Nhạc sĩ Lam Phương là một nhạc sĩ đa tình, và cũng đã nhiều lần bị thất tình. Các nhạc phẩm bất hủ của ông, cả trước và sau năm 1975, đều có xuất hiện rất nhiều “bóng hồng” trong đó. Các tình khúc như Chờ Người, Tình Bơ Vơ, Tiễn Người Đi… được ông viết tặng ca sĩ Bạch Yến, và có thể nói Lam Phương đã viết nhiều bài hát nhất để gửi tặng danh ca này. Có lần ông nửa đùa nửa thật khi nói chuyện với Bạch Yến: “Anh đã viết cho Yến đến hàng trăm ca khúc”.
Danh ca Bạch Yến thời trẻ có vóc dáng nhỏ nhắn, gương mặt ưa nhìn và nổi danh từ rất sớm. 8 tuổi đã làm quen với âm nhạc, 14 tuổi đã là ca sĩ của các phòng trà tại Sài Gòn, 15 tuổi thành danh với ca khúc Đêm Đông. Còn nhạc sĩ Lam Phương lúc ấy đã nổi đình nổi đám với Kiếp Nghèo, Chuyến Đò Vỹ Tuyến… Ông có vóc dáng cao, khuôn mặt đẹp trai và đóng phim từ khi mới lớn.
Như cả hai đã từng thừa nhận, từ đầu đến cuối thì mối tình mà nhạc sĩ Lam Phương dành cho Bạch Yến chỉ là một mối tình đơn phương vô vọng. Cũng có lẽ nhờ như vậy mà mới có nhiều sầu khúc bất hủ được qua đời, nếu không có niềm vô vọng đó thì hậu thế đã không có những ca khúc thất tình hay như vậy để mà thưởng thức.
Trong một lần trả lời phỏng vấn, danh ca Bạch Yến còn thừa nhận rằng hồi còn trẻ, nhạc sĩ Lam Phương đã sang hỏi cưới nhưng cô không đồng ý, và mọi chuyện đã kết thúc từ độ ấy.
Với ca sĩ Bạch Yến thì mọi chuyện đã kết thúc. Có lẽ lúc đó cô còn quá trẻ. Mới 19 tuổi, khi đã đạt được đỉnh cao của sự nghiệp, Bạch Yến đã bỏ lại mọi thứ sau lưng để sang Pháp du học, với mong ước được học hỏi những tinh hoa của âm nhạc Tây phương.
Nói về lý do bỏ lại mọi thứ để ra đi, Bạch Yến nói: “Chính vì đã có những thành công đó nên tôi mới phải đi học. Sự nổi tiếng đó cũng chỉ là nổi trong một cái ao thôi, không nên là những con ếch tự hào tiếng mình kêu to, kêu vang trong cái ao làng nhà mình mà phải đi học kỹ thuật hát bài bản để hát được bền. Phải biết cách giữ khán giả lại cho mình bằng sự nâng cấp trong sự nghiệp. Khi ra đi, tôi quyết được thành công giống như danh ca Edith Piaf, từng làm mưa làm gió sân khấu mọi thời đại với nhạc khúc La vie Rose”.
Khi sống tại Châu Âu, có thu nhập lý tưởng, nhưng Bạch Yến không hài lòng. Trong mắt khán giả, cô chỉ là một khuôn mặt Á Đông xa lạ. Thế là năm 1963, Bạch Yến quay về Việt Nam và trụ lại phòng trà Tự Do của ông Ngô Văn Cường, một người từng sống lâu năm ở Pháp. Bấy giờ Bạch Yến đã bước sang tuổi 21, và đã trải qua 7 năm sống đời ca hát với những thành công rực rỡ. Cô được nhiều phòng trà, vũ trường mời gọi.
Năm 1965, cô được Ed Sullivan mời sang Mỹ. Show Ed Sullivan lúc ấy cực kỳ ăn khách, giới thiệu tất cả những ban nhạc và ca sĩ hàng đầu của Mỹ, Anh và thế giới, có show thu hút đến 35 triệu người xem. Bạch Yến lên hát show này và rồi được mời nán lại đi lưu diễn khắp Mỹ châu thêm 12 năm nữa, bên cạnh những nghệ sĩ lừng danh của Hoa Kỳ như Bob Hope, Bing Crosby, Pat Boone… Có thể nói, Bạch Yến là ca sĩ Việt Nam duy nhất hiện diện bên cạnh những nghệ sĩ quốc tế trong hơn một thập niên.
Như vậy trong vòng 12 năm, tính từ 1965 đến 1977, ca sĩ Bạch Yến đi khắp nước Mỹ để trình diễn. Trong quãng thời gian đó, thỉnh thoảng Bạch Yến có về Việt Nam để hát ở một vài shows lớn, nhưng không ở lại lâu mà đi ngay.
Trong những lần về vội vã đó, cô đã để lại những vương vấn trong lòng người nhạc sĩ Lam Phương. Kết quả là các bài hát bất hủ với những câu hát đầy lưu luyến của nhạc sĩ Lam Phương đã ra đời:
“Về làm chi, rồi em lặng lẽ ra đi
Gom góp yêu thương quê nhà
Dâng hết cho người tình xa!”
(Tình Bơ Vơ)
Hoặc:
“Rồi đây chốn xa xăm biết người nhớ tôi những gì!”
(Tiễn Người Đi)
Nỗi xót xa trong những lần gặp lại nhau chóng vánh giữa Saigon đã thúc đẩy Lam Phương viết thêm một loạt tình khúc khác có lời ca rất não nề như: Chờ Người, Trăm Nhớ Ngàn Thương, Tình Chết Theo Mùa Đông. Bài nào cũng thống thiết bi ai. Đặc biệt là bài Chờ Người:
Chờ em, chờ đến bao giờ, mấy thu thuyền đã xa bờ.
và
Mười năm trời chẳng thương mình, để anh thành kẻ bạc tình (lúc đó Lam Phương đã cưới vợ nên tự nhận mình là kẻ bạc tình).
Trong một bài viết của mình, MC Nguyễn Ngọc Ngạn kể rằng:
“Hồi thập niên 1970, nghe những bài này, tôi đâu có hiểu tại sao tác giả lại viết toàn những lời chia ly như vậy! Mãi 20 năm sau, gặp Lam Phương lần đầu tiên năm 1993 ở Paris, tôi mới được anh giải thích là những lời ấy anh nói với Bạch Yến khi Bạch Yến giã từ Sài Gòn quay lại Mỹ. Tôi cười bảo anh:
– Như thế thì anh và tôi và tất cả thính giả đều phải cám ơn Bạch Yến đã bỏ anh đi lần thứ hai, anh mới có những nhạc phẩm này. Giá như Bạch Yến ở lại, chưa chắc anh đã giải quyết được gì!
Chắc là vậy! Anh Lam Phương cũng đồng ý ngay với tôi. Mộng không thành thì mộng mới đẹp. Con cá bắt hụt bao giờ cũng là con cá lớn! Bởi vì lúc Bạch Yến từ Mỹ trở về sau hơn 10 năm xa cách, thì Lam Phương đã lập gia đình với kịch sĩ Túy Hồng rồi. Vậy còn níu chân Bạch Yến ở lại làm gì nữa! Thôi thì cứ giữ mối quan hệ trong sáng từ thuở nhỏ, chẳng đẹp hơn hay sao”.
Đông Kha
No comments:
Post a Comment