Cái chết có lẽ là điều sợ hãi bàng hoàng nhất đối với phần lớn
con người. Vì sợ nên ít ai muốn nói đến,
nghĩ đến; thậm chí còn tin rằng, việc đề cập đến nó có thể mang đến điềm bất trắc. Điều đó đã từ lâu trở thành lẽ thường của đời
sống: Con người luôn lảng tránh và lãng
quên sự chết. Khi còn nhỏ, con người nghĩ
rằng cái chết ở xa mịt mờ như khoảng cách từ mặt đất đến mặt trăng, nên chẳng bận
tâm làm gì. Lúc đến tuổi thành niên, với
nhiệt huyết sôi sục trong dòng máu trẻ, họ lao vào đời và bị cuốn phăng đi bởi
dòng sống cuồn cuộn của những hoài bảo và ước mơ, hòa lẫn với cả những tham vọng
và ảo vọng; họ trở nên quá bận rộn để phung phí thời gian vào việc nghĩ đến một
điều mà họ cho là quá viển vông như cái chết.
Khi tuổi già đến, lúc mà cơ thể họ ngày càng kiệt quệ và hư hao, cũng là
lúc tử thần thấp thoáng xung quanh như một bóng ma ám ảnh, hai từ cái chết lại trở
thành cấm kỵ và thường lập tức bị dập tắt ngay khi chưa kịp thoát ra khỏi bờ môi.
Muốn hay không muốn, sợ hãi hay không sợ hãi, cái chết luôn
hiện diện trong đời sống mỗi con người song hành cùng sự sống, trong tất cả mọi
thời khắc của nó, hồng hoang hay già cỗi, vinh quang hay điêu tàn. Mỗi giây phút sống trôi qua là mỗi phút giây
chúng ta tiệm cận cái chết ở một cự ly gần hơn.
Sự tiệm cận đó khá mờ nhạt khi chúng ta còn trẻ nên chúng ta không buồn
chú ý đến, nhưng nó ngày càng trở nên rõ nét hơn với thời gian. Mỗi bộ phận trong cơ thể chúng ta trở nên thoái
hóa và dần chết đi ở những thời điểm sớm muộn khác nhau, kể từ sau tuổi
20. Không những thế, đời sống con người
cũng thường hàm chứa nhiều đột biến bất ngờ mà không ai lường trước được. Có thể là bệnh tật. Có thể là tai nạn. Có thể là chiến tranh. Có thể là thảm họa thiên nhiên. Đôi khi, chỉ một phút giây bất trắc vô tình
chợt đến, đời sống con người chấm dứt thật bỗng nhiên. Người ta buồn bã gọi đó là lẽ vô thường của tạo
hóa.
Với một nhân sinh quan sợ hãi cố hữu như thế về cái chết, đã
bao đời nay, con người dẫn dắt đời sống mình một cách nông nổi và u mê. Sự sai lầm lớn nhất của nhân loại nằm ở chỗ: Cứ mỗi một đời sống được sinh ra, điều đầu tiên
cần được giảng dạy thay vì là cái chết và sự khấu trừ dần đi khoảng cách tiệm cận
với nó sau mỗi ngày sống tới, thì cái chết lại hoàn toàn bị lãng quên và rẻ rúng. Con người được dạy dỗ ngay từ ngày đầu tiên mở
mắt để nhìn thấy ánh sáng mặt trời rằng, hãy sống, hãy tồn tại bằng bất kỳ giá
nào, hãy vật lộn với đời sống, làm sao để sống đủ đầy và giàu có, hãy tìm mọi cách
để kéo dài đời sống càng lâu, càng tốt. Những
ý niệm đó được cấy vào đầu của những đứa trẻ thơ đã vô tình biến cuộc sống thành
một đấu trường, mà mỗi một ngày sống là một ngày mà chúng không thể không vung
những đường kiếm ngang dọc và không thể không đạp trên những xác người ngã gục.
Có thể là ở buổi hồng hoang, khi mà trái đất này có rất ít bóng
dáng con người và có rất nhiều hơn những loài thú dữ, ý thức đời sống là một đấu
trường đó chứa đựng trong nó ít nhiều ý nghĩa nhân sinh: để duy trì và phát triển đời sống. Cuộc chiến lúc đó là sự giằng co, giết chóc
giữa con người và thú hoang hung dữ, sự chống cự miệt mài giữa con người với thiên
nhiên khắc nghiệt. Nhân loại đã bước những
bước đi khá dài một cách kiêu hãnh và kiên cường trong cuộc chiến khốc liệt ấy,
để giành được chiến thắng: chinh phục quả
địa cầu và trở thành chủ nhân ông duy nhất.
Trong dư âm của cuộc chiến thắng khải hoàn, họ cùng dìu nhau trong những
ái ân hoan lạc và không ngừng sinh sôi nảy nở.
Kết quả là một trái đất dày đặc con người như những gì mà chúng ta đang
nhìn thấy hiện tại. Bi kịch của con người
cũng phát sinh từ đấy: Con người không còn
có khả năng để phân biệt đâu là con người, đâu là thú dữ.
Cuộc sống đã trở thành một đấu trường. Vâng!
Nói rõ hơn, nó đã trở thành một đấu trường giữa con người với con người,
và con người không ngừng sát phạt nhau để sống còn, và để trở nên thịnh vượng. Điều mỉa mai ở đây chính là: Tất cả đều nhân danh sự sống. Chúng ta nhân danh sự sống để không ngừng giết
chết sự sống của nhau. Cuộc chiến hoang
dã ngày xưa, giờ đây, được chúng ta đặt cho một cái tên mới mỹ miều: chiến tranh (chiến tranh giữa những con người
với nhau, giữa những tập đoàn người với nhau, giữa những quốc gia với
nhau). Để tập tành cho những trận chiến
lớn hơn, chúng ta thực tập chiến tranh trong phạm vi nhỏ hẹp hơn, với những con
người chung quanh chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Đó là lý do vì sao chưa có ai lại đi ngây thơ
nói rằng, xã hội hiện đại mà chúng ta đang sống là một nơi thật dễ sống. Không tin, hãy thử bước vào nó với một trái
tim hồn nhiên, phần lớn khả năng là chúng ta sẽ bước ra với một trái tim rướm máu,
chưa kể đến những thương tích đâu đó trên người. Thậm chí, nếu không may, có khi đó là một chuyến
đi không trở lại.
Tất cả những bi kịch đó đều xuất phát từ một điểm cốt yếu nhất: Chúng ta đã được giáo dục để trân quí sự sống,
nhưng lại lãng quên cái chết. Một ý niệm
đã được đóng đinh vào đầu óc của chúng ta từ rất sớm và trở thành bất di, bất dịch
mãi về sau là: Sự sống thuộc về ta và sự
chết thuộc về người. Hậu quả là thế giới
chúng ta đang sống trở nên đầy dẫy những con người khuyết tật về mặt ý thức và
tâm hồn. Đó là những con người chỉ biết
cười và không biết khóc bao giờ. Đó là
những con người chỉ biết vui và không biết buồn. Đó là những con người chỉ biết kiêu hãnh mà
không hề biết đến cảm thông. Đó là những
con người chỉ biết kết tội mà không hề biết tha thứ là gì. Đó là những con người chỉ muốn làm kẻ chiến
thắng suốt đời và không chấp nhận một lần làm kẻ chiến bại.
Chỉ nghĩ duy nhất đến sự sống là chúng ta tự đưa mình vào một
cơn mê mải, mà ở đó lòng tham là một cái túi không đáy. Chúng ta tưởng rằng chúng ta sẽ sống mãi với
thời gian và có tích cóp bao nhiêu, chúng ta cũng không cảm thấy đủ cho đời sống
quá dài lâu ấy. Điều đó làm cho chúng ta
luôn cảm thấy lo sợ và bất an. Càng lo sợ
và bất an, chúng ta càng trở nên tham lam và vị kỷ. Trái tim trở nên khô cằn hơn từ đấy. Bi kịch phát sinh từ đấy. Chiến tranh cũng phát sinh từ đấy.
Hãy thử nghĩ về sự chết trong mỗi khoảnh khắc ngắn, dài của đời
sống.
Hãy khấu trừ mỗi ngày sống vào trong quỹ dự trữ đời sống dài
trăm năm mà mỗi đời người có được, có nghĩa là, tập cho mình ý nghĩ, mỗi ngày sống
qua đi là một ngày gần hơn với cái chết.
Khi chúng ta sống với sự chết trên đôi mi mình, chúng ta trân
quí hơn những giờ phút đang sống, vì đó là những giờ phút còn lại cuối cùng,
cho dù là có dài, hay ngắn bao nhiêu. Những
giờ phút còn lại thường khiến người ta muốn yêu thương nhiều hơn là tranh giành. Những giờ phút còn lại thường khiến người ta
khao khát hòa bình hơn là nghĩ về chiến tranh.
Vì là những giờ phút còn lại, người ta thường muốn cho đi những gì mình đang có hơn là tích cóp thêm nữa tài sản
cho một mai hậu không dài.
Tất cả mọi sự bắt đầu đều có kết thúc. Chuyến đi sau cùng của mỗi đời người chỉ là vấn
đề thời gian. Mọi chuyến đi đều cần có
sự chuẩn bị, nên đối với chuyến đi quan trọng không thể trốn tránh này, sự chuẩn
bị còn cần thiết ngàn lần hơn. Hãy chuẩn
bị ngay ngày hôm nay. Chuẩn bị bằng cách
hãy sống với sự chết trên đôi mi mình.
Jeffrey Thai
Vẫn chưa thôi những mệt mỏi, chán nản; vẫn chưa thôi những cơn đau dài, nhưng em thích mỗi ngày lang thang một chút vào thế giới ảo này của anh để đắm mình vào những điều rất thật. Những điều rất thật, song em chẳng thể làm gì. Bàn tay em gầy guộc, làm sao có thể...?!
ReplyDeleteBỗng dưng em thấy chán luôn trang blog của mình, cảm giác xa lạ và lẻ loi. Vâng, có lẽ thế!
Mong mọi điều an lành đến với anh, anh Thái nhé!