Friday, September 23, 2016

Nhật Báo Trắng Đen 1973 - Hình Ảnh Các Nghệ Sĩ Sài Gòn Xưa


























Bối Cảnh Trước 75

Hai mươi mấy năm đầu của cuộc đời những thằng sinh viên sĩ quan Không Quân của khoá 72A là những năm có nhiều biến cố lạ trong lịch sử của nước Việt. Từ khi đất nước chia hai, riêng miền Nam đã chứng kiến sự hiện diện của hai cường quốc, hai nền cộng hòa, và hai lần di cư.

Nói về những nẻo đường đất nước, Bàng Bá Lân đã nói:

Có thể ví những nẻo đường đất nước ta như những huyết quản chạy khắp châu thân là tổ quốc Việt Nam. Nước Việt Nam ta có một con đường chính nối liền ba miền Bắc, Trung, Nam, đầu gối Nam Quan, chân đạp Cà Mau, dài hơn 2.000 cây số. Con đường ấy thời xa xưa có cái tên rất Việt Nam là đường cái quan, nay là quốc lộ xuyên Việt số 1. 

Vào ngày 7/5/54, quân đội viễn chinh Pháp , một đội quân thiện chiến có hạng trên thế giới với một lịch sử kiêu hùng của hơn ba trăm năm, đã đầu hàng trong trận Điện Biên Phủ. Từ ngày 20/7/54 hiệp định Genève chia đôi đất nước, quốc lộ số 1 đã bị cắt đứt ngang vĩ tuyến 17 tại giòng sông Bến Hải. Trong phần Sông Mẹ của Trường Ca Mẹ Việt Nam, Phạm Duy đã viết:
 
Chia tang thương phân tranh mộng đồ vương
Cho con sông Bến Hải buồn thương
Chia da thịt tang thương
Cắt thân hình trơ xương
Trái tim buồn còn hằn mang vết thương lòng

 
Từ sau khi quả bom nguyên tử đầu tiên đã nổ trên Hiroshima, một cuộc chạy đua vũ khí vĩ đại đã diễn ra giữa Nga và Mỹ. Năm 52 thì bom khinh khí với sức mạnh tàn phá 100 lần hơn bom nguyên tử đã ra đời và gây đe dọa trầm trọng cho sự sống còn của nhân loại. Cho đến năm 54 thì miền Nam nước Việt, mà người Pháp gọi là Cochinchine là thuộc địa của Pháp. Trong khi đó thì đối với Bắc Việt là một phần của Indochine, hoặc là Đông Dương, gồm có Việt Miên Lào, thì họ chỉ là chính phủ bảo hộ mà thôi. Miền Trung thì tự trị bởi triều đình nhà Nguyễn. Ở Việt Nam ngày đó có rất nhiều thứ lính. Kể sơ sơ ra cũng đủ thấy ù tai. Nào là Khố Xanh, Khố Đỏ, Khố Vàng , Tẩy , Lê Dương, Pạc Ti Giăng, Lãng Binh, Dõng, Cơ, Lệ, Mã Tà, Mặt Rằn, Phú Lít . Đó là chưa kể tới những quân đội của các giáo phái địa phương không chịu thuộc vào một chính phủ nào.

Cuộc di cư từ Bắc vào Nam đã chấm dứt vào tháng tư năm 55, và trong năm đó người Pháp đã bắt đầu rút khỏi Đông Dương. Cùng trong năm này, Bức Màn Sắt đã chia cắt Âu Châu làm hai khối. Chín trăm nghìn dân miền Bắc đã di cư vào Nam trong gần một năm sau hiệp định Genève. Theo với họ là những màu sắc tuy xa lạ nhưng rất nên thơ.

Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Gió thổi heo may về Hà Nội 


Trong những vùng có đông dân di cư chiều cuối tuần những gia đình theo Công giáo hay có họp nhau đọc những câu kinh :
Thánh
 Maria Đức Mẹ Chúa Trời,
cầu cho chúng con là kẻ có tội 

hoặc:

Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng,
lời nói, việc làm và những điều thiếu sót:
lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng 

Trong khi đọc ba lần lời cáo mình trong câu chót, người ta dùng nắm tay đấm nhẹ vào ngực, và do đó mà có kẻ đã dùng chữ “dân đấm ngực” để chỉ những người theo Công giáo.

 
Vào năm 54, ông Ngô Đình Diệm đã được người Mỹ đưa sang Pháp để yết kiến Quốc Trưởng Bảo Đại nhận ủy nhiệm thư từ về làm thủ tướng Việt Nam. Lúc bấy giờ quân đội miền Nam nằm dưới quyền chỉ huy của Tổng Tư Lệnh Quân Đội là Trung Tướng Nguyễn Văn Hinh với sự hậu thuẫn của Pháp. Ở Miền Nam thời đó còn có ba thế lực lớn không thuộc chính phủ là Cao Đài, Hòa Hảo, và Bình Xuyên. Riêng Bình Xuyên là một tập thể mạnh hơn cả ở miền Nam. Trong cái tinh thần “cứu khổn phò nguy” của các anh hùng Lương Sơn Bạc, người miền Nam rất ái mộ hai câu thơ sau:

Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả
Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng


Vào tháng 10/54, các đảng phái chính trị, tôn giáo, và các nghiệp đoàn đã họp nhau lại và cùng đồng lòng truất phế Quốc Trưởng Bảo Đại và ủng hộ Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. Trong năm 55, Ngô Đình Diệm đã bình định miền Nam, và tướng Hinh thì đã lưu vong sang Pháp. Với uy nổi như cồn, đến ngày 20/7/55, Ngô Đình Diệm đã từ chối tham dự cuộc tổng tuyển cử toàn quốc. Vào tháng 9/57, chính phủ Ngô Đình Diệm làm một cuộc tổng tuyển cử ở miền Nam, và ông đã được bầu làm tổng thống. Sau khi nhậm chức xong, giữa lúc tinh thần dân chúng đang lên cao, Ngô Đình Diệm đã hô hào rằng miền Nam lúc đó có ba thứ để cho mọi người cùng chống là Thực, Phong, Cộng. Lòng dân chúng miền Nam lúc đó đều hoan hỉ. Miền Nam như thế là được thái bình từ năm 56 tới 59.

Từ tháng 4/56 người Mỹ bắt đầu giúp huấn luyện quân đội. Đến tháng 6/57 thì những cơ quan huấn luyện quân sự Pháp mới hoàn toàn rời khỏi miền Nam.
Dù quân đội Pháp đã rời Việt Nam, nhưng ảnh hưởng của họ vẫn còn khắp nơi. Sàigòn với những ngôi nhà sơn trắng được gọi là Hòn Ngọc Viễn Đông (Perle d’Orient). Những chiếc Traction đen, Simca, Citroen, Peugoet vẫn còn ngày ngày chạy dưới những tàng cây me già trồng dọc theo đường phố Sài Gòn mà hai bên san sát những ngôi nhà quét vôi trắng. Những kiến trúc chính từ dinh Gia Long đến Sở Thú, vườn Tao Đàn, Tòa Đô Chính, Bến Bạch Đằng, chợ Bến Thành, cho đến nơi nghỉ mát của dân Sài Gòn là Ô Cấp (Cap Saint Jacques) đều là của Pháp để lại. Văn chương thì có Những Kẻ Khốn Nạn , Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ , và Vô Gia Đình đã mở ra những chân trời xa lạ làm cho độc giả Việt say mê. Thời đại lãng mạn của Trà Hoa Nữ đã qua. Ảnh hưởng của những nhà thơ lãng mạn Alphonse de Lamartine và Alfred de Vigny và những nhà thơ Việt chịu ảnh hưởng của họ như Xuân Diệu và Huy Cận đã phai mờ. Truyện ngụ ngôn của La Fontaine là những bài học vỡ lòng cho trẻ em:

Ve sầu kêu ve ve
Suốt mùa hè
Đến kỳ gió bấc thổi
Nguồn cơn thật bối rối
Một miếng cũng chẳng còn
Ruồi bọ không một con
Ve đành phải khúm núm
Sang chị kiến hàng xóm
Xin cùng chị cho vay
Dăm ba hạt qua ngày 


Trong cùng lúc đó thì ảnh hưởng văn chương Trung Hoa vẫn còn sâu đậm. Bài Kẻ Sĩ của Nguyễn Công Trứ không mấy ai là không biết:
Tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt
Dân hữu tứ, sĩ vi chi tiên
Có giang sơn thì sĩ đã có tên
Từ Chu Hán vốn sĩ này là quý


Hình ảnh nhà nho của thế hệ trước không còn thịnh hành, như cho thấy qua các câu thơ của Vũ Đình Liên:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
...
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu


Các bài thơ chữ Hán vẫn còn trong chương trình trung học đệ nhị cấp. Cái bài thơ mà thân phụ của thi sĩ Hồ Dzếnh đã đọc bằng tiếng Quảng Đông trong căn phòng trọ khi mới sang Việt Nam tha phương cầu thực chính là bài Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế:

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền 


mà Tản Đà dịch là:
Trăng tà tiếng quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San


Trong Người Về Đầu Non, Võ Hồng đã kể lại bài vè ông học vỡ lòng chữ nho mà ông đã đọc như tụng kinh trong khi tay cầm que gõ nhịp làm sứt miệng ống nhổ của ông thầy đồ:
Tử con, tôn cháu,
Lục sáu, tam ba
Gia nhà, quốc nước,
Tiền trước, hậu sau 


Một điều ngạc nhiên là chữ Nho cũng có những câu thơ tục trào phúng, tỷ dụ như bốn câu sau chỉ cách xem tướng phụ nữ:

Hồng diện đa dâm thủy
Mi trường hộ tố mao
Triết yêu chân đại huyệt
Trường túc bất tri lao.

mà đã được dịch thành
Những cô má đỏ hồng hồng
Nước kia tát bẩy gầu sòng chưa vơi
Những cô mày rậm mi dài
Lông tơ đốt được một vài thúng tro
Những cô thắt đáy tò vò
Hang hầm rộng phải gọi đò sang ngang
Những cô cẳng sếu chân giang
Mỗi đêm thách thức cả làng không thua. 


Người miền Nam với tinh thần hài hước riêng của họ đã cười nhạo những kẻ thuộc thành phần “nho chùm hán(g) rộng” với những câu như sau
Phòng sản kim tồn thạch bất truy

Phòng sản là ngừa đẻ nói lái thành “đè ngửa”. Kim tồn là nay còn nói lái thành “con này”. Thạch bất truy là “đá chẳng theo” nói lái thành là “đ. chẳng tha”.
Chữ quốc ngữ bây giờ đã tìm được chỗ đứng vững vàng của nó. Truyện thơ Kim Vân Kiều của Nguyễn Du đã được chọn cho chương trình trung học đệ nhị cấp thay cho Lục Súc Tranh Công :

Trời hóa sanh muôn vật
Đất dung dưỡng mọi loài
Giống nào là giống chẳng có tài
Người nào là người không nhờ vật
Long chức quản bổ thiên dục nhật
Lân quyền uy giúp thánh phò thần
Quy thông tư thành bại kiết hung
Phụng lảu biết thạnh suy bỉ thái

Còn truyện Kiều thì ai cũng biết:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo mà ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng 


Một anh học trò cắc cớ nào đó đã sửa lời mấy câu này thành:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ chồng chữ vợ khéo mà quải nhau
Trải qua một cuộc để râu
Những lần vợ giật mà đau đớn cằm


Trong chương trình trung học đệ nhất cấp thì có Bích Câu Kỳ Ngộ:
Thành Tây có cảnh Bích Câu
Cỏ hoa góp lại một bầu xinh sao
Đua chen thu cúc xuân đào
Lựu phun lửa hạ mai chào gió đông


Ở cấp tiểu học thì có những áng văn xuôi biền ngẫu rất êm tai như bài Tôi Đi Học trích trong một truyện ngắn cùng tên của Thanh Tịnh:
Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nẩy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.

hoặc Tâm Hồn Cao Thượng gồm nhiều bài văn ngắn do Hà Mai Anh dịch từ một quyển sách giáo khoa nguyên tác của Ý Đại Lợi. Dưới đây là một đoạn trích trong bài Học Đường:

Cố lên! Tên lính nhỏ trong đoàn quân lớn lao kia! Cố lên! Con ơi! Lấy sách vở làm khí giới, lấy lớp học làm quân đội, lấy thế giới làm bãi chiến trường, coi sự ngu dốt là cừu địch và lấy sự văn minh của nhân loại làm cuộc khải hoàn, con phải phấn đấu luôn luôn và chớ hề làm tên lính hèn nhát. 

Tiểu học còn có những bài học thuộc lòng như:

Tan buổi học mẹ ngồi tựa cửa
Ngóng trông con đứa đứa về dần
Xa xa con đã tới gần
Các con về đủ quây quần bữa ăn
Cơm dưa muối khó khăn mới có
Của không ngon nhà khó cũng ngon
Khi vui câu chuyện thêm dòn
Chồng chồng vợ vợ con con một nhà 


và học sinh nào cũng thuộc lòng bài Học Sinh Hành Khúc:

Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau
Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao
Lúc các quốc dân tranh đấu hy sinh cho nền độc lập
Học sinh nề chi tuổi xanh trong lúc phấn đấu
Đem hết can trường của người Việt Nam tiến lên


Trong thời Ngô Đình Diệm làm Tổng Thống khi đi coi hát bóng khán giả phải đứng nghiêm chào cờ, trước là nghe bài quốc ca:
Này công dân ơi, quốc gia đến ngày giải phóng
Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống
Vì tương lai nước Nam
Cùng xông pha khói tên
Làm sao cho nước Nam
Từ nay thêm vững bền


và sau đó là bài Suy Tôn Ngô Tổng Thống:
 
Ai bao năm từng lê gót nơi quê người
Cứu đất nước thề tranh đấu cho tự do
...
Toàn dân Việt Nam biết ơn Ngô Tổng Thống
Ngô Tổng Thống Ngô Tổng Thống muôn năm
Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô Tổng Thống
Xin thượng đế ban phước lành cho ngài! 


 
Những năm đầu của nền Đệ Nhất Cộng Hòa đã mang đến nhiều hứa hẹn sáng tươi. Việc tốt đẹp đầu tiên là đóng cửa hai khu tứ đổ tường vĩ đại là Kim Chung ở Sài Gòn và Đại Thế Giới trong Chợ Lớn trước đó do Bình Xuyên kiểm soát. Số đề đã bị cấm và được thay bằng vé số Kiến Thiết Quốc Gia. Mỗi chiều thứ ba khi có xổ số ở rạp Thống Nhất thì ai cũng chờ bên cạnh máy thu thanh để nghe trực tiếp truyền thanh kết quả. Vũ Nam Nhuận học ở Võ Trường Toản gần đó cứ trốn học đi coi hoài. Bắt đầu buổi xổ số là giọng Quái kiệt Trần Văn Trạch:

Kiến Thiết Quốc Gia
Giúp đồng bào ta
Mua lấy cửa nhà
Giàu sang mấy hồi
Tô điểm giang san
Qua bao lầm than
Ta cùng xây đắp
Chung giấc mộng vàng


Giấy bạc phát hành bây giờ có in dòng chữ nhỏ “Hình luật phạt khổ sai những kẻ nào giả mạo giấy bạc do Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam phát ra”. Ngày ngày trẻ em đi học mang theo bình mực xanh hay tím với quản bút dùng ngòi viết sắt làm theo hình bầu hay hình lá tre chấm mực. Tập vở Xích Lô Máy có bảng cửu chương đề là Table de Multiplication nhân từ một lần một là một, hai lần một là hai, tới 12 lần 12 là 144.

Những trường tiểu học quét vôi vàng có trồng cây điệp bông vàng ở sân lâu lâu có chớp bóng những phim cao bồi cỡi ngựa bắn nhau với mọi da đỏ và phim chống muỗi anophen để phòng ngừa sốt rét. Giờ ra chơi mua khoai mì luộc, me ngào hoặc cà rem đậu xanh cắt ra từ những miếng dẹp. Mỗi độ hè về có hoa phượng nở đỏ ven đường. Mùa thu có lá me bay. Những tên đường được đổi từ Catinat, Bonard, và Richaud sang Tự Do, Lê Lợi và Phan Đình Phùng. Những nghệ sĩ di cư sáng tác mạnh. Nhạc thì có Phạm Duy, Phạm Đình Chương. Mai Thảo đã viết những tác phẩm với bối cảnh thời cuộc ở Bắc Việt trong những ngày trước khi vô Nam như Chuyến Tàu Trên Sông Hồng, hoặc Viên Đạn Đồng Chữ Nổi. Vũ Hoàng Chương vẫn nhớ thương cô học trò bé nhỏ của ông ngày xưa khi còn trẻ:

Mươi hàng chữ đơn sơ, ồ ngượng ngập
E dè sao mươi hàng chữ đơn sơ
Màu mực tươi xanh ngát ý mong chờ
Tình hé nụ bừng thơm trong nếp giấy...
Ôi thân mến, nhắc làm chi thuở ấy
Đêm nay đây hồn xế nẻo thu tàn
Khóc chia lìa ai níu gọi than van
Ta chỉ biết nằm nghe tình hấp hối 


Có những nghệ sĩ cải lương di cư ca vọng cổ bằng giọng Bắc rất mùi như Kim Chung và Bích Thuận. Cô đào Kim Chung nổi tiếng đến độ mà từ đoàn Kim Chung sau này đã lên tới Kim Chung 7, Kim Chung 8. Sự phát triển mạnh mẽ của cải lương đã dần đưa bộ môn Hát Bội vào bóng tối . Riêng bộ môn Ca Trù, tức là Hát Cô Đầu của miền Bắc sau di cư thì đã biến mất hoàn toàn . Xóm Khâm Thiên ở Hà Nội cũng đã không còn nữa.

Thanh niên thoải mái mặc “áo chim cò, quần ống túm” chải đầu brillantine bóng mượt và bắt đầu biết lui tới phòng trà nghe nhạc Mambo:
É Măm Bô
Đi ra đi vô é
Là hết năm trăm


 
Khi ca sĩ Túy Phượng lên ngôi Nữ Hoàng Nhạc Twist thì mỗi chiều tối về là trong các xóm nghèo dưới ánh đèn dầu mù mờ có tiếng đàn ghi ta phừng phừng với những ca khúc truyền cảm:
Tôi đi giữa hoàng hôn
khi ánh chiều buông
Khi nắng còn vương
Một mình tôi ngắm cánh chim lạc loài
Mà lòng mình thấy u hoài


hoặc là:
Xuyên lá cành trăng lên lều vải
Lòng đất ấm thương tình đôi mươi
Mộc mạc hơn thì:
Ai đang đi trên đường đê
Tai lắng nghe muôn câu hò đê mê


Hai bản nhạc sau này thông dụng đến độ mà con nít đã sửa lời thành:
Anh hết tiền em đi làm đĩ
Đời con gái bây giờ lưu manh


và:
Ai đang đi trên cầu Bông
Té xuống sông ướt cái quần ny lông


Con nít nhà nghèo dù cơm ăn không có nhiều thịt cá nhưng có rất nhiều trò chơi như đánh khăng đánh đáo tạt hình tạt lon đá cá đá dế thả diều. Con gái thì nhẩy dây, lò cò, đánh đũa. Nếu giai đoạn hòa bình này mà cứ kéo dài mãi thì chắc những trẻ em Việt đã lớn lên với tâm hồn trong sáng không hận thù.


Trong thời gian này, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã thực thi chính sách Cải Cách Ruộng Đất . Để thực hiện chính sách này, ông đã mua đất từ các đại địa chủ bằng công khố phiếu. Dân chúng ở nông thôn bất kỳ là dân miền Nam hoặc Bắc Kỳ di cư đều được chia ruộng. Từ những khu ruộng vườn đó mà mới tạo dựng nên những khu phát triển mới gọi là Khu Trù Mật.

Gia đình Đỗ Văn Quá 72A, một gia đình theo Công Giáo, là một trường hợp điển hình của Khu Trù Mật. Khi mới di cư vào Nam năm 54 thì gia đình Quá ở Hố Nai. Sau khi bị hỏa hoạn mất nhà thì vào năm 56 gia đình Quá được cho đất về Khu Dinh Điền Cái Sắn thuộc tỉnh Rạch Giá. Khu này ở miệt Hậu Giang cách biển khoảng 40 cây số. Gia đình Quá được cấp cho sáu tháng lương thực, ba mẫu đất, cùng với một chiếc xuồng ba lá nhỏ để làm phương tiện di chuyển. Vùng đất này khi đó còn hoang vu đồng không mông quạnh không có trường học hay đường lộ, và những người về đó “phá sơn lâm, đâm hà bá” là những người đi khai phá. Khu Dinh Điền Cái Sắn là một vùng đất trầm thủy chỉ có một giống cây lác mọc chưa cao tới đầu người. Cứ mỗi năm thì nước ngập hết đất đai hàng tháng trời. Trong nhà thì đắp nền cao nên nước không ngập tới, và trong thời gian này mọi người phải rút vào trong nhà. Muỗi ở đây nhiều vô số kể, tối tối nhà nào cũng phải chui vô trong mùng ngồi ăn cơm. Thịt thì không có sẵn nhưng cá thì rất nhiều, chỉ cần đào một cái đìa nho nhỏ đâu đó là cuối năm tát nước bắt những con cá lóc to bằng bắp đùi phải mang trâu bò ra cộ cá về. Bình thường trong năm thì chỉ cần cất một cái vó xép là cá ăn không hết.

 
Sự hiện diện của người Mỹ ở Việt Nam được ghi nhận thoạt tiên qua cái “đèn Hoa Kỳ” và cái “xe Hoa Kỳ”. Những chiếc đèn Hoa Kỳ khi mới đến Việt Nam đã được tặng không. Chiếc đèn ấy dài độ một gang tay, có bình chứa dầu và một ống thủy tinh trên hẹp dưới rộng mà người Nam kêu bằng ống khói hoặc bóng đèn và người Bắc gọi là ống thông phong. Khi dùng thì người ta châm dầu hỏa, tức là dầu hôi, vô bình để cho thấm lên tim đèn, mở bóng châm lửa rồi gắn trở lại. Bấc đèn có thể được điều chỉnh cao thấp bằng một bánh xe vặn cho tim lên xuống. Khi mùa mưa đến, những con mối đâm đầu vào ánh lửa rơi xác vào ngập ống thông phong bốc mùi khét lẹt. Chiếc đèn Hoa Kỳ ngày nay thấy lù mù là thế nhưng so với cây nến hoặc ngọn đèn dầu lạc mà nó thay thế thì nó đã từng là một tiến bộ lớn lao. Nhờ nó mà bao nhiêu nhân tài đã thành người trong mấy thế hệ. Tối tối trong nhà cùng ngồi quanh bàn dưới ánh một cái đèn dầu duy nhất. Cha thì xem báo, mẹ vá thêu, anh chị em thì học bài. Phạm Duy đã ghi lại cảnh này qua mấy câu hát:
Cha tôi ngồi xem báo
bên cây đèn dầu hao
Me tôi ngồi may áo
Ánh mắt có trăng sao


Những chiếc xe Hoa Kỳ thì hiếm hoi hơn. Trước ngày di cư, ở Hải Phòng có nhạc sĩ Đoàn Chuẩn làm chủ một chiếc xe Hoa Kỳ mà ai cũng biết. Ở Sài Gòn sau ngày di cư, chúng đậu dọc theo đường Hàm Nghi trước Kho Bạc và Hotel Catinat chờ người thuê đi rước dâu đám cưới. Những chiếc xe này bắt mắt vì trông chúng rất đồ sộ so với những chiếc Citroen, Simca, Peugeot hoặc xe tắc xi Renault của Pháp. Thật ra thì Hoa Kỳ không có bán được cho dân Việt được mấy chiếc xe hơi mới. Những chiếc xe Hoa Kỳ mà dân Việt làm chủ đa số là do những người Mỹ trong phái đoàn ngoại giao làm việc ở Việt Nam mang sang dùng cũ rồi bán lại.

Thời gian vui mừng của người dân chưa kéo dài được bao lâu thì du kích cộng sản bắt đầu khuấy rối ngay ngoại ô mạn Bắc Sàigòn vào đầu năm 58. Vào tháng 12/60 thì Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ra đời sau một trận tấn công lớn ở Tây Ninh. Trong tập thể này đã có nhiều nhà trí thức tham gia vì bất mãn để rồi bị chính quyền miền Bắc cô lập sau đó một cách tinh vi.

Vào giữa năm 61, phi hành gia Yuri Gagarin của Nga và Alan Shepard của Mỹ đã lên được quỹ đạo của trái đất trong không khí phấn khởi của mọi người. Dù ai cũng biết rằng Nga và Mỹ đang chạy đua vũ khí và tranh giành ngôi bá chủ, nhưng sự tiến bộ của khoa học trong bước đầu chinh phục không gian của nhân loại đã mang đến nỗi vui mừng. Trong khi đó thì tháng 9 Cộng quân đã tấn công nhiều nơi ở tỉnh Kontum, và vào tháng 11, Tổng Thống Kennedy đã tăng gia viện trợ quân sự cho miền Nam nhưng chưa có lính tác chiến Mỹ tham gia vào cuộc chiến.

Tháng 2/62 thì chính sách Ấp Chiến Lược ra đời. Chung quanh vòng đai Ấp Chiến Lược có đào hào cắm chông. Không như các Khu Trù Mật trước đó, sau khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa chấm dứt thì các Ấp Chiến Lược hoàn toàn tan rã.

Tháng 4/63 là lúc khởi đầu chương trình Chiêu Hồi. Tháng 5/63 đồng bào Phật tử xuống đường ở Huế vì các cơ quan võ trang của chính phủ ngăn chặn họ mừng ngày Phật Đản. Vào ngày 11/6, Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ở Sàigòn. Bức hình ông ngồi xếp bằng trong đám lửa xăng đang cuồn cuộn cháy đã được đăng trên trang đầu của báo chí khắp nơi làm chấn động dư luận thế giới.

Trong chín năm của thời Đệ Nhất Cộng Hòa đã có tới ba lần đảo chánh. Ngày 11/11/60, một cuộc đảo chánh của quân đội đã không thành công. Ngày 27/2/62 (26/2???) Trung Úy Phạm Phú Quốc và Chuẩn Úy Nguyễn Văn Cử đã dội bom dinh Độc Lập. Ngày 1/11/63 dinh Gia Long đã bị oanh tạc bởi phi cơ của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa. Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Cố Vấn Ngô Đình Nhu đã chết vì bị ám hại sau khi vụ đảo chánh thứ ba này đã thành công, và nền Đệ Nhất Cộng Hòa đã chấm dứt sau chín năm. Trong cùng tháng đó, Tổng Thống John F. Kennedy đã bị ám sát ở Dallas, Texas.

Sau cuộc đảo chánh 63 không lâu thì Nguyễn Hữu Thọ của Mặt Trận Giải Phóng đã tuyên bố với báo chí Úc rằng đó là một ân huệ trời cho với họ, vì những người cầm đầu lực lượng an ninh của miền Nam đã bị thay thế hay xuống chức. Vào giữa năm 64, trong khi các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa đang tranh chấp, tình thế an ninh càng ngày càng suy kém, để cho bọn cộng sản nằm vùng tự do hoạt động hơn ở các nội thành, nhất là Sàigòn. Ở các ngoại thành thì quân của Mặt Trận Giải Phóng di chuyển dễ dàng và đã tấn công vào các địa điểm trọng yếu của phía bên ta.

 
Cùng trong năm 64, tướng William Westmoreland đã sang Việt Nam. Brigitte Bardot của Pháp đã nhường bước cho Marilyn Monroe của Mỹ. Phim cao bồi đánh nhau với mọi da đỏ được chiếu cho bà con coi khỏi trả tiền ở các trường tiểu học cùng với các phim chỉ cách diệt muỗi anophen trừ sốt rét. Các thanh niên mặc quần ống túm áo chim cò và chải đầu bằng brillantine bóng bị các bà già chửi là “đồ cao bồi du đãng”. Với các cụ thì hình ảnh những anh chăn bò lấc cấc trên màn bạc coi không mấy dễ ưa.

Trong khi tình hình miền Nam rối ren với tướng Nguyễn Khánh lật đổ tướng Dương Văn Minh vào đầu năm 64 thì vào đầu tháng 8/64 người Mỹ đã tuyên bố rằng hai chiếc khu trục hạm của họ đã bị tàu Bắc Việt tấn công . Để trả đũa, Đệ Thất Hạm Đội đã tấn công các căn cứ quân sự Bắc Việt. Cuối năm 64 và đầu năm 65 Cộng quân đã khủng bố các cơ quan quân sự Mỹ ở Sàigòn, Pleiku, và Qui Nhơn.

Vào thời điểm này thì những chàng trai 72A đang lớn. Họ bắt đầu biết say mê giọng ca Thanh Tuyền trong Nỗi Buồn Hoa Phượng:
Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn
Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương


hoặc Thanh Thúy trong Tàu Đêm Năm Cũ:
Trời đêm dần tàn,
tôi đến sân ga đưa tiễn người trai đi về ngàn


cũng như Phương Dung trong Nỗi Buồn Gác Trọ:
Gác trọ về khuya cơn gió lùa
Trăng gầy ngiêng bóng cài song thưa


Từ tháng giêng năm 65 lính Nam Hàn đã sang miền Nam. Từ tháng 3 là Mỹ dội bom Bắc Việt và đưa lính tác chiến sang. Sau đó là lính Phi, Thái, Tân Tây Lan, Úc Đại Lợi. Trong tháng 11 là những cuộc biểu tình phản chiến đã lan rộng khắp nước Mỹ. Con số lính Mỹ tăng dần cho đến cuối năm 68 thì đã lên tới con số cao nhất là 536.100 người.

Sau khi tướng Nguyễn Khánh đi lưu vong vào tháng 1/65, vào tháng 6 thì Hội Đồng Lãnh Đạo Quốc Gia do Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu cầm đầu đã bổ nhiệm Thiếu Tướng Tư Lệnh Không Quân Nguyễn Cao Kỳ làm thủ tướng. Sau đó thì Nguyễn Văn Thiệu đã được bầu làm Tổng Thống thứ nhì của Việt Nam Cộng Hòa trong cùng liên danh với Nguyễn Cao Kỳ, nhậm chức vào năm 67. Vào năm 71, Nguyễn Văn Thiệu đã tiếp tục nhiệm kỳ hai với Phó Tổng Thống Trần Văn Hương sau một cuộc bầu cử không có liên danh đối lập .

 
Vào tết Mậu Thân, ngày 1/2/68, một nhiếp ảnh gia của Thông Tấn Xã Hoa Kỳ tên là Eddie Adams đã chụp được tấm ảnh Chuẩn Tướng Cảnh Sát Nguyễn Ngọc Loan xử tử một tù binh Việt cộng đang bị trói tên là Bảy Lúp. Khi tấm ảnh này chạy trên những trang báo với tít lớn ở hậu phương nước Mỹ, người dân Mỹ đã nêu lên một câu hỏi cho chính phủ Hoa Kỳ rằng “Đây có phải là cái dân chủ tự do mà chúng ta đang bảo vệ hay không? ” Ít có ai có thì giờ tìm biết sự thật bên dưới rằng ông Loan đã bắn tên tù binh đó vì hắn là một đại úy Việt Cộng vừa mới giết cả một gia đình của một cảnh sát viên. Khi hiểu ra sự thật đó, chính Eddie Adams đã khóc trong ngày ông Loan mất vì những thiệt hại mà tấm ảnh đã mang đến cho ông ta vào lúc sinh thời.

Đầu năm 68 nhằm tết Mậu Thân cộng quân đã tấn công khắp nơi trên lãnh thổ Nam Việt từ ngày 30/1/68 cho tới hết tháng 2/68. Sau biến cố Mậu Thân thì các thanh niên phải tham gia Nhân Dân Tự Vệ để tối tối đi gác cũng như trước kia thanh niên phải vào Dân Vệ dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Những chàng trai của 72A đã từ giã tuổi thơ ngây để đi lấy Lược Giải Cá Nhân. Họ thao thức khi nghe những bài hát nói lên tâm trạng của người trai thời loạn những bài hát báo hiệu cho những gì đang chờ họ. Một thí dụ là bài Biển Mặn của Trần Thiện Thanh sáng tác và Nhật Trường trình bày:
Tôi thức từng đêm,
thơ ấu mà nghe muối pha trong lòng
Mẹ là mẹ trùng dương,
gào than từ bãi trước ghềnh sau
Tuổi đời qua mau,
nước biển mặn nuôi lớn khôn tôi
nên năm hăm mốt tuổi
tôi đi vào quân đội
mà lòng mình chưa hề yêu ai

hoặc Những Ngày Xưa Thân Ái do Duy Khánh hát:
Những ngày xưa thân ái
Anh gửi lại cho ai?
Trăng mùa thu lên cao
Bóng dừa xanh lao xao
Anh cùng tôi trốn ngủ
Ra ngồi xem lá đổ

 
Vui hơn thì có Hùng Cường và Mai Lệ Huyền trong các bài ngợi ca đời lính:
Anh là lính đa tình
Tình non sông rất nặng
Tình hải hồ ôm mộng
Tình vũ trụ ngát xanh


Văn nghệ ở miền Nam lúc này phát triển mạnh. Các bài ca tân cổ giao duyên trở thành quen thuộc. Mỗi sáng thứ bảy có đại nhạc hội tuyển lựa ca sĩ ở rạp Quốc Thanh qua đủ ba kỳ phúc khảo bán kết chung kết. Mỗi tuần một lần có chương trình ngâm thơ Tao Đàn do thi sĩ Đinh Hùng sáng lập với giọng ngâm bất hủ của Hồ Điệp . Trong chương trình Tiếng Tơ Đồng có các giọng ca Mai Hương, Thái Thanh người ta đã nghe lại được bài hát tân nhạc đầu tiên của Việt Nam do Thẩm Oánh sáng tác:


Đôi oanh vàng
Trong mây bạc
Say sưa tạt sang đồi
Tìm tổ ấm sánh đôi


Trong địa hạt thơ, những thi sĩ mới đã tách rời những thể thơ Đường luật. Phạm Công Thiện trong thể thơ tự do trong toàn tập Ngày Sanh Của Rắn không có chữ nào viết hoa:


bây giờ anh xa hương tới mấy đại dương xanh
mấy phương trời cỏ mọc
mấy phương trời hương khóc
Trần Dạ Từ da diết hơn với:
Thuở làm thơ yêu em
Trời mưa không ướt áo
Hoa cúc vàng chân thềm
Gió mây giăng bờ dậu


Bùi Giáng với khả năng dùng chữ trác tuyệt đã cho ra đời những câu thơ rất lạ như:
Em về giũ áo mù sa
Trút quần phong nhụy cho tà huy bay 


hoặc là:
Quần sẽ đỏ từ khi trăng là nguyệt
Kinh là kỳ từ phố quận tân toan
Bạo dạn hơn nữa là Nguyễn Đức Sơn với:
Năm mười bốn có lần anh ngó thấy
Em ở truồng ngoe nguẩy cuối vườn trăng
Khắp bầu trời ướp mượt cả lông măng
Em chưa đái mà hồn anh đã ướt


Nhiều bài thơ hay đã được Phạm Duy phổ nhạc, tỷ dụ như những câu sau của Cung Trầm Tưởng
Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa Đông Paris
Suốt đời làm chia ly 


Đây là lúc mà truyện Trung Hoa hiện đại đang trở thành phổ thông. Những bộ Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, Tây Du Ký, Thủy Hử bây giờ được thay thế bằng Mùa Thu Lá Bay của Quỳnh Dao hoặc Anh Hùng Xạ Điêu của Kim Dung. Tiểu thuyết Nhật như Ngàn Cánh Hạc của Kuwabata hoặc Kim Các Tự của Mishima cũng đã được chào đón nồng nhiệt trong giới sinh viên. Herman Hesse với Câu Chuyện Giòng Sông hoặc Erich Maria Remarque trong Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh. Tập san Văn đã góp phần cho ra đời nhiều bản dịch như Mặt Trời Mù của nhà văn Ý Đại Lợi Malaparte mà trong đó khi một viên đại úy pháo binh đứng nhìn ra cửa sổ căn buồng khách sạn đã nhìn thấy “ngọn Bạch Sơn ánh thép chém loang loáng”, và khi cô bồi phòng lách người đi ra thì ông đã thấy “khuỷu tay chàng vú chạm mềm vào.” Chân Dung Nàng Thơ dịch từ tiếng Pháp, cho đến những tác phẩm có mầu sắc chính trị lịch sử như Niki Truyện Con Chó dịch từ tiếng Hung Gia Lợi, hoặc Bác Sĩ Zhivago của Nga.

Vào cuối thập niên 60, ảnh hưởng của Pháp đã phai mờ lắm rồi. Sylvie Vartan với mái tóc ngắn trong Ce Soir Je Serais La Plus Belle Pour Aller Danser trên màn ảnh truyền hình đen trắng trông vẫn bắt mắt, nhưng không bằng Thanh Lan với đôi mắt to nửa ngây thơ nửa dạn dĩ. Không có thẻ hội viên để vào Cercle Sportif bơi thì ta đi hồ Nguyễn Bỉnh Khiêm để sau đó còn ăn bánh mì kẹp thịt nướng. Không được vào Trung Tâm Văn Hóa Pháp xem phim Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà thì ta ra rạp coi phim có phụ đề Việt Ngữ của các tài tử Mỹ Anthony Quinn, Yul Brynner, hoặc Charles Bronson đóng. Không xem BB thì ta coi tạm CC, MM , hoặc Sophia Loren cũng đỡ ghiền.


Với cái vô tuyến truyền hình là những vở thoại kịch do Túy Hồng, La Thoại Tân, Thẩm Thúy Hằng, và Kim Cương đóng. Riết rồi hết đề tài để giữ chương trình hàng tuần, người ta bắt đầu cho ra những vở kịch dài, như là vở kịch ma Người Về Lúc Không Giờ.
Khi anh em bắt đầu vô trung học là bắt đầu được mấy thằng bạn lớn hơn chuyền tay cho đọc tập Bẩy Đêm Khoái Lạc quay ronéo mực tím. Truyện viết dù không táo bạo nhưng có những chữ rất tượng hình như kiểu “vác cày qua núi”, “bà già ôm thúng”, hoặc là “bà kia xay bột” gợi cho những bộ óc còn non nớt những khung cảnh rất huyền ảo say sưa. Những tấm hình đen trắng chụp đi chụp lại nhiều lần mờ mịt mỗi tấm một người đàn bà trẻ trong tư thế sẵn sàng và rất gần gũi thiên nhiên làm điêu đứng những tâm hồn non trẻ.

Về phần thể thao thì có trực tiếp truyền thanh các trận túc cầu vào chiều thứ bẩy. Những cái tên cầu thủ như Rạng, Tam Lang trở thành quen thuộc. Viện Nhu Đạo Quang Trung với Thượng Tọa Thích Tâm Giác ngày càng đông võ sinh, trong khi các trường dạy Thái Cực Đạo được mở ra khắp nơi. Trường Đua Phú Thọ hàng tuần vẫn đông nghẹt khán giả, và những vụ cáp độ vẫn xẩy ra sôi nổi.

Trong thời gian đó, mỗi năm vào dịp Giáng Sinh đi qua những vùng đông người Bắc di cư, những biểu ngữ:
Sáng danh Chúa Cả trên trời
Bằng an dưới thế cho người thiện tâm
đã được thay bằng những chữ nhiều vần bằng hơn:
Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người thiện tâm


Gần chợ Bến Thành, nơi trưng bày đầy những tấm biển quảng cáo kem đánh răng Anh Chà Hynos và Leyna Kem Trắng Chỉ Hồng, mỗi tháng sáu người ta lại thấy chăng biểu ngữ:
Hai mươi tháng bẩy năm tư,
Giặc Hồ chia rẽ cơ đồ Việt Nam. 


Lên trung học thì học sinh không còn dùng viết chấm mực mà dùng viết máy bơm mực hiệu Pilot hoặc Parker.


Có lẽ nhờ sự cố vấn của người Mỹ về các đặc tính của nền dân chủ mà người ta thấy có nhiều thay đổi. Câu “Kinh Thượng Một Nhà” trở nên quen thuộc. Các ứng cử viên thượng và hạ nghị viện lên vô tuyến truyền hình tranh cử rầm rộ, nhiều người nói tiếng Việt không rành. Nhờ tự do ngôn luận phỏng theo gương của Mỹ mà báo cứ ra như nấm. Thích chửi thì đọc Con Ong. Muốn đọc những bài trung thực hơn hoặc muốn xem rao vặt thì có Chính Luận. Vài tờ báo bị đục trắng loang lổ. Chương trình Hữu Sản Hóa Đồng Bào Vô Sản cũng như Người Cày Có Ruộng đã thêm vào đường phố những chiếc xa Lam 3 bánh có hai băng ghế sau mà trên nguyên tắc mỗi bên ngồi được bốn người, mà trên thực tế thì chở năm, kèm theo hai người ngồi ké hai bên tài xế làm cho xích lô máy và xích lô đạp bị ế. Xe ô tô buýt của Công Quản Chuyên Chở Công Cộng Đô Thành thì ít người đi hơn vì chờ lâu và lên xuống bất tiện. Những chiếc xe thổ mộ quang gánh chất đầy mui được kéo bởi những con ngựa gầy gò cũng dần dà ít thấy. Trong năm 67 loạt đầu của những chiếc xe Honda dame đỏ và Vespa đã được bán cho công chức với giá rẻ. Những chiếc Goebel, Mobylette, Puch ba đèn, và Velosolex bắt đầu bị sa thải. Mỗi lần đi xem chớp bóng là phải xem phim quảng cáo xe Suzuki “an toàn trên xa lộ, thanh lịch trong thành phố, tiện lợi khi vào ngõ hẹp” hoặc “hôm nay tôi ra đường nhiều người nhòm ngó tôi bởi vì tôi đeo chiếc đồng hồ Seiko mắt diều hâu”.
Về phía bên kia bán cầu, từ khi Tổng Thống Kennedy mất thì lời hứa thực thi công bằng xã hội để dựng xây một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi công dân trên toàn cầu đã đi vào quên lãng. Sau vụ thảm sát Mỹ Lai xẩy ra vào giữa tháng 3/68, cuộc họp đầu tiên giữa Harriman và Xuân Thủy đã diễn ra ở Hòa Đàm Ba Lê vào ngày 10/5. Hòa đàm kéo dài cho đến ngày 15/12/69 thì Nixon tuyên bố sẽ rút là sẽ rút bớt một phần ba quân số tại Việt Nam cho đến ngày 15/3/70.

Không lâu sau khi Nixon tự hào rằng phi hành gia Neil Armstrong đã lên tới mặt trăng trong năm đầu tiên ông nhậm chức thì vào tháng 5/70, Vệ Binh Quốc Gia Hoa Kỳ đã nổ súng vào những sinh viên của đại học Ken State đang biểu tình chống chiến tranh Việt Nam làm cho bốn sinh viên bị thiệt mạng. Biến cố này đã làm cho những người Hoa Kỳ ít quan tâm tới chính trị nay cũng lên tiếng phản đối chính phủ. Cùng với sự leo thang của những cuộc biểu tình phản chiến kéo dài sang năm 71 thì Nixon đã thông thương với Trung Cộng. Năm 72, khi Kissinger và Nixon hòa đàm với Nga và viếng thăm Mao Trạch Đông ở Hoa Lục thì ngày 1/5/72 Quảng Trị mất cho đến ngày 16/9 mới chiếm lại được.

Ngày 27/1/73 Hiệp Định Ba Lê đã được ký kết và chiến tranh Việt Nam đã coi như là chấm dứt. Khi nghe tin này loan báo qua radio, anh em 72A reo hò vui mừng trong khắp các barracks trong khi minigun vẫn bắn như bò kêu trong khu Đồng Bò. Sau đó, quân đội Mỹ đã tiếp tục rút khỏi Việt Nam theo hiệp định, và đến ngày 22/3/73, người lính Mỹ cuối cùng mới rời khỏi Việt Nam.

Dù hòa ước đã được ký kết nhưng quân Cộng Sản vẫn tiếp tục cuộc chiến xâm lược. Ngày 27/1/74, tức là đúng một năm sau khi hòa ước Ba Lê được ký kết, miền Nam lên tiếng công bố rằng 13.778 quân nhân và 2.159 thường dân đã chết dưới tay Cộng Quân trong một năm qua.

Ngày 21/4/75, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Phó Tổng Thống Trần Văn Hương lên thay. Ngày 28/4/75 ông Hương nhường chức lại cho Đại Tướng Dương Văn Minh. Ngày 30/4 lính Bắc Việt vào Sàigòn, và ông Minh tuyên bố đầu hàng.

(Trích từ quyển Không Gian Hằn Nỗi Nhớ)


No comments:

Post a Comment