Friday, November 16, 2012

Đàm Vĩnh Hưng: Nụ Hôn, Nhà Sư và Sự Căm Phẫn của Đám Đông


Một nụ hôn?  Không hẳn là một nụ hôn đúng nghĩa.  Càng không phải là một động thái "khóa môi" như người ta cố tình gán ghép cho nó để trầm trọng hóa sự việc.  Nó chỉ đơn thuần là sự chạm nhẹ của hai bờ môi - hai vật thể vật chất.   

Hai bờ môi ấy vừa tự nguyện, vừa không, đã gặp gỡ nhau ở một khoảnh khắc cực kỳ ngắn ngủi trong đời sống dài trăm năm của một kiếp nhân sinh.   Điều đáng nên ghi nhận và lưu ý là chúng thoáng qua nhau vừa vô tình, vừa cố ý, tại đỉnh điểm thôi thúc nhất và thăng hoa nhất của lòng từ tâm.

Khi nụ hôn chỉ là sự chạm nhẹ của hai bờ môi trong một khoảnh khắc quá ngắn ngủi để có thể làm phát sinh bất kỳ cảm giác nào, thì nó làm gì có giới tính.  Do đó, chẳng có cái được gọi là "nụ hôn đồng tính" (hay "nụ hôn dị tính") như người ta khéo đặt tên.  Giới tính không phát sinh từ chính bản thân nụ hôn mà là từ đầu óc định kiến của con người.

Con người là loài động vật cao cấp nhất vì con người có ý thức.  Ý thức khi được lưu thông và khai phóng giúp con người nhìn sự vật theo đúng thực chất của nó.  Ý thức khi bị trì trệ và giam hãm bởi lòng ác tâm, cố chấp và sự bảo thủ trở thành những định kiến.   Định kiến thường được người đời khoác lên nó những vỏ bọc nghe rất hay ho và hợp lý, trước khi biến nó thành một thanh gươm sắc và bén, có sức sát phạt và đả thương lớn. 

Trên thế giới này, đâu đó ở một nơi khác (tức là không phải ở cái nơi mà có rất nhiều con người thích khoác lên mình cái vẻ đạo đức, cao thượng và thánh thiện để tùy nghi phán xét và hành hình kẻ khác) đã có những nụ hôn như thế được ban phát và được đón nhận ở một không gian lớn rộng hơn nhiều và đông đảo hơn bội phần. 

Lý do chúng ra đời còn kém phần "bào biện" hơn:  Chỉ đơn thuần là sự dâng trào bồng bột như thác lũ của cảm xúc, của lòng thương yêu hay lòng ngưỡng mộ (thậm chí, tuyệt nhiên không có lòng từ tâm).  Đã chẳng có ai chết cả,  tất cả vẫn bình an, có chăng là một thoáng ngạc nhiên hay sững sờ (tùy người).  Cũng chẳng có nền văn hóa nào vì thế mà trở nên suy đồi.  Văn hóa của họ không yếu đuối và bạc nhược đến mức dễ bị tác động như thế.  


Đó là nụ hôn mà Madona dành cho Britney Spears giữa ca khúc ‘Like A Virgin’ trên sân khấu MTV Video Music Awards 2003.   Nụ hôn đó, sau đó, đã giành được vị trí dẫn đầu trong top 10 những nụ hôn đẹp nhất của thập kỷ 2000s, trong một cuộc bình chọn do Selfridges tiến hành nhân mùa Valentine 2010. 

Đó là nụ hôn mà siêu sao hành động Thành Long đã dành cho đàn em là diễn viên, ca sĩ Vương Lực Hoành, trong liveshow của đàn em này tại Hongkong vào ngày 16/09/2012, mà ông được mời làm khách mời đặc biệt.   Đó cũng chẳng phải là lần đầu tiên mà siêu sao này biểu lộ tình cảm yêu mến nồng nàn với ca sĩ đàn em theo cách thức như vậy.    

Hai diễn viên nữ tài năng của Hollywood, Sandra Bullock và Meryl Streep, cũng đã dành cho nhau một nụ hôn tương tự để chia sẻ chiến thắng, khi quá vui sướng vì cùng nhận được giải Nữ Diễn Viên Xuất Xắc Nhất tại Critics' Choice Movie Awards năm 2010.  Chẳng những không phản đối, sau phút ngỡ ngàng, khán giả đã vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt. 

Còn nhiều và nhiều thí dụ khác nữa.

Đọc đến đây, một nhà đạo đức nào đó chắc hẳn đã không còn giữ được lòng kiên nhẫn nữa và có lẽ đang thét lên:  Người ta khác, mình khác.  Vả lại, nụ hôn này là với một nhà sư. 

Vâng!  Sự thật là nụ hôn đang được nói đến ở đây có dính dáng đến hơn một vị sư, vốn là hình ảnh đại diện cho Phật Giáo.  Cũng vì lẽ đó, ngoài cái tội là một "nụ hôn đồng tính" ra, nó còn bị cho là băng hoại, suy đồi và gán cho một tội danh khác tày đình hơn nhiều:  Xúc phạm và báng bổ đạo Phật! 

Xem ra, với những tội danh này, không "xử giảo" chàng ca sĩ, không làm cho anh ta "thân bại danh liệt", không đày đọa đến tơi tả hay thậm chí trục xuất ra khỏi tăng đoàn hai vị sư kia thì không thể nào làm cho đám đông thánh thiện nguôi niềm căm phẫn của họ được. 


Trước hết, cần xác định ngay rằng, hình ảnh chạm môi giữa một nhà sư và một ca sĩ là điều, cho dù có viện dẫn lý do gì, cũng không nên được ủng hộ và chấp nhận.  Nói rõ hơn, đó là một lầm lỗi.  Tuy nhiên, cũng cần xác định thêm:  Nó không phải là một tội lỗi tày đình không thể dung thứ, nhất là khi được đặt vào trong bối cảnh mà nó đã xuất hiện.

Trên cơ sở đó, quan sát thái độ phản ứng có phần nào "hung bạo" của đám đông qua các bình luận và phát biểu, ta thấy ngay điều nghịch lý:  Người ta đang viện dẫn đạo Phật, vốn là một đạo của lòng nhân từ, bác ác và độ lượng, để hành xử một cách không hề nhân từ, bác ác và độ lượng chút nào với các nhân vật trong câu chuyện.    

Có những phát biểu nghe thật nông nổi đến tội nghiệp, đại khái như:  "Tôi đã lầm thần tượng anh.  Từ đây về sau, tôi sẽ tẩy chay anh, không còn nghe hay xem anh hát nữa."   Thật tội nghiệp cho những con người này và cũng tội nghiệp lây cho cả anh ca sĩ được họ tôn làm thần tượng. 

Hóa ra họ chọn một con người làm thần tượng của mình mà chẳng hề biết gì, hiểu gì về thần tượng đó cả.  Có cảm giác như họ chọn thần tượng cho mình theo cái cách các bà nội trợ đi chợ chọn mua cá, thấy con cá nào có vẻ tươi ngon thì mua thôi.  Với cách chọn như thế, giây phút này còn là thần tượng của họ, giây phút sau họ đã đem quăng xuống đất và xem như một tội đồ.  Thật nông nổi và vô thức làm sao!

Bên cạnh giọng ca đầy lửa và sức hút, cái quá khứ vươn lên đầy nghị lực, quá trình hoạt động ca nhạc sôi nổi và miệt mài, chàng ca sĩ đã chứng tỏ cái tâm thiện của mình qua biết bao hành động thiện nguyện, biết bao nỗ lực giúp người cụ thể và tất cả đều không khó để thấy, để kiểm chứng.  Tất cả đã góp phần hình thành nên vị trí và sức ảnh hưởng hiện nay mà anh ta có được.  Một con người như thế không thể bỗng dưng trở thành một "tên vô lại", chỉ qua một hành động "lầm lỡ" có thể lý giải được. 


Lý giải như thế nào về một hành động rõ ràng là không "khôn ngoan" lắm này của chàng ca sĩ luôn được ca ngợi là cực kỳ khôn ngoan? 

Lời hứa sẽ hôn người thắng cuộc là một chiêu thức không lấy gì làm xa lạ trong một cuộc đấu giá được điều hành bởi một nhân vật có tiếng.  Nó càng quen thuộc hơn với cá tính của chàng ca sĩ.  Điều trớ trêu là người thắng cuộc ở đây là một tu sĩ.  Hôn hay không hôn?  Một câu hỏi không dễ quyết định.   

Thực thi lời hứa, một mặt, đồng nghĩa với việc trân trọng (ở một mức độ cao) những gì mình đã tuyên bố cũng như người thắng cuộc, nhưng mặt khác, cũng đồng nghĩa với việc đánh cược số phận ca sĩ của mình với đám đông dư luận, vốn luôn ẩn chứa nhiều phản ứng bất trắc.  Không thực thi lời hứa, mà thay vào đó, là những lời nói thoái thác khôn khéo, mà bất kỳ ai cũng có thể nghĩ ra, là một sự lựa chọn dễ dàng và an toàn hơn nhiều.

Thế thì tại sao chàng ca sĩ lại chọn "lối đoạn trường" mà đi? 

Lý do là vì anh là:  Đàm Vĩnh Hưng.  "Thoái thác" là một hành động xuất phát từ việc nghĩ về chính bản thân mình.  Trong khi đó, "thực hiện" lại cho thấy chàng ca sĩ, vào khoảnh khắc ấy, không nghĩ về mình mà nghĩ nhiều hơn và hầu như đã đắm chìm hoàn toàn vào trong việc mình đang làm - một công việc thiện.

Ai đã vốn hiểu được cá tính khá đặc biệt và nổi bật của chàng ca sĩ này qua các ứng xử và phát biểu từ trước đến nay thì sự lựa chọn đó chẳng có gì là lạ.  Vấn đề chỉ là ở chỗ anh ta đã không thận trọng đủ với quyết định về nơi mà anh ta sẽ đặt bờ môi của mình lên đó. Với anh ta, đó chỉ là chuyện nhỏ.  Với đám đông, tuyệt đối không thể là chuyện nhỏ chút nào.  Và từ đó mà hình thành "bi kịch". 

Hậu quả của "bi kịch" đó là những phút cấu xé của tâm hồn và lý trí đã được chàng ca sĩ trình bày qua bức tâm thư xin lỗi.   Nhiều người không cảm được điều đó và cho là không chân thực, không thành tâm.   Ai hiểu thì đã hiểu và đã cảm.  Ai đã không chịu hiểu thì sẽ chẳng bao giờ chịu hiểu.  Cũng chẳng có gì lạ.    


Với nhà sư trẻ, và nói chung với cả hai vị sư, sự hiện diện của họ ngay từ đầu giữa một không gian như thế và với những giao lưu như thế, cho dù với lý do gì đi nữa, đã là một sự lầm lỗi lớn, nhưng là một sự lầm lỗi cần sự bảo ban và uốn nắn, hơn là những cáo buộc độc ác và phỉ báng. 

Thái độ hồn nhiên trong lầm lỗi và cả trong việc chấp nhận hứng chịu những hậu quả phát sinh ở hai vị sư cho thấy ở họ một tâm hồn luôn hướng thiện và người ta hoàn toàn có thể tin rằng hai sư đã học được rất nhiều điều không thể quên từ sau sai phạm này trong cuộc đời tu hành mà mình đã chọn.

16/11/2012
Jeffrey Thai

2 comments:

  1. Cám ơn bạn. Những lời lẽ sắc sảo dành cho đám đông sắc sảo thích ném đá những "tội đồ của nhân gian".

    ReplyDelete