Câu chuyện về Bông hồng cài áo
Thứ Hai, ngày 5/8/2013 - 04:30Tình cảm sâu sắc trong nghi thức bông hồng cài áo mùa Vu Lan đã mang lại cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm sân khấu và âm nhạc.
Những ngày qua, báo chí đưa tin về việc dựng lại vở kịch Bông hồng cài áo mà gần như chỉ nhắc tên tác giả vở kịch là NSND Kim Cương, người viết nhận được tin nhắn của một bạn viết văn ở hải ngoại nhờ hỏi về tác giả của kịch bản Bông hồng cài áo chính gốc. Ngay sau đó, ông bầu của Sân khấu kịch IDÉCAF đã nhắn tin cho báo chí để bổ sung: “Bông hồng cài áo - soạn giả: Hoàng Khâm, chuyển thể kịch nói: NSND Kim Cương” nên tất cả chỉ là sơ suất nhỏ.
Ít ai biết cố soạn giả Hoàng Khâm thuộc hàng “võ lâm ngũ bá” trong giới soạn giả cải lương trước năm 1975 với những kịch bản như Người đẹp Bạch Hoa thôn, Thảm kịch tuổi xanh, Vàng sáu bạc mười… mới là tác giả chính thức của kịch bản Bông hồng cài áo mà ông viết cho Đoàn cải lương Thanh Minh vào năm 1965-1966. Vở cải lương Bông hồng cài áo khi ấy rất nổi tiếng, quy tụ một dàn nghệ sĩ tên tuổi như Thanh Nga, Thành Được, Ngọc Giàu, Thanh Tú, Thanh Thanh Hoa, Tám Vân, Hoàng Giang, Minh Điển. Nghệ sĩ Kim Cương sau đó mới chuyển thể kịch bản cải lương này thành vở kịch Bông hồng cài áo diễn ở đoàn kịch của mình. Kịch bản Bông hồng cài áo thời ấy lấy nước mắt khán giả như mưa với tài nghệ của “kỳ nữ” Kim Cương và bà Bảy Nam…
Nghệ sĩ Thành Lộc và Hoàng Trinh trong vở Bông hồng cài áo trên sân khấu kịch IDÉCAF. Ảnh: HÒA BÌNH
Ngày 4-8, nhân mùa Vu lan, Sân khấu kịch IDÉCAF công diễn suất đầu tiên vở kịch Bông hồng cài áo được dựng lại từ kịch bản do NSND Kim Cương chuyển thể, đạo diễn Vũ Minh dàn dựng. Với Đoàn kịch nói Kim Cương, Bông hồng cài áo là một trong những vở kịch thành công nhất. Đã có sân khấu kịch muốn xin kịch bản của NSND Kim Cương, trong đó có Bông hồng cài áo, để dàn dựng lại nhưng bà chưa đồng ý. Từ cái duyên với đạo diễn Vũ Minh, nghệ sĩ Thành Lộc và Hữu Châu cùng tham gia thực hiện đêm diễn “Tạ ơn đời” cho Kim Cương nên bà đã tin tưởng giao kịch bản này cho Sân khấu kịch IDÉCAF. Vở diễn giữ nguyên phong cách thoại kịch chân phương ngày nào nên gần gũi với khán giả. Tuy không lấy được nước mắt của khán giả như vở kịch đã được dàn dựng trước đây nhưng với sự nghiêm túc, tận tậm của tất cả diễn viên, đây vẫn là vở kịch đáng xem.
Không chỉ có kịch, cải lương Bông hồng cài áo mà còn có đến hai bài hát mang tên Bông hồng cài áo. Rất nhiều người thuộc lòng bài hát Bông hồng cài áo mà nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ viết vào năm 1967 dựa theo lời văn của thiền sư Thích Nhất Hạnh với những câu chữ quen thuộc: “Một bông hồng cho anh. Một bông hồng cho em. Và một bông hồng cho những ai, cho những ai đang còn mẹ….”. Vậy nhưng vẫn còn một bài hát Bông hồng cài áo khác ra đời trước cả bài hát của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, đó là bài Bông hồng cài áo ký bút danh Phượng Linh của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông (tác giả các ca khúc nổi tiếng Sắc hoa mầu nhớ, Nhớ một chiều xuân, Về mái nhà xưa...) viết riêng cho vở cải lương Bông hồng cài áo của soạn giả Hoàng Khâm diễn ở Đoàn cải lương Thanh Minh. Tuy không được nhớ nhiều như bài hát của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ song Bông hồng cài áo của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là bài hát nổi tiếng mà sau này có nhiều người gọi tên thành Bông hồng cài áo trắng để phân biệt với bài Bông hồng cài áo của Phạm Thế Mỹ.
Ở Việt Nam Nghi thức bông hồng cài áo mùa Vu Lan bắt đầu vào năm 1962, do thiền sư Thích Nhất Hạnh khuyến khích. Trước năm 1962, trong một lần sang Nhật, đi nhà sách với bạn vào đúng Ngày của Mẹ (Mother’s day, ngày lễ truyền thống của nhiều nước Âu, Mỹ), thiền sư đã được một cô gái cài lên áo tràng một bông hoa trắng mà không rõ lý do. Hỏi ra thì thiền sư được biết trong ngày này ai còn mẹ thì được cài bông hoa đỏ, ai mất mẹ thì cài hoa trắng. Năm 1962, thiền sư đã viết một bài viết dài mang tên Bông hồng cài áo. Chính bài viết và câu chuyện trên của thiền sư Thích Nhất Hạnh đã là khởi điểm cho mọi tác phẩm Bông hồng cài áo cải lương, kịch nói, tân nhạc và cả thơ ca nhạc họa về sau.
________________________________
Nhân mùa Vu lan năm nay, đầu tháng 8-2013, Công ty Sách Phương Nam đã cho tái bản tập tản văn Bông hồng cài áocủa thiền sư Thích Nhất Hạnh lấy bài viết Bông hồng cài áo từ năm 1962 làm chủ đề. Đây không biết là lần thứ mấy tác phẩm này được các nhà sách tái bản cho thấy sức sống của nó còn mãi với thời gian.
HÒA BÌNH
No comments:
Post a Comment