Saturday, January 11, 2014

Thử Hiểu Người Cộng Sản (Phần II) - Jeffrey Thai


             Phần II: Tại sao người cộng sản lại tin vào và dấn thân cho cncs?

Có thể những người thù ghét chế độ cộng sản sẽ luôn nghĩ rằng những người cộng sản là những người tồi tệ, xấu xa và độc ác, tự trong bản chất. Điều đó cũng tương tự như những người cộng sản luôn xem những người không cùng chính kiến với mình là “bè lũ phản động”. Tôi không đồng ý với cả hai bên. Mọi cảm giác hận thù hay nói chung, mọi xúc cảm cá nhân, thường khiến cho suy nghĩ của con người trở nên thiên lệch và cực đoan. 



Với tôi, người cộng sản không tốt hơn, cũng không xấu hơn bất kỳ một người không cộng sản nào. Tôi tin rằng rất nhiều người (trước đây) đã trở thành người cộng sản vì những lý do hết sức tốt đẹp: mong muốn một đất nước, xã hội tốt đẹp và một cuộc sống tốt đẹp cho bản thân mình. Lý thuyết hoàn hảo của cncs, vô hình trung, đã đánh trúng vào khát khao đó của họ (đặc biệt là với những đối tượng nông dân và công nhân nghèo khổ), và từ đó, bắt đầu đưa họ vào cơn mộng. (Tôi gọi đó là cơn mộng cho có vẻ khách quan, chứ thực ra phải nói là cơn mê - một cơn mê mịt mù về ý thức hệ).

Chẳng lẽ họ không đủ thông minh để nhận ra rằng mình đang mê? Tôi không nghĩ vậy. Họ cũng thông minh như bất kỳ một người không cộng sản nào khác.  Vấn đề ở đây nằm ở bản thân cncs. 


CNCS rất tinh vi trong việc áp dụng mọi biện pháp có thể, để luôn giữ chặt con mồi trong vòng kềm tỏa của mình. Nhắc đến cncs là ngay lập tức chúng ta nghĩ đến hàng loạt những khẩu hiệu, những lời nói được lặp đi, lặp lại như kinh nhật tụng: tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ, đường lối, chủ trương… Đó là điều mà ở các nước tự do, người ta không bao giờ làm. Ở các nước tự do, người ta để con người phát triển tự do, muốn suy nghĩ gì mặc ý, không ai có quyền tuyên truyền hay giáo dục, buộc người khác phải suy nghĩ như thế này hay thế khác cả. Đó là điểm khác biệt mấu chốt nhất.

CNCS không như thế. Ngay từ khi một đứa trẻ mới lọt lòng, hay ngay vừa khi một người tình nguyện trở thành người cộng sản, công việc tuyên truyền, giáo dục ấy bắt đầu. Việc giáo dục trường kỳ và dai dẳng ấy dần hình thành ở những con người cộng sản một thứ phản xạ không điều kiện: nhắc đến cncs là ngay lập tức họ bênh vực, bảo vệ, ngưỡng mộ, tôn sùng theo một thể thức y hệt nhau – hung hăng, và có phần nào cuồng tín. Phản xạ không điều kiện này được duy trì và nuôi dưỡng trong một thời gian đủ dài đã khiến cho những người cộng sản không còn có khả năng phán đoán và đánh giá sự việc một cách khách quan nữa. Với họ, mọi suy nghĩ, ý thức, hành động, lời nói đều đã được lập trình, và cứ như thế mà làm. Điểm tội cho họ là ở chỗ, cái lập trình ấy không phải họ là người có quyền tự điều khiển, mà nó nằm ở trong tay những người cộng sản cấp cao. Nói một cách rõ hơn, họ đơn thuần là những robot đã được lập trình, và thụ động chờ sự kích hoạt điều khiển. 





Trong quá trình tuyên truyền và giáo dục để hình thành ở những người cộng sản thứ phản xạ không điều kiện ấy, một chiêu thức được sử dụng bất di, bất dịch (ở mọi quốc gia cộng sản) là tạo dựng nên những huyền thoại thần thánh có khả năng qui tụ triệu tư tưởng về một mối. Ở VN, nhân vật Hồ Chí Minh đã được sử dụng vào mục đích này, và hiệu quả có được từ hiệu ứng đám đông của nó có thể thấy được là vượt xa ngoài sự mong đợi của những kẻ tác tạo. Ngày nay, với sự phát tán tin tức nhanh thần kỳ của Internet, khó có sự thật nào có thể bưng bít được và do đó, nếu muốn, không khó để có thể tìm hiểu thực hư về huyền thoại HCM. Thế nhưng, bất chấp điều đó, huyền thoại HCM vẫn sống mạnh mẽ ở VN (đặc biệt là ở miền Bắc) nhờ ở thứ phản xạ không điều kiện này – đó là một thứ phản xạ không dễ gì để bẻ gãy. 

Nói CNCS tinh vi là vì thế.  Việc áp dụng phản xạ không điều kiện và hiệu ứng đám đông là hai chiêu thức rất cao cờ để điều khiển con người. Hẳn nhiên, nếu bỏ qua tính nhân bản, thì chẳng có gì nữa để phải bàn cãi hay quan ngại trong việc sử dụng những chiêu thức cao cờ này. Sự độc ác chính là nằm ở chỗ đó: CNCS chẳng bao giờ quan tâm đến cái được gọi là nhân văn hay nhân bản, chẳng bao giờ quan tâm đến con người.  Cứu cánh mà họ theo đuổi luôn là điều tối thượng, và họ phải đạt được nó bằng bất kỳ phương tiện nào.

Quá trình hình thành phản xạ không điều kiện (ở mức độ gần như bẩm sinh) là quá trình lâu dài và đòi hỏi không có sự tác động của các tác nhân ngoại lai. Đó là lý do khiến cncs luôn phải tạo ra một bức màn sắt phủ kín bầu trời chủ nghĩa. Ở VN, trước ngày Bắc Nam thống nhất, mọi sự thật ở miền Nam đều được giấu kín đối với người dân miền Bắc. Còn sau ngày đó, mọi văn hóa phẩm của chế độ cũ ở miền Nam đều bị truy quét sạch sẽ. Trên mặt bằng văn hóa chính thống, chỉ còn sự hiện diện duy nhất của nền văn hóa cách mạng của chế độ mới, kể cả âm nhạc.

Bên cạnh việc tạo dựng nên sự tôn sùng, ngưỡng mộ cncs như một thứ phản xạ không điều kiện (tích cực) và đồng thời bao biện nó, một thứ phản xạ không điều kiện (tiêu cực) khác cũng được tạo dựng nên nhắm vào mọi yếu tố, tác nhân không mang bản chất cộng sản. Những người cộng sản luôn được giáo dục để không đọc, không xem những gì không thuộc về cộng sản, cũng như được giáo dục để không chấp nhận sự khác biệt. Mọi sự khác biệt đều được xem là “phản động”. Xét về mặt thuật ngữ và ngữ cảnh, hai từ “phản động” ở đây đã được sử dụng một cách sai lệch; do đó, khi được nghe họ nói ai đó “phản động” thì nên hiểu rằng kẻ đó đang đi ngược lại những điều họ mong muốn.



Nếu xét đến sự phân hóa tư tưởng của người Việt, thì chúng ta mới thấy được sự phát huy tác dụng của thứ phản xạ không điều kiện (tiêu cực) này là mạnh mẽ đến mức nào. Thí dụ như cho đến hôm nay, mỗi khi nhắc đến người Việt ở hải ngoại, một số không ít người Việt trong nước ngay lập tức nghĩ đến “thế lực thù địch và phản động” ở nước ngoài. Điều này được thể hiện khá rõ trên thế giới mạng. Xét kỹ ra phản ứng này khá buồn cười và mâu thuẫn: Vì sao cũng cùng những con người Việt đó ở hải ngoại, mà khi thì là “khúc ruột ngàn dặm” với hàng tỉ đô la gửi về mỗi năm, khi thì là “thế lực thù địch và phản động” luôn tìm cách phá rối an ninh quốc gia? 

Với phân tích như trên, người viết muốn nêu bật lên ý nghĩ này về người cộng sản: Họ chỉ đơn thuần là những nạn nhân đáng thương của một thứ chủ nghĩa. Do một sự dung rủi không may nào đó của số phận, họ đã trở thành một người cộng sản, để rồi một giây phút nào đó trong đời, chợt nhận ra rằng, mình đã thành một con cờ tự bao giờ và những lý tưởng đẹp đẽ mà mình hằng thí mạng để theo đuổi, hóa ra chỉ là một cơn mê. Cho đến giờ phút này, có người cộng sản nào đã thấy được mục tiêu của đời mình?!!! (Công bằng, bác ái, tự do, hạnh phúc… đại khái là thế).

Xin lưu ý rằng, ở phần trên của bài viết, tác giả có ý muốn nói đến những người cộng sản chân chính, đã trở thành người cộng sản từ những mục đích mà họ nghĩ là cao đẹp, và con số người như thế không còn là một con số đông ở thời điểm hôm nay. Có nhiều người đã trở thành người cộng sản từ những mục đích rất riêng tư, cũng như có rất nhiều người cộng sản chân chính ban đầu đã dần trở nên thoái hoá và biến chất trên chặng đường dài mịt mù đi tìm ảo ảnh. Chúng ta có thể thấy được hình ảnh của họ thấp thoáng trong bóng dáng của vô số các vị quan tham ngày nay trong xã hội VN, từ lớn đến nhỏ.


11/01/2014
Jeffrey Thai 

No comments:

Post a Comment