Saturday, August 25, 2012

Trang Mỹ Dung: Huyền Thoại Một Ca Sĩ




Nền tân nhạc Việt Nam bắt đầu ra đời vào cuối thập niên thứ ba của thế kỷ XX (1928), sau phong trào thơ mới và dòng văn học lãng mạn vài năm.  Tính đến nay, tuổi đời của nó đã hơn 3/4 thế kỷ.  Trong khoảng thời gian dài ngót nghét một thế kỷ đó, nhiều dòng nhạc đã được hình thành (nhạc tiền chiến, tình khúc, nhạc vàng, nhạc trẻ, nhạc phản chiến....), cũng như nhiều thế hệ ca sĩ đã lần lượt ra đời.

Trang Mỹ Dung thuộc vào thế hệ ca sĩ của dòng nhạc vàng được hình thành và phổ biến vào những năm đầu của thập niên 60 của thế kỷ trước.  Cùng với Duy Khánh, Chế Linh, Thanh Thúy, Thanh Tuyền, Hoàng Oanh, Giao Linh, Phương Dung..., chị đã góp phần định hình nên một dòng nhạc có cách hát khác hẳn với các ca sĩ thuộc dòng nhạc tiền chiến hay tình khúc 1954-1975. 

Những ca sĩ của dòng nhạc vàng này đã tạo dựng nên được một thời vàng son rực rỡ mà tên tuổi của họ chói lòa cả bầu trời tân nhạc VN.  Những tên tuổi ấy cho đến ngày hôm nay, dẫu không còn trẻ nữa, vẫn có một sức sống mạnh mẽ trong lòng người dân Việt.  Người ta vẫn nhớ về họ như nhớ về những chứng nhân của một đoạn đời quá khứ thân yêu.  Người ta vẫn thiết tha nghe họ hát để mong tìm lại những phút giây hoài niệm thiêng liêng, bồi hồi. 




   


Bên cạnh các ngôi sao nhạc vàng lấp lánh khác, ngôi sao Trang Mỹ Dung mang một dáng nét khác lạ hơn cả.  Nó khác lạ vì nó chưa bao giờ cố tỏa ra một thứ ánh sáng chói lòa làm hoa mắt người xem.  Nó như một ngôi sao Hôm với thứ ánh sáng dịu dàng, đằm thắm; lặng lẽ đứng ở riêng một góc trời mà làm bạn với nhân gian, mỗi khi chiều đã nhạt dần bóng nắng.  Ngôi sao ấy đã đứng đấy, thủy chung như thế với bầu trời tân nhạc VN hơn bốn thập kỷ qua và tên tuổi của nó đã trở thành một phần không thể tách rời. 

Đúng vậy.  Nhắc đến nhạc vàng, người ta lại nhắc đến cái tên thân ái Trang Mỹ Dung (TMD).  Nhắc đến nhạc vàng, tiếng hát thân thương ấy lại cứ như vọng vang đâu đấy trong tâm trí con người với những cung bậc rất trầm.  Hiếm có giọng hát nào có thể trầm đến thế như giọng hát TMD.  Nó trầm và nhẹ đến nỗi nghe như tiếng thì thào của gió.  Cũng hiếm có giọng hát nào lại buồn man mác theo cách như thế của giọng hát TMD.  Nó buồn man mác như những luyến lưu, những hoài niệm trong đời.  Tiếng hát ấy đã trầm và buồn như thế, không thay đổi, trong suốt chặng đường nghệ thuật dài đăng đẳng của nó. 



                

Nói một cách chính xác hơn, tiếng hát TMD, tuy luôn trầm và buồn, nhưng không hẳn là quá trầm và buồn từ thuở mới khai sinh.  Hãy thử lắng nghe lại bài hát Hai Mùa Mưa (phiên bản gốc được thu thanh vào cuối thập niên 60) - bài hát đã đưa tiếng hát chị lên hàng danh ca, để thấy được điều đó.  Giọng ca chị lúc ấy mới trong trẻo và ngây thơ làm sao:  Nó không quá trầm, và cũng chỉ buồn thoảng qua.  Nó quyến rũ lòng người bằng một nét, tuy trầm buồn, nhưng lại mang dáng vẻ hồn nhiên rất lạ.  Theo dòng thời gian, tiếng hát ấy ngày càng trở nên trầm mặc và nỗi buồn nó chất chứa bên trong (dẫu chưa bao giờ là quá đậm sâu) cũng trở nên day dứt và da diết hơn nhiều lắm. 

Có phải chăng tiếng hát ấy đã dần thấm đẫm nỗi buồn nhân thế khi thong thả đi ngang qua cõi trần này?  Hay có những nỗi niềm riêng đã được khép chặt, chôn sâu tận đáy lòng và chúng đã vận vào trong tiếng hát, để được thăng hoa cùng nghệ thuật?  Đó là một bí ẩn thẳm sâu mà người nghe chưa bao giờ tìm được lời giải, vì chị chẳng bao giờ thố lộ.  Chị không có thói quen trang trải nỗi lòng, cũng không xem những gì thuộc về mình là quan trọng.  Chị chỉ hát thôi và đó là lúc cõi lòng của chị lên tiếng nói bằng những âm điệu huyễn hoặc và liêu trai; còn hiểu như thế nào là tùy thuộc vào cảm nhận của khán giả.  Nhưng dẫu đó có là nỗi buồn chung của nhân thế hay là nỗi buồn riêng của kiếp phận một ca sĩ, người nghe vẫn thấy hồn mình lắng sâu tê tái trong dư âm của những lời ca còn vẳng lại.   

Không chỉ khác với tất cả các ca sĩ khác về một giọng hát buồn rất riêng và lạ, cách chị sống như một ca sĩ, thậm chí, còn là điều đáng nói hơn:  Nó mang dáng vẻ của một huyền thoại.  Người ta đã quen đồng nhất huyền thoại với những gì chiếu sáng rực rỡ, những tiếng tung hô ngất trời, hay những đài danh vọng cao ngất ngưỡng.  Có nhất thiết như thế chăng?  Với người viết bài viết này, huyền thoại còn là một khái niệm của sương và khói, của một vùng không gian bảng lảng giữa cõi thực và mơ.  Ở đó, tất cả những gì là thực lại tưởng chừng như chỉ là mơ thôi.  Và ở đó, tất cả những gì cứ như trong mơ lại hóa ra là thực, rất thực. 

Vâng!  Người ta bắt gặp mình có cảm giác vừa thực, vừa mơ đó khi nghĩ về chị - người ca sĩ mang cái tên khả ái TMD.  Trong quá khứ hay mai này, trong nền tân nhạc VN, có thể có những tiếng hát gây ấn tượng sâu sắc hơn, hay để lại âm vang mãnh liệt hơn, nhưng sẽ khó để mà có được một nhân cách như thế - nhân cách TMD.  Khán giả của showbiz đã có nhiều dịp để chứng kiến sự cuốn hút mãnh liệt của vầng hào quang danh vọng hay của sự giàu sang, hào nhoáng đã tàn phá như thế nào nhân cách cũng như cách hành xử của các ngôi sao sân khấu.  Đặc biệt, ở thời điểm hiện tại, trong giai đoạn "thoái trào" của showbiz Việt, nhiều khán giả có lẽ đang băn khoăn tự hỏi:  Có thực sự tồn tại hay không cái được gọi là "nhân cách nghệ sĩ"?

Xưa hay nay, lúc nền tân nhạc VN thăng hoa (như xưa) hay lúc ngập đầy bão loạn (như nay), chị vẫn thanh thản, ung dung đi trên con đường nghệ thuật của mình với một tâm hồn trắng trong, thoát tục.  Sang giàu?  Hào quang?  Danh vọng?  Chị chưa hề có chút đồng vọng nào với những điều tưởng chừng như là hiển nhiên với mọi danh ca đó.  Chị chỉ hát vì chị thấy hạnh phúc khi hát:  Hát cho mình, cho đời.  Chị chưa bao giờ phân biệt giữa một sân khấu lớn hoành tráng của một nhà hát với một sân khấu nhỏ, đơn sơ của một phòng trà.  Với chị, hát ở đâu cũng thế:  Chỉ cần được cất lên tiếng hát, chị đã cảm nhận được một thứ hạnh phúc đủ đầy.  Thậm chí, trên những sân khấu đơn sơ hơn thế nữa trong những lần hát từ thiện hay cúng dường, chị vẫn say mê cất giọng ru đời, ru người. 



Các danh ca thường hãnh diện khi nói về khả năng kiếm sống của mình với chất giọng thiên phú mà trời đã ưu ái ban cho.  Với tiếng hát ấy, họ đã nuôi sống được cả cha, cả mẹ, cả anh, chị, em và những người thân.  Đồng thời, họ cũng tạo dựng được cho mình một cơ ngơi mà nhìn vào ai cũng thấy khát khao.  Cũng là một danh ca, ngay từ thuở vang bóng, chị chưa bao giờ tận dụng tiếng hát của mình để trở nên giàu có.  Có một điều mà khi ngẫm lại, những ai yêu thích tiếng hát chị sẽ giật mình:  Trong suốt hơn bốn thập kỷ qua, thật khó tìm trên thị trường một tape nhạc hay một CD của riêng tiếng hát chị.  Thảng hoặc có những CD như thế (như các album:  Mưa Chiều Kỷ Niệm, Lời Tạ Từ, Giọt Buồn Trong Mưa...) thì chúng được thu và phát hành chủ yếu chỉ để tặng cho bạn bè hay dành riêng cho khán giả ái mộ thưởng thức. 



Lặng lẽ như thế, trước cũng như sau, giữa chốn showbiz đầy náo động, luôn thanh thản như thế đối với bạc tiền và danh tiếng, cứ tưởng như tiếng hát ấy và nhân ảnh ấy dễ bị khuất lấp và lãng quên giữa những biến động của cuộc đời này, hay những thăng trầm của cõi lòng nhân thế.  Thế nhưng, như một điều huyền nhiệm, tiếng hát quá đỗi trầm tư ấy, nhân dáng quá đỗi dịu dàng và mỏng manh ấy lại sống thật lâu và thật đậm sâu trong những tâm hồn khán giả đồng điệu.  Giữa nhịp sống hiện đại trôi nhanh và bề bộn, bằng cách này hay cách khác, những khán giả của chị vẫn tìm được cách để tìm đến bên chị, để nghe lại tiếng hát của chị, như một người thân tìm về lại bên một người thân. 

Chị cất nhà trên thế giới ảo, họ tìm đến viếng thăm và sẻ chia với những lời tâm tình nghe thật ấm lòng.  Họ ghé qua hàng ngày để hồn lại được đắm chìm trong những giai điệu trầm lắng chơi vơi.  Ngày chị giã từ, một ngày trong tháng đầu tiên của năm này, bầu trời thế giới ảo như cũng giăng giăng mây xám và đã có những lời từ tạ nghe buồn đến tái tê.  Cũng tại một thời điểm sau đó không lâu, trong một lần trình diễn trên sân khấu Tây Đô, mảnh đất đã lâu rồi chị mới trở lại, khán giả thì thầm xầm xì về chị như đang nói về một cố nhân dấu yêu đã lâu rồi mới gặp lại.  Họ thật hồn nhiên khi cứ ngỡ rằng chị là ca sĩ hải ngoại vừa mới trở về trình diễn trên mảnh đất quê hương.  Họ đã không biết rằng chị chẳng hề đi đâu cả, suốt cả bao năm qua, chị vẫn lặng lẽ đó thôi ở...  riêng một góc trời. 

Riêng có một điều này nữa, thật thâm sâu và cũng thật thiêng liêng, đã khiến nhiều người âm thầm yêu thương chị, yêu thương tiếng hát chị như yêu thương chính ký ức thân yêu về một quê hương bỏ lại.  Điều này có lẽ chị không biết, cũng như nhiều người không biết.  Đó là chị đã nâng niu gìn giữ cho tiếng hát mình tránh xa những biến động đớn đau của một dân tộc không may.  Tiếng hát ấy, trước cũng như sau, chỉ cất lên những xúc cảm tế vi của con người về tình yêu, về kiếp phận, về mẹ, về đạo... và chỉ thế mà thôi.  Và cũng chính vì lẽ đó, đâu đó trên không gian mạng ảo, ngày cũng như đêm, vẫn có nhiều con người rất thầm lặng, từ mọi miền trên thế giới, miệt mài tìm về lại với tiếng hát chị như tìm về với một... cố nhân. 


Hơn bốn thập kỷ đã trôi qua kể từ ngày tiếng hát TMD cất cao giữa bầu trời nghệ thuật của dân tộc Việt.  Thật kỳ diệu làm sao khi nhìn lại cái cách chị đã hát và đã sống trong suốt khoảng thời gian dài diệu vợi ấy.  Tiếng hát ấy như đã lơ lửng giữa một cõi không gian thanh khiết và cách biệt mà những sóng tạp nhiễu nhương và hỗn loạn không với tới được.  Nhân ảnh ấy đã sống trong một cõi riêng mà những tham, ái, sân, si thường tình không tìm được lối vào.  Tiếng hát ấy, nhân ảnh ấy đã hiện hữu rất thực mà sao cứ ngỡ như chỉ có trong mơ.  Và trong vùng sương khói bảng lảng ở ngay giữa biên giới của mộng và thực ấy, những tâm hồn tri âm và đồng điệu khi nghe tiếng hát chị, khi nghĩ về chị thực có cảm giác như mình đang với tay cố chạm vào một... huyền thoại. 

25/08/2012
Jeffrey Thai


3 comments:

  1. Một bài viết đầy cảm xúc và rất có tình! Chúc anh sức khỏe, vui! Thân mến!

    ReplyDelete
  2. Thái thân mến,

    Chị lại bồi hồi và cảm động khi đọc bài "Trang Mỹ Dung: Huyền thoại một ca sĩ" em viết tặng chị nhân mùa Vu Lan 2012. Thái viết thật chân tình với nhiều cảm xúc tinh tế, sâu lắng gợi nhớ về ký ức và hoài niệm xa xưa. Cám ơn Thái đã có sự đồng cảm với tiếng hát trầm buồn của chị. Chị quý và trân trọng các bài em viết tặng. Chị nghĩ rằng, đây là những món quà tinh thần vô giá trong chặng đường làm nghệ thuật của chị cùng với biết bao nỗi vui buồn của đời một người ca sĩ.
    Qua bài viết này, chị cám ơn Thái cùng tất cả quý khán thính giả bốn phương đã dành cho chị nhiều tình cảm thương mến.

    Chúc em luôn vui khỏe, thành công và hạnh phúc trong cuộc sống.

    Chị,
    Trang Mỹ Dung


    ReplyDelete
  3. Anh Thái ơi, em vui mừng khi được đọc những lời của cô Trang Mỹ Dung ở nơi này. Bài anh viết về cô thật tuyệt vời. Em cám ơn anh cho em biết nhiều thông tin mới về cô nhé.
    Mẹ em cũng có đọc bài viết của anh và mẹ nói cô Trang Mỹ Dung là thần tượng của mẹ. Mẹ em thích nhạc xưa và thích tiếng hát buồn của cô. Riêng em, những ngày được giao lưu cùng cô ở YM, em yêu quý và ngưỡng mộ nhân cách của cô. Em mong lúc nào cô vào thăm blog của anh J. Thái, cô sẽ vui khi đọc những lời chân thành của em. Em chúc cô được mạnh khỏe.
    Chúc anh Thái cuối tuần vui vẻ và em luôn mong chờ những bài viết hay, đầy ấn tượng của anh.

    ReplyDelete