Sunday, October 4, 2015

Wasp (Ong Vò Vẽ): Vết Chích Nhức Nhối Của Tình Yêu - Jeffrey Thai



Ong vò vẽ là hình ảnh mà bộ phim Wasp dùng đến như một ẩn dụ cho chủ đề của bộ phim:  vết đau nhức nhối của tình yêu (trong một tình yêu tay ba).  Hình ảnh con ong vò vẽ xuất hiện hơn ba lần:  ở phần đầu khi bộ phim chỉ mới bắt đầu, ở cảnh nhân vật nữ Caroline đang nằm trên giường ngủ chợt thức giấc và nhìn ra (qua cánh cửa mở) cảnh đùa giỡn với nhau của hai chàng trai, còn con ong thì đang bò lởn vởn trên bức mành cửa sổ, và ở phần kết của bộ phim (được sử dụng như hình ảnh kết).  Ở những lần khác thoáng qua rất nhanh, con ong cứ lởn vởn trên bức mành cửa sổ.  



Nếu ở cảnh đầu, con ong còn nhởn nhơ bay lượn tìm hoa để hút mật (như bất kỳ một người trẻ nào đang hạnh phúc ngập tràn trong tình yêu hay đang vô tư lự về tình yêu), thì ở cảnh kế tiếp có vẻ như nó đang loay hoay bò vòng quanh rối rắm một ngả rẽ nào đó (đó cũng chính là lúc ở trong lòng của nhân vật Caroline và Olivier manh nha xuất hiện mối liên thông cảm xúc); ở cảnh kết, con ong ấy nằm chết khô:  tình yêu đã vỡ tan và chết.  Việc dùng hình ảnh ẩn dụ mới này là một điều khéo léo của bộ phim, nó làm bộ phim (vốn không quá mới về motif) trở nên mới lạ hơn và đậm đà hơn về tính tư tưởng và nghệ thuật.  



Tuy tình yêu là một chủ đề không bao giờ cũ, nhưng người ta đã khá quen thuộc với motif tình yêu tay ba giữa một chàng (dị tính) và hai nàng (dị tính), hay giữa một nàng (dị tính) và hai chàng (dị tính).  Kém quen thuộc hơn một chút là tình yêu tay ba giữa một cặp tình nhân hay vợ chồng mà ở đó người chồng hay người vợ có mối quan hệ yêu đương đồng giới ngoài luồng với một người thứ ba.  Điều tạm gọi là khá mới lạ ở Wasp nằm ở chỗ motif ít phổ biến hơn:  tình yêu tay ba giữa một cặp nam đồng tính và một người nữ dị tính.  Motif này vốn đã xuất hiện một cách dữ dội và được khắc họa một cách ấn tượng trong bộ phim Song Hoa Điếm (A Frozen Flower) của Hàn Quốc (sản xuất năm 2009).

Vết chích nhức nhối của tình yêu xuất hiện đầu tiên ở nhân vật nữ chính của bộ phim Caroline (do Elly Condron đóng, người đoạt giải thưởng nữ diễn viên xuất sắc cho vai diễn này trong liên hoan phim Film Out San Diego năm 2015).  Nhân vật Caroline là một cô gái vừa bị người tình bỏ rơi sau ba năm quan hệ gắn bó.  Với tâm trạng thất tình đau khổ ấy, việc phải nằm nghe những tiếng động ân ái không kém phần ồn ả của cặp đôi đồng tính ở phòng kế bên phần nào khiến người ta liên tưởng đến cảm giác nhức nhối từ vết chích của một loài ong mà nhân vật này đang phải chịu đựng.  Điều trớ trêu là vết chích nhức nhối ấy không chỉ xuất phát từ một sự kết thúc, mà còn là tiền đề cho vết chích về sau khi tình yêu tay ba luôn là một tình huống trớ trêu và nghiệt ngã. 


Vừa thoát ra và đang còn phải chịu sự giày vò từ một mối tình phụ, có vẻ như Caroline lại sẵn sàng để đưa mình vào vòng lẩn quẩn của tình yêu khi sự quan tâm của Olivier đã lại đánh thức nhu cầu xúc cảm vốn không bao giờ nguội tắc ở con người trong cô.  Điều khó xử ở đây là Olivier lại là bạn trai của người bạn trai thân của cô là James, và cũng chính James là người đã mời cô cùng tham gia vào chuyến đi nghỉ xa này.  Vô tình cô trở thành tác nhân thứ ba làm phá tan mối quan hệ vốn đang yên bình và đằm thắm giữa cặp đôi đồng tính James và Olivier.  

Dứt bỏ mối xúc cảm tình yêu vừa mới nhen nhúm và lớn mạnh hay trở thành kẻ phá bĩnh đốn mạt đáng nguyền rũa, lựa chọn nào cũng không là điều dễ dàng cho nhân vật Caroline này, cũng để lại vết chích nhức nhối của một loài ong.  Kết thúc bộ phim không đưa ra một kết cuộc rõ ràng nào về mối quan hệ tay ba này (và cũng không cần thiết phải làm như vậy), duy chỉ có một điều nó đã làm rất rõ là con ong đã chết khô.  Hình ảnh cái chết luôn là của sự chấm dứt, vỡ tan; khán giả không thể nhầm lẫn điều bộ phim muốn nói về kết quả của mối liên hệ tay ba mà nó vừa khắc họa.   

Nhân vật Caroline do Elly Condron thủ vai

Diễn xuất của nhân vật Caroline do Elly Condron thủ vai được đánh giá là xuất sắc, và giải thưởng nữ diễn viên chính xuất sắc nhất mà cô nhận được đã thêm một lần khẳng định điều đó.  Có thể thấy Elly đã khắc họa rất tốt và chân thực từng diễn biến tâm trạng vốn phức tạp và phát triển không ngừng của nhân vật Caroline, từ lúc bị tình phụ, rồi nhen nhúm một mối tình cảm mới, rồi hạnh phúc, vui tươi, rồi cay đắng, trớ trêu (vì vai trò của kẻ phá bĩnh).  Elly cũng được các bạn diễn đánh giá là không chỉ cảm nhận tốt cảm xúc của riêng nhân vật mình, mà còn có khả năng cảm thụ tổng quát về tình huống và mạch cảm xúc của các bạn diễn.  

Thực ra, trong bộ phim chỉ có ba người này, ngoài diễn xuất thuyết phục của Elly Condron, hai diễn viên nam kia là Hugo Bolton (trong vai James) và Simon Haycock (trong vai Olivier) cũng có diễn xuất không hề kém cạnh, dù đây là bộ phim đầu tay của cả hai.  Thành công về diễn xuất của cả hai ngay ở bộ phim đầu tiên sẽ không là điều gây quá ngạc nhiên nếu người ta biết rằng cả hai đều đã hoàn thành việc học ở trung tâm huấn luyện kịch nghệ nổi tiếng Drama Centre ở London.  

Vai diễn Olivier được giao cho diễn viên Simon Haycock là một sự lựa chọn rất đúng và đã tạo nên sức hút cho bộ phim.  Với một ngoại hình đủ đẹp và một phong thái thừa nam tính, Simon đã có những điều kiện căn bản làm nền cho việc khắc họa thành công một nhân vật đồng tính phải lòng một nhân vật nữ.  Nét đẹp điển trai của Simon đã không làm khán giả ngạc nhiên chút nào khi đó là của một nhân vật đồng tính; và phong thái thừa nam tính (cùng với một giọng nói trầm quyến rũ đặc biệt) của Simon một lần nữa thuyết phục dễ dàng khán giả rằng nhân vật đó hoàn toàn có khả năng phải lòng một người con gái đẹp và thích hợp.   



Olivier là một nhân vật song tính

Xét ra về mặt xu hướng tính dục, nhân vật Olivier là một nhân vật song tính (bisexual) vốn khó thể hiện hơn nhiều so với một nhân vật thuần đồng tính hay dị tính.  Diễn viên nào thể hiện loại nhân vật như thế phải làm sao cho khán giả thấy được rằng mình thực sự có mối hấp dẫn tương tác (chemistry) với cả hai giới nam và nữ.  Simon Haycock (vốn là một diễn viên dị tính) đã làm được điều đó ở một mức độ thuyết phục nào đó với Elly Condron và Hugo Bolton.  Còn nhớ trong Song Hoa Điếm, diễn viên nam của Hàn Quốc Jo In Sung đã khắc họa một cách tài tình và đầy ám ảnh mối liên hệ xúc cảm và xác thịt song tính của nhân vật mình đóng đến mức khiến khán giả lạnh mình.  

Simon Haycock

Với ngoại hình nổi trội cùng với khả năng diễn xuất bản lĩnh, chỉ ngay trong bộ phim đầu tay, Simon Haycock cho người xem thấy rằng mình là một diễn viên trẻ đầy tài năng và triển vọng.  Bên cạnh nhân vật Olivier với diễn biến tình cảm đầy phức tạp và khoắc khoải, nhân vật James của Hugo Bolton xét ra có tính cách đơn giản và một chiều hơn, khi đó chỉ là cảm giác ghen thường tình ở con người.  Tuy vậy, không thể nói rằng đó là một điều dễ làm, vì muốn người ta tin vào sự ghen thì phải làm cho người ta tin vào sự yêu.  Hugo đã làm được điều đó.  Hugo đã làm người ta thực sự tin rằng James thực sự yêu Olivier đến mức đậm sâu và vì thế, sự chuyển hóa hay phân tán tình cảm nơi người mình yêu đã khiến James rất nhạy cảm trong việc nhận ra, và sự giày vò của nỗi ghen tuông không ngừng xâm chiếm con người anh ta.  

Diễn viên Hugo Bolton

Tôi chưa bao giờ gặp ai như anh ta.  Anh ta trẻ trung, nhiều khát vọng, lý tưởng hóa mọi điều. (Olivier)

Xét ra ngoại hình của diễn viên Hugo Bolton không thể so sánh với Simon Haycock, nhưng cái nét có một chút yếu ớt đó, có một chút nữ tính đó của Hugo lại thuyết phục người xem hơn khi khắc họa tình yêu đậm sâu chung thủy và một sự ghen tuông ngấm ngầm cứ càng lúc càng lớn mạnh không kiềm chế được.  Nhân vật Caroline và Olivier của Elly và Simon không thể thành công nếu Hugo đã không hoàn toàn thuyết phục người xem về nỗi tổn thương tình yêu nhức nhối của mình.  

Nếu ví vị đắng của tình yêu là vết chích của loài ong, thì có lẽ nhân vật James do Hugo Bolton đóng là nhân vật chịu đựng nhiều nỗi nhức nhối nhất trong ba nhân vật của phim.  Xét ra, James chẳng có tội tình gì ngoài một tình yêu say đắm (nếu xem tình yêu là một tội), chẳng có lỗi lầm gì ngoài một cơn ghen âm ỷ tàn phá (nếu xem ghen tuông là một lỗi).  Trong tình yêu, James chỉ đơn thuần là một nạn nhân ngây thơ và vô tội - thứ nạn nhân không biết đỗ lỗi cho ai về nỗi khổ đau của mình, ngoài số phận, vì có đỗ lỗi cho ai thì lòng mình chỉ càng thêm đớn đau và tan nát.  Đớn đau vì đã mất người mình yêu; tan nát khi dù có làm gì, mình cũng chỉ đang hủy hoại thêm dư âm của một cuộc tình đã vượt xa tầm tay với.  

Đạo diễn Philippe Audi-Dor

Với một ngân quỹ thấp và chỉ với ba diễn viên, có thể nói đạo diễn trẻ Philippe Audi-Dor đã thành công rất lớn khi tạo dựng nên được một bộ phim đáng xem và mang về được giải thưởng cho chính nó cũng như cho nữ diễn viên chính (và cũng là duy nhất) của nó.  Chủ đề của bộ phim tuy không hẳn quá mới lạ, nhưng đã được khắc họa một cách tự nhiên, thu hút và thuyết phục; khiến nó có một sức hút nhất định với người xem và sẽ là một sự lựa chọn đáng cân nhắc để xem giữa vô vàn bộ phim đang tràn ngập đây đó.  

Một điều thú vị về bộ phim nữa là, trong khi đạo diễn Philippe là người sinh ra ở Switzerland (Thụy Sĩ) và sang Anh Quốc du học, thì cả ba diễn viên đều là người Anh (và do đó nói tiếng Anh với giọng Anh), và bộ phim được quay ở một vùng nằm ở miền Nam của nước Pháp (phim thực sự mang hơi hướm và ảnh hưởng của phim Pháp nhiều hơn là phong cách Hollywood).  

03/10/2015
Jeffrey Thai

No comments:

Post a Comment