Thursday, January 15, 2015

(Video) Đêm Tưởng Niệm Nghệ Sĩ Bảy Nam - 15/08/2005






Vẹn câu hiếu đạo trong đêm tưởng niệm NSND Bảy Nam


Chương trình "Tưởng niệm NSND Bảy Nam - một năm ngày mất" diễn ra tại nhà hát TP HCM đêm qua, do con gái bà, NSƯT Kim Cương, tổ chức, được đánh giá không chỉ vẹn hiếu đạo của người con gái dành cho mẹ, mà còn là tấm lòng của người hâm mộ dành cho một tài hoa nghệ thuật.


Ca sĩ Quang Dũng mở đầu chương trình với bài hát Bông hồng cài áo của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, Hương Lan tiếp nối với bài Lòng mẹ của Y Vân, và Ánh Tuyết khép lại chương trình bằng Đường xa vạn dặm của Trịnh Công Sơn. Mỗi người một nỗi lòng, dâng nén hương tưởng niệm NSND Bảy Nam.

Quang Dũng thổ lộ: "Phải kìm nén lắm tôi mới không bật khóc trên sân khấu". Nhiều khán giả đã không cầm được nước mắt khi bài hát Ngày xưa còn mẹ của nhạc sĩ Nguyễn Ánh được trình bày bởi một giọng ca mà lúc sinh thời nghệ sĩ Bảy Nam rất quý mến, ca sĩ Vinh Hiển. Lời ca đẹp, giọng ca trầm ấm đi sâu vào lòng người: "Mẹ là bắt đầu cho tình yêu, cho sự sống, cho hạnh phúc. Mẹ là duy nhất, là bầu trời, là mặt đất, là vầng trăng. Mẹ là ánh đèn thắp bằng ngọn lửa trái tim. Mẹ là mãi mãi, là cho đi không đòi lại bao giờ... Chỉ có một lần mẹ ngăn không cho con khóc là khi mẹ không thể lau nước mắt cho con, là khi mẹ không còn, là khi mẹ không còn....".



Quang Dũng với bài hát Bông hồng cài áo. Ảnh: Đ.D.


Khi trích đoạn vở kịch Lá sầu riêng, một trong những vở kinh điển gắn liền với tên tuổi NSND Bảy Nam, được chiếu lại trên màn hình, dù đã xem đến hàng chục lần, có khán giả vẫn không khỏi nghẹn ngào với câu nói đã đi vào huyền thoại: "Con không nỡ xa con của con, sao con bắt mẹ phải xa con".

Giáo sư Trần Văn Khê vừa từ Pháp vội vã trở về cho kịp ngày giỗ của "cô Bảy", đã xúc động nói: "Cô Bảy đã cống hiến cho cuộc đời nhiều thành quả nghệ thuật, nhưng có lẽ tác phẩm lớn nhất chính là người con gái của cô, Kim Cương. Một nghệ sĩ tài hoa, một đứa con hiếu đạo với mẹ". Biết mẹ không còn nhiều sức nhưng vẫn rất nhớ sân khấu, Kim Cương viết kịch bản, tạo điều kiện cho mẹ trong những vai nhỏ, thời gian diễn ngắn trên sân khấu. Và chị luôn nép bên mẹ trong những vai con như trong đời thật, vì vậy mà khán giả xem NSND Bảy Nam và NSƯT Kim Cương diễn mà như không diễn.



NSƯT Kim Cương nói về mẹ.


Trong đêm tưởng niệm, Kim Cương đã đọc lại và tỏ lòng tri ân với một khán giả giấu tên đã viết một bài thơ đặt lên mộ mẹ mình. "Thương vạt nắng chiều tàn đã tắt/ Tiếc một tài hoa dạ ngậm ngùi/ Nghệ danh sáng mãi, như lòng mẹ/ Sĩ khí huyết tâm để lại đời/ Nhân nghĩa, ân tình như biển lớn/ Dân, sĩ nơi nơi cảm tạ người/ Bảy cung, chín bậc đèn sân khấu/ Nam ai khép lại một cuộc đời". Chị thú nhận rằng trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, may mắn lớn nhất mà ít nghệ sĩ nào có được chính là có một người bạn diễn ăn ý như má Bảy Nam. Người hiểu chị đến từng hơi thở, chỉ cần nhìn nhau trên sân khấu là đã biết đang nghĩ gì. Nói về mẹ, từ đầu đến cuối chương trình, Kim Cương đã không giấu những cảm xúc của mình trước khán giả, nói đến đâu chị cứ để cho nước mắt tuôn ra đến đó.



Bức thư của một khán giả ái mộ NSND Bảy Nam.


90 tuổi với 75 năm NSND Bảy Nam cống hiến cho nghệ thuật, 15 tuổi đi diễn, 19 tuổi đã làm "bà bầu" và bắt đầu viết kịch bản. Đến lúc thác đi bà đã để lại cho đời 20 vở cải lương và hàng trăm vai diễn đậm nét. Tưởng nhớ một tài hoa nghệ thuật, rất đông khán giả đã tới dự chương trình hôm qua. Dù không có vé, hàng trăm người vẫn đứng trước Nhà hát TP HCM, mong được tận mắt chứng kiến đêm diễn tưởng niệm bà.

Đỗ Duy


NSƯT Kim Cương: 'Má Bảy Nam dạy tôi cái đạo của nghề'


Ngày 15/8, chương trình "Tưởng niệm NSND Bảy Nam" sẽ diễn ra tại Nhà hát kịch TP HCM nhân một năm ngày mất của bà. Dẫn chương trình chính là NSƯT Kim Cương, con gái bà, người cũng đã gắn cả đời mình với sân khấu. Chị trò chuyện với VnExpress trước đêm diễn.



Kỳ nữ Kim Cương trong vở "Hai mùa Giáng Sinh" (1968).Ảnh tư liệu 


- Chị sẽ thể hiện vai trò MC của mình như thế nào trong chương trình tưởng nhớ NSND Bảy Nam?

- Được cùng bạn bè, đồng nghiệp làm chương trình về má là một hạnh phúc lớn. Gần gũi và hiểu má nhất, trong chương trình này tôi sẽ thay mặt gia đình nhắc nhở một vài điều, dẫn dắt những câu chuyện kể về cuộc đời hoạt động nghệ thuật của má. Đêm tưởng nhớ sẽ có sự tham gia của Giáo sư Trần Văn Khê. Giáo sư là người gắn bó hết sức thân thiết với gia đình tôi và chỉ nhỏ hơn má vài tuổi nên cũng xem như cùng thế hệ với má. Ngoài tôi ra, Giáo sư cũng sẽ là người kể những câu chuyện về má.

- Đâu sẽ là điểm nhấn của chương trình để tưởng nhớ về tài năng và nhân cách lớn của NSND Bảy Nam?

- Cả cuộc đời hoạt động nghệ thuật của má chỉ toàn đóng vai phụ. Có câu nói của một nghệ sĩ lớn nước ngoài mà má rất thích và thường hay nhắc với con cháu, đồng nghiệp: "Không có vai nhỏ, chỉ có tâm hồn của những diễn viên nhỏ mà thôi". Vì vậy, chương trình là dịp để tôn vinh và nhắc nhở lại hình ảnh của những người diễn viên suốt đời chỉ toàn đóng vai phụ như: Bà Năm Sa Đéc, Như Hoa, Long Hải, Hoàng Giang, Ba Xay, Tư Rộm, Hồng Nga... Vai phụ, nhưng thiếu họ sẽ không có những vở kịch, bộ phim thành công. Thiếu họ sẽ không có một nền điện ảnh, sân khấu phát triển. Họ chính là "bệ đỡ" cho những vai chính được tỏa sáng.

Một niềm vui và bất ngờ lớn mà tôi nhận được là những người thực hiện bộ sách kỷ lục Việt Nam vừa thông báo ghi nhận NSND Bảy Nam là nữ soạn giả đầu tiên của sân khấu cải lương Việt Nam. Lễ trao tặng kỷ niệm chương cũng diễn ra vào đêm 15/8.

- Những kỷ niệm nào với NSND Bảy Nam làm chị nhớ nhất?

- Lúc nào tôi cũng là người học trò nhỏ của má và má là người thày rất khắt khe. Má theo dõi rất kỹ từng bước đường hoạt động nghệ thuật của tôi. Vai diễn nào má cũng góp ý và rất kiệm lời khen. Nhưng có lần, khi xem tôi diễn vở Huyền thoại mẹ, má khen: "Con diễn hay lắm!" làm tôi rất vui và xúc động.

92 tuổi đời, 75 tuổi nghề, má nghỉ diễn rồi mà lòng yêu nghề, say nghề vẫn không bao giờ tắt. Nhớ lúc má còn sống, tôi với má ở cùng một tầng lầu, khuya nào tôi cũng thấy đèn phòng má vẫn sáng, sang thì nhìn thấy má đang tần ngần, loay hoay sắp soạn đạo cụ của một thời đi diễn: mấy đôi guốc gỗ, nón lá rách, giỏ đệm, áo bà ba... Hai má con ngồi tâm tình về chuyện đời, chuyện nghề... Nói hoài vẫn không hết chuyện. Có một câu má dạy mà tôi luôn khắc cốt ghi tâm: "Sân khấu là một cái đạo chứ không phải là một cái nghề". 

 

NSƯT Kim Cương (trái) cùng mẹ - NSND Bảy Nam (giữa) và NS Hồng Nga trong đêm diễn "Những cánh chim không mỏi".


- Từng sống trong thời vàng son của sân khấu Việt Nam, bây giờ ngoảnh lại chị nhớ nhất điều gì?

- Nhớ nhất là tình cảm của khán giả. Có những tình cảm làm cho mình xúc động đến bật khóc. Khi nghệ sĩ Vân Hùng, người đóng cặp với tôi suốt 40 năm trời, nằm trên giường bệnh vì căn bệnh ung thư, ảnh cứ nắm tay tôi lắc lắc mà nghẹn ngào: "Bà Kim Cương ơi! Tui nhớ sân khấu, nhớ khán giả quá!". Người nghệ sĩ là như vậy đấy, vì trót nặng nợ, đa mang với nghệ thuật, nhiều khi hy sinh cả tình riêng nhưng vẫn không quên cái tình với nghiệp diễn.

- Chị đã tốt nghiệp khoá học đạo diễn ở Bulgaria, từng học diễn xuất kịch và kịch câm tại Pháp, đóng hơn 200 vai diễn và tác giả của 70 kịch bản. Với bề dày kinh nghiệm nghề nghiệp, chị có ý định tham gia đào tạo thế hệ diễn viên trẻ hôm nay?

- Tôi vẫn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp với bạn bè và các em lớp sau, còn việc dạy một cách chính quy thì không, vì tôi rất bận rộn với nhiều công việc khác của mình. Sân khấu, điện ảnh ngày nay khác thời trước rất nhiều, có cái được, có cái mất nhưng thời nào cũng vậy "nghệ thuật là một người tình hay cả ghen", không thích bị chia sẻ "tình cảm" với bất kỳ ai. Nhiều khi sống hết mình với nó còn chưa "đắc đạo" và được đền đáp, huống gì tôi thấy nhiều bạn trẻ ngày nay, bước chân vào con đường nghệ thuật rồi vẫn thích san sẻ thời gian và nhiệt tình của mình cho nhiều lĩnh vực khác nhau. Làm nghệ sĩ cần nhất là sự chuyên tâm và khổ luyện.

- Niềm vui trong cuộc sống hiện nay của chị là gì?

- Tôi chỉ có vài niềm vui: nghiên cứu Phật giáo, ăn chay, đi chùa, làm từ thiện. Và niềm vui lớn nhất là sự thành đạt, hạnh phúc của con trai mình.

Anh Vân thực hiện


No comments:

Post a Comment