Cuối năm 1975, đoàn Thanh Minh tái thành lập đã giới thiệu năm cô đào xuân sắc trong vở tuồng Tiếng Trống Mê Linh, làm chấn động cả giới khán giả mới từ các miền đất nước đổ về để thưởng ngoạn nghệ thuật sân khấu của Saigon cũ: Thanh Nga, nữ hoàng sân khấu trong vai Trưng Trắc, Hà Mỹ Xuân, một ngôi sao trẻ trong vai Trưng Nhị, Bích Sơn, huy chương vàng giải thanh tâm năm 1960, trong vai nữ tướng Thánh Thiên, Ngọc Nuôi, một nhan sắc trường cữu trong vai nữ tướng Lê Chân và Kim Hương một tài năng mới trong vai nàng Tía.
Cạnh bên nữ nghệ sĩ Thanh Nga thinh sắc tuyệt vời, Hà Mỹ Xuân cũng đẹp sắc sảo đến nổi một khán giả miền Bắc mới được vào Saigon coi hát cải lương, ông ta mượn mấy câu Kiều để khen Thanh Nga và Hà Mỹ Xuân :
Đầu lòng hai ả Tố Nga,
Thanh Nga là chị, em Hà Mỹ Xuân,
Mai cốt cách, tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười.
Giọng ca đầy sức sống
Nữ nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân có một giọng ca mạnh mẽ, đầy sức sống và không kém phần quyến rũ, lúc đó, Hà Mỹ Xuân là một diễn viên mới đối với sân khấu cải lương Saigon, nhưng thực ra cô là diễn viên nổi tiếng nhiều năm trước ở các đoàn hát ở tỉnh Hậu Giang.
Hà Mỹ Xuân tên thật Nguyễn thị Xuân, sanh năm 1952 tại Long Xuyên, cha tên Nguyễn Thành Long, một nghệ nhân đờn ca tài tử và mẹ là bà Nguyễn Thị Tâm. Ông Long và bà Tâm quê quán chính là ở xã Vị Thanh - Chương Thiện, tỉnh Cần thơ, nhưng vì có chiến tranh Việt Pháp, ông bà đã phải nhiều lần tản cư, khi ông bà về ở tỉnh Long Xuyên, ông bà tìm được một nơi yên ổn để sinh sống. Tại Long Xuyên, ông bà sanh được ba người con và cả ba đều trở thành những nghệ sĩ tài danh.
Người con trai lớn tên Nguyễn Ngọc Chiếu, sanh năm 1947, người con gái kế là Nguyễn Thị Thu Hà, sanh năm 1949 được hai nghệ sĩ Kim Hoàng - Như Mai đặt cho nghệ danh là Thanh Điền và Hà Mỹ Liên khi hai bạn trẻ nầy đi hát cho đoàn cải lương Kim Hoàng Như Mai năm 1960.
Nghệ sĩ danh ca Ngọc Ẩn và vợ là nữ nghệ sĩ Kim Trâm là những người thầy đầu tiên dạy cho Thanh Điền, Hà Mỹ Liên và Hà Mỹ Xuân ca cổ nhạc và hướng dẫn các nghệ sĩ trẻ nầy diễn xuất trên sân khấu. Năm 1962, đoàn hát Kim Hoàng – Như Mai rã gánh, Thanh Điền, Hà Mỹ Liên, Hà Mỹ Xuân gia nhập đoàn hát Bạch Vân – Út Hậu, sau đó lần lượt gia nhập các đoàn hát Thủ Đô, Trăng Mùa Thu và Kim Chung.
Năm 1972, ba ngôi sao cải lương trẻ Thanh Điền, Hà Mỹ Liên và Hà Mỹ Xuân thành lập gánh hát lấy tên là đoàn hát Xuân Liên Hoa, mời Dũng Thanh Lâm làm kép chánh hát với đào chánh Thanh Kim Huệ. Thanh Kim Huệ sau là vợ của nghệ sĩ Thanh Điền, cả hai trở thành những diễn viên nổi tiếng trên nhiều lãnh vực nghệ thuật sân khấu sau năm 1975.
Năm 1975, đoàn hát Xuân Liên Hoa cũng như tất cả các đoàn hát cải lương ở miền Nam vào thời đó đều bị giải tán. Sau vài tháng vận động, đoàn Xuân Liên Hoa được tổ chức lại và lưu diễn ở miền Hậu Giang.
Nhưng chỉ vài tháng sau, đoàn hát Xuân Liên Hoa được Sở Văn Hóa Thông Tin gọi về thành phố, đoàn hát bị giải tán lần nữa. Thanh Điền được đưa vào hát cho đoàn cải lương Saigon 3, Hà Mỹ Xuân được đưa về hát cho đoàn Thanh Minh. Hà Mỹ Liên vì có chồng là người Pháp nên cô theo chồng hồi hương về Pháp năm 1976.
Nghệ sĩ hạng A
Hà Mỹ Xuân là một nữ diễn viên có ưu thế về nhan sắc và giọng ca, thêm vào đó cô có những động tác múa võ, cầm kiếm gọn gàng, thể hiện oai phong dũng mãnh khi cô thủ diễn các vở tuồng ăn mặc theo cổ trang. Hà Mỹ Xuân xuất sắc trong các tuồng Tiếng Trống Mê Linh, Bên Cầu Dệt Lụa, Bài Thơ trên Cánh Diều bên cạnh một Thanh Nga kiều diểm.
Sau năm 1975, theo quy định của chánh quyền mới, những nghệ sĩ danh ca, đào kép chánh được định là nghệ sĩ hạng A, lãnh lương10 đồng một suất hát. Những nghệ sĩ hạng B gồm có những đào kép phụ, vũ nữ, vệ sĩ, soạn giả và các anh công nhân sân khấu thì mỗi suất diễn được lãnh 5 đồng mỗi người.
Nghệ sĩ đào kép chánh thấy tiền lương quy định như vậy là bất công đối với họ, những người mang lợi nhuận cho gánh hát. Khán giả đến xem đào kép chánh hát chớ đâu phải để xem các anh công nhân dọn cảnh trí, nhưng nghệ sĩ chưa dám có ý kiến vì nếu nói ra, họ sẽ bị chụp mũ là phản động. Vì vậy họ chịu đựng vài năm đầu, sau đó họ lén đi hát chầu cho các đoàn hát tỉnh với một số lương cao hơn gấp trăm gấp ngàn lần số lương chết đói đó.
Có diễn viên xuống tỉnh lập gánh hát như bầu Quới, bầu hề Sa, bầu Hai Néo; bầu Xuân, nữ nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân cũng xuống tỉnh Mỹ tho lập gánh hát cải lương với bảng hiệu là đoàn hát TIền Giang. Nhưng rồi vài năm sau, các gánh hát của nghệ sĩ đứng ra thành lập bị nhà nước lấy mất quyền làm chủ dưới hình thức là tập thể hóa gánh hát. Người chủ gánh hát trở thành nhơn viên của đoàn hát, cán bộ do nhà nước đưa tới thành trưởng đoàn gánh hát.
Trưởng đoàn là một danh xưng mới chớ thực chất là chủ gánh hát tập thể đó là nhà nước. Bà bầu Thanh Minh, ông Minh Tơ gánh hát tuồng cổ Minh Tơ, bà Bảy Hương gánh Huỳnh Long và Hà Mỹ Xuân, bầu Quới, bầu Sa đều lâm vào cảnh mất của trắng tay, số tài sản và công sức đã bỏ ra cho gánh hát đã thuộc về « tập thể » tức là thuộc về nhà nước quản lý. Các nghệ sĩ Thanh Bạch, Bạch Lê và Hà Mỹ Xuân bỏ nước vượt biên chính là vì nguyên cớ nầy.
Tôi có dịp gặp Hà Mỹ Xuân trên đất Pháp. Phải nói là Hà Mỹ Xuân có một sức phấn đấu bền bỉ và kiên cường đáng mến phục. Vượt biên bằng đường bộ, đi xuyên rừng rậm nước Cao Miên, đương đầu với biết bao cảnh khó khăn nguy hiểm, khi đến bến bờ tự do, Hà Mỹ Xuân cố gắng không ngừng trong việc học tiếng nước người, học một nghề mới, thay đổi mọi thói quen để hội nhập với một xã hội mới của nước Âu Tây.
Thành đạt trong cuộc sống riêng lẫn nghệ thuật
Hà Mỹ Xuân hành nghề thợ may, thợ luông cravate, mở tiệm bán thức ăn nhanh để ổn định cuộc sống và tham gia những show hát cải lương của nhóm nghệ sĩ Hữu Phước, Minh Đức, Kiều Lệ Mai vào những ngày cuối tuần để đở nhớ nghề.
Như một con ong siêng năng cần mẫn, hút nhụy hoa tích lủy mật và xây tổ ong, Hà Mỹ Xuân đã thành đạt vẻ vang trong cuộc sống riêng và cuộc đời nghệ thuật của cô.
Về nghệ thuật, ngoài những suất hát cải lương mà Hà Mỹ Xuân và Hà Mỹ Liên cộng tác với nhóm nghệ sĩ Minh Đức, Kiều Lệ Mai, Lý Kim Thành, Kim Chi, Minh Thanh, Trần Nghĩa Hiệp, Bạch Nhân Trang, Quốc Hương, nữ nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân còn hợp tác với các nghệ sĩ Pháp thực hiện những show hát lấy tên là « « Chanson de geste Cai Luong », hát về truyện Kiều. Chương trình diễn cho các học sinh Pháp các học đường lấy tên Nẻo Đường Kiều. ( Aux entrailles de la tendre fleur déchirée ) Nổi lòng đòi đoạn của một đóa hoa tan tác. Diễn có dẫn giải bằng tiếng Pháp.
Nhóm nghệ sĩ nầy có 12 người, trong đó có 3 nữ nghệ sĩ VIệt Nam, Hà Mỹ Xuân đã bỏ công tập cho người bạn diễn Pháp để thể hiện những trích đoạn Kiều, lúc đầu bạn diễn người Pháp đó « hát nhép » theo dĩa về Truyện Kiều, Hà Mỹ Xuân cũng phải học lời dẫn giải bằng tiếng Pháp để đáp ứng khi giao lưu với khán giả.
Được một cái may mắn là có chị Hà Mỹ Liên, có chồng Pháp từ năm 1965, qua định cư tại Phas từ năm 1976, cô Hà Mỹ Liên cũng là một diễn viên cải lương tài danh, nói tiếng Pháp như người Pháp chính cống, Hà Mỹ Liên đã tirếp tay với Hà Mỹ Xuân trong lúc tiếp chuyện với khán giả Pháp.
Hà Mỹ Xuân cho biết chương trình diễn Chanson de geste Cailuong có tiếng vang lớn, báo chí Pháp phỏng vấn, đăng tin và ngợi khen nhưng phải tốn thật nhiều công phu chuẩn bị, tập luyện. Vì yêu nghề mà Hà Mỹ Xuân muốn mở ra một lối hoạt động mới của cải lương, thu hút thêm một thành phần khán giả mới.
Hà Mỹ Xuân cũng thực hiện được băng cassettes và CD Tiếng hát Hà Mỹ Xuân, những đĩa CD nầy được giới mộ điệu cải lương ở Paris rất thích và được bán ra rất nhiều.
Hà Mỹ Xuân làm chủ một tiệm bán thức ăn Việt Nam, bảng hiệu Restaurant Hà Mỹ Xuân. Plats cuisinés traditionnels Vietnamiens ở số 106, đường Blomet Paris. Vào những giờ cao điểm, Hà Mỹ Xuân, Hà Mỹ Liên và hai người giúp việc làm không hở tay.
Về gia đình thì tôi được biết là chồng của Hà Mỹ Xuân là anh Phạm Văn Bình, làm chủ một chiếc xe taxi, anh tự lái taxi, cuộc sống tiền bạc thu nhập dồi dào như trường hợp của nghệ sĩ Minh Tâm.
Hà Mỹ Xuân và anh Bình cho biết là hai anh chị có mua đất và xây một ngôi biệt thự rất sang trọng ở VIệt Nam. Hai anh chị có cho chúng tôi xem ảnh chụp ngôi biệt thự với những phòng ốc được trang trí như biệt thự ở Pháp hay các nước Âu Mỹ, đẹp và sang trọng. Nguyện vọng của hai anh chị là hiện nay ráng làm ăn, tích lủy tiền bạc, vốn liếng để khi hưu, anh chị có thể sống hạnh phúc trong ngôi biệt thự đó.
SG Nguyễn Phương
No comments:
Post a Comment