Set during the Vietnam War in the early 1960s, with civil unrest on the streets of Saigon, the Republic of Vietnam's capital, followed by a military coup against the President. The tale is a portrait of passionate love, sacrifices and betrayals painted through the eyes of a wounded Corporal fighting in the frontline against communist invasion and a talented Jazz singer haunted by her past.
Genres Action, Drama
Director Le Hoang Hoa
Starring Hung Cuong, Kim Vui, Ngoc Phu
Bộ phim có kinh phí rất lớn và phải do 7 hãng phim thời ấy hùn vốn thực hiện dưới cái tên chung là Liên Ảnh film. Khoảng năm 2016 bộ phim được làm mới lại với kỹ thuật digital tiên tiến do một cháu nội hãng Mỹ Vân film thực hiện tại Canada và đã có buổi công chiếu đầu tiên miễn phí ngày 11 tháng 6 cùng năm.
Bộ phim lấy bối cảnh một đất nước tao loạn Nam Việt Nam thời điểm trước và sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm, dõi theo hai số phận của một người nữ ca sĩ và một quân nhân. Họ có một cuộc tình không mấy tươi sáng gì. Liên, cô ca sĩ, dù yêu Phi, phải sống lệ thuộc vào người khác, hay nói cho đúng hơn, Phi đã chọn một đường tình chông gai - chọn yêu Liên - thay vì chọn một con đường dễ dàng, thẳng tắp và đầy hướng lên - làm rễ của chỉ huy trưởng. Chỉ cần bằng một cái gật đầu của Phi thì ngay lập tức con gái rượu của trung tá trung đoàn trưởng sẽ sa ngay vào lòng chàng.
Bộ phim có những giá trị to lớn về lịch sử và tư liệu. Về lịch sử, nội dung phim ghi nhận lại những diễn biến thời sự, xã hội khái quát của giai đoạn liền trước và sau biến cố chính trị lật đổ tổng thống Ngô Đình Diệm 1-11-1963. Về tư liệu, bộ phim là những thước ảnh vô cùng quý để có một cái nhìn về văn hóa, nếp sống, sinh hoạt, ngôn ngữ, kiến trúc, cảnh vật, trang phục, tính tình con người của miền nam Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng trước đây như thế nào. Đó chính là giá trị nhân văn ở bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên này của tác giả Văn Quang.
LƯỢC THUẬT TRUYỆN PHIM:
Phi (Hùng Cường) là một hạ sĩ bộ binh được đồng đội trong đơn vị tặng cho biệt danh "Phi súng máy". Phi bị thương sau một trận đánh ác liệt, mất một ngón tay, được chẩn đoán "không còn khả năng tác chiến". Do biết lái xe, Phi được biệt phái về lái xe cho Trung tá Trung đoàn trưởng. Trung tá lại có cô con gái xinh đẹp thầm yêu Phi, nhưng Phi không thấy hứng thú gì trước người đẹp vì trong lòng anh đã có hình bóng của Liên (Kim Vui), một ca sĩ phòng trà.
Cuộc sống hậu phương của Phi bây giờ dẫu bình an êm trôi theo ngày tháng, ngày ngày được dung dăng dung dẻ bên người yêu dạo phố Saigon ăn uống, mua sắm. Đời lính kiểng mà bao kẻ trong tuổi quân dịch ước ao lại không làm Phi vui sướng chút nào. Khi vết thương lành, Phi xin tự nguyện ra chiến trường trở lại.
Thiếu vắng Phi, ở hậu phương, Liên bị ép buộc phải chung sống với một gã đại gia giàu có nhưng ti tiện, hung hãn, thô lỗ và hay ghen tuông.
Bầu không khí hậu phương những ngày tiếp theo đó hầm hập trong các cuộc xuống đường, biểu tình, phản đối chế độ độc đoán Ngô Đình Diệm. Căng thẳng đến đỉnh điểm với những vụ xuống đường bạo động của Phật giáo... tình hình thật xấu sau khi Thích Quảng Đức tự thiêu giữa Sài Gòn.
Điều phải đến đã đến. Tại Sài Gòn, một số tướng lãnh đã khởi loạn đảo chính Ngô Đình Diệm. Tiếng súng của hai bên vang rền khắp nơi từ trưa ngày 1-11-1963. Kh đó đơn vị của Phi được điều động khẩn về tham gia bảo vệ quanh dinh Độc Lập, trấn áp lực lượng đảo chính. Phi có suy nghĩ rằng là người lính, anh cầm súng chỉ làm việc chính đáng là chỉa về phía trước trấn giữ quê hương, chứ làm sao lại quay ngược hướng mũi súng về phía những đồng đội như mình. Phân vân và mất cảnh giác, Phi trúng phải một phát súng của phía lực lượng đảo chính, đạn ghim vào cánh tay. Bị thương khá nặng, Phi cố gắng lê lết về nơi ở của Liên. Được Liên sơ cứu và băng bó vết thương, Phi qua cơn nguy kịch. Bấy giờ, Phi tỏ ý nhất quyết Liên phải đi theo anh đến một chân trời tím nơi hai người sẽ xa lánh thế gian cùng đắm mình trong tình yêu. Liên cũng thề nguyền cùng Phi tìm đến nơi mỹ miều ấy... Nhưng tay anh chị nấp ngoài cửa nãy giờ nghe rõ hết ý định hai người. Chờ khi Phi rời đi theo lệnh kêu gọi trình diện của Hội đồng Quân nhân Cách mạng vừa đảo chính thành công phát trên radio, tên hung hãn xông vào hỏi tội Liên. Trong cơn ghen tức hắn đã đâm chết Liên... Và "chân trời tím" mãi mãi là một nơi viễn mộng hảo huyền hai người không khi nào bước tới được.
Anh vì lửa khói quê hương, đường hun hút biên cương, một mình ngắm trăng suông. Em về bên ấy thương mong từng chiều rớt bên sông... Em có mơ gì không?
Anh chắc em mơ về nơi chân trời tím. Mơ chúng ta in bóng trên lưng trời xa...
Nhưng anh biết, muôn đời muôn kiếp sau. Anh với em không hề đến gần nhau.
LÝ DO VÌ SAO BÀI HÁT 'CHÂN TRỜI TÍM' LẠI KHÔNG LÀ BÀI NHẠC CHÍNH
MÀ LÀ BÀI 'NỬA HỒN THƯƠNG ĐAU"
Bài hát 'CHÂN TRỜI TÍM' được cố ca nhạc sĩ Nhật Trường sáng tác năm 1967 ngay sau khi đọc được tiểu thuyết cùng tên này (sáng tác năm 1964) của nhà văn Văn Quang. Vì sao có sự tréo ngoe này?
Cho đến tận năm 1969, cảnh quay đầu tiên cho bộ phim 'Chân Trời Tím' mới thực sự được bấm máy (đạo diễn Lê Hoàng Hoa). Theo nhà văn Văn Quang cho biết, "Trong số những ca khúc của anh Trần Thiện Thanh có bài "Chân trời tím," anh làm ngay sau khi đọc truyện dài này của tôi. Nữ danh ca Minh Hiếu là người hát bài này đầu tiên, nếu tôi nhớ không lầm và đó cũng là một trong số những ca khúc thành công nhất của cô. Nhật Trường còn cẩn thận ghi thêm trong tờ nhạc một đoạn trên trang đầu tiểu thuyết của tôi, Minh Hiếu cũng không bao giờ quên đọc lời này giữa lúc cô đang hát ca khúc. Đoạn đó như sau: "Anh yêu những chân trời tím; màu tím thắm thiết của yêu thương, của hai đứa chúng mình đi vào tình yêu, đi vào kỷ niệm. Anh sẽ đưa em tới đó, anh sẽ sống bên em như màu tím và chân trời, nhưng anh biết không bao giờ chúng mình tới đó."
Có nhiều người hỏi một bản nhạc hay như vậy tại sao lại không phải là nhạc chính cho phim. Vì Trần Thiện Thanh không bán ca khúc cho hãng phim hay vì một lý do nào khác?
Là vì khi Trần Thiện Thanh cho trình làng bản nhạc đó thì chưa bao giờ chúng tôi nghĩ đến chuyện làm phim "Chân trời tím." Một hai năm sau, hãng phim Liên Ảnh mới được ông Tổng giám đốc Quốc Phong tập hợp lại để làm phim. Bản nhạc của Trần Thiện Thanh ra đời được mấy năm nên đã cũ. Trong 7 ông chủ hãng phim Liên Ảnh, nhiều ông muốn có một bản nhạc mới cho cuốn phim màn ảnh rộng đại vĩ tuyến (CinemaScope) đầu tiên ở VN. Họ quyết định nhờ Phạm Đình Chương làm nhạc chính cho bộ phim. Bởi vậy mới có chuyện bản nhạc Chân Trời Tím thì không phải là nhạc chính cho phim, mà thay vào đó là "Nửa hồn thương đau" của Phạm Đình Chương với câu mở đầu "Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt, chỉ thấy lòng nhớ thương chất ngất..." Với tôi, cả hai bản nhạc đều có giá trị rất riêng, đều xứng đáng là nhạc chính của phim. Nếu tôi có toàn quyền chọn ca khúc cho phim tôi sẽ chọn "Chân trời tím" của Trần Thiện Thanh và người trình bày ca khúc là Minh Hiếu. Bởi dù sao bản nhạc đó cũng đánh dấu thời kỳ ra mắt của cuốn truyện và nó cũng góp phần làm cho cuốn truyện được nhiều người biết đến và nhắc đến hơn. Nhưng tôi không có quyền hành gì trong việc lựa chọn này. Tất nhiên nói như thế không phải không thích nhạc Phạm Đình Chương mà thật ra tôi "mê" nhạc của Chương hơn cả nhiều ca khúc tiền chiến khác."
Thẩm Thúy Hằng chê cải lương, mất tượng vàng
Do kỳ thị cải lương không chịu đóng chung với Hùng Cường, Thẩm Thúy Hằng bỏ vai ra cho Kim Vui, để sau đó ân hận nhìn Kim Vui ẵm giải tượng vàng danh giá do đích thân tổng thống trao tặng năm 1971 (click ảnh sang trang tin). Thẩm Thúy Hằng trí óc hạn hẹp quên mất Hùng Cường còn là ca sĩ tân nhạc lừng danh. Riêng Kim Vui cũng là ca sĩ tân nhạc nên ok ngay vai người yêu Hùng Cường.
CHÂN TRỜI TÍM NGÀY XƯA
(Bài của Nguyễn Ngọc Duy Hân đăng trên tuần báo Thời Mới)
Không cần nhắm mắt mới thấy được một chân trời tím ngắt, ngày Chúa Nhật 11 tháng 6, 2017 vừa qua chúng tôi mở mắt rất to mà vẫn thấy "tím cả chiều hoang" trong dịp người bạn trẻ Tôn Thất Hùng tổ chức buổi chiếu phim Chân Trời Tím.
Thật vậy, từ lúc chiếu phim buổi trưa tới phần Tiếp tân - Họp báo buổi chiều, "theme" của chương trình là một màu tím Huế ngọt ngào. Tím từ những posters hình ảnh, bông hoa trang trí, đến màu cà-vạt áo sơ-mi, đến các tà áo dài, khăn trải bàn, khăn giấy lau miệng, thậm chí cả món cơm chiên cũng là cơm lá cẩm sắc tím thơm ngon.... Tất cả đã tạo một ấn tượng sâu đậm trong lòng người dự, trong đó có chúng tôi.
Cuốn phim "Chân Trời Tím" đã bị mất dấu gần 50 năm nay. Những vị được xem phim này ngày xưa chắc nay cũng khá lớn tuổi rồi. Nhờ cháu đời thứ ba của ông bà chủ hãng phim Mỹ Vân là anh Hà Phi, cuốn phim bị hư đã được tu sửa, tái tạo rất công phu và tốn kém, đem lại chân trời tím, đem lại những kỷ niệm xa xưa, những hình ảnh oai hùng của người Lính Việt Nam Cộng Hòa trở về trong tâm khảm mọi người.
Có lẽ nhiều người đã xem và biết về cuốn phim tốn kém nhất thời đó, cũng như đọc cuốn tiểu thuyết của tác giả Văn Quang, nên tôi sẽ không nói về cốt chuyện. Tôi chỉ muốn chia sẻ một chút tâm tình khi xem phim cũng như vài chuyện "râu rìa" liên hệ tới "Chân Trời Tím" này.
Nhân vật chính trong phim là Phi và Liên do Hùng Cường và Kim Vui thủ vai. Hồi bé tôi rất thích Hùng Cường khi đóng cải lương với Bạch Tuyết, Ngọc Giàu...Tôi đã từng len lén lau nước mắt và xây mộng lớn lên mình sẽ mở gánh hát, đóng vai đào thương! Cặp danh ca kích động nhạc Hùng Cường & Mai Lệ Huyền cũng vang dậy tên tuổi một thời. Nhưng cuộc đời người nghệ sĩ dù nổi tiếng tài ba đến đâu cũng không chỉ là vinh hoa, tiếng vỗ tay dưới ánh đèn màu. Khi đóng cuốn Chân Trời Tím, Hùng Cường đã bị người phá, cho côn đồ vào phim trường lớn tiếng chê để áp đảo tinh thần anh: "Hôi mùi cải lương quá!" Chắc chắn các nghệ nhân này cũng từng trải qua những giây phút "khóc lẻ loi một mình".
Nữ nghệ sĩ Kim Vui được cho là nữ thần sắc đẹp thời ấy, lại hát hay diễn xuất giỏi nhưng đứa con đầu mắc bệnh phải nằm nhà thương lâu dài tốn kém. Có ngày cô đã phải chạy show đi hát 11 chỗ khác nhau để kiếm tiền thuốc thang cho con. Đạo diễn Lê Hoàng Hoa và những nhân vật phụ trong phim có người đã qua đời, có người đang bị bệnh nặng liệt lào, cô đơn rất thương tâm. Có lẽ đã làm người thì phải khổ, dù có nhiều tài năng nổi tiếng hoặc giàu nghèo ra sao.
Khi chuẩn bị đi xem phim này, tôi nhủ lòng phải bỏ qua các tiêu chuẩn kỹ thuật, chấp nhận lối đối thoại diễn xuất chậm vì 50 năm về trước phim ảnh ít "action" hơn, không công phu tốn kém như các phim Âu Mỹ thời nay. Ngạc nhiên thay, tôi đã thích thú theo dõi, nhất là cảnh chiến trường Việt Nam rất sống động, oai hùng. Những chiến sĩ ngày ấy đã chiến đấu thật dũng cảm, kiên cường.
Tôi vốn có tâm hồn ăn uống, nên để ý tới 2 chi tiết này trong phim. Nhìn cô gái trong phim ăn trái mận thật dòn thật ngon, tôi nhớ cây mận ngày xưa ở nhà mình quá sức. Khi ăn các món bên đây, chúng tôi thường so sánh cho rằng thức ăn thịt cá bên Việt Nam ngon hơn, vì vừa tươi không bị đông lạnh, vừa nuôi trồng tự nhiên không bị công nghiệp hóa, nhưng có lẽ điều quan trọng hơn cả là khi ăn có ba má, có gia đình đầm ấm, có cả một không khí của thời vàng son sum vầy, nên chúng tôi luôn thèm và tiếc nuối.... Một chi tiết khá mắc cười là vũ trường ngày xưa rót whisky phục vụ khách trong ly cao, có chân như ly sâm-banh. Theo đúng sách vở của người pha rượu bartender, dù uống nóng hay lạnh "on the rock", whisky luôn được rót vào ly thấp, không có chân!
Cá tính của cô ca sĩ Liên trong phim cũng không được sắp xếp cho cô thành người dễ thương hơn, làm người yêu của lính mà lính trễ hẹn cô cũng không thông cảm được! Việc cô đi ở với người thương gia luôn say sưa ghen tuông sau này, để rồi bị ông đâm chết cũng không rõ nguyên nhân (hay là khi xem phim tôi đang mơ màng nên không hiểu rõ?). Tôi thắc mắc quá về nhà vào các trang mạng tìm đọc ngay cuốn tiểu thuyết nguyên bản của nhà văn Văn Quang, rồi mới hết ấm ức. Cuối phim nếu chiếc bóng đi về chân trời tím trong tiếng nhạc buồn ray rứt có bước chân chậm hơn một chút chắc tôi sẽ thích hơn...
Nhưng thôi, hãy bỏ qua vài chi tiết nhỏ không hay lắm, mà nhìn vào toàn bộ cuốn phim với những khó khăn phải vượt qua để thực hiện được như thế. Hãy "nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa" để hương vị tháng ngày hoa mộng và bi tráng thời Cộng Hòa hiện về, để thấy "lối xưa xe ngựa hồn thu thảo", để nhớ về "người đi qua đời tôi", để thấy lòng "nhớ thương chất ngất một chân trời tím ngắt" đầy lãng mạn và yêu thương .... Gần cuối phim hình ảnh lá cờ Vàng ba sọc đỏ dù một góc bị rách nhưng vẫn vươn cao trong gió làm chúng tôi thật xúc động.
Cuốn phim làm tôi hiểu thêm được suy tư, đời sống của bậc cha anh mình ngày xưa ra sao. Hạ sĩ Phi trong phim đã nói một câu làm tôi suy nghĩ thấm thía vì thấy nó càng đúng hơn trong sinh hoạt hiện tại: "Chúng ta chiến đấu chống Cộng sản, đánh quân thù chứ không đánh nhau". Vâng, ngày nay nhiều khi vô tình chúng ta làm nhụt chí nhau, gây khó khăn trong cuộc đấu tranh chung góp phần xây dựng lại quê hương Tự Do và Dân Chủ, trong các sinh hoạt cộng đồng. Tôi nhủ lòng mình phải cẩn thận hơn, không đánh được giặc thì cũng ít nhất không làm hại đồng đội.
Buổi chiều sau khi xem phim xong, chúng tôi cũng có duyên may dự buổi Tiếp tân-Họp báo và nghe nhạc thính phòng trong khung cảnh ấm cúng và tràn đầy nghệ thuật. Các bài hát đã dùng trong phim với tiếng hát Thái Thanh như "Chân Trời Tím", "Người đi qua đời tôi" và "Nửa hồn thương đau" đã được trình diễn lại. Các nhạc phẩm trữ tình khác mang sắc tím hoặc nói về đời Lính do các ca sĩ địa phương biểu diễn với tiếng nhạc réo rắt đã làm không gian như ngưng đọng. Giáo sư Đỗ Khánh Hoan trong phần diễn giải cũng xác định cuốn phim là một phần của lịch sử hào hùng ngày ấy. Phần câu hỏi của người dự và trả lời của Hà Phi, ca sĩ Thái Hà & Tôn Thất Hùng cũng giải đáp được nhiều thắc mắc, quan tâm về cuốn phim. Nghệ sĩ Kim Vui, bà chủ hãng phim Mỹ Vân cũng gởi lời thăm mọi người qua phần video phỏng vấn.
Được biết Tôn Thất Hùng đã tốn hơn 4 tháng trời để chuẩn bị cho chương trình giới thiệu bộ phim Chân Trời Tím tới đồng bào Ontario. Hùng vừa phải đối đầu với thời gian, tài chánh, làm việc với nhân viên bộ Phim Ảnh Canada, vừa phải khéo léo để tổ chức rất tỉ mỉ, thành công từng chi tiết, lại lo dịch ra phụ đề tiếng Anh cho giới trẻ hiểu được. Hùng luôn hãnh diện nhận mình là "Con Cháu của Việt Nam Cộng Hòa", người bạn trẻ này rất hay, rất yêu văn hóa nghệ thuật và là gạch nối giữa thế hệ cha ông. Ngoài nghệ sĩ Kim Vui, Hùng đã có liên hệ mật thiết với tài tử Kiều Chinh, cặp danh ca Bạch Yến và nhạc sĩ Trần Quang Hải .... Nếu không có đam mê nghệ thuật, sự hiểu biết về văn hóa thì Hùng không thể nào thực hiện được nhiều sinh hoạt đặc biệt như thế. Xin chân thành cảm ơn bạn trẻ Tôn Thất Hùng và các nhà bảo trợ, thân hữu đã giúp cho chương trình đầy ý nghĩa và thành công.
Nếu bạn chưa xem phim này có thể mua DVD để ủng hộ hãng phim Mỹ Vân. Được biết Hà Phi đang và sẽ tiếp tục tái thực hiện hàng chục bộ phim cũ thuở ấy, kể cả cuốn chưa bao giờ được trình chiếu vì biến cố 1975 ập tới. "Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?", linh hồn người xưa chắc cũng rất vui khi những thước phim này được trình chiếu lại.
Ngày nay dưới chế độ Cộng Sản văn hóa ngày càng xuống cấp, nhiều người sống vô cảm, nét đẹp và cái thanh lịch ngày xưa bị phai mờ. Nếu so sánh các hình ảnh trước 1975 với hình ảnh xã hội ngày nay, chắc chắn ai cũng đã thấy rõ chế độ nào "siêu việt" hơn. Công việc làm đẹp cuộc sống, nâng cao giá trị tinh thần, dạy dỗ con cháu và để lại cho các thế hệ tương lai những bằng chứng, những sinh hoạt nghệ thuật tốt đẹp là điều rất đáng quan tâm và thực hiện bằng mọi cách.
Cảm ơn các bậc đi trước, cảm ơn tất cả mọi người đã cho chúng tôi sống lại "những ngày xưa thân ái"....
Nguyễn Ngọc Duy Hân
PHỎNG VẤN KIM VUI VỀ CHÂN TRỜI TÍM
Sài Gòn Muôn Năm Cũ: Kim Vui, Người Phụ Nữ Hấp Dẫn Nhất Việt Nam Thập Niên 60-70
LGT: Trò Chuyện với Lan Chi kỳ này xin được viết về một người của Sài Gòn muôn năm cũ: Nghệ Sĩ Kim Vui, người được coi như “hấp dẫn nhất Việt Nam thập niên 60-70.
Hoàng Lan Chi –Kim Vui 2012
Hồi đó tuy bận học nhưng tôi cũng thường theo dõi tin tức qua các trang báo. Các diễn viên điện ảnh thời đó thường được gọi là “minh tinh”. Người nổi bật nhất thời đó về nhan sắc có lẽ là Thẩm Thúy Hằng. Riêng cá nhân tôi, tôi có thể thích khuôn mặt đẹp rất đông phương của TTH nhưng về thân hình thì tôi không ái mộ lắm. Thẩm Thúy Hằng có khuôn mặt trái xoan, đôi mắt bồ câu to, sống mũi dọc dừa. Nét đẹp hoàn toàn cổ điển được mô tả cho giai nhân trong sách vở. Thế thân hình của TTH hơi to. Bộ ngực quá vĩ đại khiến TTH có vẻ mất cân đối. Một diễn viên khác là Kiều Chinh. Ý kiến tôi cũng là của vài người bạn: Kiều Chinh không thu hút vì vẻ lạnh lùng. Cánh mũi quá nhỏ. Gò má quá cao. Thân hình thì bình thường.
Điểm sơ về Thẩm Thúy Hằng cũng như Kiều Chinh chỉ là để nói về Kim Vui và vì sao tôi nghĩ rằng Kim Vui là người phụ nữ hấp dẫn nhất thời ấy. Kim Vui có nét đẹp hơi lai tây phương. Đôi mắt hơi xếch và miệng hơi rộng. Thẩm Phán Dương Như Nguyện nhận xét rất chính xác khi nói rằng nhan sắc Kim Vui thật hiếm có vì là một “combination of Gina Lolobrigia và a delicate version cua Sophia Loren.” Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với Dương Như Nguyện khi cô nhận xét là tuy giống nhưng Loren có vẻ “thô” hơn Kim Vui.
Về thân hình thì phải nói Kim Vui là một tuyệt hảo vào thời đó. Thập niên 60-70 chưa có sửa sắc đẹp nhiều và cũng không có các “gym” tập luyện thể hình như bây giờ. Thế nhưng hãy nhìn Kim Vui thời đó để thấy rằng ba vòng của cô rất tuyệt hảo. Phụ nữ Việt Nam hiếm ai có được bộ mông tròn đầy như Kim Vui.
Nào hãy nhìn hình này của Kim Vui xem có phải khuôn mặt Kim Vui là một tổng hợp Gina Lolobrigia và Sophia Loren, còn thân hình thì rất hấp dẫn và gợi cảm không?
Ngày đó khi tôi chú ý đến Kim Vui là lần đầu được nhìn flyer quảng cáo phim “ Chân Trời Tím”. Báo chí Sài gòn thời đó tràn ngập bài vở về phim này. Kim Vui thủ vai chính cùng Hùng Cường.
Đây là một hình bìa của tạp chí Sân Khấu Mới. Hình dưới là Kim Vui và Hùng Cường trong “Chân Trời Tím”. Thời đó những scene gợi cảm này đã gây xáo động không ít
Kỷ niệm xưa tràn về và tôi tìm đến Kim Vui một chiều thứ bẩy. Nhà chị xinh xắn với ngôi vườn rộng, rất nhiều cây. Kim Vui bây giờ ở độ tuổi ngoài 70 nhưng so với những người ở tuổi ấy thì Kim Vui vẫn là đẹp.
Hỏi về thuở ấu thơ, Kim Vui cho biết chị con một và chị bị ảnh hưởng bởi thân phụ nhiều. Ông là người định hướng cho nghề nghiệp của chị còn bản thân chị thích vẽ tranh, nắn tượng. Chị học vũ ballet và khi ông hiệu trưởng trường tiểu học Cầu Kho hỏi cô bé biết gì, cô bé cho biết cô chỉ biết vũ và từ đó văn nghệ trường là Kim Vui phải múa. Từ múa là đến hát. Thật sự mà nói Kim Vui có giọng hát hay. Tôi nghe lại giọng chị bây giờ và kinh ngạc. Kinh ngạc vì giọng hát của chị rất “chuẩn”. Nghĩa là từ cách ngân, nhả chữ phải nói như được học bài bản từ trường lớp. Đặc biệt những cách trình bầy đó rất phù hợp với nhạc ngoại quốc. Nhà văn Hồ Trường An đã từng viết về giọng hát Kim Vui như sau “ Một nữ ca sĩ có nội lực thâm hậu hát bằng lối chân truyền song song với lối hát nhạc kích động của giới trẻ đương thời. Giọng hát Kim Vui ngọt và khỏe, tuôn thao thao lai láng như một trận mưa hè. Chuỗi ngân của chị cũng tinh luyện. Chị hát những bài nhạc Pháp bằng tiếng Pháp như “Bambino”, “Histoire d’un Amour”, “Le Gitan” đều hay, phát âm tiếng rõ ràng”.
Một điều ngộ nghĩnh mà tôi mới được biết là Kim Vui học chung lớp tiểu học với Hùng Cường! Kim Vui kể ngày đó một lần trong lớp học, Hùng Cường đã “thẩy” cho chị hột me. Kim Vui cười “Chị khờ lắm, Hùng Cường ném qua, nghe một cái cạch trong lớp yên tĩnh. Chị lụm lên thì nín thinh đi lại bỏ vô miệng cắn một cái cốp trong khi cả lớp đang rất yên tĩnh. Thế mà bà sơ hỏi, chị chỉ qua Hùng Cường. Cả hai đứa bị phạt quỳ trên miếng vỏ mít. Chị vừa khóc vừa trách Hùng Cường sao quăng me làm chi cho chị bị phạt”. Tuy vậy khi tôi hỏi chị thích Hùng Cường không, Kim Vui lắc đầu ngay “Không, chị thích Bảo Ân hơn vì Bảo Ân serious không quậy như Hùng Cường” !
Kể về kỷ niệm của thời đi hát vũ trường, Kim Vui còn nhớ ông Tướng Tôn Thất Đính ngày đó rất “kết” chị. Khi đến vũ trường, ông cho người mời Kim Vui đến ngồi bàn sau khi hát. Ông để khẩu súng trên bàn làm ban nhạc thì hơi rét. Nhạc công năn nỉ Kim Vui đến bàn ông Đính và xoay mũi súng đi hướng khác vì họ sợ lỡ ông say và chạm vào cò thì sao!
Cuốn phim cuối cùng mà Kim Vui đóng là “Chân Trời Tím” của Liên Ảnh Công Ty trước khi theo chồng sang định cư ở Mỹ. Sau cuốn phim này, Kim Vui được trao giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc và chị có gặp TT Nguyễn Văn Thiệu
TT Nguyễn Văn Thiệu – Kim Vui
Trước hết, anh Quốc Phong thương lượng với tôi để làm thành một cuốn phim “đặc biệt”, thời đó kỹ thuật mới nhất của điện ảnh là cinemascope, màu technicolor… Chúng tôi nghĩ đến đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc, người ôm ấp rất nhiều ý tưởng “làm mới” theo điện ảnh nước ngoài. Gặp Hoàng Vĩnh Lộc, người cũng rất hào hứng sau khi đọc Chân Trời Tím, anh loay hoay viết tạm kịch bản và tìm diễn viên. Anh muốn có một khuôn mặt mới cho điện ảnh VN nên tìm được một anh sinh viên cao ráo, bảnh trai, hoạt bát, đóng vai Phi, vai chính trong phim, rồi đến một dàn nữ diễn viên như Kiều Chinh, Thanh Lan… Nhưng 7 ông chủ của hãng phim Liên Ảnh lại có nhiều bất đồng. Sau đó anh Quốc Phong đề nghị đạo diễn Lê Hoàng Hoa và 2 diễn viên nam nữ chính là Hùng Cường và Kim Vui. Chẳng biết ông Quốc Phong thuyết phục ra sao, tất cả 7 ông chủ hãng phim đều gật đầu. Nhưng quả thật về Hùng Cường và Kim Vui, khiến tôi lo ngại.
Tin đó được tung ra, có nhiều dư luận bất lợi vì đố kỵ, ghen ghét, Hùng Cường đã bị một đám phá rối. Một ký giả hồi đó, tường thuật lại chuyện tai nghe mắt thấy, xin trích một đoạn ngắn: “…Một buổi nọ tại sàn quay của Liên Ảnh công ty, đạo diễn đang hướng dẫn Hùng Cường và Kim Vui về diễn xuất trước ống kính của máy quay phim, thì tại quán cà phê gần trước cửa phim trường, có mấy tay tài tử chuyên nghiệp thuộc dạng thường, chuyên đóng vai phụ, nếu nói theo cải lương thì kép nhì, kép ba. Mấy tay này dựng Honda, một tên đi vào phim trường coi tập dượt, còn mấy tên kia thì ngồi lại kêu cà phê uống ngồi chờ. Ðộ nửa giờ đồng hồ thì tên kia đi trở ra, mấy tên ngồi chờ chưa kịp hỏi thì anh ta phát tay lia lịa, miệng thì thốt lên: “Hôi mùi cải lương quá”! Ði ra lẹ lẹ không dám coi thêm… Thế là mấy tên cười rần lên như đang coi một màn hài hước.
Lúc đó cách một chiếc bàn, nghệ sĩ Năm Châu cũng đang ngồi uống cà phê, ông được Liên Ảnh mời đến xem Hùng Cường đóng phim, lại gặp người mà trước đây từng quen biết trong lúc chuyển âm phim, nên ngồi trò chuyện. Khi nghe mấy tên này nói như vậy, ông lên tiếng :“Mùi hôi cải lương như thế nào vậy? Mấy chú nói rõ lên đi”.
Gặp phải một nghệ sĩ kỳ cựu của cải lương có máu mặt, mấy tên du đãng lên Honda dông mất. Và sau việc Hùng Cường bị châm chích thì người ta tự hỏi, phải chăng nghệ thuật điện ảnh chỉ dành riêng cho một số người mà thôi, những ai đang làm nghề nghiệp khác nếu bước vào thì cũng bị “tai họa” như Hùng Cường!”
Thật ra tôi cũng bị ám ảnh bởi cái tên Hùng Cường trên các sân khấu cải lương và Kim Vui gần như chưa tạo được tên tuổi gì trong làng ca nhạc chứ chưa nói tới điện ảnh. Nhưng tôi đã lầm. Khi xem Kim Vui diễn xuất lần đầu tiên với Hùng Cường dưới bàn tay “phù thủy” Lê Hoàng Hoa, tôi thầm thán phục tài năng của bộ ba này. Họ đóng phim rất tự nhiên, thuần thục. Nói như anh Mai Thảo dặn dò Hùng Cường: “Đóng phim là không đóng gì cả”.
Hùng Cường lột bỏ ngay được bộ mặt thường có trên sân khấu, anh vào vai diễn bình thường, giản dị như một anh hạ sĩ quan thật ngoài đời. Kim Vui vào vai cô vũ nữ đang yêu tận tình, dịu dàng, chung thủy nhưng khi cần tàn nhẫn lại rất “kinh khủng”. Cả hai như có tài năng thiên phú hay “gien” di truyền. Anh Quốc Phong quá hài lòng vì sự lựa chọn của mình, tuyệt đối tin tưởng vào bộ ba này. Một tờ báo đã viết:
“Trường hợp Liên Ảnh công ty đã dẹp bỏ mọi dư luận, mọi thành kiến và cả sự công kích của một số người. Ông giám đốc Quốc Phong được coi như là người làm thương mại, ông đã nhắm vào con số đông đảo khán giả cải lương, nên đã mời Hùng Cường cộng tác và phim đã thành công như nhiều người biết.
Quả đúng như vậy khi phim Chân Trời Tím được trình chiếu chẳng những thành công về tài chánh, mà còn đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật năm 1971. Chưa dừng lại ở đó, Chân Trời Tím lại còn được chiếu tại Lào và Pháp. Đó là lần đầu tiên một cuốn phim Việt Nam phụ đề Pháp ngữ mang tên Lhorizon Pourpre được gởi đi trình chiếu tại Ðại Hội Ðiện Ảnh tổ chức ở Dianard, Anh Quốc.”
Hùng Cường đi mua “lon hạ sĩ”
Cũng trong ngày đầu quay phim, Hùng Cường chạy đến ghé tai tôi hỏi nhỏ: “Anh ơi cái lon hạ sĩ thế nào, em chưa có”. Chết thật, Hùng Cường đóng vai chính là hạ Sĩ tên Phi trong phim, vậy mà không ai ngờ anh chưa biết cái lon hạ sĩ ra sao, đeo ở đâu. Tôi bèn lôi ngay Hùng Cường ra xe, chở đến tiệm An Thành trước cửa chợ Bến Thành, mua một cặp “lon hạ sĩ” và đeo giùm lên tay áo. Trẻ con, người lớn, nhất là phụ nữ kéo đến xem nghệ sĩ Hùng Cường, cứ nháo nhác hỏi nhau “anh ấy vào lính khi nào vậy” rồi chỉ trỏ lung tung, chả ai thèm nhìn tôi cả. Cái “lon” ấy Hùng Cường đeo gần hết cuốn phim.
Năm 1996 Hùng Cường mất tại Mỹ, nhưng vẫn còn mãi mãi một giọng ca vàng sân khấu cải lương, một tiếng hát nồng ấm mạnh mẽ trên sân khấu ca nhạc cùng Mai Lệ Huyền và một diễn viên điện ảnh xuất chúng. Hùng Cường đã ra đi vĩnh viễn để lại đàng sau người con nam ca sĩ cũng nổi tiếng trong nhiều năm qua là Quang Bình và một đạo diễn nổi tiếng không kém đó là Quang Đại.
Nhà văn và cũng là nhà phê bình Hồ Trường An đã diễn tả vẻ đẹp của Kim Vui trong bài “Theo Chân Những Tiếng Hát” trên báo Tổ Hợp Miền Đông Hoa Kỳ xb 1998:
“Kim Vui mặc áo dài thì áo dài phải mang ơn chị, vì nhờ chị mà áo mới đạt được cái đẹp trong công việc bợ ngực bó eo người mặc. Cái eo của chị thon, lưng chị dài, đùi chị cũng dài, ngực và mông chị đều cao và lồng lộng nét tròn mê hoặc. Chị mặc áo đầm hở vai, và mang găng tay kéo lên khuỷu tay, áo và găng đều bằng nhung đỏ hay nhung đen thì quá choáng lộn, quá bốc lửa như Rita Hayworth trong phim Gilda. Kim Vui cuốn tóc từng lọn boucles anglaises thì đẹp và sang như bà hoàng. Rất tiếc, khán thích giả thích xem nhan sắc của chị lúc chị hát chứ không kể số gì tới giọng hát có căn bản của chị.
Về phim ảnh, Kim Vui đóng ba phim như Chân Trời Tím, Thương Hận, và Cúi Mặt. Chính nhờ vai Liên trong Chân Trời Tím, chị đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc. Trong phim nầy, chị có dịp mặc áo tắm và có dịp khỏa thân trước giá vẽ của nhân vật họa sĩ để phô bày đường cong nét lượn tuyệt mỹ trên thân thể chị. Hùng Cường, bạn đồng diễn của chị trong phim Chân Trời Tím có lần tuyên bố với báo chí rằng về điện ảnh, Kim Vui là bạn đồng diễn lý tưởng nhất của anh.Ngoài tài năng nghệ thuật trình diễn đa diện, Kim Vui còn biết vẽ tranh sơn dầu”…
Khi nói chuyện với Kim Vui, tôi nhận thấy chị không có vẻ “kiểu cách” của người nổi tiếng. Chị giản dị và chân thành. Bất cứ ai tiếp xúc với chị đều dễ dàng nhận ra điều đáng yêu đó của người phụ nữ miền Nam. Lúc tôi chia sẻ cảm tưởng của mình với nhà văn Văn Quang, ông viết mail trả lời cho tôi như sau về Kim Vui:
“Trong thời gian quay phim, tôi bận rộn quá nhiều với công việc phối hợp các đơn vị quân đội yểm trợ cho phim Chân Trời Tím, trong khi đó vẫn phải làm công việc của Phòng Bao Chí Quân Đội nên rất ít khi gặp Kim Vui. Nhưng sau này, khi CTT đã trình chiếu rồi, tôi gặp Kim Vui một vài lần, có khi nói chuyện qua điện thoại thôi. Nhận xét của tôi trước hết về tính cách của nữ diễn viên này. Kim Vui rất hòa nhã, dễ thân thiện và chân thật, không “vẽ vời” như những danh ca tài tử khác. Tôi nhớ một lần, tôi mời Kim Vui đến tham dự buổi dạ hội khóa 4 SQ Trừ Bị Thủ Đức, tổ chức tại Câu lạc bộ Công Binh. Hôm đó hầu hết các danh ca ở VN đều có mặt như Khánh Ly, Lệ Thu, và có cả Kiều Chinh. Kim Vui đến ngồi cùng bàn với chúng tôi, thân mật như “anh em trong nhà”. Chúng tôi đều rất quý Kim Vui vì sự giản dị đó.
Về mặt diễn xuất của Kim Vui, như tôi đã viết trong bài “Vài kỷ niệm với đạo diễn phim Chân Trời Tìm vừa từ trần” rằng cô ấy đã làm tôi hết sức ngạc nhiên vì tài năng diễn xuất trước camera lần đầu tiên. Đó là một tài năng thiên phú. Đạo diễn không cần hướng dẫn nhiều, cô ấy có thể sống với nhân vật trong kịch bản phim rất dễ dàng. Vai diễn của Kim Vui trong phim này rất đa dạng, khi dịu dàng như tiểu thư “con nhà lành”, yêu tha thiết như mới biết yêu, nhưng đôi khi lại rất hung dữ, với một nội tậm như điên khùng.
Nếu so sánh Kim Vui với nữ tài tử nổi danh nhất thời đó là Kiều Chinh, có lẽ rõ ràng hơn. Kiều Chinh có cái dáng sang trọng, rất hợp với những vai diễn dịu dàng, thanh lịch. Hãy cứ tạm hình dung đó là vai của Grace Kelly, bà hoàng Monaco. Tôi ví von thế cho dễ hình dung thôi.
Kim Vui cũng có cái dáng sang trọng nhưng tự trong con người, trong đôi mắt diễn viên luôn thấy được sự sẵn sàng nổi loạn. Giống như Ava Gardner qúy phái nhưng rất sẵn sàng lao vào sòng bài, hút thuốc lá và đi chơi với những tay đầu bò rừng Tây Ban Nha. Qua CTT và nhiều cuốn phim khác, cho thấy tài năng của Kim vui chính là sự đa dạng này.”
Một sự kiện mà ngày xưa hay dùng là chữ “scandal” của “Chân Trời Tím”. Đó là cảnh Kim Vui khỏa thân cho họa sĩ vẽ. Kể về chuyện này, Kim Vui cho biết nữ họa sĩ Trương Thị Thịnh (phu quân bà là người dạy vẽ cho Kim Vui), đã là người vẽ Kim Vui khỏa thân thật sự bên ngoài. Nhưng khi dàn dựng cảnh đó trong phim thì Kim Vui đã mặc một quần mỏng da người bó sát và ống kính quay phim thì chỉ chiếu từ sau lưng người họa sĩ tới mà thôi. Kim Vui kể ngày đó có nhiều người tò mò đến phim trường coi quay cảnh này lắm. Khi được hỏi chị nghĩ gì, Kim Vui cho biết “Có một chương trình TV ngày đó là Người Dân Muốn Biết họ phỏng vấn, chị nói nhìn vào cái hình khỏa thân mà mình thấy nó đẹp thì nó đẹp còn nếu mình nhìn thấy nó dơ thì nó dơ. Đẹp hay dơ là nơi tư tưởng của con người hết”.
Bức tranh khỏa thân đầu tiên ở Việt Nam của Kim Vui do Trương Thị Thịnh vẽ. Qua bức hình này sẽ thấy đây là một nhan sắc và thân hình trời cho vì ngày đó dao kéo chưa được phổ biến.
Tranh của Trương Thị Thìn ( sử dụng trong phim Chân Trời Tím)
Một điều khá bất ngờ với tôi khi được biết Kim Vui cũng là người đầu tiên mặc bikini ở Việt Nam. Chị cười hóm hỉnh “Chị nghĩ mình phải làm cái gì đó cho phụ nữ Việt Nam chớ cứ bít bùng sao. Ngộ một điều là chính mấy người chỉ trích chị khi chị lancer cái gì mới thì sau đó cũng chính họ bắt chước làm theo”!
Kim Vui hát nhạc ngoại ở các “night club” và với một thân hình bốc lửa như thế thì hiển nhiên có rất nhiều fans. Kim Vui kể “ Giả dụ chị đi hát ở night club này có 20 người theo. Khi chị qua club thứ hai, 20 người đó đi theo chị. Khi chị qua club thứ 3 thì 20 người đó cộng thêm một mớ người mới đi theo. Coi chịu nổi hông”. Tôi bật cười khi nghe lại ngôn ngữ miền nam “Coi chịu nổi hông!”.
Có nụ cười và hàm răng đẹp nên ngày đó Kim Vui đã được mời làm quảng cáo cho hãng kem đánh răng. Ngoài ra, chị còn quảng cáo cho nước ngọt. Đây là tấm hình quảng cáo nước ngọt ngày xưa. Qua tấm ảnh này, cách đây hơn 40 năm, thế hệ ngày nay nghĩ gì về nghệ thuật phim ảnh cũng như quảng cáo của Sài Gòn ngày ấy?
Kim Vui quảng cáo nước ngọt thời trước 75
Hiện giờ Kim Vui có hai giòng con: con Việt với nhạc sĩ Hoài Nam và con lai Mỹ với người chồng sau. Kim Vui cho biết chị đang trong giai đoạn hoàn tất cuốn hồi ký viết về toàn bộ cuôc đời chị bằng tiếng Anh với rất nhiều phụ bản hình ảnh. Sau đó có thể chị sẽ nhờ người dịch sang tiếng Việt sau.
Còn LS Dương Như Nguyện viết về Kim Vui như sau:
Dương Như Nguyện: Khuôn Mặt Kim Vui Trên Màn Ảnh Lớn VNCH
Năm 1974, tôi là một cô gái VN nhỏ bé mê truyền thông, màn ảnh và sân khấu (ngay từ thuở mới .. lọt lòng vì tôi là con gái của mẹ tôi. Mẹ tôi là một phụ nữ miền Trung nhu mì đi học làm nghề cô giáo và sống như một phụ nữ cổ truyền từ thế kỷ 19. Vậy mà mẹ tôi là người đầu tiên cho tôi ý tưởng khi xong trung học tôi không nên qua qua Mỹ du học mà trái lại nên ở VN học Quốc Gia Âm Nhạc Kịch Nghệ để trở thành nghệ sĩ sân khấu và đóng phim trong khi đi dạy tiếng Anh để kiếm tiền sinh sống!)
Ở xã hội miền Nam VN lúc đó, tôi lấy đâu ra hình ảnh của một “thần tượng” trên sân khấu và màn ảnh lớn – một môi trường phôi thai ở đất nước chiến tranh nghèo nàn ấy? Tôi phải nhắc đến nghệ sĩ Kim Vui. Bà là pha trộn của Sophia Loren, Gina Lollobrigida và một vài cô đào Tây Phương khác thuộc vào thế giới “pinned up” của Hollywood. Cộng thêm vào đó có thêm những đường nét đằm thắm rất Đông Nam Á. Một khuôn mặt đặc biệt và gợi cảm. Cái tên nghệ danh của bà thì đặc thù VN mà lại rất dễ đọc theo tiếng Anh hay tiếng Pháp!
Ở Kim Vui, khả năng diễn xuất rất tự nhiên toát ra từ tính cách gợi cảm của khuôn mặt bà. Một đắm say từ ánh mắt đến làn môi. “Nhập vai” dễ dàng như nói và thở. Khuôn mặt ấy làm màn ảnh lớn sáng lên với sự thu hút từ bên trong.
Quý vị không tin thì cứ tìm lại “closed-up” của khuôn mặt Kim Vui trên màn ảnh lớn trong phim Chân Trời Tím, rồi so sánh với khuôn mặt của Kiều Chinh trên màn ảnh lớn trong “Người Tình Không Chân Dung” hay màn ảnh nhỏ của truyền hình Mỹ trong phim truyện MASH, thì sẽ thấy ngay sự khác biệt và cảm nhận thế nào là tính gợi cảm tự nhiên của một diễn viên màn bạc.
Kim Vui có sự thu hút gợi cảm tự nhiên ấy ở tính cách quốc tế, của một superstar mà các đồng nghiệp của bà không có (theo thiển ý của tôi).
Sau 75, đôi lần tôi được thấy bà mặc váy đầm Tây Ban Nha, biểu diễn múa Flamenco cho cộng đồng VN – lúc đó là những con người vẫn còn lạc lõng bơ vơ chưa có chỗ đứng rõ nét trên đất nước mới.
Tôi chỉ tiếc cho Kim Vui sinh ra trong một đất nước quá nhiễu nhương mà nghệ thuật thứ bảy quá phôi thai và những biến chuyển lịch sử đã không cho khuôn mặt tài hoa này xuất phát hết tinh anh. Ấy thế mà bà cũng đã chói sáng và trường tồn trong xã hội VNCH thập niên 60, 70 và hơn thế nữa …Hình như bà đi trước thời đại của mình, đi vượt ra khỏi biên cương của văn hóa nước Việt.
Con người bà, theo nhiều người kể lại, thuần hậu và dễ thương với đồng hương như một cá nhân thuần Việt và rất chân chất như ruộng lúa Cửu Long, như gió mát từ sông lạch của miền Nam. Bây giờ, ở tuổi 70, bà vẫn thành thật, tự nhiên, thanh thoát mà gợi cảm!
Dĩ nhiên là sau khi qua Mỹ thì tôi cũng mon men đi theo sân khấu rồi màn ảnh lớn để xem nó như thế nào, rồi dừng lại ở đó. Vì thế, ngày hôm nay tôi mới có thể đưa những nhận xét này một cách rất tự tin về khuôn mặt và khả năng diễn xuất của Kim Vui với cái lý của tôi, và tôi tin chắc rằng sẽ có nhiều nghệ sĩ đồng ý với tôi, trong cũng như ngoài cộng đồng người Việt.
Nếu tôi đã Brava Brigitte Bardot thần tượng của một thời và luôn luôn của văn hóa Pháp, thì tôi cũng sẽ phải Brava Kim Vui!
Vượt văn hóa, vượt thời gian!
(DƯƠNG NHƯ NGUYỆN )
No comments:
Post a Comment