Sunday, April 12, 2015

(E-Book 18+) The Reader - Người Đọc Chuyện (Bernhard Schlink) [Best Seller]










Đọc The Reader (Người Đọc) Của Bernhard Schlink


Nguyễn Thị Hải Hà - 08/01/2010




Bernhard Schlink sinh ngày 6 tháng 7 năm 1944, Bethel, Đức. Ông là luật sư Tòa Liên Bang Đức ở Westphalia năm 1988. Năm 1922 ông dạy Công chúng Luật và Triết học của Luật ở Đại học Humboldt, Bá Linh. Ông về hưu năm 2006. Tác phẩm Der Vorleser xuất bản năm 1995 được Carol Brown Janeway dịch sang Anh ngữ, The Reader (Người Đọc), năm 1997. Tác phẩm này đoạt nhiều giải thưởng, được dịch ra 37 thứ tiếng trên thế giới, và làm thành phim năm 2008.





Chân dung nhà văn Bernard Schlink



*Năm 1966, Michael Berg là sinh viên Luật. Anh tham dự một lớp học đặc biệt do một vị Giáo sư Luật tổ chức nhằm nghiên cứu những trường hợp vi phạm tội ác chiến tranh của các cựu nhân viên Đức Quốc Xã dưới thời Hitler. Trong buổi học này Michael nhận ra một trong những tội nhân là Hanna Schmitz, người mà tám năm trước anh đã yêu.



Hanna là người soát vé xe điện ở gần Blumenstrasse nơi Michael đang sống. Mùa thu năm 1957, Michael bị ốm và trên đường đi học về Michael đã nôn mửa trước cổng vào nhà Hanna. Hanna giúp Michael rửa sạch chỗ bẩn và đưa Michael về tận nhà. Mùa xuân năm 1958, Michael vâng lời mẹ mua hoa đến cảm ơn Hanna. Định ra về nhưng Hanna bảo Michael chờ nàng để cùng đi ra phố. Trong khi Hanna thay áo Michael trộm nhìn. Bị bắt gặp, anh xấu hổ bỏ chạy nhưng suốt tuần anh cứ bị ám ảnh bởi nét đẹp của Hanna. Một tuần sau anh trở lại và ngồi chờ ở cầu thang cho đến khi Hanna đi làm về. Đang lúc mệt mỏi Hanna nhờ Michael xuống hầm của ngôi chung cư mang than đốt lò sưởi giúp nàng. Vụng về, Michael làm đổ đống than nên khắp người dính đầy bụi than. Hanna mở nước nóng cho anh tắm, quyến rũ anh và từ đó hai người gặp nhau hằng ngày. Sau buổi học Michael đến nhà Hanna, đọc sách cho nàng nghe, được Hanna tắm cho bằng nước nóng, sau đó hai người ân ái với nhau. Rồi đột nhiên Hanna biến mất. Cho là mình đã làm chuyện gì rất sai trái đến độ phật lòng Hanna, anh tìm nàng khắp nơi một thời gian dài. Anh cố quên tình yêu này tuy nhiên dư vị của mối tình đã ảnh hưởng đến hạnh phúc của anh suốt đời bởi vì anh tìm bóng dáng của Hanna trong những người đến sau.




Hanna là một trong những người quản tù chịu trách nhiệm canh giữ 300 người phụ nữ Do Thái đang chờ bị đưa đến trại Auschwitz. Họ bị tạm giam trong một ngôi nhà thờ ở Cracow. Đồng Minh đánh bom làm ngôi nhà thờ bốc cháy. Tất cả những người phụ nữ Do Thái bị giam trong nhà thờ đều bị chết cháy chỉ trừ hai phụ nữ là mẹ con với nhau may mắn thoát chết. Người con gái, sau đó định cư ở New York, Hoa Kỳ. Bà viết hồi ký và dựa vào những dữ kiện trong quyển hồi ký này người ta truy tìm những người quản tù và đưa họ ra pháp luật.




Những người cựu quản tù đều chối tội. Luật sư của Hanna là một người rất trẻ thiếu kinh nghiệm nên tất cả những tội nhân khác lợi dụng yếu điểm đổ tội cho Hanna. Họ vu cho Hanna là người chỉ huy đã viết bản báo cáo nộp cho SS. Bản báo cáo này người ta tìm thấy trong hồ sơ lưu trữ của chế độ Đức Quốc Xã. Bản báo cáo cho thấy những người quản tù đã không mở khóa cửa cho tù nhân thoát ra để đưa tù nhân vào cái chết. Hanna phản đối lời vu cáo này bảo rằng mình không phải là người viết cũng không phải là người ký tên vào bản báo cáo. Vị thẩm phán chủ trì phiên xử ra lệnh nàng nộp chữ viết của nàng để so sánh thì rất bất ngờ, Hanna nhận tội.




Tham dự phiên tòa từ đầu đến cuối không sót một buổi nào, Michael phát hiện Hanna không thể là người viết bản báo cáo vì nàng bị mù chữ. Hồi tưởng lại những kỷ niệm trong quá khứ Michael nhận ra một số chi tiết chứng minh giả thuyết của chàng. Khi Hanna hỏi Michael về những bài học về tiếng Latin, Hy Lạp, và Đức chàng có đề nghị đưa sách cho nàng tự đọc nhưng nàng từ chối viện lý do thích được nghe đọc hơn. Khi hai người làm cuộc du ngoạn bốn ngày qua các vùng lân cận Hanna để Michael đọc bản đồ, chọn đường, chọn món ăn trong thực đơn, viện cớ là mình không muốn bận tâm. Khi ở phòng trọ trong cuộc du ngoạn, Michael đã rời phòng trọ đi lấy thức ăn sáng và mang một đóa hoa hồng về để tặng Hanna. Trở về phòng Hanna đang ở trạng thái giận dữ tột độ thậm chí dùng cả dây nịt để quất Michael đến toát môi chảy máu. Khi nghe Michael giải thích là mình đi lấy thức ăn sáng có để lại mảnh giấy giải thích lý do vắng mặt của chàng thì Hanna bảo là không thấy giấy gì cả. Hanna đã nhiều lần cố ý xua đuổi ngược đãi Michael chỉ vì sợ Michael phát hiện là nàng mù chữ. Khi quản tù nàng thường bảo tù nhân đọc sách cho nàng nghe trước khi đưa họ đến Auschwitz. Hành động này có thể là một cử chỉ nhân đạo giúp những người tù nhân yếu đuối tránh công việc nặng nhọc, tuy nhiên bị xem là một cách để bảo vệ bí mật của nàng.

Hanna bị xử án tù chung thân. Trong khi nàng ở tù Michael đọc sách và thu âm vào những cuồn băng gửi cho nàng. Hanna dần dần tự học biết đọc và biết viết. Sau mười tám năm bị giam nàng được ân xá. Giám đốc trại giam liên lạc với Michael nhờ chàng giúp đỡ Hanna làm quen lại với cuộc sống bên ngoài. Michael đang ở trong tình trạng độc thân, đã ly dị vợ và có một con gái. Ngần ngừ rất lâu sau đó Michael nhượng bộ đến gặp lại Hanna. Nhan sắc của nàng đã phai tàn. Michael nói ngày mai sẽ đến đón Hanna và cả hai đồng ý sẽ mừng ngày được trả tự do cho Hanna một cách lặng lẽ. Ngày hôm sau Hanna tự tử. Tất cả tài sản bà có, số tiền trong một hộp đựng trà bằng thiếc và 7000 marks, bà mong muốn được dâng tặng toàn thể tài sản của mình cho các tổ chức phục vụ người Do Thái.

Khi bắt đầu yêu Hanna, Michael Berg mười lăm tuổi và Hanna lớn hơn chàng hai mươi mốt tuổi.




*  Đây là một quyển sách rất hấp dẫn, nội dung phong phú, có cấu trúc chặt chẽ, diễn biến bất ngờ như một câu truyện trinh thám. Số tuổi mười lăm của Michael được thố lộ ngay từ khi vào truyện. Độc giả chưa biết tuổi của Hanna ngay lúc ấy nhưng đoán được là nàng lớn tuổi hơn. Đối với xã hội đương thời, chuyện một cậu bé yêu một người đàn bà lớn tuổi hơn, vẫn còn hấp dẫn người đọc dẫu không còn quá lạ lùng. Từ xa xưa đã có Oedipus giết vua Laius và chiếm vợ của vua này vô tình không biết đó là mẹ mình. Nếu Oedipus chỉ thích các cô gái trẻ thì có lẽ chuyện này đã không xảy ra. Năm 1830 Stendhal trong tác phẩm Đỏ và Đen đã cho Julien Sorel dính líu với phu nhân De Renal. Phim ảnh Mỹ thì có Mùa Hè 42 trong đó cậu bé mười bốn tuổi yêu một thiếu phụ có chồng tham gia thế chiến thứ Hai và trong The Graduate cậu bé học Trung học rơi vào vòng tay của người mẹ của cô bạn gái. Việt Nam chúng ta thì có cậu bé trong bài thơ lá Diêu Bông của Hoàng Cầm. Tuy nhiên câu truyện này không nhằm thắt gỡ những xung đột phát xuất từ việc vi phạm pháp luật và đạo đức của một người đàn bà dụ dỗ một cậu bé vị thành niên. Những hình ảnh nóng bỏng về tình dục như mỗi ngày đọc sách trước khi tắm nước nóng và làm tình trong thời gian đầu mùa xuân đến cuối mùa hè chỉ là món khai vị để Bernhard Schlink đưa độc giả vào một thế giới phức tạp hơn. Trong thế giới này, ông đòi hỏi người đọc phải suy nghĩ, phải cân nhắc, trong phạm vi rộng lớn hơn, sâu thẳm hơn và phải trả lời vô số câu hỏi về giá trị đạo đức, lương tâm con người, tội lỗi của một xã hội đã tàn sát sáu triệu người Do Thái và mặc cảm tội lỗi của thế hệ sau (được mệnh danh là thế hệ thứ hai) đã thừa kế tội lỗi của thế hệ cha và anh. Bernhard Schlink gọi cái mặc cảm tội lỗi của thế hệ thứ hai là một nỗi đau mà về mặt thể chất người ta không cảm thấy và về mặt tinh thần người ta không nhận biết vì nó nằm trong vô thức.

Đã hơn sáu mươi năm sau cuộc tàn sát chủng tộc Do Thái, từ xương máu và tro tàn đã nở nhiều đóa hoa quí giá như tác phẩm The Night của Elie Wiesel, The Pianist củaWladyslaw Szpilman, Sophie’s Choice của William Styron, hay The Schindler’s Ark của Thomas Keneally. Trong đời sống thực tế và trong tác phẩm người ta đều lên án cái tội ác khủng khiếp này. Những tên tội phạm cao cấp bị đem ra xét xử từ năm 45 và 46 ở tòa án Nuremberg. Cuối thập niên 50 cho đến thập niên 60 các tội phạm có chức vụ thấp hơn cũng lần lượt bị đưa ra ánh sáng. Khi những người đương thời lên án, buộc tội, nguyền rủa những người phục vụ cho chế độ Đức Quốc Xã, trực tiếp liên hệ đến cái chết của sáu triệu người Do Thái, Bernhard Schlink với tác phẩm Người Đọc chứa giọng nói của người đứng bên lề bên trái, đưa ra một quan điểm khác, một cái nhìn lại, cân nhắc và cảnh tỉnh tập thể. Ông hỏi và buộc người ta phải suy nghĩ: ai thật sự là người có tội, họ có thật sự đáng bị xử tội không, ai là người có quyền lên án, bản án có xứng đáng với tội ác hay không, cái mà người ta ngỡ là công lý có thật sự là công lý hay không, và công lý có được áp dụng một cách bình đẳng cho tất cả mọi người hay không.

Đức Quốc Xã dưới thời Hitler có nền văn hóa rất cao. Những người phục vụ cho chế độ Đức Quốc Xã gồm cả thành phần trí thức như thẩm phán, luật sư, bác sĩ, giáo sư, và nhiều ngành nghề khác. Họ, có thể, không trực tiếp nhúng tay vào việc thảm sát người Do Thái nhưng vẫn nằm trong guồng máy khổng lồ phục vụ chế độ. Có những người trực tiếp được hưởng quyền lợi từ sự tàn sát chủng tộc này. Khi những người Do Thái bị lùa vào trại tập trung, công việc, nghề nghiệp và địa vị của họ được thay thế bởi những người cùng thế hệ. Ông Schlink nhận xét, những người thuộc thế hệ thứ nhất, đặc biệt là giới trí thức, thượng lưu, và trung lưu, cho dù không trực tiếp phục vụ chế độ Nazi, không hẳn là vô tội. Họ có tội đã thờ ơ với xã hội và nhân loại. Họ đã không phản ứng hay tỏ thái độ, không tham gia ngăn chận một tội ác khủng khiếp. Và những người ở thế hệ thứ hai, là thế hệ thừa hưởng thành quả của thế hệ cha anh, một cách gián tiếp, là những người cũng có phần trách nhiệm. Thế thì tại sao họ có quyền lên án, khinh bỉ, kết tội thế hệ trước khi họ khám phá ra những người thuộc thế hệ trước trong đó có những người họ từng thương yêu và kính trọng, thí dụ như cha và thầy giáo của họ, là những người vi phạm tội ác tàn sát chủng tộc. Hanna đại diện cho thế hệ trước. Michael đại diện cho thế hệ sau. Cả hai thế hệ mang mặc cảm tội lỗi (collective guilt) của vấn đề Holocaust. Tác giả, qua nhân vật Michael, cũng tự chất vấn mình. Làm thế nào mà người thế hệ sau có thể chất vấn, nguyền rủa, buộc tội những người mình yêu thương một cách đúng đắn và toàn vẹn. Đã thương xót thì không thể thực hiện công lý. Đã kết tội thì không hoàn toàn yêu thương. Nếu cha mẹ mình vi phạm tội ác to lớn như thế thì yêu thương người có tội cũng là có tội?

Tôi muốn, vừa có thể thông cảm tội ác của Hanna lại vừa có thể buộc tội nàng. Nhưng việc này kinh khủng quá. Khi tôi cố gắng thấu hiểu tội ác này, tôi có cảm tưởng tôi đã không lên án nó đúng mức. Nhưng khi tôi cố nguyền rủa nó cho đúng với tội của nó thì lại không có chỗ cho sự cảm thông. Nhưng ngay cả khi tôi cố gắng cảm thông Hanna, (phải cố gắng) thì cũng là phản bội nàng một lần nữa. Tôi không thể giải quyết được vấn đề này. Tôi muốn thực hiện cả hai nhiệm vụ – vừa thông cảm lại vừa lên án. Nhưng đây là chuyện bất khả thi.

Cynthia Ozick, nhà văn nổi tiếng về những tác phẩm có liên hệ đến việc tàn sát người Do Thái, trong đó có truyện ngắn Cái Khăn Quàng, đã công kích việc ông Schlink cấu tạo nhân vật Hanna làm một người quản tù mù chữ. Bà buộc tội tác giả đã bóp méo lịch sử, làm người đọc có thể thông cảm và tha thứ cho những người phạm tội như Hanna. Bà có lý, bởi vì đến cuối truyện, tôi thấy thương hại nhân vật Hanna. Ở một hoàn cảnh khác, có lẽ người ta sẽ phải công nhận nàng là một phụ nữ thông minh (phải thông minh ghê lắm mới có thể dấu được cái mù chữ của nàng) và rất có thể người ta thấy nàng có chút lòng nhân hậu (phải nhân hậu mới đưa cậu bé ốm yếu bệnh hoạn về đến tận nhà). Nếu không mù chữ có thể nàng sẽ tránh được cái hoàn cảnh đã đưa đẩy nàng đến chỗ trở thành tội nhân. Tôi tin rằng, một người vi phạm tội ác, có thể vì hoàn cảnh đẩy đưa. Người ta có thể rất thông minh nhưng không nhận biết mình làm việc ác. Trường hợp của Hanna, nàng không nhận ra là nàng có thể mở cửa nhà thờ để giải thoát cho ba trăm tù nhân giúp họ thoát chết cháy bởi vì nàng có nhiệm vụ canh giữ họ. Nếu một người suốt cuộc đời được huấn luyện để phục vụ một chế độ, một tư tưởng, một ý thức hệ, liệu người ta có thể nhận biết, và nếu biết thì có thể dám làm khác với những luật lệ qui định mà người ta phải tuân theo hay không? Nói chung, người ta có thể thông minh nhưng vẫn bị bao vây trong một ý thức hệ mà các nhà lãnh đạo đã dàn dựng nên. Nếu người ta làm một việc mà người ta không có ý thức phạm tội, vì luật thời mà người ta làm việc ấy cho phép, thì có nên xử người ta như một người phạm tội có ý thức, ở một thời gian khác với chế độ luật pháp khác, hay không? Nếu buộc tội Hanna thì phải buộc tội cả những người đã phục vụ chế độ Đức Quốc Xã ở mức độ cao cấp hơn Hanna. Đem xử tội Hanna, là dùng Hanna làm con vật tế thần, xoa dịu mặc cảm tội lỗi của một tập thể, và đồng thời chạy tội cho một giai cấp khác.

Qua Süddeutsche Zeitung, tờ nhật báo có nhiều độc giả nhất nước Đức, Jeremy Adler đã nhận xét Người Đọc là một tác phẩm khiêu dâm có văn hóa, như người ta đã từng nhận xét văn của Milan Kundera là dâm thư cho giới trí thức. Nếu định nghĩa khiêu dâm là đánh thức làm xao xuyến những ao ước nhục thể thì tác phẩm Người Đọc tương đối thành công. Tương đối là bởi vì sẽ có những người không thấy cơ thể họ xao xuyến. Khó mà diễn tả tình yêu của tuổi trẻ Tây phương mà không nói đến tình dục. Người Việt Nam thuộc thế hệ 40 hay 50 có khái niệm và ca ngợi tình yêu lãng mạn, một cách yêu chỉ để mà yêu, yêu nửa chừng, không nhất thiết phải có đụng chạm đến xác thịt (nhưng có đụng chạm thì càng tốt). Với người Tây phương tình dục gắn liền với tình yêu. Cũng như Milan Kundera trong The Unbearable Lightness of Being và Gabriel Garcia Marquez trong Love in the Time of Cholera, Bernhard Schlink không dùng những chữ sống sượng khi diễn tả cuộc ái ân cũng rất ít khi dùng những chữ tục tằn để nói đến các bộ phận sinh dục. Marquez viết về tình dục với giọng khoe khoang một cách khôi hài nhưng giọng văn rất trang nhã. Kundera táo bạo hơn nhưng không sỗ sàng. Schlink gợi cảm nhưng kín đáo. Sau đây là một đoạn nói về lúc Michael quay trở lại căn hộ của Hanna và sau khi cậu đi lấy than cho nàng và bị than dính đầy người. Hanna bảo cậu bé tắm và gội đầu trong khi nàng giũ bụi than trên quần áo của Michael.

Tôi không ngước nhìn khi nàng vào bếp, cho đến khi nàng đứng bên cạnh bồn tắm. Nàng dang rộng chiếc khăn tắm. “Lại đây!” I quay lưng, đứng lên, và bước ra khỏi bồn. Từ phía sau, nàng trùm khăn phủ kín người tôi từ trên đầu cho đến bàn chân và lau người tôi cho khô. Nàng thả rơi chiếc khăn xuống nền nhà. Tôi đứng thật yên không dám nhúc nhích. Nàng đứng sát vào người tôi đến độ tôi cảm thấy ngực nàng chạm vào lưng tôi và bụng của nàng tì lên mông tôi. Nàng cũng trần truồng. Nàng vòng tay ôm lấy tôi, một tay đặt trên ngực còn tay kia trên vật đang cương cứng.

“Đây là lý do mà cậu quay trở lại!”

“Tôi…” Tôi không biết phải nói gì. Không thú nhận mà cũng chẳng từ chối. Tôi quay người lại. Chúng tôi đứng gần nhau quá nên tôi không thể nhìn thấytrọn vẹn thân hình nàng,nhưng tôi vẫn thấy choáng ngợp bởi thân hình trần truồng của nàng. “Cô đẹp quá!”

“Cậu nói nhăng gì thế!” Nàng bật cười và vòng tay lên cổ tôi. Tôi cũng vòng tay ôm lấy thân hình nàng.

Tôi bỗng lo ngại: lo ngại về những cái sờ mó, cái hôn, sợ nàng sẽ không thích, và tôi không thể thỏa mãn nàng. Nhưng khi chúng tôi ôm nhau một lúc,tôi ngửi thấy mùi hương của nàng, cảm thấy hơi ấm và vòng tay chắc chắn của nàng, mọi chuyện bỗng trở nên dễ dàng. Tôi khám phá dọ dẫm thân thể nàng bằng tay và bằng môi. Môi tôi tìm môi nàng, rồi thân hình của nàng nằm trên thân thể tôi, nàng nhìn sâu vào mắt tôi cho đến khi tôi “đến.” Tôi nhắm mắt cố gắng tự kềm chế mình, nhưng sau đó tôi rên thật to đến độ nàng phải bịt mồm tôi để dập tắt âm thanh.

Qua tác phẩm Người Đọc tác giả đã mở ra vô số câu hỏi đưa người đọc vào thế giới nội tâm của nhân vật cùng với những vấn đề đạo đức của cá nhân và xã hội. Những câu hỏi không có câu trả lời thỏa đáng. Ông để độc giả phải đối diện với lương tâm và tự tìm ra câu trả lời cho chính mình.

Tại sao? Tại sao một điều đẹp đẽ như thế lại có thể tan vỡ khi ta hồi tưởng, bởi vì nó ẩn chứa một sự thật không tốt đẹp? Tại sao cái ký ức của những năm hạnh phúc trong hôn nhân lại trở nên cay đắng khi người hôn phối của chúng ta bộc lộ là họ ngoại tình trong thời gian ấy? Bởi vì một tình trạng như thế khó mà có hạnh phúc? Nhưng mà chúng ta đã cảm thấy hạnh phúc! Đôi khi không thể giữ nguyên hạnh phúc trong ký ức bởi vì chuyện hôn nhân chấm dứt một cách không hạnh phúc. Bởi vì hạnh phúc chỉ có thật nếu nó kéo dài mãi mãi? Bởi vì mọi chuyện đều chấm dứt một cách đau đớn nếu ngay từ đầu chúng đã chứa đựng những nỗi đau, có ý thức hay vô thức? Nhưng cái gì là nỗi đau trong vô thức và không cảm nhận được?

Một đoạn khác về vấn nạn Holocaust:

Tôi tự hỏi như tôi đã từng tự hỏi: Cái thế hệ thứ hai của chúng tôi nên làm gì, phải làm gì với cái hiểu biết về những điều khủng khiếp của vấn đề tận diệt người Do Thái? Chúng tôi không nên nghĩ là chúng tôi có thể thấu hiểu những điều không thể hiểu thấu, chúng tôi không có quyền hỏi cho ra lẽ vì làm thế là mang những điều khủng khiếp ra để thảo luận, dù rằng tự những điều khủng khiếp này không phải là chuyện người ta đặt vấn đề, thay vì chấp nhận cái giá trị bề ngoài của những điều khủng khiếp này chúng tôi chỉ có thể giữ im lặng trong cơn quằn quại, nhục nhã và mặc cảm tội lỗi. Để làm gì chứ? Không phải là tôi không còn hứng thú trong việc phát hiện và làm sáng tỏ những điều tôi đã hấp thụ trong buổi học, từ đầu phiên xử. Tuy nhiên, một số người bị kết án trong khi chúng tôi, cái thế hệ thứ hai đã bị cơn quằn quại, nhục nhã và mặc cảm tội lỗi làm cho câm họng – Và bây giờ liệu chỉ có ngần ấy thôi?

Văn phong của Schlink đơn giản mà không đơn điệu. Cùng có cách viết đơn giản, cái đơn giản trong cách viết của Ha Jin như cái đẹp của một cô gái thôn dã, chân chất và mộc mạc. Cô gái này không thể trở nên cầu kỳ mà vẫn giữ được cái đẹp này. Cách viết của Bernhard Schlink như một người phụ nữ đẹp và rất lịch lãm, có thể cầu kỳ nhưng chọn không cầu kỳ, người phụ nữ này đơn giản một cách cố ý, chỉ trưng bày những điểm nổi bật để thu hút người nhìn. Bernhard Schlink có cách dùng chữ thật rõ ràng và chính xác của những người trong nghề luật. Ông mê hoặc người đọc bằng phương pháp viết truyện trinh thám, đặt những chi tiết nho nhỏ khắp nơi, không quá lộ liễu nhưng cũng không dễ phát hiện, để đưa độc giả đến kết luận bất ngờ. Ông phân tích tâm lý nhân vật rất tài tình. Càng đọc tôi càng có cảm giác đang đọc tự truyện. Như thế có nghĩa là một nhà văn có tài có thể biến chuyện người khác thành chuyện đời mình. Hay viết về cuộc đời mình mà người đọc thấy có chút gì của họ trong đó.

Michael Berg của Bernhard Schlink có tâm lý rất phức tạp. Michael yêu Hanna hay chỉ yêu cảm giác khoái lạc anh đã có với Hanna? Nhân vật trong thơ của Hoàng Cầm đi tìm lá diêu bông. Nhân vật trong thơ Du Tử Lê như chú chim bói cá đi tìm bóng trăng dưới đáy hồ. Michael đi tìm hình ảnh của Hanna khi mang tất; nàng có cái vẻ như đang rơi vào bên trong nội tâm của nàng như một đóa hoa khép cánh úp chụp vào nhụy hoa. Các nhân vật này có một điểm tương đồng, tất cả đều đi tìm ảo ảnh của hạnh phúc tuyệt đối. Một thứ hạnh phúc chỉ có được khi nó còn nằm ngoài tầm tay.

Anh không muốn gặp lại Hanna. Khi nhìn thấy Hanna ở phiên xử, anh giải thích lý do anh không muốn gặp nàng:“Tôi nhận ra tôi đã cho rằng việc Hanna bị giam giữ là tự nhiên và hợp lý. Không phải vì nàng có tội, hay mức độ nghiêm trọng của những lời buộc tội, hay chứng cớ đã rõ ràng, chuyện này tôi chưa biết, mà vì nếu nàng ở trong tù thì nàng sẽ không liên hệ đến thế giới của tôi, sẽ đứng bên ngoài cuộc đời tôi, quá xa vời nên nàng chỉ có thể tiếp tục là một mảnh ký ức như nàng đã trở thành một mảng ký ức trong những năm qua.”

Tuy Michael gửi băng thâu âm anh đã đọc vô số các tác phẩm văn học cho Hanna, anh không viết thư, không trả lời thư, và cũng chẳng thăm nàng. Lý do:“Tôi có cảm tưởng nàng chỉ có thể thật sự là nàng như trong ý nghĩ của tôi nếu giữa chúng tôi có một khoảng cách thật sự. Tôi e sợ cái thế giới nhỏ bé, nhẹ nhàng, và an toàn của những lá thư và những băng thâu âm quá nhân tạo và mỏng manh để có thể chịu đựng được sự gần gũi thật sự. Làm thế nào chúng tôi có thể đối diện với nhau mà không thố lộ những gì đã thật sự xảy ra giữa chúng tôi?”

George Steiner đã nhấn mạnh trên tờ Observer “Hãy đọc quyển sách này!” Và “nếu đã đọc rồi xin hãy đọc lại.” Đọc để thấy không những tác giả đưa ra một chuyện tình của thời hiện đại vượt giai cấp và nối liền hai thế hệ, ông còn cho thấy xã hội nào cũng cần có một tiếng nói không rập khuôn với tiếng nói của tập thể để có thể ngăn ngừa những sai lầm của xã hội. Đọc để thấy thế hệ hiện tại không dễ dàng sống thanh thản bằng cách gạt bỏ những ám ảnh của tội lỗi đã xảy ra ở thế hệ trước. Đọc đễ thấy công lý không luôn luôn đến với tất cả mọi người một cách công bằng và bình đẳng. Nữ thần công lý luôn luôn ở một chỗ cao cả xa vời, người nghèo trong xã hội không dễ dàng vói được công lý.

Như Samuel Johnson đã nói “Nhiệm vụ của nhà văn là làm cho thế giới tốt đẹp hơn.” Tôi nghĩ Bernhard Schlink đã thực hiện nhiệm vụ của ông.


(Tạp Chí Da Màu)



No comments:

Post a Comment