Đi Tìm Vốn Sống.  Trong đoạn trích ấy, chàng nhân vật chính sau một biến cố đời sống đã quyết định bỏ đi phiêu lãng và vào một đêm nọ, chàng tình cờ ghé tạt vào một gánh hàng rong và có một cuộc chuyện trò nho nhỏ với chị bán hàng rong ấy.  Tôi không còn nhớ rõ họ nói gì với nhau, tôi chỉ nhớ rằng sau cuộc gặp gỡ tưởng chừng nhỏ bé và vô nghĩa ấy, chàng trai bỗng ngộ ra một chút vốn sống nào đó vừa được bồi thêm vào gói hành trang cuộc sống của mình.  Đoạn trích đơn giản thế thôi mà ở lại trong tâm trí tôi dài lâu; tôi biết, con người có khi cần đi, cần trải nghiệm để có thêm vốn sống cho đời.

Thực ra, chuyến đi này của tôi không hẳn mang ý nghĩa đi tìm vốn sống như thế cho dù có nghĩ như thế đi nữa thì có lẽ cũng chẳng có gì sai. Đúng hơn, tôi cho rằng đó là một cuộc hành trình đi tìm lại chính mình, tìm lại những cảm xúc tinh khôi và nhân bản đã bị thui chột theo dòng đời năm tháng, đã bị mài mòn trong những cuộc tương tác lạnh lùng và trơ tráo với con người thời hiện đại. Con người ấy, con người cũ ấy, con người với đầy những cảm xúc dâng trào ấy trong tôi, đã từ lâu nằm trên giường bệnh, cất lên những tiếng hấp hối não lòng về một cái chết thật âm thầm và lặng lẽ. Ở phương diện ấy, cuộc hành trình tôi đi mang dáng nét của một phương án cứu rỗi sau cùng.


Phần II:  Chiều Barstow:  Dừng Chân Nghe Sương Gió Nặng Trên Đôi Vai


Tôi sẽ không bao giờ quên buổi chiều ấy, buổi chiều ở Barstow.   Đó là buổi chiều mà lần đầu tiên trong đời mình, tôi cảm nhận được cái cảm giác "một đời phiêu lãng...  dừng chân nghe sương gió nặng trên đôi vai".

Thực ra, Barstow chỉ là một thị trấn nhỏ nằm ở ven đường.  Nó nằm ven xa lộ nối liền hai thành phố lớn là Las Vegas và Los Angeles.  Từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ dừng chân qua đêm ở một thị trấn nhỏ bé bao giờ; tôi sợ cái vắng lặng và tịch liêu của nó, tôi cũng ngại những quán trọ không được tiện nghi.  Thế mà, tôi đã ghé đến và dừng chân ở Barstow, và tình cờ cảm nhận được ở nơi đây một buổi chiều thật bình yên và ý nghĩa đủ đầy cho một người khách phương xa đã quá mệt mỏi với bụi đường.

Tôi đến Barstow sau khi từ giã thành phố San Francisco với nhiều những bất trắc và lo âu.  Không chỉ San Francisco mà cả Los Angeles cũng thế, chúng đều là những thành phố không an toàn với bao bất trắc chực chờ.  Chiều tôi đến hai thành phố, trời giá buốt lạnh căm làm cơ thể cảm thấy rã rời.  Âm thanh đầu tiên tôi nghe ở Los Angeles là tiếng còi xe cấp cứu vang rền làm mình cảm thấy một sự đe dọa không tên.  Âm thanh đầu tiên tôi nghe khi thức dậy sau đêm đầu tiên ở thành phố ấy cũng vẫn chính là âm thanh đầy hoảng loạn ấy.  Và rồi cái âm thanh không mong đợi ấy cứ tiếp tục vang lên ở mọi chốn, mọi nơi.  Và rồi những kẻ lái xe điên cuồng không luật lệ hiện diện khắp nơi và bất thần xuất hiện bất kỳ lúc nào làm việc lái xe trên đường và xa lộ trở thành những nỗi sợ hãi mơ hồ.

Tôi đã rời San Francisco với một sự rã rời về cơ thể do cái cảm lạnh cuả thời tiết đột nhiên giá buốt.  Tôi đã rời San Francisco với một sự rã rời về tinh thần do phải thường xuyên đối phó với bao bất trắc cứ chực chờ xuất hiện ở bất cứ nơi đâu.  Chưa bao giờ tôi cảm nhận được sự bất ổn của tiểu bang Cali đến như thế này:  giao thông thật mạo hiểm và vật giá lại quá cao.  Quyết định để quay về một chút sớm hơn so với dự tính, trong trạng thái rã rời ấy, tôi đã phải chọn phương án quay trở về bằng lối nào an toàn nhất thông qua những con đường nhỏ.   Sau một ngày len lỏi qua những con đường nhỏ, trước khi đến được Barstow, một kẻ lái xe tải mạo hiểm trên xa lộ Cali lại đủ kịp thời gian để để lại cho tôi một cảm giác kinh hoàng nữa trước khi thoát ra khỏi được địa phận của tiểu bang này.

Đến với thị trấn Barstow thông qua những con đường ngoằn ngoèo, hai bên đường mênh mông và hoang vắng, tôi ngỡ ngàng nhận ra đây chính là một buổi chiều mà từ lâu tôi kiếm tìm.  Đó là buổi chiều bình an dành cho của một kẻ đường xa, đã mệt nhoài sau những phong trần trên dặm đường sương gió.  Đó là một buổi chiều mà người lữ khách đường xa dừng chân nơi một quán vắng bên đường và cảm nhận hết được nỗi nhọc nhằn trên đôi vai, trong lòng mình.  Ở đây, trong chiều Barstow này, tôi thực sự sống với tâm thái của gã lữ hành trong nhạc phẩm Yêu Thầm của nhạc sĩ Lam Phương.

Thị trấn này bình yên đến nỗi ông chủ của khách sạn tiếp đón tôi như một người thân đã quen biết từ lâu.  Ông ta giới thiệu mình đến từ Nam Mỹ và đã xây dựng được cơ ngơi khách sạn này như thế nào.  Ông còn nhiệt thành kể cho tôi nghe về dự án sửa chữa mà ông ta đang thực hiện để cải tiến khách sạn, và rồi ông dẫn tôi đi xem những nơi mà ông đang cho sửa chữa còn dang dở.  Đón đêm bình yên ở Barstow, tôi nhớ lại cảm giác ngày xưa vì sao mình rất thích đi vào những vùng rất hoang liêu và cô tịch.  Một lần nữa, tôi hiểu rất rõ vì sao.  Vì nơi ấy có điều mà tôi luôn mong chờ:  một thứ tình người thân ái và ấm áp, không ngăn cách.

Đêm Barstow qua đi trong tất cả những sự yên bình và lắng đọng mà một thị trấn có thể có được trên đất Mỹ này.

Phần III:  Mưa Chiều Oklahoma:  Mưa Thương Ai, Mưa Nhớ Ai!


Chiều tôi đến thành phố Oklahoma, mưa rơi suốt một chặng đường dài.  Trời âm u với toàn những áng mây xám làm không gian nhuốm buồn man dại.   Có một điều gì đó khuấy động dữ dội trong tâm hồn tôi chiều nay - một sự khuấy động dữ dội mà đã từ lâu rồi tâm hồn tôi thiếu vắng.  Hình như có một nỗi nhớ nào đấy chợt dâng tràn lên mãnh liệt.  Hình như có một nỗi luyến tiếc nào đấy chợt dâng tràn lên thật mơ hồ.  Hình như có một nỗi xót xa nào đấy đang âm thầm nức nở theo tiếng mưa rơi.

Tôi biết tất cả sự khuấy động ấy bắt đầu từ lúc tôi bất ngờ nhìn thấy cuộn khói xám thật lớn bốc lên từ trên một cánh đồng mênh mông, lúc tôi vừa rời địa phận của tiểu bang New Mexico và đi vào địa phận của tiểu bang Texas.  Ôi! hình ảnh ấy thật quen thuộc quá:  khói chiều quê mẹ đây mà.  Hình ảnh đơn giản thế thôi mà sao làm buốt giá lòng tôi và một nỗi đau mơ hồ nào đó chợt dâng trào.  Phải, đã lâu lắm, đã thật lâu lắm tôi không còn được nhìn thấy cảnh tượng thân quen ấy từ trong thời niên thiếu.  Phải, đã lâu lắm, đã thật lâu lắm, đã gần hai thập kỷ trôi qua, tôi chưa một lần về thăm lại phố huyện quê nhà.  Nỗi nhớ chợt dâng trào thật mãnh liệt đến mức tưởng chừng như không chịu đựng nổi.

Tôi đã sống qua chiều mưa trên xa lộ của tiểu bang Oklahoma với một tâm trạng nhớ nhung đầy hoài cổ và xót xa như thế.  Nhìn mưa rơi, nhìn trời chiều u ám, nhìn mây xám giăng đầy, ôi sao tôi nhớ những chiều mưa xưa tôi đã sống ở quê nhà đến thế, nhất là những chiều mưa tôi ngồi trên những chuyến xe đò đi về những nơi xa.  Và rồi những chiều mưa trên những con đường sình lầy mà tôi đã đi cũng trở về trong tâm trí với một dáng nét thật gần.  Gần đấy thôi mà chẳng thể với tới được.  Gần đấy thôi mà đã xa lấp, khuất chìm rồi với dòng thời gian.

Trong chiều mưa hôm nay trên xa lộ Oklahoma, tôi cảm nhận thêm lần nữa điều này:  cái hạnh phúc không tên rất đỗi bình dị và êm ả của những chiều mưa mà tôi đã sống ở quê nhà tưởng bình dị thế thôi, mà sao dường như có một điều gì đó rất đỗi thiêng liêng.  Xa đấy, xa thật lâu rồi, nhưng không quên đâu, chỉ tạm ngủ yên thôi.  Để khi nó sống dậy, nó sống thật thiết tha, và khi nó phải đối diện với hiện thực vong quốc hôm nay, tôi đã phải cố hết sức để kiềm chế một sự vỡ òa uất nghẹn của một nỗi đau quá to lớn và quá xót xa.

Quãng đường từ chỗ đậu xe đến khách sạn vô tình thật xa, vì những chỗ gần đã hầu như bị chiếm hết.  Tôi dầm mình đi trong mưa và cảm nhận một sự khác lạ thật thân quen.  Dường như đã gần nửa thế kỷ trôi qua hay thậm chí lâu hơn thế nữa, tôi không có dịp nào để đi trong mưa như thế này.  Như tôi đã rất thường đi như thế vào những ngày xưa tôi còn sống ở quê nhà.

Phần IV:  Xa Lộ 22:  Trong Bóng Đêm Miên Viễn


Tôi từ giã thành phố Oklahoma với một bầu trời thật u ám và những đám mây xám mang hình nỗi nhớ.  Khác với phía Tây của nước Mỹ với thật nhiều đồi núi, càng đi về phía Đông, về phía Atlanta, núi trọc càng trở nên ít đi, cây xanh nhiều hơn, và khi băng qua địa phận của tiểu bang Arkansas, có những đoạn đường mà hai bên toàn là những cánh đồng lúa mênh mông giống hệt như cảnh vật của Việt Nam.

Có lẽ vì cảnh vật giống nhau đến thế nên tôi lại có thêm một ngày nữa sống trong tâm trạng hoài hương vô cùng mãnh liệt.  Đã lâu, đã lâu lắm rồi tôi mới lại có dịp để sống với tâm thế của một người con đất Việt và tôi nhận ra rằng, dẫu đã xa lâu rồi, dẫu đã cố quên, nỗi nhớ quê hương vẫn luôn âm thầm da diết trong con người mình; nó chỉ chực chờ cơ hội để sống lại mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Thực ra, đoạn đường 850 miles từ thành phố Oklahoma City về đến Atlanta là một đoạn đường quá dài cho một ngày đường; vì thế, tôi đã có đặt khách sạn ở thành phố Forrest City ở ngay giữa đoạn đường và dự định sẽ nghỉ một đêm nữa ở đó.  Thế nhưng, khi ghé qua khách sạn ấy vào khoảng 7 giờ tối, nhìn thấy ngoài trời còn sáng, một sự thôi thúc nào đấy thật mãnh liệt khiến tôi quyết định quay trở lại ra xe để tiếp tục cuộc hành trình dù biết rằng đó là một điều khá mạo hiểm:  chỉ còn khoảng hơn một tiếng nữa thôi là trời sẽ tối và đoạn đường trước mắt còn hơn 400 miles nữa, tức là mất khoảng sáu giờ lái xe nữa.

Tôi không cưỡng lại được mình.  Tôi biết tôi không thể trở vào khách sạn để lặp lại cái điệp khúc quen thuộc đã trở nên nhàm chán.   Có một sự háo hức dâng trào, có một niềm vui âm thầm, có một chút lo âu, có một chút thử thách. Tôi biết tôi yêu thích sự háo hức cùng niềm lo âu thử thách đó.  Bằng việc tiếp tục cuộc hành trình, tôi biết tôi lại có thêm được ít thời gian nữa để sống trong cơn mộng du hoài niệm mà đã thật lâu rồi tôi không có được.  Hoàng hôn dần buông xuống, tôi tiếp tục lái xe về với tâm thế của một con người dĩ vãng đang sống những chiều hoàng hôn nơi quê nhà.

Hơn ba giờ lái xe trong bóng tối trên xa lộ 22 không quen thuộc băng qua địa phận của tiểu bang Tennessee, Mississippi và Alabama có thể xem là một cơn mộng du mà tôi sẽ không bao giờ quên.  Tôi biết tôi không đang lái xe bằng con người hiện tại của mình.  Tôi biết tôi đang là một con người của dĩ vãng, và để được sống lại, dẫu chỉ ít phút giây thôi ảo hình trong quá khứ, thì bóng tối này có ý nghĩa gì đâu.  Tôi thấy mình háo hức và có một chút hạnh phúc nào đó cứ bãng lãng mơ hồ trong bóng đêm hoài niệm mà tôi đang lái xe lướt qua.

Tối!  Tối quá!  Đoạn đường bị bóng cây hai bên đường bao phủ nên bị phủ trùm bởi một màn đêm dày đặc.  Đường lại dốc cao, dốc thấp nên không thấy được phía trước là gì.  Tôi âm thầm đi trong đêm và lần đầu tiên, thấy mình mong mỏi thiết tha một ngọn đèn xe.  Phải!  Chỉ cần một ngọn đèn xe là đủ an toàn rồi, giống như là có người dẫn đường phía trước, mình không sợ phải lao xuống vực sâu nào.  Tôi miệt mài bám theo bất cứ ánh sáng nào xuất hiện trong đêm và trong bóng đêm mù mịt, tôi thấy mình thật phiêu lưu và mạo hiểm biết bao nhiêu, tôi thấy mình không biết lo sợ là gì.  Dường như có một sự che chở nào đó luôn bao quanh tôi.  Tôi cảm nhận rất rõ điều đó mỗi lần tôi phiêu lưu sinh mạng mình trên những xa lộ không quen.

Ba giờ đồng hồ trong bóng đêm miên viễn trên xa lộ 22 xa lạ rồi cũng trôi qua.  Ánh sáng thành phố Birmingham của tiểu bang Alabama bắt đầu xuất hiện trước mặt tôi như ánh sáng của thiên đường cứu rỗi.  Thôi, thế là an toàn rồi.  Thế là, tôi đã đến được xa lộ 20 quen thuộc để về đến Atlanta trong khoảng hai giờ nữa.

Nhìn lại bóng đêm phía sau lưng, tôi thấy mình vừa sống qua những phút giây không thể quên, và dường như đó là một con người hoàn toàn khác hẳn, không hề biết run sợ là gì.

25/05/2017
Jeffrey Thai


No comments:

Post a Comment