Friday, November 22, 2019

Nhạc vàng VNCH kho tàng âm nhạc của Việt Nam


Miền Nam trước đây gọi nhạc vàng là tân nhạc để phân biệt với cổ nhạc. Sau chiến tranh, bên thắng cuộc mở “mặt trận” tấn công vào nền văn hóa miền Nam, cả tân nhạc lẫn cổ nhạc đều bị nghiêm cấm và bị hủy diệt.

Tân nhạc bị gán ghép là nhạc tâm lý chiến, nhạc phản động, nhạc xuyên tạc đường lối, chống phá cách mạng, hay bị xem là thứ nhạc sến, nhạc đồi trụy, nhạc ru ngủ, nhạc lãng mạn bi quan, nhạc vàng vọt.



Từ ngữ nhạc vàng xuất phát từ miền Bắc đã nhanh chóng được người miền Nam chấp nhận để phân biệt với nhạc đỏ là loại nhạc cộng sản.

Trong tâm tư người miền Nam màu vàng là màu da, màu dân tộc, màu mai vàng phương Nam, màu tươi trẻ, màu của kim loại quý hiếm vào bậc nhất. Bởi thế cờ vàng và nhạc vàng nhanh chóng được xem là báu vật của Việt Nam Cộng Hòa.

Vì yêu nhạc vàng…

Khi đất nước chia đôi, cách mạng văn hóa được phát động tại miền Bắc, nhạc vàng bị nghiêm ngặt cấm đoán. Nhạc đỏ với âm điệu Trung Hoa nhanh chóng thống trị nền âm nhạc miền Bắc, nhưng vẫn còn nhiều người yêu nhạc thường lén lúp thưởng thức nhạc vàng.

Một vụ án văn nghệ liên quan đến ban nhạc 3 người bị tố cáo hát xen kẽ nhạc vàng trong những đám cưới và những cuộc liên hoan, được xử công khai tại Hà Nội vào tháng 1/1971.

Ông Phan Thắng Toán tự Toán Xồm bị kết án 15 năm tù giam và tước quyền công dân 5 năm. Ông Nguyễn Văn Đắc 12 năm tù và tước quyền công dân 5 năm. Ông Nguyễn Văn Lộc tự Lộc Vàng, 10 năm tù và tước quyền công dân 4 năm.

Thập niên 1980, khi họ ra tù, nhạc vàng đã khá phổ biến nhưng cả ba vẫn bị quản chế và gặp phải muôn vàn khó khăn.

Ông Toán Xồm không nhà sống lang thang đã qua đời trên hè phố Hà Nội vào đúng đêm 30/4/1994, tưởng niệm 19 năm miền Nam lọt vào tay cộng sản.

Ông Đắc mất năm 2005 trong nghèo khổ.

Ông Lộc Vàng sống bôn ba mãi đến gần đây mới mở một quán cà phê nhỏ ở Hà Nội lấy tên Lộc Vàng.

Văn nghệ tự do

Chủ trương của Việt Nam Cộng Hòa được ghi rõ trong cả 2 Hiến pháp 1956 và 1967 là xây dựng một xã hội dựa trên triết lý nhân bản, khai phóng và dân tộc.

Văn nghệ được tự do hoạt động nên chỉ trong vòng 20 năm đã có hàng chục ngàn bản tân nhạc đủ thể loại chính thức phát hành, trong số đó, có hàng trăm tác phẩm đã trở thành bất hủ.

Đa số nhạc miền Nam đều chan chứa tình người, tình yêu quê hương, yêu đất nước, nỗi mong muốn thanh bình trở lại.

Tân nhạc được chia thành dòng nhạc tiền chiến, nhạc đại chúng, nhạc trẻ, nhạc du ca và nhạc phản chiến.

Còn được phân loại thành nhạc lính, nhạc tình, nhạc kích động, nhạc khiêu vũ, nhạc dân ca, nhạc sắc tộc, nhạc ngoại quốc lời Việt, nhạc chiêu hồi, nhạc chính huấn, nhạc đạo, nhạc thiếu nhi, nhạc hướng đạo, nhạc sinh hoạt…

Người miền Nam trân quý tác giả nên trân trọng đặt tên cho dòng nhạc Lam Phương, nhạc Phạm Duy, nhạc Trần Thiện Thanh, nhạc Hoàng Thi Thơ, nhạc Anh Bằng…

Trước khi hát một bản nhạc, người điều khiển chương trình hay ca sỹ thường giới thiệu tên tác giả và hoàn cảnh tác phẩm được sáng tác.

Việc giới thiệu tác giả và tác phẩm đã trở thành một phần của nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa.

Mỗi tác giả mỗi khác, mỗi bài nhạc mỗi khác, mỗi ca sỹ trình diễn mỗi khác, biểu hiện sự phong phú và đa dạng của âm nhạc miền Nam.

Ở miền Nam nhà nào cũng có radio, nhiều nhà có tivi, có dĩa hát, có máy thu thanh cassette… không có thì nghe ké nhà hàng xóm.

Nhiều ca sỹ, nhiều ban nhạc, nhiều hãng băng dĩa cassette cạnh tranh phục vụ đại chúng.

Từ tờ mờ sáng nhạc vang vọng khắp nơi, đến tối mịt mù, đôi khi vẫn nghe tiếng nhạc dập dình.

Những bản nhạc bolero, rumba, chachacha, tango dễ nhớ, dễ hát và dễ đi vào lòng người.

Người miền Nam hát bất cứ lúc nào có thể hát được. Đám cưới, đám hỏi hát hò, đến cả ngày giỗ đám ma cũng tụm năm tụm bẩy hát cho nhau nghe.

Họ hát từ tiền đồn heo hút, hát trong nhà thờ, trong chùa ra đến góc đường, góc chợ, quán ăn, hát cho nhau nghe và cho chính mình nghe.

Họ quan niệm hát hay không bằng hay hát, họ đồng cảm và đồng sáng tác bằng cách chế lời đổi nhịp điệu bài hát.

Máu văn nghệ chìm đắm trong tim óc người miền Nam, trở thành nếp sống, nếp văn hóa Việt Nam Cộng Hòa.

Trong tù “cải tạo”, nhạc miền Nam bị cấm, ai hát bị biệt giam đến chết, các tù nhân vẫn hát, hát cho nhau nghe, hát để gìn giữ báu vật Việt Nam Cộng Hòa.

Nhạc vàng Bắc Tiến

Những ngày đầu 30/4/1975, không ít người miền Nam ngạc nhiên khi nghe bộ đội Bắc Việt hát những bài viết về người lính miền Nam như Rừng Lá Thấp của Trần Thiện Thanh hay Xuân Này Con Không Về của Trịnh Lâm Ngân.

Khác chiến tuyến nhưng họ hát với tấm lòng của người lính xa nhà mong muốn chiến tranh chấm dứt để về lại quê hương.

Về miền Bắc, trong ba lô người bộ đội, chiếc cassette nhỏ và chục băng nhạc làm quà. Làng trên xóm dưới bắt đầu biết đến nhạc miền Nam.

Còn ở miền Nam, các đội cờ đỏ truy lùng nhạc chế độ cũ. Người yêu nhạc bị mang ra khu phố đấu tố, nhiều thanh niên bị cưỡng bức đi Thanh Niên Xung Phong, có người còn bị bắt đi cải tạo chỉ vì lén lúp chơi nhạc vàng.

Đầu năm 1979, chiến lợi phẩm của bộ đội miền Bắc là những kho cassette và băng nhạc trên đất Campuchia, nhạc vàng lại một lần nữa tràn ngập miền Bắc.

Rồi những radio cassette, những cuộn băng nhạc hải ngoại được chuyển ra miền Bắc, tiếp tục sự nghiệp Bắc tiến của nhạc vàng.

Khi ấy Hà Nội đã chuyển hầu hết công an và cán bộ tuyên giáo vào Nam nên nhạc vàng công khai cạnh tranh với loa phường và các đài chính thống.

Nhạc vàng trở thành món ăn tinh thần cho người dân miền Bắc, nhất là những người sống ở thành thị.

Nhạc vàng theo chân người Việt “xuất khẩu lao động” sang tận Liên Xô và Đông Âu. Ở đâu có người Việt ở đó có nhạc Việt Nam Cộng Hòa.

Ở miền Nam, sau những cuộc truy quét, nhạc vàng bắt đầu sống dậy. Nhiều ca sỹ lén lút thu thanh, nhiều quán cà phê hát nhạc vàng, nhiều đoàn hát “chui” về tận miền quê trình diễn.

Ngược lại, số người nghe nhạc đỏ giảm sút rất nhiều, nhất là với những người trẻ muốn quên đi chiến tranh và cách mạng.

Đến năm 1986, Hà Nội phải chính thức công nhận nhạc vàng, một danh mục gồm 36 tác phẩm âm nhạc của miền Nam được công khai trình diễn. Nhiều chương trình văn nghệ nhạc vàng được công khai tổ chức.

Ở hải ngoại các nhạc sỹ tiếp tục sáng tác tạo ra dòng nhạc vàng hải ngoại. Đến thập niên 1990, băng video Paris By Night, ASIA, Vân Sơn,… từ hải ngoại gởi về được bà con trong nước nhiệt tình ủng hộ.

Nghị quyết 36 ra đời, Hà Nội chính thức chỉ đạo phục vụ văn nghệ “đồng bào” hải ngoại. Nhạc vàng được Hà Nội chính thức nuôi dưỡng. Nhiều ca sỹ nhạc vàng được Hà Nội cung cấp tiền và phương tiện ra hải ngoại trình diễn. Hà Nội còn chấp nhận một số ca sỹ hải ngoại về nước hát.

Các nhạc sỹ đỏ bị “vắt chanh bỏ vỏ”, nhạc đỏ bị bỏ xó không ai màng tới, đến đài phát thanh, đài truyền hình Hà Nội cũng phát nhạc vàng.

Nhạc Việt Nam Cộng Hòa sống dậy

Bước sang thời đại Youtube và Facebook, chỉ cần chiếc máy tính, chiếc điện thoại cầm tay, mọi người có thể dễ dàng thưởng thức kho tàng âm nhạc Việt Nam Cộng Hòa.

Nhiều bạn trẻ mặc đồ lính Việt Nam Cộng Hòa hát nhạc vàng thu hút hằng triệu người xem.

Nhạc vàng không chỉ giúp giới trẻ tìm hiểu lịch sử Việt Nam Cộng Hòa, một số bạn trẻ dùng lời ca tiếng hát làm phương tiện đấu tranh với mong ước phục hồi thể chế tự do.

Nhạc vàng còn được sử dụng để phản kháng làn sóng nhạc Hàn, nhạc Mỹ, nhạc Trung… giữ gìn tình tự dân tộc và văn hóa Việt Nam.

Nhạc vàng được hát khắp nơi từ miền núi xa xăm phương Bắc xuống Cà Mau tận cuối miền Nam và mọi nơi trên thế giới.

Nhạc vàng đã bị “chôn” nhưng vẫn sống, ngày càng sống mạnh. 44 năm qua, nhiều thế hệ tiếp nối vẫn yêu quý nhạc miền Nam, tìm ra sự thật lịch sử và hướng về một ngày đất nước có tự do.

Trong vòng 20 năm Việt Nam Cộng Hòa xây dựng thành công một kho tàng văn hóa dựa trên triết lý nhân bản, khai phóng và dân tộc.

Kho tàng này không chỉ thuộc thể chế Việt Nam Cộng Hòa mà đã trở thành một kho tàng văn hóa Việt Nam.


Nguyễn Quang Duy, từ Melbourne, Úc Đại Lợi

No comments:

Post a Comment