Lụa -Tố Thư trên sân khấu Nhà hát Trần Hữu Trang là một vai mới thích hợp với Phượng Liên, một vai nữ hết sức tiêu biểu và chân thật, thể hiện sự trăn trở và đấu tranh giữa một bên là cuộc sống giản dị và một bên là sự thèm muốn cám dỗ của một cuộc sống xa hoa không phải của mình. Không dừng lại trong lời ca, diễn xuất, Phượng Liên còn tìm tòi, sáng tạo cách thể hiện nhân vật. Cũng với giọng thổ đặc biệt, Phượng Liên vừa ca vừa diễn (ca Lý Ngựa Ô, Phụng Hoàng rồi Vọng Cổ...) để diễn một cách chân thật cái tâm trạng khá phức tạp. Ở cảnh sau cùng, khi ngoài lâu đài là tiếng trống của hoàng tử cải trang thành một quận công thúc dục Tố Thư (tức Lụa) rời bỏ sự xa hoa giả tạo để trở lại với tình yêu chân thật, với làng gốm Bát Tràng xưa, và bên trong lâu đài là một Tố Thư bị dằn vặt giữa cái mất và cái còn lại sau khi vứt bỏ "viên ngọc ước" do dự mà xót xa khi phải rời bỏ lâu đài vàng ngọc, vừa nuối tiếc, vừa chẳng đành phụ bạc người yêu.
NS Bảo Anh: Kỷ niệm khó phai với Hòang Tử Lý
Bảo Anh là người con của quê hương Cà Mau, nên cải lương đã ăn sâu vào máu. Anh chọn cải lương làm nơi khởi nghiệp nhưng kịch và phim đã chọn anh làm bạn đồng hành. Dù ngày nay, Bảo Anh ít hát Cải lương hơn, nhưng mãi mãi, Bảo Anh vẫn coi mình là một nghệ sĩ cải lương chính thống. Kịch và phim là cuộc phiêu lưu lý thú của người nghệ sĩ đa năng. Hơn ba mươi năm theo nghiệp diễn, biết bao kỷ niệm vui buồn, nhưng kỷ niệm sâu đậm nhất vẫn là vai Hoàng Tử Lý trong vở Chuyện Cổ Bát Tràng của tác giả Lý Văn Sâm (Hà Triều chuyển thể cải lương, ĐD: Đoàn Bá), do đoàn 2 nhà hát CL Trần Hữu Trang (THT) biểu diễn. Bởi đó là vai diễn đưa Bảo Anh từ trong bóng tối trở thành một ngôi sao sáng giá thời ấy. Anh là diễn viên trẻ đầu tiên được may mắn đóng cặp với nữ nghệ sĩ Phượng Liên. Bảo Anh bồi hồi nhớ lại: ''Khoảng tháng 3 năm 1983, sau khi mãn hợp đồng với đoàn cải lương Sài Gòn 2, tôi được tác giả Thu An và nghệ sĩ Ngọc Hương mời về đoá n Hương Mùa Thu chuẩn bị cho chuyến lưu diễn miền Trung. Trong khi chờ đợi, tình cờ bữa nọ tôi được tác giả Đức Hiền rủ đến nhà tác giả Hoa Phượng tại lầu 3, chung cư 727 Trần Hưng Đạo. Tôi không ngờ mình có dịp gặp gỡ một tác giả tài danh một thần tượng mà bấy lâu tôi rất kính phục. Ông Hoa Phượng dành cho tôi một tình cảm khá đặc biệt, với kinh nghiệm, một người thầy, người anh, ông khuyên tôi nên bám trụ tại Tp.HCM, không nên lưu diễn các tỉnh xa. Một diễn viên trẻ dưới tỉnh mới lên như tôi cần phải biết tìm cho mình cơ hội, phải biết kiên nhẫn chờ đợi thời cơ, đến khi có cơ hội phải cố gắng bộc lộ hết khả năng của mình. Nghe lời khuyên ấy tôi đến trả lại hợp đồng với đoàn Hương Mùa Thu. Đó là số tiền khá lớn có thể giúp cho tôi đổi đời, bởi thời gian qua từ dưới Cà Mau lên ăn học tại Trường Nghệ Thuật Sân Khấu, khi ra trường về hát cho đoàn Sài Gòn 2, số lương của tôi khiêm tốn chỉ đủ tạm lây lất qua ngày. Thời đó, lương ở các đoàn nghệ thuật rất thấp. Chấp nhận ở lại Tp.HCM là chấp nhận thắt lưng buộc bụng để đi tìm công danh sự nghiệp. Tôi quyết định mua tích trữ gạo, mì gói, khôn mắm chuẩn bị cho những ngày tới gian nan thiếu thốn như thời còn đi học. Tác giả Đức Hiền đưa tôi tới nhà hát THT giới thiệu. Nhà hát THT đang thành lập đoàn 2 với dàn nghệ sĩ khá hùng hậu như Phượng Liên, Ngọc Giàu, út Hiền, Bảo Quốc, Kim Ngọc, Kiếu Mai Lý , Chí Hiếu, Thanh Thanh Tâm. Trong đó út Hiền, Phượng Liên là đôi đào kép chánh. Riêng Thanh Thanh Tâm là cô đào trẻ đang được nhà hát lăng xê thiếu người hát cặp, tôi được chọn là người sẽ là bạn diễn của Thanh Thanh Tâm.
Trong lúc ông Đoàn Bá đang định lương cho tôi như thế nào cho phù hợp thì bất ngờ tôi gặp ông Tư Lợi, lúc ấy ông đang là Giám Đốc nhà hát THT, ông rất biết rõ khả năng tôi khi còn là lãnh đạo đoàn Văn Công TP, tôi có một thời gian ngắn hát với chị Lệ Thủy ở đoàn Văn Công. Ông đã nói với ông Đoàn Bá, xếp lương cho tôi vào hàng kép chánh, chỉ sau lương Phượng Liên. Tưởng mình sẽ chịu nghèo khổ khi bám trụ lại thành phố, không ngờ được hưởng số lương khá cao, trước mắt, tôi được đổi đời về kinh tế. Khởi đầu đã gặp cơ may. Đoàn 2 khởi công tập vở Chuyện Cổ Bát Tràng, vai nam chính là Hoàng Tử Lý do út Hiền thủ diễn, thời gian này sức khỏe anh út Hiền không được tốt, các buổi tập tôi thường tập thay vai cho anh. Đoàn dự kiến mời anh Thanh Sang về thế anh út Hiền, tôi vẫn là người dự bị. Anh Thanh Sang không về được, đoàn mời anh Thành Được, lúc này anh đang rãnh rỗi chuẩn bị tập tuồng Đời Cô Lựu để đi Pháp biểu diễn. Anh Thành Được nhận lời với điều kiện là đoàn cứ nhờ tôi tập đường dây, khi nào thuần thục, anh chỉ xem qua đường dây rồi biểu diễn. Hôm chạy đường dây cho anh Thành Được xem, sau đó anh vào nói với nghệ sĩ Phượng Liên: ''Bảo Anh nó hát được, em nên hát với nó''. Chị Phượng Liên ngần ngại tôi còn quá trẻ, hát không xứng với chị thì anh phán tiếp một câu: ''Bây giờ em không hát với nó, vài năm nữa nó sẽ chê em già mà không chịu hát chung''. Nể lời anh Thành Được, chị Phượng Liên chấp nhận hát với tôi. Trắc trở vẫn chưa hết, trong đêm phúc khảo đến. giờ nghỉ giải lao, có người đề nghị với đoàn nên mời anh Minh Vương về hát với chị Phượng Liên. Bao nhiêu hy vọng ấp ủ đợi chờ, được NS Thành Được tạo cho cơ hội tốt tôi tưởng như mình đang bay trên mây, bỗng bất ngờ té nhào xuống đất. Vậy là xong. May mắn sao BGĐ nhà hát vẫn quyết định để tôi hát vai Hoàng Tử Lý.
Từ đoàn 2 nhà hát THT, từ Chuyện Cổ Bát Tràng. Tên Bảo Anh mới được mọi người biết đến. Trong cái rủi_ có cái may, nhớ câu nói của anh Thành Được tôi mới được chị Phượng Liên chú ý nâng đỡ, sau này chính chị Phượng Liên cũng nói, nếu không có ý kiến của anh Thành Được thì chị cũng chưa tự tin khi hát chung với tôi. Bao nhiêu năm suy nghĩ lại, tôi vô cùng biết ơn nghệ sĩ Thành Được ngoài cái tài ông còn cái tâm của một người nghệ sĩ lớn. ông rất vô tư, công bằng. Tôi cũng nhớ ơn chị Phượng Liên, không phải chị chê bai gì về khả năng ca diễn của tôi, ch! chỉ ngại tôi quá trẻ, đứng không xứng với chị thôi. Sau này, chị là người giúp đỡ tôi rất nhiều, xóa được trong lòng tôi biết bao mặc cảm. Với kinh nghiệm của mình tôi rút ra một bài học: mới vào nghề ngoài khả năng sẵn có cần phải có sự kiên nhẫn, chịu khó và phải biết nắm lấy cơ hội. Đừng bao giờ sợ mình không có cơ hội, chỉ sợ không đủ tài khi có cơ hội trong tay. Nhân cách của người nghệ sĩ, ngoài chữ tài còn là cái tâm. Tôi trưởng thành trong nghề nghiệp chính là nhờ cái tâm của những nghệ sĩ lớn như Thành Được, Phượng Liên. Tôi luôn nhớ ơn họ. Các tài năng trẻ của cải lương chỉ có thể tồn tại và phát triển trên cái tài và cái tâm của những người đi trước.
BÁO SÂN KHẤU
No comments:
Post a Comment