Sunday, September 11, 2022

CUỐI MÙA NHAN SẮC VIII - JEFFREY THAI

 

Tôi đến thành phố này như một người khách lạ, chẳng quen ai và cũng chẳng ai quen mình, vào một tối mùa đông thật lạnh, chỉ vài giờ trước thời khắc giao thừa.  Tôi ra đi như một sự bừng tỉnh (hay thực ra là để đánh thức mình) sau một cơn mê - cơn mê vừa đẹp, vừa dài, vừa mê mải và thật buồn như một lần bỏ cuộc đời mà đi.  

Ở những ngày viết blog cũ, tôi vẫn cứ nghĩ chuyện bỏ cuộc đời mà đi chỉ là chuyện của văn chương, của những thoáng bốc đồng trong cuộc sống.  Nhưng hóa ra, nó hoàn toàn có thực.  Người ta sẽ bỏ cuộc đời mà đi khi trần gian này đã quá đỗi chán chường, và cuộc sống chỉ còn là một sự lặp lại tuần hoàn của những điều không mong muốn; với tôi, đó là vòng tuần hoàn đầy ngao ngán của sự chạm ngõ với những gương mặt người đáng sợ.  Ở những ngày bỏ cuộc đời mà đi vừa êm đềm, vừa cô đơn đến tận cùng ấy, tôi vẫn ước thầm giá mà mình không phải trở lại vì món nợ áo cơm.  Tôi biết lòng tôi đã là "những hàng thành quách cũ", trong đó không còn lại ai, không còn lại gì.  

Tôi đến thành phố này và trở lại với hành trình kiếm sống vừa tròn hai năm tám tháng - một khoảng thời gian đủ dài để nó không còn là thành phố lạ như ngày đầu tôi mới đến.  Ngày ấy, tôi gọi nó là " thành phố lạ" - một cái tên mà tôi thật yêu mến biết bao như đã từng yêu một "thành phố buồn".  Lạ có nghĩa là không quen, nghĩa là một sự bắt đầu mới tinh khôi.  Chúng ta có dịp để rũ bỏ quá khứ (dù đẹp hay không) để làm lại từ đầu.  Nó chưa chắc hẳn là sẽ tốt đẹp hơn, nhưng có điều chắc chắn là nó sẽ mới lạ hơn, và bằng cách ấy tôi duy trì sự tồn tại của mình trên cõi thế gian.

Hành trang tôi đi ngày ấy là một cõi lòng giá lạnh của mùa đông, ý thức được rằng mình đang bước vào giai đoạn "cuối mùa nhan sắc" của cuộc đời.  Thực ra, "cuối mùa nhan sắc" không hẳn nghĩa là già, nó chỉ đơn thuần là một quá trình được đánh dấu bằng sự tàn phai của mọi phương diện đời sống (thể chất, dung mạo, tâm hồn...).   Nói thế là vì khi người ta thực sự già, người ta không còn nói đến...  nhan sắc.  Cuối mùa nhan sắc không là sự chấm hết, mà chỉ là sự tiệm cận trên bước đường phôi pha. 

Trong sự tiệm cận ấy, có một nghịch lý này đã tồn tại từ lâu trong đời sống tôi nay càng trở nên rõ nét hơn bao giờ hết.  Đó là, tôi đã sớm bị coi là già trước tuổi khi chỉ vừa bước qua lứa tuổi đôi mươi; nhưng rồi khi những người cùng thế hệ có lẽ đã trở thành những ông chú, bà thím với hình hài khá nhiều hư hao và những căn bệnh tuổi già, thì dường như trong mắt con người nơi đây, tôi vẫn chỉ là một gã trai với nhiều hơn tuổi đời và thực tế là, tôi chẳng hề mang căn bệnh gì trong người.  Mỗi lần có ai đó có dịp nhìn vào bằng lái của tôi thì tôi lại có dịp để nhìn thấy một sự ngạc nhiên lớn trên gương mặt của họ.  Ở những tháng năm trước, tôi luôn nghĩ đó chỉ là một sự tình cờ thú vị.  Bây giờ thì tôi ngẫm nghĩ nghiêm túc hơn và tôi chợt nhận ra đó không là điều tình cờ chút nào.  

Thực ra, sự già nua của con người bắt nguồn chính từ thái độ sống luôn tham, sân và si quá nhiều của họ.  Chỉ tính thời gian từ lúc tôi đến thành phố này thôi, tôi đã nhìn thấy nhiều người già đi một cách đáng sợ đến mức gây ngỡ ngàng: họ tăng cân không kiểm soát và gương mặt hằn nhiều nét nhăn âu lo.  Trong khi đó, dẫu bao năm tháng đã qua đi, tôi vẫn tồn tại giữa đời này với một tâm thái luôn yên bình, không trông mong, không vọng đọng, chẳng màng danh lợi, bạc tiền.  Tôi vẫn là gã trai ngày nào đi lang thang giữa cơn mưa chiều mà lòng buồn rười rượi, triền miên.  Hay nói theo cách Trịnh Công Sơn đã nói, ở một góc nhìn nào đó, tôi vẫn luôn là "con chim hót líu lo quên ngày tháng trên đầu những ngọn lau".   

Bề ngoài trông là thế nhưng thực ra tôi đã thấy lòng mình bạc phếch màu của thời gian.  Mỗi ngày sống tới tôi đều nghĩ về cái chết, và xem giây phút mình đang sống là giây phút cuối cùng.  Bằng cách ấy, tôi đã dẫn dụ mình để sống có ý nghĩa hơn, quí trọng hơn ngày sống hiện tại bất chấp những rong rêu đang đeo bám trong tâm hồn.  Cuộc đời con người thực ra có ý nghĩa gì?  Sống để làm gì?  Đến cuối mùa nhan sắc, tôi vẫn thấy mình nợ chính mình, nợ cuộc đời này những câu trả lời thỏa đáng.  Cũng như Xuân Diệu một thuở xuân xanh nào, sao tôi luôn thấy ở cuộc đời này "tất cả đều vô nghĩa, tất cả không ngoài nghĩa khổ đau".

Tôi không có ý nói là mình khổ đau.  Tôi chưa bao giờ cảm thấy thế.  Tôi vẫn cảm nhận rõ lắm những khoảnh khắc hạnh phúc bất chợt đến trong nỗi cô đơn bất tận của đời mình.  Tôi chỉ luôn thấy đời sống này vô nghĩa và sự vô nghĩa đó bắt nguồn từ việc tôi nhìn thấy người người luôn khổ đau trong những vật lộn, tranh giành của đời sống. Và đó là một vòng lẩn quẩn tối tăm bất tận, không có ngày kết thúc.  Suốt một đời, tôi luôn thấy mình làm một chứng nhân chán chường của lòng tham bất tận của con người, tham đến cả từ những điều vụn vặt, những vật ít giá trị nhất trong đời sống.  

Thế là tôi đã sống ở thành phố này hai năm, tám tháng, mười một ngày, và tôi đã viết bảy phần đầu của Cuối Mùa Nhan Sắc ở mười bảy tháng đầu tiên.  Tôi đã dự định để viết tiếp phần tám vào mùa thu năm ngoái.  Tôi đã dư định sẽ mặc một chiếc áo hoa và viết nó ở một công viên đầy hoa nào đó, nhưng rồi sự bận rộn của đời sống đã khiến ngày tháng trôi đi trơn tuột cho mãi đến hôm nay, phần tám ấy mới được viết.  Thực ra, có quá nhiều điều để viết ở phần tám này, nhưng rồi đến tận dòng chữ này, tôi đã trượt theo cảm xúc mà chưa đề cập đến chúng được.  Thôi thì tôi sẽ đề cập đến ở những phần sau vậy.  Đó là những ngày bão tuyết lẫy lừng, những đêm trường casino bất tận, những ngày bão đá kinh hoàng, những ngày nắng nóng triền miên,...   rồi những ám ảnh đậm sâu về những tội ác kinh hoàng liên tiếp diễn ra ở thành phố nguy hiểm nhất nước Mỹ này.  

Tất cả những ký ức ấy không hẳn hoàn toàn là những ký ức tươi đẹp, nhưng để kết thúc phần tám này, tôi vẫn xin cám ơn thành phố này đã cho tôi những ngày sống bận rộn, một sự bắt đầu mới (dù giờ cũng đã nhuốm màu thời gian) và một hành trình sống mới ít nhiều khác lạ.  Bất chấp những tội ác tràn lan và kinh hoàng, bất chấp sự xuống cấp tận cùng của con người nơi đây, thành phố này vẫn hiện hữu những nét đặc thù riêng của nó, mà nếu phải trả lời câu hỏi, nếu mai xa rồi, tôi có nhớ nó không, có lẽ tôi vẫn xin trả lời là tôi sẽ nhớ nó thật nhiều.  

Hình như tôi lại đang nói về một sự ra đi thì phải?  Trong tôi dường như luôn hiện hữu hình ảnh của loài chim thiên di ở cuối mùa nhan sắc và một sự thôi thúc âm thầm:  Bay đi chim ơi, thời gian không chờ đợi nữa rồi!

11/09/2022

Jeffrey Thai 


No comments:

Post a Comment