Cười hay khóc, đều là những động thái sống. Vui hay buồn, đều là những trạng thái xúc cảm của con người. Dẫu cười hay khóc, đời rồi cũng qua đi. Dẫu vui hay buồn, lòng người vốn muôn đời là thế, sớm nắng chiều mưa.
**************************************************
Tôi chợt nhìn vào những gương mặt đang đùa vui. Họ nhởn nhơ quá. Họ đang tung tăng hưởng thụ cuộc sống. Trông họ vô tư như đang sống trong một cõi mơ nào đó - nơi mà không hề có bóng dáng của khổ đau. (Tôi đang không chỉ nghĩ đến những phận người hèn kém, mà sự tồn tại của họ không được ai, hay không nhiều người biết đến. Tôi đang còn nghĩ nhiều hơn đến những nhân vật, mà sức ảnh hưởng của họ có thể lan tỏa đến hằng hà sa số những con người khác).
Có thật là nơi ấy bình yên không? Có thật là nơi ấy êm đềm và hạnh phúc không? Đủ bình yên và êm đềm, để người ta có thể an nhiên sống trong cõi mộng của mình, mà lòng không hề có một chút áy náy, băn khoăn. Đủ bình yên và hạnh phúc, để người ta có thể ngày ngày ung dung ngồi nhâm nhi, thưởng thức những ly cà phê ngọt đắng để nhìn đời trôi đi; hay vây quanh hò hét, cùng chúc tụng nâng ly, bên những tiệc rượu sớm chiều vui như ngày trẩy hội.
Bình yên. Hạnh phúc. Đó là những mỹ từ thường gắn liền với một thiên đường nào đó. Điều đó khiến lòng tôi không khỏi có chút hiếu kỳ, quyết khám phá để tìm xem, thiên đường đó là thiên đường nào mà người ta ngợi ca đến vậy. Mỉa mai, chua xót và đau đớn thay, những gì tôi nhìn thấy, tôi nghe được, vượt quá ngưỡng chịu đựng đối với lòng trắc ẩn của một con người.
Ở thiên đường ấy, hàng năm, cứ đến hẹn lại lên, bên cạnh những cơn lũ thiên tai thường tình mà người dân miền Trung đã quá quen thuộc hàng trăm năm nay, lại có những con lũ cứ vô tư tràn về, dâng cao một cách bất ngờ và khó hiểu, cuốn phăng đi hàng chục, hàng trăm mạng người dân đen vô tội, nhấn chìm họ như nhấn chìm những sinh vật vô tri, trong sự bàng quang, thờ ơ của những kẻ (tự cho mình là) lãnh đạo, trong ánh nhìn hồn nhiên và mơ mộng của những kẻ (tự gọi mình là) đồng bào.
Chưa bao giờ thiên đường ấy lại có được một hình ảnh bao la và mênh mông như ngày hôm nay. Nước lũ ngập tràn phố thị. Nước ngập khắp nẻo đường đi. Trông cứ như một cơn đại hồng thủy. Kỳ lạ và tội nghiệp thay, những người dân đen lại nhân đó mà tranh thủ tận hưởng cái hạnh phúc đau thương, là được mặc sức bơi lội vẫy vùng giữa một cõi bao la sông nước, mà không ý thức được rằng, trong đó chứa đầy bao hiểm họa tiềm ẩn đối với mạng sống của chính mình.
Ở thiên đường ấy, có vô số những phận người khốn khó (không còn có thể đếm xuể nữa), đang chen chúc nhau từng centimet trên những chiếc giường bệnh chật hẹp, hay trên nền gạch lạnh tanh không lấy gì làm vệ sinh lắm, ở những bệnh viện ung bướu, để điều trị căn bệnh ung thư. Điều trị trong vô vọng. Không tiền đã đành. Lại còn thêm nạn thuốc giả. Làm sao có thể hết bệnh đây? Tuyệt vọng, buông tay, người ta rủ nhau mà chết, đông như rạ trên đồng sau ngày gặt hái. Họ chết mà không thực sự hiểu vì sao mình chết. Đành rằng họ thừa biết, họ ăn gì cũng có chất độc bên trong; nhưng cái sự chết của họ ở đây, họ thầm nhủ, có thể chỉ là do... số phận.
Mỗi ngày, có đến hàng trăm linh hồn oan khiên, cứ thế mà rủ nhau rời bỏ thể xác đọa đày, để được mặc sức lơ lửng nhẹ tênh giữa một cõi thiên đường. Bay lượn vòng quanh đây đó khắp mọi chốn mọi miền, những linh hồn đáng thương ấy, giờ mới hiểu rõ hơn bao giờ hết, rằng thiên đường ấy nào phải của mình đâu. Nó chỉ thuộc riêng về những quan to mặt lớn, vốn sở hữu những biệt phủ hoành tráng đến mức nếu lỡ bay vào đó, họ dễ chừng bị lạc mất lối phiêu linh.
Tôi đã nhìn thấy từ nhiều năm trước, cũng chính ở thiên đường đấy, hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam oằn mình cởi bỏ y phục trên cơ thể mình, ngang nhiên phơi bày lồ lộ sinh thực khí. Họ trần truồng trước những ánh mắt trần tục, dâm ô; tuyệt vọng mưu tìm một con đường sống, cho mình, và cho cả người thân. Có người phụ nữ không còn son trẻ trần truồng giữa trưa hè nóng cháy, liệng bỏ nốt chút nhân phẩm sau cùng, để cất lên tiếng phản kháng thét gào trước lũ cướp ngày, ngang nhiên chiếm đoạt mảnh đất của cha ông để lại.
Tiếng phản kháng ấy, tiếng thét gào ấy, ở những năm trước, tưởng chừng như chỉ là những thanh âm lẻ loi, đơn độc. Cứ tưởng thế, cứ tưởng chúng sẽ dần tắt lịm đi. Nhưng không ngờ, chúng ngày càng trỗi dậy nhiều hơn, cùng hòa giọng thành một bản đồng ca ai oán, bi thương đến mức có khả năng làm tan nát bất kỳ trái tim nào còn co bóp những nhịp đập tình người. Đi cùng những thanh âm uất nghẹn đó là hình ảnh thê lương, quằn quại của những người dân oan, trải dài từ Bắc chí Nam. Họ không ngừng lăn mình, van xin, quì lạy những kẻ cướp khát máu kia, với hy vọng trớ trêu rằng, chúng sẽ trả lại những gì đã cướp lại cho mình.
Chỉ phác thảo thế thôi về những người dân oan là chưa đủ để phác họa nên một hình ảnh sống động về cái thiên đường mà họ đang sống. Còn nữa. Trên đầu họ, trên đầu những người dân oan mạt vận ấy, người ta thấy lấp lánh những gót giầy thật đắt tiền của những "quan phụ chi mẫu". Nếu ở dưới chân, người ta thấy họ đang dùng hết sức mình để đè bẹp thêm nữa những xác thân sống không bằng chết, thì trái ngược hẳn, ở phần thân trên, người ta lại thấy họ vung tay thật thẳng với ngọn cờ đỏ tung bay, mặt rạng ngời khí phách, và mồm thì liên tục ca vang thành nhịp bài thơ Tổ Quốc Bao Giờ Đẹp Thế Này Chăng? của Chế Lan Viên.
Tổ quốc đẹp thế đó, nhưng họ không ở. Họ đã chuẩn bị sẵn sàng những giấy tờ cần thiết cho một chuyến xa chạy cao bay. Tổ quốc đẹp thế đó, nhưng họ cũng không cho con cái họ ở. Chúng đã được gửi đi du học tự bao giờ ở đất nước kẻ thù và tìm cách ở lại luôn đó. Cùng hợp xướng bài ca Tổ Quốc VN Bình Yên & Hạnh Phúc đó với họ, còn có cả một đội ngũ hùng hậu của những người ca hay, hát giỏi. Mà họ ca hay thật. Nghe họ ca, những thảm họa Formosa, cá chết, rừng chết, biển chết, người chết chỉ còn là những truyền thuyết xa vời, không bao giờ có thật. Mà họ ca hay cũng phải. Họ sống trong những biệt thự bề thế, đi máy bay như cơm bữa và có thể thoát khỏi "tổ quốc tươi đẹp" để định cư nước ngoài, bất kỳ khi nào họ muốn.
Rốt cuộc, sẽ còn ai ở lại với quê hương, với thiên đường? Câu hỏi nghe ra có phần xót xa quá. "Còn ai trồng khoai đất này". Câu nói dân giã thân quen tưởng như có phần thô thiển, bỗng trở thành câu trả lời chính xác hơn bao giờ. Họ. Vâng, chính họ - những người dân đen vô tội ấy, những người "tay làm hàm nhai", những người đang chờ đợi cái chết và đến khi chết, vẫn không hiểu rõ vì sao mình chết. Họ sẽ ở lại muôn đời với Formosa, với môi trường sống ô nhiễm nặng nề, với những thực phẩm độc hại chứa mầm ung thư, với vô vàn những thảm họa khác, và với... Bác và Đảng. Bác thì đã yên phận Bác rồi. Bác đã chết từ lâu, chỉ còn nằm meo mốc trêu đời. Đảng thì chưa bao giờ giàu như hôm nay. Chỉ tội họ thôi.
***********************************************************
Tôi chợt nhìn vào những gương mặt đang khóc. Họ đau đớn quá. Họ khóc những tiếng khóc dấm dẳng, nghẹn ngào. Trông họ cứ như đang cố hết sức để kìm nén một nỗi đau vô bờ nào đó cứ chực chờ để vỡ òa ra. Họ cố kìm nén cũng phải thôi. Họ ý thức được là họ đang khóc trên màn ảnh trực tuyến, trước mặt rất nhiều người đang nhìn vào mình. Đáng nói hơn, có những gã đàn ông không còn son trẻ, bỗng nhiên chợt bật khóc như ... trẻ thơ.
Tiếng khóc ấy, tiếng khóc của những gã đàn ông không còn son trẻ ấy, tiếng khóc của những gã đàn ông thô kệch hùm sói suốt đời không biết khóc là gì ấy, đã thực sự xoáy vào lòng tôi những cơn tê buốt lạnh người. Là đàn ông, tôi biết đàn ông không khóc bao giờ. Là đàn ông, tôi biết thà chết còn dễ dàng hơn là khóc nhiều lắm. Và vì thế, tôi biết, khi đàn ông khóc là nỗi đau đã quá lớn, và nỗi đau ấy không còn là nỗi đau của riêng ai.
Ở những tháng ngày cũ, tôi chưa bao giờ nghĩ về những giọt lệ. Có chăng thi thoảng, nghe vang vọng đó đây những giọt lệ tình nào đó rỉ rả rơi trong những bài nhạc diễm tình. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ nhiều về tiếng khóc, mặc định rằng tiếng khóc chỉ vang lên thê thiết trong những vở tuồng cải lương não nuột. Bây giờ, tôi bỗng nhiên thấy mình khác hẳn. Tôi thấy bất kỳ giọt lệ nào rơi ra từ bất kỳ đôi mắt của một con dân Việt nào cũng đều mang một nét đẹp tuyệt vời. Và tiếng khóc! Tiếng khóc của bất kỳ một công dân Việt nào hôm nay cũng đều mang trong nó sức mạnh cảm xúc của một cơn cuồng phong.
Những giọt lệ ấy, những tiếng khóc ấy, ở thời điểm hôm nay, trong bối cảnh vận mệnh đất nước đang nghiêng ngả như con tàu mỏng manh trước sóng to gió lớn, trong mắt tôi, mới thật đẹp và thiêng liêng làm sao. Có thể lắm. Có thể là với sức tài hèn mọn của mình, họ sẽ chẳng giúp ích được gì để đổi thay vận nước. Nhưng chí ít, họ đã tỏ ra rằng mình là một con người Việt thuần thành, không quay mặt với quê hương, tổ tiên, nòi giống. Và tôi tin rằng, chừng nào mà đất nước Việt Nam còn hiện hữu những con người thuần thành như thế thì nó chẳng thể nào bị tuyệt diệt được. Tận trong đáy thẳm lòng mình, tôi chỉ chờ mong có thế, chỉ hy vọng có thể. Chẳng nhiều hơn.
Thế mà, thực tế như một cái tát phũ phàng, như một gáo nước lạnh băng, dội thẳng vào mặt. Nếu có những người khóc thầm ngày đêm, hay thức trắng những đêm trường để dõi theo vận nước, thì cũng có vô số những con người vô tâm cười vui nghiêng ngả như chẳng có điều gì đang diễn ra, như mọi thứ vẫn đẹp và ổn, và họ thấy cuộc đời này vẫn đẹp sao. Luôn có vô số lý lẽ được viện dẫn để biện minh cho sự cạn cợt của con người, hay để khỏa lấp sự vô tâm của những tâm hồn vị kỷ. Không khó để hình dung những con người ấy đang rào bọc, phủ chắn quanh mình bằng vô số những biện luận rất khôn ngoan và có vẻ như hợp lẽ.
Với những phương tiện công nghệ của ngày hôm nay, với sự hiện diện của Google, Facebook, Youtube..., thiết tưởng, với những ai thực sự quan tâm đến đất nước và sự tồn vong của nó, thì không thể không biết được những thảm họa cực kỳ nguy cấp đang phủ trùm lên cả một đất nước, và ảnh hưởng sâu rộng của chúng lên trên sự sống còn hôm nay và ngày sau của dân tộc Việt. Để nói rằng mình không biết gì, chỉ có thể có ba dạng người. Dạng người thứ nhất là câm và điếc. Dạng thứ hai là những kẻ, vì lý do này hay lý do khác, đã quyết định nhắm mắt bịt tai để sống như một kẻ vô tri giác hèn mọn. Và dạng thứ ba là những kẻ vẫn mở mắt nhưng đã hoàn toàn đánh mất lương tri, và hẳn nhiên, làm gì có trái tim.
*********************************************
Cười hay khóc đều là những động thái sống. Nhưng nhắm mắt, bịt tai để cười trước vận nước ngả nghiêng, trước viễn ảnh hàng triệu sinh linh sẽ rơi vào vòng điêu linh, đồ thán, thì liệu là có quá vô tình, vô tâm và tàn nhẫn? Động thái sống ấy, liệu có còn là động thái sống của một con người đúng nghĩa, với đủ những giác quan và ý thức tinh nhạy của một loài động vật cao cấp?
Dẫu cười hay khóc, thì đời rồi cũng qua đi. Thế thì, thay vì cười vui như loài vô tri giác, sao không một lần... khóc cho quê hương?
25/07/2018
Jeffrey Thai
No comments:
Post a Comment