Saturday, March 9, 2013

Người Việt Kỳ Thị Người Việt - Một Vấn Nạn Dân Tộc


Tôi vốn ngại viết về những điều không hay của người Việt.  Lý do là vì tôi thấy rằng không có nhiều người Việt có thể vượt qua được cái sĩ diện hão về dân tộc mình để đối diện với sự thật.  Với một dân tộc mà mặt bằng về trình độ dân trí chưa được cao thì điều đó cũng chẳng có gì là lạ.  Những con người sĩ diện hão này thường xuyên quăng ra một cái “mũ” rất quen thuộc để chụp lên đầu người viết:  “ Là người Việt sao lại đi nói xấu người Việt!”  Chỉ một câu nói thôi mà đã bộc lộ hết ra sự thiếu hiểu biết và vô lý của người nói.  Có người Việt nào lại muốn đi nói xấu chính dân tộc của mình?  Đó là một điều chẳng đặng đừng.  Khi những điều “xấu xí” đó là những điều có thật, đã và đang tàn phá nhân cách sống của cả một dân tộc, thì với những con dân Việt có trách nhiệm và lương tâm, thiết tưởng không thể nào không nói đến chúng được. 

Vấn đề “người Việt kỳ thị người Việt”, thoạt nghe qua có vẻ như là một câu chuyện đùa, nhưng trong thực tế lại là một điều hoàn toàn có thật.  Không ít người đã được đọc, được nghe và thậm chí, được nhìn những điều kỳ lạ như vậy.  Tuy vậy, tôi vẫn tin rằng họ vẫn chưa hình dung hết được mức độ nghiêm trọng của vấn đề.  Với những trải nghiệm của chính cá nhân mình, chứ không phải chỉ qua đọc hay nghe, tôi cho rằng nó đã trở nên “xấu xí” hơn rất nhiều so với những gì nó đã được phản ánh qua các phương tiện truyền thông.  Nó đã tàn phá truyền thống “tương thân tương ái” tốt đẹp, vốn có giữa những con người Việt với nhau, làm cho họ trở nên mất đoàn kết hơn bao giờ hết.  Nói một cách riêng, theo cách nhìn của tôi, nó đã góp một phần không nhỏ vào việc khiến cho việc thiết lập một mối giao tế xã hội lịch sự và tôn trọng với một người Việt khác, ở trên đất Mỹ này, không còn là một việc dễ dàng.   Đã từ lâu, trong cuộc sống riêng của mình, tôi không còn có ý định, cũng như hy vọng về điều đó.   

Điều khiến cho tôi nảy sinh ra ý định viết bài viết này chính là mẫu tin về việc ông chủ người Việt của nhà hang Gold Sand (Cát Vàng) ở thành phố Phan Thiết qui định cho nhân viên của mình không phục vụ người Việt.  Họ đã ứng xử với khách hành có tên Đinh Thị Thu Hậu, cũng như với phóng viên sau sự việc, thật thô lỗ và thô bạo.  Đọc mẫu tin này, tôi không ngạc nhiên lắm về vấn đề kỳ thị, vì tôi vốn không lạ gì với nó, mà chỉ có chút ngạc nhiên về mức độ của nó:  Việc kỳ thị đã được thực hiện một cách trắng trợn và quá thô bạo, mang ý nghĩa xúc phạm rất lớn.  Tôi đã nhìn thấy từ lâu có một thái độ khinh thường và ghét bỏ lẫn nhau trong một bộ phận không nhỏ người Việt, tuy vậy, tất cả chỉ còn nằm ở những biểu hiện không quá lộ liễu.  Qua sự việc này, có vẻ như thái độ đó ngày càng trở nên gay gắt hơn đến mức độ không cần giấu giếm nữa.   Nguyên nhân của thái độ đó phần nào đã được chính ông chủ trong câu chuyện này nêu lên một cách “thẳng thắn”, khi phải lý giải cho hành động của mình:   Người Việt xấu tính, hay gây chuyện và hay ăn cắp.

Tôi cần phải nói thẳng ra ý nghĩ của tôi là:  Những điều ông nêu ra đó hoàn toàn đúng sự thật, ông không hề vu khống cho họ.  Thực tế là đa số người Việt còn phải học hỏi rất nhiều trong cách ứng xử xã hội.  Điều cơ bản nhất là họ không biết tôn trọng người khác, và từ đó, dẫn đến việc là rất xấu tính và hay gây chuyện.  Còn về vấn đề ăn cắp, thực tế cũng đúng là người Việt hay ăn cắp.  Đi kèm với thực tế đó, để công bình cho người Việt, cũng nên nêu lên một thực tế nữa là, dân tộc nào cũng ăn cắp cả.  Ngay cả dân Mỹ vốn sống khá giả mà tệ nạn ăn cắp đang tràn lan ở tất cả mọi cửa hàng tại Mỹ, ở thời điểm hiện tại.  Người Việt còn nghèo nên chắc hẳn đã có đến cửa hàng của ông để ăn cắp, cũng không phải là điều không thể xảy ra.  Mặc dù những cáo buộc của ông đều đúng sự thật, nhưng điều cần làm rõ ở đây chính là sự phi lý trong cách hành xử kỳ thị của ông.  Việc người Việt như thế nào và việc ông kỳ thị người Việt trong việc phục vụ là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau, không thể dùng cái trước để biện minh cho cái sau.  Qua cách hành xử này, ông không chỉ vi phạm pháp luật trong việc kinh doanh, điều cần phải bị xử lý, mà quan trọng hơn, với tư cách là một công dân Việt, ông còn làm xấu đi hình ảnh người Việt, và khiến cho một số người Việt có thêm lý do để mạnh dạn hơn trong việc kỳ thị những người Việt khác.  Nói một cách chung, tự làm xấu mình đi để rồi sau đó lại chính mình khinh thường và kỳ thị lẫn nhau vì cái xấu xí đó, là cái vòng bi kịch lẩn quẩn mà nhiều người Việt thiếu hiểu biết đang bơi lội trong nó. 

Khi nói đến kỳ thị nói chung giữa các sắc tộc khác nhau, người ta hay nghĩ đến người Mỹ vì vết nhơ kỳ thị người da màu trong quá khứ của họ.  Nhưng có một điều gây ngạc nhiên mà tôi tin là không chỉ mình tôi nghĩ như vậy, mà có rất nhiều người Việt khác sống ở Mỹ, cũng nghĩ như vậy.  Điều đó chính là:  Chỉ có ở Mỹ là nơi mà một người Việt như tôi có thể sống mà không bị kỳ thị bởi các sắc dân khác, nhất là người Mỹ.  Kinh nghiệm cá nhân về kỳ thị của tôi mà tôi sắp kể ra đây chỉ xảy ra khi tôi giao tiếp với người Việt, cho dù ở ngay trên đất Mỹ hay trên đất nước VN. 

Còn nhớ lần tôi về VN cách đây một vài năm, tôi cư ngụ tại một khách sạn vốn chỉ dành cho người nước ngoài.  Nếu tôi ở một khách sạn khác có nhiều người Việt hơn thì có lẽ tôi đã không có dịp để chiêm nghiệm cảm giác một người Việt bị kỳ thị bởi chính những người Việt khác.  Đêm đó, tôi cùng một người bạn lên nhà hàng ở sân thượng của khách sạn để ngắm cảnh thành phố về đêm.  Lúc ấy đã nửa đêm và phía bên kia bàn tôi ngồi là một nhóm rất đông người nước ngoài, trông không có vẻ sang trọng lắm.  Khi tôi gọi một ly cocktail cho mình thì thái độ của anh phục vụ thật hờ hững và vô cùng lạnh nhạt thấy rõ, nếu không muốn nói là hầu như không muốn phục vụ.  Có lẽ tôi sẽ không quá chú ý đến điều đó lắm, nếu tôi không vô tình chứng kiến cách anh ta phục vụ những người khách nước ngoài kia.  Thái độ của anh ta khi ấy hoàn toàn khác hẳn, rất vui vẻ và nhiệt tình, có chút gì đó hạ mình và khúm núm.   Đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy mình bị phân biệt đối xử, mà khôi hài hơn, lại chính bởi người Việt, ngay trên thành phố lớn nhất nước Việt.    

Cũng trong khoảng thời gian cư ngụ ấy, điện thoại phòng của tôi không hoạt động.  Tôi có xuống phòng chị quản lý phụ trách để nêu vấn đề và mong muốn được sửa chữa.  Thái độ lắng nghe một cách bình thản như không nghe thấy gì cả của người quản lý này làm tôi khá ngạc nhiên:  Không một lời xin lỗi, cũng không một lời hứa hẹn sửa chữa.  Tuy vậy, tôi vẫn không nghĩ là có một sự kỳ thị gì ở đây cho mãi đến khi tôi đọc được kinh nghiệm của các Việt Kiều khác.  Họ kể rằng, trong trường hợp ấy, nếu đó là một người nước ngoài thì vấn đề sẽ được quan tâm và sửa chữa ngay lập tức.  Kể lại câu chuyện này mà đến giờ tôi vẫn còn cảm thấy khá sửng sốt về cái cách mà những người Việt đối xử với người Việt.  Tôi đã ở khá nhiều khách sạn, đến không thể nhớ nổi, ở nhiều thành phố lớn của Mỹ và một vài nước khác, và được phục vụ bởi những người khác sắc tộc, nhưng chưa bao giờ phải trải qua một kinh nghiệm tồi tệ như thế cả.  Điều tồi tệ không hẳn nằm ở việc vấn đề không được giải quyết, mà là ở việc kỳ thị, phân biệt đối xử bởi chính người cùng chủng tộc, ngay trên đất nước mình đã được sinh ra.   Đôi khi, ngẫm nghĩ về những người Việt có óc kỳ thị người Việt này, tôi chợt thấy giật mình.  May mà, tôi có được cái dáng vẻ và cách ăn vận mà nhiều người nói là chỉ cần nhìn thoáng qua là đã biết được đó là Việt Kiều, mà họ còn đối xử như thế, nếu trông bình dân hơn, không biết là thái độ của họ còn “xuống cấp” đến mức độ nào. 

Kinh nghiệm khác mà tôi sắp kể ra đây xảy ra ngay trên đất Mỹ, khi mà tôi có dịp làm việc chung với một lượng lớn người Việt với tư cách là người quản lý của họ, trong một khoảng thời gian khá dài.  Khi ấy, tôi chỉ vừa mới sang Mỹ được một vài năm và nền kinh tế Mỹ đang ở giai đoạn hoàng kim của nó.  Các hãng xưởng cần vô số công nhân, nên họ tuyển dụng nhiều người Việt và Mễ, bên cạnh lượng công nhân người Mỹ đã có sẵn, và đi kèm theo đó, họ cũng cần người ở vị trí lãnh đạo có thể nói được tiếng Việt.  Tôi vô tình được đưa lên, để làm việc với họ ở một vị thế như thế, trong một hoàn cảnh như thế.   Trong cả trăm người mà tôi phải quản lý, có một phần ba là người Mỹ, một phần ba là người Mễ và còn lại là người Việt.  Sự thăng cấp nhanh chóng này của tôi đã khiến cho nhiều người Mỹ tức giận và nhiều người Việt không vui.  Nhưng trong khi người Mỹ làm quen và chấp nhận điều đó rất nhanh, thì có một vài người Việt lại nuôi trong lòng một sự bực bội rất dài lâu. 

Có một thực tế ở đất Mỹ là với người Việt, họ thường chuộng một ông sếp người Mỹ hơn, cho dù phần lớn họ không nói được tiếng Anh.  Có nhiều lý do cho điều đó.  Với tôi, tôi nhìn thấy được một lý do khá rõ:  Họ là người Việt nhưng lại kỳ thị người Việt.  Họ không thích, vì họ trên dựa trên mặc định rằng:  Đã là người Việt thì chẳng thể nào đối xử tốt đẹp với họ được.  Sau một thời gian làm việc với nhau và chứng tỏ cho họ thấy là họ đã được đối xử tốt đẹp hơn rất nhiều và được giúp đỡ hơn về mặt ngôn ngữ rất nhiều, tôi có thể nhận ra phần đông đã phần nào thỏa hiệp với định kiến của mình.  Tuy vậy, họ không hẳn thay đổi suy nghĩ, mà họ chỉ tạm thỏa hiệp do những quyền lợi mà tôi đã tạo ra cho họ.  Có một vài trường hợp đặc biệt, trong đó có anh bạn với vị trí trưởng nhóm, đã để lại cho tôi một ấn tượng khó quên về lòng kỳ thị thật tồi tệ của anh ta.    

Mặc dù được đối xử tốt đẹp và ưu ái, sau suốt một khoảng thời gian dài, anh ta vẫn giữ nguyên ý nghĩ ban đầu mà anh ta từng tuyên bố với nhiều người Việt rằng:   Anh ta không thể phục tôi và xem tôi như là cấp trên của anh ta.  Lý do anh ta đưa ra là:  Vì tôi cũng là người Việt, cũng đã từng ở trại tị nạn như anh ta, chứ có gì khác anh ta đâu.  Thái độ bất mãn và bất phục tùng ngoan cố của anh ta đã gây ra không ít khó khăn cho tôi trong công việc và cuối cùng, buộc tôi phải làm một điều mà tôi biết là sẽ vô cùng bất lợi cho anh ta:  Chuyển anh ta sang làm việc với một cấp trên người Mỹ khác.  Đúng như tôi dự đoán, vì tiếng Anh quá kém, anh ta không đủ khả năng làm việc với người Mỹ, sự lo sợ đã khiến anh ta gặp tai nạn và phải xin rời bỏ vị trí trưởng nhóm.  Chỉ đến khi ấy, khi đối diện, lần đầu tiên, tôi mới nhìn thấy được trong ánh mắt anh ta một sự tôn trọng chân thành và lời lẽ anh ta nói cũng trở nên lịch sự hơn.  Anh ta đã học được một bài học, với cái giá khá đắt, cho suy nghĩ kỳ thị vô lối của mình.    

Việc những con người cùng một dân tộc mà lại khinh thường và kỳ thị lẫn nhau nói lên nhiều điều rất đáng buồn về dân tộc đó, mà chỉ riêng về trình độ dân trí thôi có lẽ không đủ để lý giải.  Không có nhiều những dân tộc như thế, dù rằng họ có thể nghèo hơn và kém văn minh hơn dân tộc Việt.  Phải chăng đó là do sự phân hóa trong tư tưởng của những người dân Việt ngày càng trở nên sâu sắc hơn, trong đó mỗi con người đều có một “sự thật” của riêng mình để viện dẫn mỗi khi cần lý lẽ một vấn đề?  Phải chăng đó là do đời sống ngày càng thiên về vật chất đã khiến cho truyền thống đoàn kết và tương lân của dân tộc Việt dường như đang dần trở thành một truyền thuyết?  Ngỡ ngàng và choáng ngợp trước một thế giới toàn cầu hóa, phải chăng đối với nhiều người Việt hôm nay, phải là “ngoại” thì mình mới có thể “tâm phục, khẩu phục”?   

Trong những ngày làm việc trên đất Mỹ này, đôi khi, nhìn những người Mỹ trắng, Mỹ đen và Mễ đối xử với nhau, tôi không khỏi lấy làm suy nghĩ về người dân Việt.  Cái cách những người Mỹ trắng nói chuyện với nhau, nhìn nhau mới đầy sự trân trọng và tin yêu làm sao.  Những người Mỹ đen thì gần gũi và gắn bó với như một gia đình, hiếm khi họ nói không tốt về nhau.  Những người Mễ luôn đi thành từng nhóm như những người du mục, sống chết có nhau, cùng nhau đi tìm sự sống.  Còn người Việt ứng xử với nhau như thế nào nhỉ?  Tôi đang cố gắng để ngăn một tiếng thở dài khi nhớ lại những kinh nghiệm mình đã trải qua. 

08/03/2013
Jeffrey Thai

No comments:

Post a Comment