Với số phiếu cử tri chỉ vượt trội 1% (và sự chênh lệch ở số
phiếu cử tri đoàn là 303 so với 206), chiến thắng của ông Obama, nhìn chung, không
được đánh giá là một chiến thắng vẻ vang. Tuy vậy, điều quan trọng là ông đã chiến thắng,
và chiến thắng trong sự vui sướng và chúc mừng rất nồng nhiệt của những người ủng
hộ ông trên toàn nước Mỹ, cũng như trên toàn thế giới. Vào cái thời khắc kết quả được công bố (rạng
sáng ngày 07/11/2012), đã có rất nhiều những tiếng hú mừng rỡ gọi tên ông vang
lên, chất đầy sự kích động, và cũng đã có nhiều giọt lệ xúc động, lặng lẽ tuôn
rơi trên đôi má của những cử tri đã ủng hộ ông trong suốt quá trình tranh
cử.
Những giọt lệ ấy đã tuôn rơi là để đáp trả cho những giọt lệ
của ông vào đêm cuối cùng của chiến dịch vận động tranh cử ở tiểu bang Iowa (một
tiểu bang có vị trí quan trọng trong cuộc bầu cử lần này), trước đám đông cả hàng
chục nghìn người đứng trên các đại lộ hướng về tòa nhà chính quyền. Những giọt lệ ấy đã tuôn rơi còn để nói lên một
điều rất có ý nghĩa khác: Niềm tin. Vâng!
Những người dân Mỹ đó tin ông. Họ
tin vào những giọt nước mắt của ông. Họ
tin vào những gì ông nói: "Tôi hứa
với các bạn". Cụ thể hơn, họ tin rằng
ông hiểu họ, thông cảm với họ, thương yêu họ, và ông sẽ cùng họ sát cánh bên
nhau để làm tất cả những gì tốt đẹp nhất có thể làm được cho một nước Mỹ tươi sáng
hơn và phú cường hơn.
Chiến thắng kỳ tích được tái diễn lần thứ hai này có được, có thể nói, là do sự hội ngộ của những giọt nước mắt: những giọt nước mắt của người lãnh đạo tối cao đã gặp gỡ với những giọt nước mắt của thứ dân. Chiến thắng đó có được cũng là do sự hội ngộ của những trái tim: trái tim của người đứng đầu, chịu trách nhiệm lèo lái con thuyền tổ quốc, và trái tim của những dân đen trên thuyền, đã tin tưởng giao phó sinh mạng mình cho người cầm lái. Những sự hội ngộ đó đã định hình nên một niềm tin giữa những người trong cuộc và cũng chính từ niềm tin đó mà lịch sử đã thêm một lần nữa gọi tên ông Obama vào ngôi vị tổng thống.
Có được niềm tin trao gửi đó để hãnh diện đảm đương chức vụ
tổng thống Mỹ thêm một nhiệm kỳ nữa, có phải chăng ông Obama đã tỏ ra là một nhà
lãnh đạo kiệt xuất và đạt được nhiều thành tựu gây ấn tượng trong suốt một nhiệm
kỳ qua? Thực tế cho thấy là không hẳn là
như vậy. Có những điều ông đã hứa và làm
được một cách tốt đẹp. Cũng có những điều
ông đã hứa làm nhưng chưa hoàn thành xong.
Cũng có những điều ông đã nói nhưng chưa bao giờ thực hiện. (Bước sang năm 2012, nền kinh tế Mỹ tuy tiếp
tục đà phục hồi, nhưng không vững chắc.
Tỷ lệ thất nghiệp tính đến tháng 10/2012 vẫn ở mức cao là 7,9%. Khoản nợ quốc gia ngày càng chồng chất, đã
vượt ngưỡng 16.000 tỷ USD và chẳng bao lâu sẽ vượt trần cho phép 16.400 tỷ
USD... )
Bất chấp tất cả, điều quan trọng là người dân hiểu và tin rằng
ông đã làm cố hết sức mình với tất cả khối óc và trái tim. Họ không quên rằng ông đã bắt đầu đảm đương
chức vụ tổng thống với một gánh nặng quá lớn lao khi mà nền kinh tế Mỹ và toàn
cầu đang rơi vào cuộc khủng hoảng suy thoái trầm trọng nhất kể từ cuộc đại suy
thoái cách đây 80 năm. Họ cũng ý thức được
rằng những sứ mệnh lịch sử lớn lao không dễ để hoàn thành trọn vẹn chỉ trong một
nhiệm kỳ bốn năm ngắn ngủi. Ý thức được
như thế nên họ đã không ngần ngại trao ban cho ông một cơ hội để hoàn thành những
gì còn đang dang dở.
Theo một trong các cuộc khảo sát đã được thực hiện trong
giai đoạn tranh cử, có một điều thú vị đã được hé lộ là: Người dân Mỹ chọn ông Romney vì nghĩ rằng ông
sẽ đưa nền kinh tế Mỹ đi lên nhanh chóng hơn; trong khi đó, người dân Mỹ chọn ông
Obama vì cảm thấy... cảm kích. Và cuối cùng,
tiếng nói từ sự cảm kích đó, vốn là tiếng nói từ trái tim, tiếng nói của niềm
tin sâu thẳm, đã chiến thắng. Khi đã có
niềm tin, người ta cảm thấy kiên nhẫn hơn nhiều và muốn kéo dài sự đồng hành gắn
bó.
Ngay từ ngày đầu lên nắm ngôi vị tổng thống nước Mỹ, ông
Obama, với màu da của mình, đã được xem như là biểu tượng của cách mạng, của sự
thay đổi. Điều đó đặc biệt có ý nghĩa với
những người có xu hướng tính dục đồng giới được xếp vào nhóm cộng đồng LGBT
(lesbian, gay, bisexual, transgender). Đây
là nhóm người mong đợi một cuộc cách mạng lớn lao hơn cả, cho thân phận của mình. Không chỉ mong đợi để thoát khỏi hoàn toàn sự
kỳ thị nghiệt ngã (như sự kỳ thị màu da vốn hiện hữu trước đây trong xã hội Mỹ),
họ đã tìm thấy nơi ông một sự đồng cảm sâu sắc của một vị tổng thống có trái
tim nồng ấm, để thấy mình ôm ấp niềm mong đợi về những tiến triển tốt đẹp hơn
trong việc hợp thức hóa rộng rãi hơn hôn nhân đồng tính.
Ngay sau khi kẻ thắng cuộc tuyên bố chiến thắng và kẻ bại trận
nhìn nhận thất bại của mình trong cuộc tranh cử, người dân trên thế giới laị một
lần nữa được dịp chứng kiến một minh họa khác cho cái được gọi là "văn hóa
hiệp sĩ" của người Mỹ. Ông Romney đã
gọi điện chúc mừng ông Obama và cả hai đã cùng nhau hứa hẹn hợp tác, hướng tới
quyền lợi tối cao là quyền lợi của nước Mỹ và nhân dân Mỹ. Hãy nghe những gì mà ông Obama - người thắng
cuộc - nói với phía thua cuộc:
“Và trong những tuần
lễ và những tháng sắp tới, tôi trông đợi sẽ bắt tay và hợp tác với các nhà lãnh
đạo của cả hai đảng để khắc phục những thách thức mà chỉ có làm việc chung với
nhau chúng ta mới có thể giải quyết được.”
Trong khi đó, tại Boston, đối thủ bị đánh bại của đảng Cộng
Hòa, ông Mitt Romney phát biểu trước một đám đông yên lặng và thất vọng:
“Tôi vô cùng ước ao là
tôi có thể đáp ứng mối hy vọng của các bạn để lãnh đạo đất nước đi theo một
chiều hướng khác. Nhưng đất nước đã chọn
một nhà lãnh đạo khác, và vì vậy, nhà tôi và tôi muốn cùng với các bạn tha
thiết cầu nguyện cho ông ấy và cho đất nước vĩ đại này."
Thêm nữa, trong bài diễn văn đầu tiên sau chiến thắng, ông Obama
cũng lạc quan bày tỏ rằng ông trở lại Nhà Trắng lần này với sự "quyết đoán
hơn và nhiệt huyết hơn bao giờ hết, về công việc phải làm ở đó và về tương lai
phía trước". Ông cũng nhấn mạnh
rằng, bất kỳ ai còn nghi ngờ về việc giấc mơ Mỹ vẫn còn hiện hữu ở thời điểm hôm
nay, về việc đất nước Mỹ là nơi biến mọi thứ không thể thành có thể, thì “đêm
nay là câu trả lời cho các bạn”.
Qua cách ứng xử "hiệp sĩ" đó của các nhà lãnh đạo
cao cấp và trái tim nóng hổi tràn đầy nhiệt huyết của người lần thứ hai thắng
cuộc tranh cử tổng thống, người dân Mỹ thấy lòng mình dâng lên một niềm tin rằng: Dù trước mắt còn nhiều chông gai và thử thách,
nhưng với sự lãnh đạo của một chính phủ mà họ đặt trọn niềm tin, với niềm tự hào
dân tộc sâu sắc của một dân tộc luôn tự xem mình là vĩ đại, họ nhất định sẽ vượt
qua mọi sự khác biệt và ngăn cách, để cùng nhau tạo dựng nên một đất nước tươi
sáng hơn, giữ vững ngôi vị đứng đầu thế giới của mình.
Cũng qua cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012 và sự tái đắc cử
của ông Obama, ta thấy rõ được một điều:
Dù hiện trạng nước Mỹ vẫn chưa được như nhiều người mong muốn và đa số vẫn
không giấu nổi niềm thất vọng về sự hồi phục kinh tế đã và đang diễn ra một cách
khá chậm chạp, nhưng niềm tin vào chính phủ của người dân Mỹ chưa bao giờ bị mất
đi. Với niềm tin đó, họ sẽ sát cánh cùng
với chính phủ của họ, cùng dìu dắt nhau vượt qua mọi khó khăn để ngày mai nhất định
là một ngày tốt đẹp hơn cho toàn thể những người dân Mỹ.
Tóm lại, trong một đất nước, khi mà người dân vẫn còn đặt niềm
tin vào những người lãnh đạo mình, thì có nghĩa là họ sẽ cùng sát cánh với chính
thể đó để cùng hành động hướng về một tiền đồ dân tộc tươi sáng. Trái lại, khi người dân đã vượt qua được nỗi
sợ hãi lâu đời, mà dám la to giữa thanh thiên bạch nhật, ngay giữa lòng bạo lực
và cường quyền rằng họ không còn
niềm tin nữa, thì điều đó có nghĩa là :
Sự sụp đổ của chính thể chỉ còn là vấn đề thời gian.
Vấn đề là ở niềm tin.
Jeffrey Thai
No comments:
Post a Comment