Khách viếng thăm bảo tàng Louvre, Pháp. (Ảnh qua Fat Tire Tours)
Lòng mến mộ cái đẹp ai ai cũng có, nhưng sức thẩm mỹ, hiểu được cái đẹp, theo đuổi cái đẹp, thưởng thức phẩm vị của cái đẹp lại có thể cho thấy được tầng tri thức, cảnh giới tinh thần và sự tu dưỡng đạo đức của con người.
Mọi người đều coi trọng sức mạnh của thẩm mỹ, vậy rốt cuộc thẩm mỹ quan trọng như thế nào?
Cái đẹp có sức lôi cuốn bẩm sinh với con người
Những thứ xinh đẹp có sức hút bẩm sinh với con người, chỉ cần bạn chủ động tiếp cận chúng, và tạo cho mình một hoàn cảnh tương ứng, ví như nghe nhã nhạc của cổ nhân, đọc sách, thưởng thức những bức hoạ của các đại sư. Nếu vậy ngay trong cuộc sống đời thường bạn cũng sẽ có được gu thẩm mỹ độc đáo của riêng mình.
Thẩm mỹ là dọn dẹp phòng ốc thật ngăn nắp, gọn gàng, là trước khi bước ra khỏi cửa phục sức thật tỷ mỷ, là hương thơm của hoa tươi trong thư phòng mộc mạc, là bức tranh mình yêu thích nơi phòng khách. Cũng như vậy, ăn mặc là một trong những biểu hiện về gu thẩm mỹ của con người, ăn mặc phù hợp thể hiện sự giáo dưỡng, khiến người khác cảm thấy dễ chịu. Vậy nên trình độ thẩm mỹ quyết định đến chất lượng cuộc sống.
Một người hiểu về thẩm mỹ sẽ không chỉ đang tồn tại, mà là sống một cuộc đời thực sự. Hãy thưởng thức âm nhạc và thơ ca, học những nhạc cụ mình yêu thích, học vẽ tranh… Những điều này đều liên quan tới cái đẹp, nhưng không liên quan tới lợi ích. Chính những việc “vô dụng” trong mắt một số người như vậy lại là một phần cấu thành nên tâm hồn của chúng ta, mới khiến chúng ta trở thành một cá thể độc nhất vô nhị, trở nên độc đáo giữa muôn vạn người điệp trùng như mây nước. Đât chính là phẩm vị.
Hiểu về thẩm mỹ mới có được nhãn quan khác biệt. Một người không hiểu về thẩm mỹ dẫu giàu có một phương, cũng khó có được một cuộc sống tinh thần phong phú, hạnh phúc. Họ dễ thiếu cảm nhận và tình yêu với cái đẹp, ắt sẽ không truy cầu về chất lượng cuộc sống. Những điều này là thiếu sót trong kiếp người mà tiền bạc cũng không thể bù đắp nổi.
Cũng cần nói thêm rằng yêu cái đẹp không phải là một mực theo đuổi sự xa hoa. Một căn phòng xa xỉ nhưng lại thiếu đi cảm giác về cái đẹp cũng khiến lòng người trống rỗng. Một căn phòng đơn giản lại có thể biến trở nên vô cùng trang nhã với tư duy sáng tạo. Phẩm vị không thể đánh đổi bằng tiền bạc, mà là sự hun đúc, tôi luyện suốt chiều dài năm tháng.
Thẩm mỹ còn đóng vai trò thiết yếu với mỗi người và xã hội. Một người không hiểu về thẩm mỹ mới có thể để quần áo mình lôi thôi lếch thếch, để căn phòng mình ở bừa bộn, ngập ngụa. Một xã hội không hiểu về thẩm mỹ sẽ hỗn loạn, ô tạp, kiến trúc ngổn ngang, phố xá nhằng nhịt, cả thành phố chẳng có chút dư vị gì. Giáo dục về cái đẹp đóng vai trò thiết yếu đối với sự tu dưỡng và cảm giác hạnh phúc của một người về cuộc sống.
Mỹ cảm có thể hun đúc khí chất con người
Sống trong một môi trường có mỹ cảm khiến bạn có thể trở thành một người có tâm hồn cao quý, cử chỉ trang nhã, toả ra một sức cuốn hút kỳ lạ. Thật khó tưởng tượng trong một môi trường không có chút mỹ cảm nào lại có thể tạo nên con người có khí chất phi phàm. Mặc dù cuộc sống hiện nay đã được nâng cao, nhưng trình độ thẩm mỹ lại khiến con người phải lo lắng. Một xã hội hiểu về thẩm mỹ mới có thể thai nghén ra một nền văn hoá kinh điển, ra những trái ngọt của nghệ thuật.
Hãy cho con bạn có cơ hội tiếp xúc với những sự vật tốt đẹp. Yêu cái đẹp cũng không phải là chuyện cao xa, khó có thể với tới. Cuối tuần bạn đừng núp ở trong nhà, mà hãy đi tới những ngọn núi, hoặc giả cho con ngắm mặt biển gần nhất. Như vậy cũng là đang cho mình một lần cơ hội được tiếp xúc với cái đẹp. Hãy để trẻ nhỏ được tiếp xúc nhiều hơn với những sự vật mỹ hảo, những khung cảnh tươi đẹp, cảm nhận vẻ đẹp của tự nhiên, kiến trúc, thi ca, âm nhạc, hội hoạ… Sự cảm thụ và tận hưởng cái đẹp sẽ ẩn dấu trên khuôn mặt chúng, thẩm thấu trong nội tâm chúng đến suốt cuộc đời. Đâu cần cố ý, chúng cũng có thể dễ dàng toả sáng lấp lánh trong sinh mệnh của con thơ.
Mục đích của việc giáo dục về cái đẹp là vun đắp tình cảm của con người, phân biệt rõ tốt xấu, bồi dưỡng những thú vui tao nhã, cao thượng và thái độ nhân sinh tích cực. Trong quá trình giáo dục, cái đẹp sẽ khiến tâm hồn trẻ được tịnh hoá, trở thành những nhân cách cao thượng, thuần khiết, biết theo đuổi những điều tốt đẹp.
Nếu một người được may mắn tiếp xúc với cái đẹp chân chính, thì sự mỹ hảo này sẽ âm thầm nảy chồi đơm bông trong tâm hồn chúng, trở thành nhu cầu về chất lượng cuộc sống. Dẫu ở nơi đâu, làm nghề gì, thì sự mỹ hảo này cũng sẽ theo con người suốt cuộc đời.
Theo Sound Of Hope
Thiên Cầm biên dịch
No comments:
Post a Comment