Tôi nhận thấy rằng nói chuyện với người Việt chưa hề bao giờ là một điều dễ dàng. Điều nghịch lý là, trong khi việc nói chuyện với những người khác chủng tộc và do đó, khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa, diễn ra khá suôn sẻ; thì việc nói chuyện với người Việt, nói chung, lại gặp rất nhiều cản trở, dẫu rằng, cả hai bên đang cùng sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ. Lý do của vấn đề đó, tôi cho là vì: Người Việt không biết nói chuyện.
Khi học năm thứ ba ở một trường đại học bên Mỹ về Thương Mại, tôi có hơi ngạc nhiên khi trong chương trình học có một môn học có tên là Communication (có nghĩa là Đối Thoại, hay nói nôm na là cách nói chuyện). Lúc ấy, tôi nghĩ: Đến việc nói chuyện mà cũng trở thành một môn học à? Sau này, khi có dịp tương tác với người Việt và có dịp nhìn thấy cách người Việt tương tác với nhau trên mạng xã hội, tôi mới nhận thấy tầm quan trọng của nó, và nhận ra rằng tại sao lại khó nói chuyện với người Việt đến vậy, và người Việt, nói chung, lại khó nói chuyện với nhau đến như vậy.
Nói về chuyện ăn nói, ông bà mình có dạy: "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Việc nói, cũng như việc ăn, là những điều cơ bản nhất trong việc giáo dục nên một con người. Ngày xưa, có vẻ như ông bà tổ tiên mình đặt nặng vấn đề dạy dỗ con cháu việc ăn nói này lắm, nên người xưa nói chuyện với nhau dễ dàng hơn. Trọng tâm cơ bản nhất của việc ăn nói mà ông bà mình dạy là sự tương kính, nghĩa là sự tôn trọng lẫn nhau. Liên quan đến sự tương kính đó, ông bà còn dạy thêm rằng để vợ chồng ăn ở dài lâu với nhau cần phải "tương kính như tân", nghĩa là lúc nào cũng phải tôn trọng nhau như thuở ban đầu.
Trong chương trình giáo dục ở bậc Trung Học trước năm 1975, ở bộ môn Văn, có một phụ môn có tên gọi là Thuyết Trình - một phụ môn nhằm mục đích dạy cho học sinh cách nói chuyện trước đám đông. Thuyết trình ở đây thường là thuyết trình về một tác phẩm văn học hay một chủ đề nào đó. Trong buổi thuyết trình đó, các học sinh ngồi dưới có quyền tự do đặt câu hỏi cũng như phản biện lại những gì mà người học sinh thuyết trình hay nhóm thuyết trình nêu ra.
Sau năm 1975, có lẽ vì cuộc sống cơ cực và văn hóa suy đồi nên các bậc cha mẹ dường như chẳng còn quan tâm mấy đến việc dạy dỗ con cháu việc ăn, việc nói nữa. Sau năm 1975, trong nhà trường XHCN, việc ăn nói chẳng những không được dạy dỗ, mà còn bị khống chế hoàn toàn. Học sinh được uốn nắn để trở thành những con vẹt chỉ được quyền nói lại một cách vô thức những gì bị nhồi nhét.
So sánh một chút như thế về xã hội và giáo dục trước và sau năm 1975 thì có thể nhận ra ngay nguyên nhân lớn nhất vì sao người Việt hôm nay không biết nói chuyện: Ngay từ thuở nhỏ, họ đã không được dạy để nói chuyện, nhất là nói chuyện một cách đàng hoàng.
Yếu tố bao trùm khiến cho cuộc nói chuyện với người Việt không bao giờ xảy ra, hay xảy ra một cách khó khăn và thường là kết thúc ngắn ngủi một cách tức tưởi, như đã có đề cập ở trên, là sự vắng mặt của sự tôn trọng. Trong khi việc tôn trọng người khác là đòi hỏi gắt gao nhất trong các xã hội tân tiến, thì thực tế hôm nay cho thấy là người Việt hầu như không còn biết đến khái niệm tôn trọng là gì. Họ không được dạy và do đó, không nghĩ rằng sự tôn trọng người khác là cần thiết.
Chính từ sự không biết tôn trọng này đã dẫn đến những hệ lụy tất nhiên khác. Trong việc ăn nói, họ không biết giữ phép lịch sự là gì. Họ thường chỉ thích nói, chứ không thích nghe, và luôn cho mình là đúng. Nếu buộc phải nghe, họ chỉ muốn nghe những lời tán dương, ca tụng bản thân. Phản ứng thường thấy của một người Việt khi nghe những điều trái ý mình là tức giận, và liền sau đó là chửi bới, nhục mạ. Có lẽ chưa bao giờ văn hóa chửi bới của người Việt lại tràn lan và nở rộ như ngày hôm nay, với toàn những lời lẽ không tìm thấy trong từ điển.
Chỉ khi nào con người ta có được sự tôn trọng người khác ăn sâu trong tiềm thức mình làm nền tảng, thì khi đó, con người mới có thể nói chuyện được với nhau; và từ đó, trao đổi với nhau hay tranh luận phản biện với nhau, để rồi hiểu nhau hơn, thông cảm với nhau, làm việc được với nhau hay kết đoàn làm nên sự lớn.
Người Việt chẳng bao giờ thực sự nói chuyện được với nhau nên chẳng có gì lạ khi bao năm qua sự đoàn kết của dân tộc Việt vẫn mãi còn là một ảo vọng quá xa vời.
19/08/2017
Jeffrey Thai
No comments:
Post a Comment