Wednesday, July 3, 2019

‘Diễm xưa’ và hành trình trở thành hiện tượng văn hoá ở Nhật Bản



Ít ai biết ca khúc Diễm Xưa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng được đưa vào chương trình giáo dục bậc đại học của Nhật Bản.

“Diễm xưa” (sáng tác năm 1960) là một trong những sáng tác nổi tiếng nhất giữa kho tàng hàng trăm bản tình ca làm say lòng bao thế hệ khán giả mộ điệu của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ca khúc được vị nhạc sĩ tài hoa lấy cảm hứng từ tình yêu lặng thầm dành cho “nàng thơ” Ngô Vũ Bích Diễm, một cô gái Hà Nội theo gia đìnhvào Huế sinh sống đã khiến trái tim ông lỗi nhịp thời tuổi trẻ.

Mặc dù đã từng được nhiều ca sĩ nổi tiếng trong nước và hải ngoại thể hiện nhưng “Diễm xưa” cũng như rất nhiều bản nhạc Trịnh khác chỉ thực sự đi vào lòng người qua giọng hát của Khánh Ly. Bài hát được Khánh Ly thu âm và chính thức phát hành trên thị trường trong nước qua băng nhạc Sơn Ca 7 vào năm 1974. Trước đó, cũng chính bà là người đầu tiên đã mang “giai điệu tình yêu bất tử” Diễm xưa vượt ra khỏi biên giới Việt Nam đến với khán giả quốc tế.

Năm 1970, Khánh Ly được hãng đĩa Myrica Music mời sang Tokyo để thu âm 2 ca khúc “Diễm xưa” và “Ca dao mẹ” bằng cả 2 ngôn ngữ Việt – Nhật. Cũng trong năm đó, bà đã trình diễn Utsukushii Mukashi – phiên bản tiếng Nhật của “Diễm xưa” trước hàng trăm nghìn khán giả tại Hội chợ quốc tế Osaka. Không lâu sau đó, hãng đĩa Nippon Columbia đã phát hành các phiên bản Nhật ngữ của Diễm xưa cùng một số ca khúc khác của Trịnh Công Sơn ở “xứ sở hoa anh đào”.

Nằm ngoài sức tưởng tượng của mọi người, Utsukushii Mukashi nhanh chóng trở thành một ca khúc thuộc hàng “top hit” trên thị trường âm nhạc Nhật Bản tại thời điểm đó. Đi đến đâu người ta cũng nghe thấy giai điệu Diễm xưa vang lên và thậm chí, mỗi khi nhắc đến âm nhạc Việt Nam, người Nhật sẽ nghĩ ngay đến Khánh Ly. Bà còn được báo chí Nhật Bản ưu ái dành tặng những mỹ từ như “ca sĩ hoa hậu áo dài”, “mặt trời Việt Nam vẫn hát”…

Thành công của Diễm xưa cũng như Utsukushii Mukashi chưa dừng lại ở đó. Vào năm 1978, Utsukushii Mukashi được đài truyền hình lớn nhất Nhật Bản NHK chọn làm nhạc phẩm chính cho Sài Gòn Kara Kita Tsuma To Musuko, một bộ phim nhiều kỳ nói về những khác biệt văn hóa trong gia đình của một người đàn ông Nhật lấy vợ Việt Nam dựa trên cuốn sách do ký giả Kondo Koichi viết về câu chuyện chính gia đình ông. Thông qua bộ phim ăn khách này, Diễm xưa của Trịnh Công Sơn lại một lần nữa có cơ hội tiếp cận hàng triệu khán giả trên khắp “đất nước mặt trời mọc”.




Nếu Khánh Ly có công giới thiệu Diễm xưa đến với khán giả Nhật Bản thì người góp phần phổ biến ca khúc này trong làng nhạc “xứ sở Phù Tang” chính là Tendo Yoshimi, nữ danh ca hàng đầu Nhật Bản ở thể loại enka (nhạc dân gian).

Nhiều khán giả Việt Nam yêu nhạc Trịnh chắc hẳn vẫn còn nhớ vào tháng 8/2002, Tendo đã từng đến Việt Nam, mặc áo dài và hát Utsukushii Mukashi để ghi hình cho một chương trình của đài NHK.

Đến tháng 9/2003, bà đã thu âm và chính thức phát hành Utsukushii Mukashi tại thị trường Nhật Bản. Tiếp đó, vào tháng 2/2004, nhằm đáp lại sự yêu mến của đông đảo khán giả dành cho ca khúc, Tendo đã thực hiện một bản thu khác với lối hòa âm gần gũi, dễ nghe, dễ hát hơn.




Bất ngờ là cả 2 phiên bản Utsukushii Mukashi qua giọng hát Tendo đều lọt vào Top 10 bài hát hay nhất mọi thời đại của Nhật Bản của Oricon Entertainment Site vào tháng 3-2004. Sự kiện một ca khúc Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng âm nhạc hàng đầu Nhật Bản được khán giả và giới chuyên môn bản địa đánh giá là “chuyện lạ chưa từng có”.

Chưa kể, trước đó, Utsukushii Mukashi còn được phát sóng trên truyền hình Nhật Bản ngay ngày mùng một Tết Giáp Thân (2004). Ngoài ra, vào tháng 7/2004, trường đại học Kansai Gakuin danh tiếng của Nhật Bản đã quyết định chọn bài hát “Diễm xưa” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để đưa vào chương trình giảng dạy bộ môn Văn hóa và Âm nhạc tại trường dưới hình thức một bộ giáo trình kèm DVD viết về ca khúc. Đây là lần đầu tiên một nhạc phẩm châu Á được đưa vào chương trình giáo dục bậc đại học của Nhật Bản. Với những thành tựu kể trên, năm 2004 có thể được xem là cột mốc đáng nhớ nhất, ghi dấu thành công mang tính lịch sử của “Diễm xưa” tại Nhật Bản.

Trong suốt gần nửa thế kỷ tồn tại, “Diễm xưa” đã chứng minh được sức sống mãnh liệt và bền bỉ của nó tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới mà tiêu biểu nhất là Nhật Bản. Độ phủ sóng và mật độ xuất hiện dày đặc của ca khúc này khiến nhiều người dân “xứ sở Phù Tang” thậm chí còn nhầm tưởng đây là một ca khúc của Nhật Bản.

Theo NGƯỜI ĐƯA TIN

No comments:

Post a Comment