Có những ám tượng hiện hữu trong tôi cũng từ rất sớm. Từ "ám tượng" này nghe lạ quá, phải không? Hình như không thấy ai dùng nó thì phải? Chỉ mình tôi. Tôi nhớ là tôi đã nhặt được nó tình cờ trong một lần phiêu du nào đó vào thế giới văn chương, triết lý (thuở còn là một học sinh trung học); và từ đó, nó ở lại với tôi như một sự sở hữu độc đáo và độc quyền. "Ám tượng"! Vâng, những ảnh tượng, những hình tượng đã trở thành nỗi ám ảnh đậm sâu và bất biến với thời gian. Và tôi đang sắp khai quật chúng lên từ trong những ngôi cổ mộ đã hàng nghìn năm tuổi.
Vì cái chết mang nét đẹp kỳ bí và hoang dã như tôi vừa nói ở trên, nên thực lòng, tôi đã muốn đời sống của mình được kết thúc từ rất sớm, ở đỉnh cao của nó. Suốt những năm hai mươi tuổi, tôi luôn sống với điều ao ước, là được "sống nhanh, chết vội, và để lại một hình hài đẹp" (live fast, die young and leave a good-looking corpse - John Derek) như cái cách tài tử Mỹ James Dean đã sống và chết. Thế gian vẫn nhìn cái chết của James vào ngày Lễ Tưởng Niệm 30/05/1955 (khi chỉ vừa tròn 24 tuổi) như là một tai nạn ô tô thảm khốc và là một sự kết thúc nghiệt ngã đối với một tài tử vừa vươn lên đến đỉnh cao danh vọng. Thế nhưng, từ ánh mắt còn rất đỗi tinh anh của mình thuở ấy, tôi lại nhìn sự ra đi đột ngột của James như một sự thăng hoa của đời sống: Nó đã khiến James trở thành bất tử với đời! Và trở thành một ám tượng đối với riêng tôi.
Ngã ba - nơi James Dean tử nạn vào ngày 30/05/1955 (thọ 24 tuổi)
Có một điều gì đó mầu nhiệm ở tuổi trẻ. Chỉ có tuổi trẻ huyền thoại mới có đầy đủ dũng khí để sống như đã chết (với ý nghĩa là cái chết không còn gì đáng sợ), thay vì chết khi vẫn còn đang sống - một sự tồn tại trì trệ và mục rữa. Hình như tôi đang nói về một thế hệ tuổi trẻ nào khác thì phải? Hình như vậy! Một thế hệ tuổi trẻ đã xa. Hay đã rất xa. Thế hệ tuổi trẻ (Việt Nam) ngày nay tật nguyền và ngu ngơ đến tội nghiệp. Họ ham sống đến điên dại, và ham hưởng thụ đến mê cuồng; nhưng họ lại không biết sống để làm gì, và hưởng thụ bao nhiêu là đủ. Hệ quả nhãn tiền của điều đó, là họ đã phó mặc cho thế hệ cha anh phải làm những điều mà theo quy luật tiến hóa, trách nhiệm lịch sử nằm trên đôi vai tròn căng của họ. Họ có thể vẫn còn tồn tại trong đời sống, nhưng cái dũng khí tuổi trẻ của họ đã chết từ lâu, biến thành những xác ướp lâu đời.
Nhắc đến tuổi trẻ huyền thoại, tôi lại bỗng dưng ngẫm nghĩ thêm về tính kỳ bí của cái chết. Thực ra, cái chết kỳ bí không chỉ vì tính bất ngờ và tính triệt tiêu hoàn toàn của nó, mà còn vì nó biết giỡn đùa. Mà thường thì, nó chỉ giỡn đùa với tuổi trẻ mà thôi, vì bản chất của tuổi trẻ là thích đùa vui. Trong vùng ký ức tuổi trẻ huyền thoại của mình, không chỉ có một, mà đã có đến hai lần, tôi lỗi hẹn với sự ra đi của mình chỉ vì sự giỡn đùa đó; và cả hai lần đều diễn ra giữa lòng biển lạnh. Lần đầu, đã có lần tôi kể trong bài viết Chân Dung Tôi: Sống & Chết, Nghịch Lý & Định Mệnh. Không lâu sau lần lỗi hẹn ấy, tôi lại tự nguyện làm một chuyến hành trình vượt biển với tâm thế của một kẻ "tử vì đạo", một kẻ quyên sinh. Tôi đi mà trong lòng không hề có một tia hy vọng, dẫu vô cùng nhỏ bé; vì điều gần như hiển nhiên, là chiếc tàu mỏng manh ấy có bao giờ lại có thể cập bến an toàn.
Sau hai lần lỗi hẹn đầu đời ấy, tôi chấp nhận dời lại việc ra đi của mình đến những năm tháng về sau, như một sự lựa chọn còn lại duy nhất, để tiếp tục sống. Và trong quá trình sống tới ấy, có những trải nghiệm sâu xa nhắc tôi nhớ đến lời trần tình ngày nào của nhạc sĩ họ Trịnh. Tôi đã tìm thấy ở những lời trần tình ấy một niềm đồng cảm gần như định mệnh. Vâng! Tôi không còn tìm thấy trong mỗi ngày sống tới điều gì mới lạ, và mỗi sớm mai thức dậy, tôi cũng không thấy hoa quả nào khai sinh trong trái tim mình. Tôi sợ bình minh. Tôi nhớ loáng thoáng có bài hát nào đó mang tựa đề Bình Minh Sẽ Mang Em Đi, và luôn tự hỏi, rằng liệu bình minh sẽ có thể mang con người đi đâu chứ. Một câu trả lời khả dĩ nào đó sao có vẻ mang tính vô định. Không đâu! Thời khắc để con người khởi hành là vào lúc hoàng hôn, lúc mặt trời sắp lặn ở chân trời xa. Đó là lúc con người biết, và biết rõ lắm là mình sắp và sẽ đi về đâu. "Trên tất cả đỉnh cao là lặng im". Phạm Công Thiện đã nói như thế. Và kết thúc của chiều tà là... bóng đêm. Còn có điều gì hiển nhiên hơn thế nữa?
Cuộc sống thực không tiềm ẩn điều gì mới lạ! Chắc hẳn có rất nhiều người sẽ không đồng ý với quan điểm ấy. Đồng ý hay không, tùy thuộc vào tầm nhân sinh quan của bạn rộng lớn được bao nhiêu. Đa số con người chỉ quen hướng tầm nhìn và suy nghĩ của mình vào những điều tẩn mẩn và vụn vặt trong đời sống thường nhật. Với biên độ dao động tư duy hạn hẹp ấy, những tiểu tiết hàng ngày của một đời sống nhân sinh đã đủ để lấp đầy tâm trí, và tạo ra những cái mới không hề mới trên những lối mòn đổ nát. Hãy một lần chui mình ra khỏi những chiếc hộp, và đứng trên đỉnh những ngọn núi cao hùng vĩ nhìn xuống mặt đất dưới kia, bạn sẽ thấy cuộc sống con người vận hành theo kiểu cách của một cỗ máy cũ kỹ đã nghìn năm.
Cỗ máy ấy ngày đêm xoay tròn quanh những bánh xe lần lượt mang tên giàu sang, danh vọng, địa vị, quyền uy..., và chúng được cuốn đi hối hả và miệt mài bởi những dải băng dài dằng dặc của dục vọng và lòng tham. Nhiều người đang than phiền, con người ngày càng trở nên độc ác hơn. Tôi không phản đối điều đó. Chỉ xin hỏi, liệu ngày xưa con người có nhân hậu nhiều hơn? Những bi kịch xã hội và đời sống hiện nay, xét về mặt nhân sinh và xét trên một bình diện rộng lớn, chỉ là sự lặp lại của những gì đã xảy ra trong lịch sử. Cường độ và tần suất có thể khác nhau ít nhiều, nhưng chung qui, có cùng chung một bản chất. Đã từ lâu, tôi hoài nghi về tính lương thiện và tử tế của con người, nói chung. Không hẳn là không còn những con người lương thiện và tử tế, mà đúng hơn, là sự độc ác và cuồng vọng đang thống trị và chi phối xã hội và thế giới đương đại ngày nay.
Với nỗi cô đơn ngày càng lớn rộng trong lòng mình, tôi đang tập để đối diện với 1.000 năm cô đơn của Nietchze. Và trong những buổi tập tành thường nhật ấy, tôi nghe ngày càng thường xuyên hơn (từ tận trong sâu thẳm tâm hồn) lời nhắc nhở về những lần lỗi hẹn trong quá khứ xưa nào. Hôm nay? Hay ngày mai? Hay một ngày mai nào? Tôi không biết. Không ai biết. Mặc! Giờ thì nó đã trở thành lời thề hẹn trăm năm.
Rồi ngày mai tôi sẽ qua đời!
Ngày ấy, có con King Kong khổng lồ lầm lũi trở về rừng sâu với nỗi cô đơn muôn trùng.
02/01/2018
Jeffrey Thai
No comments:
Post a Comment