Hàng Xanh không phải là một khu vực cuốn hút với những ai thích đời sống đô thị. Ở đó không có những ngôi nhà mái ngói thấp thoáng dưới bóng cây như ở Bà Chiểu, khu ngã tư Bình Hòa, cũng không có những con hẻm vắng vẻ như vài nơi ở Phú Nhuận. Hàng Xanh ồn ào, hay có xe lớn qua lại, trời mưa hay ngập nước. Đi ngang Hàng Xanh mùa nắng thì nắng chói, bụi mù, xe tải chạy ầm ầm giữa ngã tư rộng lớn, cái cầu sừng sững.
Hàng Xanh cũng có lúc êm đềm. Nhưng đó là một thời đã xa hàng trăm năm trước. Trong truyện “Chị Đào chị Lý” của nhà văn Hồ Biểu Chánh xuất bản năm 1957, ông kể cách ba mươi năm về trước, tức khoảng cuối thập niên 1920, “những người giàu có với những khách tầm hoa, chiều chiều hay mướn xe cyclo đi hóng gió. Hễ đi vòng chợ Bà Chiểu mà qua khỏi chợ Thị Nghè, thì từ mũi tàu, là chỗ sở Trường Tiền dượt thi đặng phát giấy phép lái xe hơi, vòng qua tới Cầu Mới, là ranh châu thành Bà Chiểu, hai bên đường đều là ruộng rẫy sình lầy, quang cảnh vắng vẻ im lìm, giống như quang cảnh thôn quê đồng bái.
Nếu ở Thị Nghè mà ngó thẳng xuống cầu Kinh Thanh Đa thì thấy mấy đám dừa nước xơ rơ, gió chiều thổi tàu lá xông lên rồi oặt xuống như chào khách nhàn du, lại có mấy cây bần rạch đứng chần ngần theo mé xẻo, dưới gốc lác mọc bao chung quanh như lác trìu mến không nỡ bỏ bần, còn bần như tiếc nước ròng nên đứng ngóng trông nuớc mau lớn lại”. Ông kể xóm Hàng Xanh ngày trước chỉ có vài ba cái chòi lá nhỏ, lại nằm cách xa nhau, có lẽ do người chủ cố ý dấu kín đời sống nghèo khổ của mình, tránh cho khuất mắt dòm ngó của thiên hạ.
Chú Nguyễn Cương Phú đang sống bên Úc, nay đã hơn tám mươi tuổi bồi hồi kể với người viết bài: “Hai chữ Hàng Xanh gợi lại trong tôi nhiều kỷ niệm thời thập niên 1940. Lúc ấy đường mang tên Avenue de l’Inspection, nay là đường Bạch Đằng.
Hồi ấy nhà mẹ tôi ở gần chợ Bà Chiểu nên khi có việc tôi thường đi lại trên con đường này. Ngày ấy, hai bên đường có hàng cây Sanh toả bóng mát trên nền cỏ lề đường (khởi nguồn cái tên Hàng Sanh, sau gọi trại đi là Hàng Xanh). Hai bên là đồng ruộng, xa xa có chùa Sư Muôn, nay là Long Vân Tự, lúc đó là ngôi chùa duy nhứt mà các nữ tu ở đây đều phải tự sản xuất, tự làm ruộng để sống. Chùa rất đông thiện nam tín nữ đến viếng cảnh chùa. Tôi chỉ là một chú bé tự đến chùa xin mua xâu chuỗi bồ đề 18 hột”.
Chú kể có một chuyện xảy ra gây chấn động dư luận thời đó ở khu vực này. Nơi đây năm 1945 có một cuộc họp mặt của các sĩ quan Nhật vừa sau khi họ được tin Thiên Hoàng đầu hàng vô điều kiện với Đồng minh. Họ cùng nhau uống chén rượu chia ly rồi lần lượt tự… harakiri, tức là mổ bụng tự sát tập thể. Cũng trên con đường này lúc đó, khi Việt Minh cướp chính quyền, có một “đại ca” tên là Ba Nhỏ, đứng đầu một tổ chức băng đảng ở đây.
Có người nói ông này là đàn em của Bảy Viễn, tướng cướp Bình Xuyên. Lấy danh nghĩa thuộc quân kháng chiến, Ba Nhỏ lợi dụng lúc lộn xộn giết chết khá nhiều người dân vô tội. Có chuyện kể rằng: một đôi vợ chồng lớn tuổi người Bắc đi chợ lúc về đi ngang trạm kiểm soát của Ba Nhỏ. Lính của ông ta kiểm tra trong giỏ lấy ra một miếng thịt heo bọc trong tàu là chuối. Sau một hồi ngắm nghía, tên trưởng trạm phán: “Lá chuối màu xanh, thịt mỡ (thịt ba rọi) màu trắng, thịt nạc màu đỏ. À, xanh - trắng - đỏ.... tượng trưng cho cờ Pháp. Như vậy đây là gián điệp của Pháp!”. Rồi chúng lôi hai vợ chồng này ra giữa đồng bắn luôn.
Thời điểm đó con đường Hàng Xanh vắng ngắt, hầu như không có người qua lại. Có lẽ phải đến khoảng thập niên 1950, nhất là sau 1954, khu Hàng Xanh mới đông đúc, khi người Bắc di cư vào và có một số người mua đất cất nhà ở đây sống cùng dân địa phương. Truyện “Chị Đào chị Lý” ghi nhận: “Khúc đường từ chợ Thị Nghè sang chợ Bà Chiểu mới có mấy năm nay mà nó nổi danh xóm Hàng Xanh rộn rực tưng bừng.
Quang cảnh đìu hiu ngày trước đã biến thành quang cảnh náo nhiệt không thua gì Phú Nhuận, Hòa Hưng, Vườn Lài hay Xóm Chiếu. Hai bên đường nhà phố cất liên tiếp giáp hết không còn chỗ trống mà chen vô ở được nữa. Tối ngày thiên hạ qua lại dập dìu, lại thêm đủ thứ xe tranh nhau chạy rần rần không ngớt”. Lúc đó, họa sĩ Duy Thanh trong nhóm Sáng Tạo đã di cư vào Nam. Ông cùng vợ là ký giả Trúc Liên về sống ở Hàng Xanh.
Lúc đó, tuy đã đông đúc hơn nhưng Hàng Xanh còn nên thơ với trước nhà có dòng rạch, có cái cầu ván bắc qua, theo lời kể của nhà văn Hồ Trường An trong cuốn “Cõi ký ức trăng xanh”. Phía xa nhà Họa sĩ Duy Thanh, hai bên hè là bãi dừa nước. Khi nước lớn, chung quanh nhà trở thành một bãi loáng bạc mênh mông. Ngôi nhà rộng ba căn, mái lợp ngói âm dương, xây cheo leo trên mảnh đất con con trồng đủ lọai cây cảnh như cây lẻ bạn lá tím hồng, cây mít kiểng lá xanh điểm chấm vàng, loài môn kiểng lá xanh điểm chấm đỏ, cây chuối nước hoa vàng điểm chấm đỏ, thêm tre ngà, trúc biếc, trắc bách diệp…
Hồi xưa, khu Hàng Xanh nằm trên đường thiên lý từ Sài Gòn ra Bắc ở thế kỷ 18. Thời đó, muốn đi Biên Hòa hay phía Bắc, khách phải đi đò chạy dọc theo bờ sông, còn đường bộ thì lầy lội toàn là ruộng với ao. Ông quan Điều Khiển Nguyễn Hữu Doãn cho giăng dây, vạt đường thẳng. Chỗ nào bùn lầy thì đặt cây và đất, gặp mương ngòi thì gác cầu, tạo thành con đường thẳng tắp nối liền trung tâm lỵ sở tỉnh Gia Định băng qua cầu Sơn đến bến đò Bình Đông, qua sông đến Biên Hòa. Đó là con đường Xô Viết Nghệ Tĩnh ngày nay chạy từ trung tâm Sài Gòn qua cầu Thị Nghè, ngang qua ngã ba Hàng Xanh, Cầu Sơn rồi băng qua Thạnh Đa, Bình Quới. Bây giờ, người ta vẫn gọi và viết là Hàng Xanh, dù tên gọi đúng phải là Hàng Sanh.
Hồi tôi còn trẻ ở những năm 1990, từ Phú Nhuận ra tới Hàng Xanh là thấy sắp được ra ngoại thành xanh mướt, được lên Thanh Đa ăn cháo vịt hay xuống “Câu lạc bộ dưới nước” chơi. Nếu không đi hướng đó thì qua cầu Sài Gòn, xuống dưới chân cầu rẽ phải vào khu du lịch Hồ Gia Trang ăn uống và bơi dưới hồ tắm. Có lần, tôi ghé thăm một bác người Huế ở gần ngã ba Hàng Xanh. Ngôi nhà xây từ thời Pháp của bác, có lẽ ngày xưa có sân rộng với cổng sát mặt đường.
Sau mấy lần mở đường, cổng nhà áp sát cửa ra vào, chừa lại một khoảng sân hẹp đủ để chiếc xe gắn máy. Bên trong khá yên tĩnh với nội thất của một biệt thự xưa, như với sách vở tiếng Pháp, bàn buya-rô gỗ quý lên nước đặt trong góc nhà tối… Căn phòng như phong kín quá khứ cả nửa thế kỷ trước, thời trước khi người Mỹ đến với hàng đoàn xe cam nhông tải nặng mười tám bánh và Hàng Xanh còn vắng vẻ và tịnh yên giống như trăm năm trước.
Từ ngã ba Hàng Xanh về Phú Nhuận, tôi đi ngang dãy nhà bán đồ đồng thờ tự đoạn gần chợ Bà Chiểu mà thấy nhớ nhiều những cái Tết khi cha mẹ còn sống, tôi thường lên đây mua dầu đánh đồng và đèn trang trí bàn thờ. Những cái Tết nay đã rất xa.
PHẠM CÔNG LUẬN
Tranh minh họa: Kha Liêm
No comments:
Post a Comment