Monday, August 26, 2019

Với Cuộc Sống Này, Đành Thôi, Chưa Thể Nói Lời Từ Giã - Jeffrey Thai

Downtown Charleston, South Carolina USA

Chỉ vừa mới 24 giờ trôi qua với Charleston mà tưởng chừng như đã là lâu lắm.

Nào là mưa rơi tầm tã thất thường trên xa lộ, lúc thưa, lúc rào, lúc hầu như tạnh hẳn.  Nào là những cơn mưa phùn bay bay giăng mắc cả phố thị về đêm, dập dìu bóng dáng những con người mang trong mình tâm thái của một đêm lễ hội.

Nào là nắng sớm yên lành trong trẻo quá, của một ngày mới trên một mảnh đất mới (lần đầu đặt chân đến trên những bước phiêu linh).  Nào là trưa nồng oi ả trên biển vắng thưa người, nắng chói chang cả một không gian bao la tràn ngập màu xanh của niềm tin yêu cuộc sống.  Nào là biển chiều nhàn nhạt một màu xám tiêu điều, xám trời, xám đất, và xám cả cõi lòng người một nỗi nhớ bâng khuâng khôn tả.

Tất cả cảnh quan, cảnh tượng, cảm xúc, nhân dáng con người... đó dồn dập tương tác trong một khung thời gian vô cùng hữu hạn, trong khối óc và linh hồn của một cá thể con người cũng vô cùng hữu hạn là tôi.  Sự tương tác đó dồn dập và mạnh mẽ đến nỗi 24 giờ của tôi với Charleston trở thành 24 giờ của người đàn bà trong một tiểu thuyết kinh điển của nhà văn Đức Stefan Zweig.

Thế mới hay, người ta trưởng thành lên hay già dặn đi bao nhiêu, không thể đo được bằng độ dài thời gian sống, mà phải bằng cường độ và tốc độ của nó, chưa kể tới chiều sâu của trái tim.

Rất thường khi, tôi không thể thoát khỏi ý nghĩ là mình đã sống đủ nhiều và đủ lâu (thậm chí là đủ sâu) cho cả một đời người.  Và chính vì thế, điều không thể tránh khỏi là những ngày sống tiếp sẽ chỉ còn là những lặp lại không mong muốn.

Tôi thấy mình vẫy vùng bất lực trong nỗ lực thoát khỏi sự giam hãm tù đày đó của đời sống con người.   Và có đôi khi tôi bỗng ao ước vu vơ, đời sống của mình đột nhiên ngưng lại và biến mất như thể chưa hề tồn tại bao giờ.  Điều đó nghe có vẻ như là một giải pháp bất khả thi, nhưng... tuyệt vời.

Người ta hay nhắc đến Thượng Đế và rao giảng về quyền năng cũng như sự công bằng, bác ái của Ngài trong việc tạo dựng nên sự sống cho muôn loài.  Tôi không hoài nghi gì về điều đó, cũng như chẳng hoài nghi gì về sự tồn tại của bản thân Ngài; thế nhưng, có ít nhất một điều tôi nghĩ là Ngài đã chẳng công bằng lắm đâu đối với con người.

Điều đó là, con người được Thượng Đế trao ban sự sống, và sự chấp nhận và đón nhận nó với niềm hân hoan mặc khải luôn được xem là một mặc định cố hữu, một thái độ duy nhất được chấp nhận.  Thế thì quyền từ khước của con người nằm ở đâu?  Nhất là khi món quà được trao ban không tươi hồng và diễm tuyệt như những gì được rao giảng.

Tôi thấy mình có ý nghĩ muốn đánh động con người về việc đòi hỏi một sự khước từ như thế như một thứ nhân quyền chính đáng trong tất cả mọi thứ nhân quyền mà con người có quyền có được.   Lý luận như thế, nhưng lý do tôi chưa kết thúc đời sống (mà tôi cho là tẻ nhạt) của mình, thực ra, lại vô cùng đơn giản:  Tận trong thâm tâm, tôi vẫn mơ hồ hy vọng về một thứ phép lạ giải thoát thần tiên nào đó hiện hữu chính ngay trong đời sống thực này.

Nhớ có lần tôi đã viết, đời sống này vẫn còn đáng sống biết bao khi chúng ta vẫn còn có khả năng tin là thật những gì là không thể và không bao giờ xảy ra (tức là "to believe in the impossible").  Kỳ lạ và mâu thuẫn thay, với thái độ sống lười biếng vô cùng tận thường nhật, tôi vẫn thấy mình còn có khả năng đó; và cũng chính vì thế mà, với cuộc sống này, đành thôi, chưa thể nói lời từ giã.

26.08.2019
Jeffrey Thai

No comments:

Post a Comment