Saturday, February 26, 2022

TRẦN QUANG: TỪ ẢNH ĐẾ SÀI GÒN ĐẾN NHỮNG LẦN VƯỢT BIÊN THẤT BẠI - LÊ HỒNG LÂM


 Nếu Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Thanh Nga, Kim Cương được xem là "tứ đại mỹ nhân", những minh tinh nổi bật nhất của điện ảnh Sài Gòn thì ở phía tài tử nam, Trần Quang là một trong vài gương mặt sáng giá nhất. Dù năm 1967, ông mới bắt đầu bước chân vào điện ảnh và đóng bộ phim đầu tiên, nhưng Trần Quang nhanh chóng trở thành tài tử đắt giá nhất, xuất hiện liên tục trong khoảng 20 bộ phim cho đến khi điện ảnh miền Nam chấm dứt. Có những giai đoạn, Trần Quang sống như một ông hoàng với số tiền cát xê lên đến 3 triệu đồng (lúc đó giá vàng chỉ 20.000/lượng). Thời điểm đỉnh cao, Trần Quang sống với hào quang của điện ảnh, được so sánh với ngôi sao Clark Gable của điện ảnh Mỹ và luôn có những mỹ nhân vây quanh.




Ở tuổi xấp xỉ bát tuần, Trần Quang vẫn có dáng dấp của một tài tử phong lưu với đôi mắt đa tình và hàng ria con kiến mà ông giữ trong suốt hơn 50 năm, trở thành "đặc điểm nhận dạng" không thể trộn lẫn của ông với bất cứ tài tử nào khác. Ông vẫn đi về giữa Việt Nam và Mỹ.

Tôi đã vài lần gặp Trần Quang tại Việt Nam và từng viết về ông trước đây nên khi nhận được lời đề nghị phỏng vấn ông cho dự án khảo cứu điện ảnh Sài Gòn trước 1975, Trần Quang vui vẻ nhận lời. Cuộc gặp gỡ diễn ra tại căn villa của con gái ông ở thành phố Houston (Texas).

Và những hồi ức của Trần Quang về một thời hoàng kim của điện ảnh miền Nam lại một lần nữa sống dậy.




Trần Quang là người gốc Bắc. Quê bố của ông ở Phủ Lý, Hà Nam, còn quê mẹ ở Hàng Đào, Hà Nội. Nhưng ông được sinh ra vào ngày 12/2/1942 tại thành phố Viêng chăn (Lào) vì lúc đó bố Trần Quang đang làm việc trong ngành ngoại giao rồi sau đó chuyển sang Thái Lan sống.

Đến năm 12 tuổi, khi Hiệp định Genève và Việt Nam chia cắt thành hai miền Nam, Bắc; sợ con trai không nói được tiếng Việt nên cậu bé Trần Quang được bố gửi về ở với chú thím tại Sài Gòn. Về Việt Nam, Trần Quang được chú khai sinh năm 1944 để vào học lại lớp 4. Ở Thái, ông học sinh ngữ Thái và Anh, nhưng khi về Việt Nam thì học tiếng Pháp bên cạnh tiếng Việt. Cả hai thứ tiếng đó đều mới nên Trần Quang nói năng rất ngọng nghịu, cộng với cái dáng cao lớn vượt trội bạn bè cùng lớp. Trần Quang quyết định bỏ học và nhờ chú thuê thầy về nhà dạy riêng, đặc biệt là tiếng Việt.

"Tôi nhớ cuốn sách đầu lòng khi biết đọc tiếng Việt giỏi là cuốn Đạo đức kinh và Minh Tâm bửu giám. Sau đó chú tôi cho đọc những cuốn truyện thời xưa của anh hùng đất nước mình như các vị Quang Trung, Lê Lợi, Nguyễn Trãi… Tôi không ngờ dân tộc của mình hào hùng và oai phong đến thế". Đó cũng là lý do mà sau này lớn lên, Trần Quang muốn đi theo con đường nghệ thuật để được thể hiện những nhân vật anh hùng trên sân khấu.

"Cuộc đời của tôi có lẽ là một định mệnh. Ông cụ muốn tôi đi theo ngành ngoại giao, nhưng không hiểu sao mà tôi quyết định vào học trường Quốc gia âm nhạc, cho dù lúc đó tôi vẫn nói tiếng Việt chưa sõi. Sinh trưởng trong một gia đình truyền thống như thế mà tôi đi theo trường Quốc gia âm nhạc thì bố tôi giận lắm. Ông nói rằng đó là nghề xướng ca vô loài. Tôi nói với bố tôi rằng, con đi theo ngành này để đánh tan cái từ xướng ca vô loài mà người đời định kiến ấy", Trần Quang nhớ lại.

Dù bị bố phản đối quyết liệt như vậy, nhưng Trần Quang không ngờ sau này bố ông lại là người sưu tập từng bài báo và hình ảnh của con trai để tập hợp trong một cuốn album. Mãi đến sau này khi được bảo lãnh sang Mỹ, bố ông vẫn giữ cuốn album đó và đưa lại cho con gái của Trần Quang với lời dặn dò: "sau này khi ông đi rồi thì con đưa những kỷ vật này cho bố Trần Quang".

Mãi sau này Trần Quang mới nhận được cuốn album lưu giữ những hình ảnh và bài báo quý giá đó khi bố ông đã qua đời.

Trần Quang nói rằng, nghệ thuật là sự vô chừng, nhưng trước hết phải đòi hỏi một năng khiếu, một tài năng bẩm sinh, cộng với những cơ may để phát triển sự nghiệp. Khi quyết định thi vào trường Quốc gia âm nhạc, Trần Quang còn chưa phân biệt được giữa ca kịch (cải lương) với thoại kịch (kịch nói) nhưng ông có lợi thế về ngoại hình, đài từ và cái bản năng nghệ thuật có sẵn trong máu. Trong kỳ thi năm đó, ông đỗ đầu trong số 115 thí sinh. Và cứ qua mỗi năm, ông đều giữ vị trí số 1 trong suốt bốn năm học.

Năm 1963, Trần Quang tốt nghiệp với vị trí thủ khoa nhờ diễn vai hai nhân vật kinh điển của sân khấu là Hamlet và Thành Cát Tư Hãn. Ông được bạn bè trong khóa gọi là Đại Hãn thay vì cái tên Trần Quang.

Nhưng Trần Quang không vội đi theo nghệ thuật vì ông nói lúc đó vẫn quá thiếu kinh nghiệm sống và chưa báo hiếu được cho bố mẹ. Lúc mới ra trường, để mưu sinh, nhờ khả năng ngoại ngữ, Trần Quang đi làm hướng dẫn viên du lịch cho một công ty. Ngay lần đầu tiên đưa một nhóm du khách Nhật Bản trải nghiệm văn hóa ở Việt Nam, Trần Quang được họ 'tip' 20$. Đó là số tiền đầu tiên mà ông kiếm được. Trần Quang cầm số tiền đó ra tiệm vàng mua một chiếc nhẫn hết 18$ để về biếu tặng mẹ ông. Đó là món quà đầu tiên mà Trần Quang tặng mẹ, người phụ nữ mà ông rất trân quý.

Năm 1965, Trần Quang đăng ký khóa thông dịch viên cho quân đội Mỹ và sinh hoạt trong quân đội. Tình cờ một bữa về phép đang chạy xe máy trên đường phố Sài Gòn thì bỗng nhiên có một chiếc xe jeep đuổi theo và chặn ngay trước mặt ông. Lúc đó Trần Quang hoảng hồn nghĩ quân cảnh bắt ông vì để tóc dài.n Nhưng ngay sau đó, ông thấy một người đàn ông cao lớn lừng lững bước xuống và hỏi, "Trần Quang, cậu biết tôi là ai không"? Trần Quang trả lời không biết. Ông ta nói tiếp, "tôi là đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc". Lúc đó, Trần Quang mới thở phào và trả lời, "dạ thưa, tôi có biết vì có nghe tên ông qua một số bộ phim". Hoàng Vĩnh Lộc liền dẫn Trần Quang vào một tiệm cà phê ngồi và mở chiếc cặp Samsonite ra vào đưa cho ông một bản hợp đồng và kêu đọc kỹ rồi ký tên. Nhìn Trần Quang mắt tròn mắt dẹt, Hoàng Vĩnh Lộc nói, "tôi đi tìm cậu mấy tháng nay để mời cậu đóng phim". Thì ra, dù biết Trần Quang không sinh hoạt văn nghệ nhưng Hoàng Vĩnh Lộc vẫn ấn tượng với hai vai diễn tốt nghiệp của ông trong Hamlet và Thành Cát Tư Hãn nên quyết đi tìm ông bằng được để mời đóng trong bộ phim do ông đạo diễn là Xin nhận nơi này làm quê hương. Trần Quang chỉ đọc sơ qua bản hợp đồng rồi ký vì sự mách bảo của linh tính. Số tiền đầu tiên mà Trần Quang nhận được cho bộ phim đầu tiên là 20.000 đồng, đồng thời mở ra một cánh cửa để đưa ông bước chân vào đại lộ điện ảnh.

"Kịch bản Xin nhận nơi này làm quê hương của Hoàng Vĩnh Lộc rất hay. Ông viết về người lính ở cả hai chiến tuyến và mỗi phía đều có những lý tưởng riêng và vì lý tưởng của mình mà phải thực hiện nhiệm vụ. Câu thoại mà tôi tâm đắc nhất là 'có những người chết dấm chết dúi trong bóng tối thì một mai mới có hòa bình'. Câu đó hay là tại vì nó đúng với cả hai phía" - Trần Quang nhận xét. Kỷ niệm đóng bộ phim này cũng rất gian khổ và nguy hiểm, những cảnh bắn nhau đều sử dụng đạn thật. Những cảnh lội sình hôi thối, nằm bờ nằm bụi cũng đều được quay như thật.


Nhờ được đánh giá cao về mặt câu chuyện và nghệ thuật nên Xin nhận nơi này làm quê hương được Trung tâm Điện ảnh Quốc gia chọn chiếu trong ngày Điện ảnh đầu tiên vào 22/9/1969 ở rạp Rex và có rất nhiều đạo diễn, diễn viên cùng tham dự. Dù mới đóng phim lần đầu nhưng ngay lập tức Trần Quang gây được sự chú ý vì gương mặt rất đàn ông cùng lối diễn xuất tự nhiên, khác với phong cách sân khấu của những nam tài tử cùng thời. Đó là lý do mà các đạo diễn như Lê Hoàng Hoa, Bùi Sơn Duân và nữ minh tinh sáng giá nhất lúc đó là Thẩm Thúy Hằng đều đến gặp và mời Trần Quang hợp tác.

Năm 1969, Trần Quang được Lê Hoàng Hoa mời đóng vai tay du đãng James Dean Hùng (hay Hùng đầu bò) trong bộ phim về đề tài giang hồ Điệu ru nước mắt. Cùng lúc đó, đạo diễn Bùi Sơn Duân mời Trần Quang đóng Như hạt mưa sa cùng với hai nữ minh tinh sáng giá là Thẩm Thúy Hằng và Bạch Tuyết. Do thời gian rất cận nhau nên ban ngày Trần Quang đóng vai họa sĩ Thuyên trong phim Như hạt mưa sa, ban đêm đóng vai trùm du đãng James Dean Hùng trong Điệu ru nước mắt.

Như hạt mưa sa là bộ phim tâm lý lãng mạn được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ngọc Linh. Lúc đầu, Ngọc Linh muốn La Thoại Tân đóng vai họa sỹ Thuyên vì hợp với nhân dáng nhưng Bùi Sơn Duân một mực thuyết phục Ngọc Linh để Trần Quang đóng vì cho rằng nam tài tử mới này có tố chất của một diễn viên điện ảnh. Khi bộ phim ra mắt và gây được tiếng vang, chính Ngọc Linh khen ngợi Bùi Sơn Duân có con mắt tinh đời. Đó là lý do đạo diễn Bùi Sơn Duân quyết định mời Trần Quang đóng tiếp một phim nữa là Như giọt sương khuya với Bạch Tuyết.

Cả hai bộ phim của Bùi Sơn Duân đều thành công lớn tại phòng vé, trong khi Điệu ru nước mắt nhận được những lời khen ngợi có cánh của giới báo chí, đặc biệt là vai phụ của Trần Quang bên cạnh vai chính Đại Cathay của tài tử Hùng Cường. Trong một bài báo chân dung về Trần Quang, nhà báo Viên Linh nhận xét rằng: "Một nhân dáng điện ảnh mới vừa xuất hiện và có phần vượt trội so với những gương mặt kỳ cựu như Hùng Cường hay La Thoại Tân".

Xuất hiện liên tiếp với 4 bộ phim trong chỉ hai năm và nhận được những phản hồi tích cực từ báo chí cho đến khán giả, Trần Quang quyết định đi theo con đường điện ảnh khi nhận được liên tiếp những lời mời của các đạo diễn nổi tiếng.

Bộ phim thành công lớn ngay sau đó của Trần Quang là Vết thù trên lưng ngựa hoang, một bộ phim về đề tài du đãng được chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Duyên Anh. Lần này, Trần Quang đóng chung với Thanh Nga, Bạch Tuyết, hai nữ diễn viên từ cải lương chuyển sang đóng phim và cũng rất ăn khách lúc đó.

Trần Quang chia sẻ những kỷ niệm đóng phim mà ông nhớ mãi, đặc biệt là những cảnh lãng mạn mà ông đóng chung với Thanh Nga. "Tôi cùng tuổi với Thanh Nga nhưng chị vào nghề trước tôi nhiều năm nên tôi vẫn dành cho chị một sự kính trọng nhất định và vẫn xưng hô kiểu chị em. Nhưng diễn những cảnh lãng mạn thì đôi khi phải dẹp sự kính trọng đó sang một bên để ăn ý với bạn diễn. Trong một cảnh quay ở phần cuối, tôi và Thanh Nga phải diễn một cảnh rất lãng mạn trước khi chia tay để tay trùm Hoàng guitar nhận nhiệm vụ cuối cùng. Tôi đang chuẩn bị cúi xuống để đặt một nụ hôn lên môi người vợ thì Thanh Nga thì thầm bên tai, 'nhớ nghe Quang, chị là chị nghe Quang'. Tôi tụt hứng vì bị Thanh Nga phá mất một trường đoạn xúc động nên không diễn được và lầm lì suốt ba ngày trên trường quay. Thanh Nga được thể trêu hoài, 'đàn ông gì mà giận dai vậy?' khiến tôi phải bật cười.

Trong chưa đầy 10 năm đóng phim ở miền Nam trước 75, tôi diễn chung với hầu hết các diễn viên nữ ăn khách nhất lúc đó, nhưng Thanh Nga vẫn để lại cho tôi một cảm xúc đặc biệt".

Vai diễn Hoàng guitar, trùm du đãng trong Vết thù trên lưng ngựa hoang không chỉ rất ăn khách trong năm 1970 mà còn đem lại cho Trần Quang giải Nam diễn viên chính xuất sắc tại giải thưởng Văn học Nghệ thuật Sài Gòn và đồng thời đoạt giải Kim Khánh - Nam diễn viên được khán giả ái mộ nhất năm đó.



Trần Quang trở thành Ảnh đế và là cái tên sáng chói trong làng điện ảnh miền Nam với số tiền cát xê tăng lên hàng chục lần. Ông lần lượt đóng chính trong những bộ phim như Nàng (với Thẩm Thúy Hằng), Người tình không chân dung, Hồng yến (với Kiều Chinh)… Đỉnh điểm là bộ phim Anh yêu em và Men tình mùa hạ (1973) Trần Quang nhận được mức cát xê lên đến 3,3 triệu đồng, trong lúc giá vàng chỉ 20.000/lượng. Ông lái những chiếc xe đắt tiền nhất và ở trong những căn biệt thự sang trọng ở Sài Gòn. Kéo theo đó là cuộc hôn nhân tan vỡ và vô số giai thoại về tình ái do giới báo chí Sài Gòn thêu dệt.

"Từ khi tôi trở thành diễn viên, cuộc sống của tôi thay đổi hoàn toàn. Cái giá phải trả là cuộc sống của tôi rất khép kín, phải trốn lánh mọi người và giữ một khoảng cách với khán giả. Cuộc sống của tài tử tùy theo đẳng cấp xã hội và phong cách của người đó mà họ có cách ăn chơi khác nhau. Giới cải lương ăn chơi kiểu khác, điện ảnh kiểu khác. Giới cải lương lúc đó có hai ngôi sao ăn chơi khét tiếng là Hùng Cường và Thành Được. Phía nữ như Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Thanh Nga và Kim Cương thì sống rất khép kín. Giới điện ảnh dù ăn chơi nhưng phong thái khác hẳn. Báo chí săn đuổi tôi để viết scandal về tình ái của tôi nhưng họ không bao giờ săn được tin gì, bởi tôi luôn rất khép kín và muốn dành sự tôn trọng cho người phụ nữ đi bên cạnh tôi. Tôi không muốn phô trương chuyện tình ái như nay đi với cô này, mai đi với cô khác mà muốn những người phụ nữ gần tôi kiêu hãnh và được tôn trọng. Thế nhưng, không biết ở đâu mà mọi tin đồn về tính ái của tôi xuất hiện dày đặc trên báo chí", Trần Quang nhớ lại.

Những năm cuối cùng của điện ảnh miền Nam, Trần Quang bắt đầu được giới điện ảnh châu Á chú ý và mời hợp tác một số phim. Hai bộ phim hành động hợp tác với Hongkong mà Trần Quang được mời đóng vai chính là Long hổ sát đấu và Hải vụ 709.

"Đối với tôi hai từ nghệ sĩ lớn lắm, đó là một niềm vinh dự. Càng trân trọng từng nào thì tôi càng cố gắng tôi luyện từng đó. Tôi nhớ khi nhà báo Quỳnh Kỳ hỏi những mộng ước sau này của tôi là gì? Tôi nói rằng khoảng vài năm nữa tôi mang một nhóm sang Hollywood học hỏi rồi trở về Việt Nam. Tại vì muốn tiến lên phía trước và được thế giới công nhận thì phải học hỏi ở Hollywood. Nhưng rồi năm 75 tới, tất cả mọi thứ đều xáo trộn và thay đổi hoàn toàn. Đó là lẽ tất nhiên thôi khi chuyển đổi từ thể chế chính trị này sang thể chế chính trị khác. Tất cả các anh em nghệ sĩ miền Nam lúc đó đều lâm vào những hoàn cảnh rất khó khăn. Những nghệ sĩ nổi tiếng trước 75 đều phải đi học cải tạo và cấm trình diễn. Chúng tôi họp nhau lại thành một nhóm và đi hát chui, gọi là đoàn ca nhạc kịch quê hương do anh Duy Khánh và Châu Cường làm trưởng đoàn. Lúc đó chỉ hát đình hát chợ thôi, nhưng chúng tôi nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của dân chúng. Họ quý mến chúng tôi rất chân thành. Nhờ thế mà tôi mới biết hết miền Nam. Cùng với tôi còn có Thanh Lan, Thẩm Thúy Hằng… Từ những minh tinh tài tử sống phong lưu trong những ngôi biệt thự sang trọng, sau 75, đi diễn chui chúng tôi phải ngủ chung trong những căn phòng nhỏ bé và nhận những đồng tiền bèo bọt, nhưng lúc đó được diễn là vui lắm rồi", Trần Quang hồi tưởng lại những năm tháng khó khăn.

Trần Quang bật cười lớn và kể tiếp, "Sau 75, tôi đi vượt biên tổng cộng 32 lần thì cả 32 lần đều thất bại. Trong đó có 8 lần bị bắt, 7 lần ở tù vì đi đâu tôi cũng bị người ta nhận ra rồi đồn thổi khắp nơi. Sướng cũng vì Trần Quang mà khổ cũng vì Trần Quang là thế. Sau đó tôi bỏ mộng vượt biên để ở lại Việt Nam để tiếp tục hoạt động nghệ thuật".

Niềm vui của Trần Quang trong giai đoạn đó là gặp gỡ những diễn viên tài năng của miền Bắc như Thế Anh, Trà Giang, Như Quỳnh hay Phương Thanh. "Chúng tôi tay bắt mặt mừng. Nghệ sĩ yêu quý nhau vì tài năng chứ không quan trọng giới tuyến". Những cuộc gặp gỡ đó cũng giúp Trần Quang có cơ hội được các đạo diễn miền Bắc hoặc Việt kiều trở về mời đóng phim. Hai bộ phim thành công nhất mà Trần Quang hợp tác với điện ảnh miền Bắc sau 1975 là Tội lỗi cuối cùng của đạo diễn Trần Phương (diễn chung với Phương Thanh) và Con thú tật nguyền của đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh.

Trong những năm đầu 1980, khi đạo diễn Lê Hoàng Hoa được mời dàn dựng loạt phim điệp viên dài tập Ván bài lật ngửa, Trần Quang đã từng được đạo diễn và người bạn thân trước 75 mời đóng vai chính nhưng có lẽ do nhân thân của ông không phù hợp với vai một điệp viên nhị trùng nên vai diễn để đời đó cuối cùng được giao cho Nguyễn Chánh Tín.

Giờ đây, ở tuổi xấp xỉ 80, Trần Quang vẫn có dáng dấp của một quý ông lịch lãm. Ông sống một cuộc đời an nhàn, điền viên với gia đình con gái ở Houston và thi thoảng tham gia diễn kịch ở Mỹ. Trong những lần trở về Việt Nam để gặp gỡ bạn bè, Trần Quang vẫn nhận được những lời mời đóng phim, nhưng ông nói rằng, vẫn chưa có một kịch bản hay vai diễn nào phù hợp với ông.

"Có lẽ cái hào quang của nghề diễn năm xưa đã in sâu vào tâm trí của tôi nên tôi không muốn xuất hiện trở lại trong những vai diễn lớt phớt chỉ vì nhớ nghề. Tôi đã nói rồi, hai từ nghệ sĩ với tôi lớn lắm, nên thà tôi giữ cho mình những ký ức tươi đẹp ấy", Trần Quang trầm ngâm nói.

Nhưng khi tôi vừa hoàn thành dự án khảo cứu về điện ảnh Sài Gòn trước 1975 và xuất bản cuốn biên khảo Người tình không chân dung (Tao Đàn & NXB Hội Nhà Văn) thì Trần Quang đã quay trở lại trong một bộ phim hành động có tên Con đường vô tận, với bối cảnh trải dài từ New York tới Sài Gòn. Ông đã hoàn thành phần quay ở thành phố New York (Mỹ) vào cuối năm ngoái, nhưng bộ phim vẫn bị "kẹt" lại do dịch Covid-19.

26/09/2020


No comments:

Post a Comment