Vượt núi cao chập chùng,
Chiều nay, anh trở lại tìm em…
Cứ mỗi lần vượt qua một quãng đường dài để trở về lại một nơi chốn xưa nào đó, trong tôi thường văng vẳng nhịp điệu du dương dồn dập và lời ca rất đỗi thiết tha trong nhạc phẩm Thuyền Không Bến Đỗ của nhạc sĩ Lam Phương.
Chiều nay - chiều của một đêm Giáng Sinh mới, với nhịp điệu ấy trong tâm trí, tôi vượt quãng đường xa gần cả trăm cây số, chỉ để về lại một nhà hàng buffet quen thuộc, ven vùng đồi núi chập chùng - một địa danh của tiểu bang – nơi mà tôi thỉnh thoảng lại tìm về vào những chiều nhạt nắng, để ngắm lại đỉnh núi cao trắng xóa, chất đầy những ký ức tinh khôi.
Nói rằng “quen” thì cũng không hẳn là “quen”, vì nhà hàng này ở xa nơi tôi ở lắm; tôi chỉ thỉnh thoảng mới ghé qua đây, sau khi ghé chơi khu công viên núi đá gần đấy. Tuy không hẳn là “quen”, nhưng dường như đã đủ “thuộc” để những cô gái phục vụ bàn rất trẻ người Á Châu nơi đây tiếp đón tôi với những ánh mắt và cung cách thật thân thương và nồng ấm. Trong ánh mắt của họ, tôi có thể đọc thấy được những nghĩ suy rất thiện cảm về mình. Và có lẽ chính điều đó đã mang đến cho tôi ít nhiều cảm giác gắn bó, thân quen. Gắn bó và thân quen đủ để tôi muốn trở lại vào một đêm Giáng Sinh như thế này.
Ai lại đến đây vào đêm Giáng Sinh này nhỉ? Tôi tự hỏi mình như thế khi đảo mắt nhìn quanh nhà hàng rộng lớn, nhưng không đông khách lắm. Có lẽ họ cũng như tôi thôi - một con người ngoại đạo, vốn không có nghĩa vụ phải quỳ sụp gối lúc nửa đêm, mà cầu nguyện ở giữa một ngôi thánh đường cao vời vợi nào đó. Không gian nơi đây, đêm nay, sao bình yên lạ; dẫu rằng, vẫn lạnh lắm. Cái lạnh từ khu đồi núi chập chùng ẩn hiện ở phía đằng trước, xuyên qua những tấm kính dày trong suốt, và rồi, thẩm thấu vào tận bên trong.
Trong cái lạnh có ít nhiều băng giá đó, ký ức những mùa Giáng Sinh đầu tiên trong đời chợt thoáng hiện thật ấm nồng trong tôi. Ký ức ấy có đầy đủ những tiết họa hình thành nên một hoài niệm Noel điển hình: lầu chuông, xóm đạo, những con đường làng quanh co đầy cát, và trên tất cả, những ngọn gió chướng thổi quần quật suốt đêm từ biển khơi thật gần. Ôi! Những ngọn gió ấy mới mát diệu làm sao. Chỉ cần một chiếc áo khoác mỏng là người ta có thể vô tư lang thang suốt cả đêm để đón Chúa giáng trần. Cứ mỗi lần nghe hay đọc lại bài thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím của nhà thơ Kiên Giang, trong tôi lại hiện lên rõ mồn một cái hình ảnh xóm đạo lãng mạn, cũ kỹ, êm đềm và lộng gió ấy.
Lạnh! Ừ thì có đêm Giáng Sinh nào mà không lạnh, khi mùa Giáng Sinh là thời khắc khởi điểm của một mùa đông, dẫu là ở Bắc Mỹ này hay ở Châu Âu. Nhưng có lẽ lạnh lẽo và cô đơn nhất là đêm Giáng Sinh tôi lê gót trên đường phố Paris, hướng về phía Khải Hoàn Môn, trong bóng tối nhòa nhạt của thời khắc nửa đêm. Ở trong cùng một khoảng không gian như thế và ở đúng ngay địa điểm Khải Hoàn Môn ấy, nhân vật Ravic - một bác sĩ tị nạn người Đức trong quyển tiểu thuyết Khải Hoàn Môn (dài hai tập) của nhà văn người Đức Erich Maria Marque – đã có những bước độc thoại dài dằng dặc, mà hầu như đã hằn sâu vào tâm trí tôi từ nhiều năm về trước, như một ám ảnh đậm sâu.
Sự ám ảnh ấy đậm sâu đến nỗi tôi đã mang theo bộ tiểu thuyết ấy bên mình trong chuyến hành trình vượt biển suốt ba ngày đêm. Có lẽ chưa có hành trang của một kẻ ly hương nào lại đơn giản và lãng mạn đến thế: Chỉ có một bộ quần áo cuốn quanh hai tập sách, và tất cả chỉ có thế. Không tiền bạc. Không vàng vòng. Không thực phẩm. Đơn giản thế mà tôi cũng chẳng thể nào giữ chúng được vẹn nguyên. Khi đến bến bờ, bộ quần áo vì thấm nước biển nên đã nhàu nát không còn mặc được, còn hai tập sách thì ướt nhèm và nhòe nhoẹt. Tuy vậy, tôi vẫn cố hong khô và giữ chúng bên mình trong nhiều năm nữa về sau. Cho đến đêm tôi đặt chân đến Khải Hoàn Môn, tôi không còn giữ được hai tập sách đó nữa, nhưng đoạn độc thoại dài dằng dặc năm nào thì vẫn mãi còn trong tâm trí. Khoảng cách thời gian giữa ký ức xưa và hiện thực nay là vừa đúng 15 năm.
Đêm Giáng Sinh năm này yên ắng quá. Yên ắng đến lạ! Tôi dường như có thể cảm nhận được thật rõ một sự bình yên thật thiêng liêng nào đó đang bao trùm lên cả một khoảng không gian se lạnh. Trời không đổ tuyết nhưng đủ lạnh để ướp nồng hương vị cho một đêm Giáng Sinh Bắc Mỹ. Lái xe băng qua cả một quãng đường dài, vòng quanh cả một thành phố vốn to lớn và sầm uất giữa ban ngày, mà thật kỳ lạ thay, tôi hiếm khi bắt gặp bóng dáng con người. Chỉ có những ánh đèn xe lóe sáng trong đêm yên bình. Và họa chăng, lác đác đây đó, những kẻ lang thang không nhà.
Trên đoạn đường về lúc nửa đêm, tôi ngạc nhiên thấy một thiếu phụ da màu trung niên tàn tật ngồi trên một chiếc xe lăn bên vệ đường, một mình giữa tiết trời băng giá. Gió đông thổi lồng lộng khiến tóc tai rối bời và quần áo trắng xóa của bà bay bay trong gió. Bà vừa lăn xe, vừa vẫy tay rối rít ra hiệu cần giúp đỡ. Làm sao có xe nào có thể đột nhiên dừng lại giữa đường? Dáng điệu kêu cứu của bà mang dáng vẻ đầy tuyệt vọng và kỳ bí giữa một đêm trường Giáng Sinh thiêng liêng và tĩnh mịch…
Đến thời điểm Giáng Sinh điểm, không có tiếng chuông nhà thờ nào đổ quanh tôi. Chỉ có vô số những ngọn đèn màu nho nhỏ, được giăng mắc ở khắp mọi ngả đường, tỏa sáng lấp lánh và lập lòe trong đêm, như chỉ dấu của một hồng ân cứu rỗi.
25/12/2017
Jeffrey Thai
No comments:
Post a Comment